NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NƯỚC CHẢY DƯỚI CHÂN CẦU- Chương 12, Phần 5

( 12-08-2017 - 05:00 AM ) - Lượt xem: 1148

Điều đáng ngạc nhiên là tôi, một đoàn viên ngoài đảng, lại được mời dự Đại hội cùng các đảng viên trong chi bộ. Mấy hôm sau, khi có đồng chí đưa môt bản mẫu Lý lịch và bảo tôi khai vào đó để nộp cho chi bộ, tôi mới biết rằng mình đã được công nhận là “cảm tình đảng”, nên được mời dự đại hội để làm quen với sinh hoạt Đảng

5. Chiếc xe đạp mới

 

 Sau lễ Quốc tang, giáo viên toàn trường tập trung tại phòng họp để học tập Di chúc của Hồ Chủ tịch. Tất cả mọi người đều đeo băng tang trên ngực áo, ngồi nghiêm chỉnh nghe Bí thư Chi bộ Kim Ngọc Liên đọc toàn văn Di chúc do Đảng công bố. Tiếp đó là cuộc thảo luận về chương trình hành động làm theo lời Bác, tập trung vào nội dung phong trào “Ba xây-Ba chống” để làm cho Đảng ta trở nên trong sạch. Phong trào này do đích thân Bác Hồ phát động từ lâu nhưng không thu được kết quả nào. Nay, trong không khí xúc động của tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào lại được xới lên với hy vọng về lòng thương tiếc đối với Bác sẽ giúp cho mọi người quyết tâm hơn trong việc chống tham ô-lãng phí-quan liêu để xứng đáng với Bác hơn. “Đợt này mà phong trào không thành công thì chẳng còn cơ hội nào khác nữa!”- đồng chí Bí thư Chi bộ kết luận. Chính là trong đợt  này mà tôi được biết cảm xúc của Bút Tre đối với Bác:

 

Tin đâu như sét đánh ngang:

Bác Hồ đang sống chuyển sang từ trần!

 

Và biết thêm một câu ca dao truyền tụng trong dân gian về Đảng-Bác sau tang lễ:

 

Đảng là mẹ-Bác là cha

Từ khi Bác mất, Đảng ta góa chồng!

 

 Do phải dành thời gian cho tang lễ Bác Hồ, mãi đến ngày 15-9 trường tôi mới khai giảng năm học 1969-1970 bằng một buổi lễ giản dị trong giờ chào cờ đầu tuần ngay tại sân trường. Học sinh toàn trường đứng xếp hàng theo từng khối lớp hướng về phía Quốc kỳ và những hàng ghế dành cho giáo viên, để nghe thầy Hiệu trưởng phát biểu chào mừng năm học mới qua chiếc micro đặt trên bàn. Tiếp đó, lần lượt mỗi thầy cô mới về trường đứng dậy để ra mắt và tự giới thiệu ngắn gọn về mình mà không cần đến micro. Thầy Nguyễn Hữu Quỳnh (từ trường PTC3 Hùng Vương về) có tầm vóc thấp nhỏ nhưng tiếng nói mạnh mẽ và thầy Lê Văn Long (từ trường PTC3 Đồng Quế về) có thân thể cường tráng như một lực sĩ với giọng nói nhỏ nhẹ đã có màn ra mắt ấn tượng, được học sinh hoan hô nhiệt liệt. Chính tôi cũng ghi nhận những ấn tượng rất tốt đẹp với hai anh để khởi đầu một tình bạn thắm thiết và lâu bền giữa ba người chúng tôi.

Rất đông học sinh mới nhập học vào trường trong năm học này. Có tới  4 lớp 8 (A,B,C,D) bao gồm 200 học sinh mới: các nam sinh Nguyễn Phương An , Phạm Văn Bái, Bùi Văn Bình, Hoàng Anh Châu (em trai của Hoàng Phương Nga ở lớp trên, tức là con ông Chủ tịch tỉnh Hoàng Quy), Nguyễn Mạnh Đạt (cháu bà Thụy An từ Hà Nội chuyển đến), Đinh Tiến Hà, Cao Xuân Hải, Phan Công Hòa, Nguyễn Xuân Hậu, Nguyễn Phương Hiền, Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Văn Hùng, Lương Tùng Lâm, Nguyễn Ngọc Long (em trai Nguyễn Thị Lân ở lớp trên), Nguyễn Đức Mười, Lưu Tiến Phẩm, Đỗ Đình Việt, Trần Đăng Tuyến (con trai thầy Trần Ngọc Điện), Lê Đức Vinh, Đỗ Đình Việt, Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Văn Vỵ…; và các nữ sinh Nguyễn Ngọc Ánh, Nguyễn Thị Bính, Thu Hà, Lê Thị Hồng, Hoàng Thị Hồng, Nguyễn Thị Lâm, Thu Lập, Lưu Thị Lợi, Lê Thị Nguyệt, Nguyễn Lan Phương, Kiều Việt Phương (em gái anh Kiều Khanh, tức con gái ông Kiều Hiển), Đào Thị Quy, Nguyễn Thị Thảo, Trần Thị Thu Thủy ( hoa khôi xinh đẹp nhất trường, con gái một kỹ sư hóa chất), Chu Thị Việt… Trong số đó có những em khiến tôi phải đặc biệt chú ý: cặp chị em Nguyễn Ngọc Ánh và Nguyễn Thanh Hùng (là em của Nguyễn Vinh Quang và Nguyễn Sơn Hà ở các lớp trên), cặp bạn thân Lê Thị Hồng-Nguyễn Lan Phương rất hiền hậu và thông minh, bộ ba Thu Thủy-Thu Hà-Thu Lập thân nhau như ba chị em… Thêm nữa, còn có một số học sinh chuyển từ trường khác về học lớp 9 và lớp 10 ở đây, trong đó có Lê Văn Giao (em trai thầy Lê Văn Long) chuyển theo anh mình về học tại lớp 10B.

 Một hồi trống vang lên; buổi lễ kết thúc để học sinh lớp nào vào lớp nấy. Và tiết học đầu tiên của năm học mới bắt đầu. Trong năm học này, tôi được chính thức phân công làm chủ nhiệm lớp 9B (tức là 8B năm ngoái chuyển lên).

 

 Sau lễ khai giảng, Chi bộ Đảng đã họp Đại hội để bầu Ban Chi ủy mới và xác định nhiệm vụ năm học mới. Dưới cờ đỏ búa liềm, Quốc kỳ và chân dung Hồ Chủ tịch vẫn còn đeo dải băng đen, Chủ tịch Đoàn 3 người là các đồng chí Kim Ngọc Liên (Bí thư Chi bộ), Trần Lưu Đạm (Phó Bí thư kiêm Hiệu trưởng) và Từ Minh Cát (Chi Ủy viên kiêm Bí thư Đoàn trường) điều khiển Đại hội.

 Từ ngoài cửa, đoàn đại biểu TNTP quàng khăn đỏ đánh trống thổi kèn giương cờ Đội tiến vào phòng họp để chào mừng Đại hội và dâng hoa lên Chủ tịch Đoàn. Cảnh tượng đó diễn ra như một phiên bản thu nhỏ của Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ III tại Hội trường Ba Đình 9 năm về trước.

 Điều đáng ngạc nhiên là tôi, một đoàn viên ngoài đảng, lại được mời dự Đại hội cùng các đảng viên trong chi bộ. Mấy hôm sau, khi có đồng chí đưa môt bản mẫu Lý lịch và bảo tôi khai vào đó để nộp cho chi bộ, tôi mới biết rằng mình đã được công nhận là “cảm tình đảng”, nên được mời dự đại hội để làm quen với sinh hoạt Đảng (nhưng không được phép phát biểu hay biểu quyết). Đại hội đã thành công rực rỡ với 100% phiếu bầu cho 3 đồng chí trong Chủ tịch Đoàn trúng cử vào ban chi ủy để đảm nhiệm chức vụ của mình trong nhiệm kỳ mới; và 100% phiếu thông qua bản dự thảo về nhiệm vụ năm học mới theo tinh thần “Đức-Trí-Kỹ-Lao-Quân-Thể-Mỹ” mà Trung ương đã chỉ đạo.

 Chỉ mới về trường công tác một năm mà đã được công nhận “cảm tình đảng” thì quả là mình đã tiến bộ rất nhanh. Nhưng đã biết Đảng là thế nào và việc “phấn đấu vươn lên Đảng” thì phải làm sao, nên tôi không vui mừng trước sự tiến bộ ấy. Tuy nhiên, để cho cuộc sống được bình yên mà làm tốt những gì mình thích, tôi không dám từ chối mà lặng lẽ chấp nhận sự công nhận của Đảng, tức là chấp nhận sự bí mật theo dõi của hai đồng chí nào đó đối với mọi lời nói và hành động của mình để thường xuyên báo cáo với chi bộ. Tôi khai lý lịch nộp cho chi bộ và thầm nghĩ rằng: cảm tình Đảng thì cũng được thôi, miễn là mình sẽ không phải “điếu đóm” cho ai trên con đường “vươn lên Đảng”.

 

 Rất đỗi vui mừng khi nhận được thư phúc đáp của Thanh Tâm từ Liên Xô gửi về, tôi thốt nhiên ấp môi hôn những dòng chữ do chính tay nàng viết, như thuở nào đã hôn mảnh vải ngụy trang của nàng.

 Ấm áp biết bao khi được đọc những dòng miêu tả của nàng về mối quan hệ láng giềng gần gũi giữa gia đình nàng với gia đình tôi; trong đó nàng  thừa nhận rằng tôi có những nét đặc biệt khiến nàng chú ý (từ “chú ý” của nàng ẩn chứa biết bao tình cảm mà tôi thầm cảm nhận!). Cho biết điều kiện sống và học tập ở Liên Xô rất tốt, nàng bảo mình chỉ buồn vì luôn nhớ nhà, rồi chúc tôi mạnh khỏe và thành công trong sự nghiệp trồng người.

 Tôi bâng khuâng mãi sau khi đọc xong lá thư của Thanh Tâm. Những kỷ niệm xưa về nàng lại dồn dập ùa về trong tâm trí, khiến tôi phải tự hỏi: điều gì sẽ xảy ra nếu hai chúng tôi thư từ cho nhau từ khi hai đứa còn ở Hải Phòng? Nhưng hồi ấy tôi đã không dám hẹn hò để thổ lộ tình yêu với nàng! Môt phần bởi tính nhút nhát của mình. Nhưng phần lớn là vì chiếc khăn đỏ vẫn còn đeo trên cổ áo nàng: một thanh niên không được phép yêu một TNTP quàng khăn đỏ!

 Muôn quá rồi; giờ đây mình không được phép nối lại tình xưa. Nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn không nỡ cắt đứt sợi dây liên lạc vừa tìm lại được. Thế là tôi viết thêm một lá thư nữa cho nàng, với lời lẽ thân mật hơn thư trước. Thư này của tôi sẽ không được nàng hồi âm; nên tôi biết mối tình đầu của mình đã thực sự kết thúc bằng sự im lặng của nàng, mặc dù hình ảnh Thanh Tâm vẫn in đậm nét trong tôi suốt đời.

 

 Cuộc sống ở thành phố Việt Trì, tuy không thể sánh được với Hà Nội hay Hải Phòng, nhưng vẫn hơn hẳn so với ở khu sơ tán. Đã có điện thắp sáng thay cho đèn dầu tù mù, trường tôi lại ở gần Cửa hàng MDQD Ăn uống quen thuộc, khiến cho sáng nào tôi cũng được điểm tâm bằng một bát mì nóng có thịt mà chỉ phải trả hai hào rưỡi lại không phải nộp tem gạo. Trường cũng gần các cửa hàng MDQD về Bách hóa, Thực phẩm Tươi sống, Kim khí Điện máy; gần Bưu Điện, Chi nhánh Ngân hàng và cả chợ Việt Trì; nên mọi việc mua bán giao dịch đều rất thuận tiện. Lại có cả Rạp Chiếu bóng “Long Châu Sa” (tên một tỉnh miền Nam kết nghĩa với Phú Thọ) và một sân vận động không mái che không tường rào để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và thể chất cho mọi người. Thầy trò chúng tôi thường gặp nhau tại rạp chiếu bóng mỗi buổi tối có chiếu phim hay, và cũng gặp nhau tại sân vận động những chiều rảnh rỗi để đấu giao hữu bóng đá giữa “đội tuyển” thầy với “đội tuyển” trò.

 Lĩnh lương xong, giữ lại một khoản để nộp tiền ăn và tiêu vặt, tôi đến Ngân hàng gửi tiết kiệm tất cả số còn lại. Đó là lần đầu tiên tôi có “Sổ Tiết kiệm” như một cán bộ thực thụ để bảo đảm cuộc sống của mình. Tuyệt vời hơn, tôi còn giành thắng lợi trong đợt “bình xe đạp” năm nay. Do chiếc xe Liên Xô được thương nghiệp phân phối về trường có vành bánh to cỡ 680 (so với cỡ thông dụng là 650) và ghi đông uốn cong xuống dưới kiểu xe đua không được mọi người ưa thích, tôi đã  được nhận “Phiếu mua xe đạp” mà không phải trải qua cuộc tranh giành gay gắt. Chẳng có mấy cán bộ gặp may mắn như tôi: được mua xe cung cấp ngay sau năm công tác đầu tiên của mình (rất nhiều người phải chờ đợi hàng chục năm mà vẫn chưa được).

Giá cung cấp là rẻ nhất, nhưng cũng đến 320 đ (nghĩa là gấp 7 lần lương tháng tập sự của tôi). Vì vậy, tôi phải tức tốc về Hà Nội xin tiền ba má. Ba má cũng ngạc nhiên và vui mừng khi biết con mình sớm được mua xe như vậy, nên đã đi “rút tiết kiệm” để trao đủ tiền cho tôi.

Được biết anh Hoàng Tiến Đô có người nhà là mậu dịch viên cửa hàng Kim khí Điện máy, lại rất thông thạo thủ tục mua và đăng ký xe đạp, tôi trao hết tiền và các giấy tờ cần thiết cho anh để nhờ anh mua giúp. Chẳng bao lâu sau, anh đã mang chiếc xe đạp mới tinh về trường, rồi vác nó lên tận tầng ba và dắt vào phòng tôi. Được biết tôi mới mua xe đạp, các bạn đồng nghiệp kéo đến chia vui và bàn tán sôi nổi về chiếc xe này. Anh Đô giới thiệu ưu điểm của từng bộ phận trong xe cho mọi người xem, kể cả cái chuông được anh bấm thử: “Nghe giòn quá, phải không?”- anh bình phẩm. Tôi rất thích chiếc xe này, nhất là hệ thống truyền động có “đềroayơ” 3 tầng líp của nó để có thể thay đổi tốc độ.

Một tuần sau, thủ tục đăng ký tại công an đã hoàn tất, tôi cất kỹ “Giấy đăng ký xe đạp”“Bìa mua phụ tùng xe đạp” vừa nhận được; rồi gắn tấm biển trắng chữ đen “KZ 384” vào khung xe. Thế là mình có thể hãnh diện làm chủ chiếc xe đạp “Sputnik” do Liên Xô chế tạo, không khác những chiếc mà các lưu học sinh du học tại đất nước của Lê Nin mang về.

 Sáng chủ nhật, tôi diện áo pô-pơ-lin pha ni-lông, quần xi-mi-li pha ni-lông với dép rọ, nhảy lên xe đạp mới, thẳng tiến đến Văn Quán để thăm Thiên Hương. Nàng hay chê tôi: “Quốc cứ như người trên trời rơi xuống ấy!” (ý nói là tôi hay làm những việc viển vông mà không chú ý đến những lợi ích thiết thực của mình). Để xem khi được ngắm chiếc xe mới này, nàng còn chê tôi nữa không! Thế là tôi lại có một ngày hạnh phúc bên nàng cho dù không có cuộc ân ái mặn nồng nào cả.

 

 Trong năm học này, một mình tôi vẫn giảng dạy lịch sử cho cả 8 lớp trong trường. Học trò tôi đã say mê học sử, đến mức có nhiều em tự đi tìm các hiện vật và tranh ảnh lịch sử  mang về nộp cho thầy. Trong số hiện vật mà các em tìm được, có cả những mũi tên đồng, công cụ bằng đồng và đồ gốm cổ mà tôi ước đoán rằng chúng thuôc về tầng văn hóa Đồng Đậu hoặc Phùng Nguyên trong thời đại Hùng Vương. Những hiện vật đó đã gợi ý cho tôi về việc xây dựng một “Phòng Truyền thống” cho trường để lưu giữ và trưng bày hình ảnh và hiên vật lịch sử theo dòng thời gian, đồng thời trình bày quá trình phát triển của Trường PTC3 Việt Trì.

 Báo cáo với hiệu trưởng về dự định này, tôi lập tức nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của anh Đạm. Nhờ đó, một căn phòng cỡ 24m2 dưới tầng 1 tòa nhà đã được dành để tôi xây dựng phòng Truyền thống. Anh Đạm cho đóng một chiếc tủ kính để trưng bày các hiện vật lịch sử; và bảo tôi thống kê các nguyên vật liệu cần thiết cho công việc để anh duyệt cấp. Anh còn trao cho tôi nhiều tài liệu và ảnh chụp các hoạt động của trường PTC3 Việt Trì để trình bày về truyền thống của trường.

Thế là tôi lăn mình vào một việc không mang lại lợi lộc gì, mà chỉ để thỏa mãn tình yêu lịch sử của mình. Dùng các loại bút với mực màu khác nhau, tôi say mê kẻ vẽ và viết vào giấy cứng và bìa khổ lớn, để để tạo thành các bảng biểu (có tranh ảnh minh họa) trình bày ngắn gọn các thời đại lịch sử dân tộc, với điểm nhấn là thời đại Hùng Vương và quá trình phát triển của trường PTC3 Việt Trì; rồi đóng đinh treo chúng lên tường. Tiếp theo, tôi viết lời giới thiệu cho từng hiện vật trưng bày trong tủ kính (có ghi tên người tìm được nó). Khó khăn nhất là việc cắt giấy màu tạo thành một chuỗi các hình trang trí kiểu sóng nước nối tiếp nhau; rồi dán lên dòng kẻ phía trên bốn bức tường, để gây ấn tượng về dòng chảy của thời gian lịch sử. Tôi đã phải bắc thang trèo lên tường để dán đi dán lại nhiều lần mới hoàn thành đươc đường nét trang trí cầu kỳ ấy.

Sau một tháng làm việc vất vả, một mình tôi đã xây dựng xong Phòng Truyền thống cho trường. Trước lúc khai trương nó, tôi còn xin anh Đạm cho kê bàn ghế trong phòng để làm chỗ ngồi cho khách tham quan. Nhìn các em học sinh kéo đến và chăm chú xem các thứ trưng bày trong phòng, tôi cảm thấy công sức mình bỏ ra đã không uổng phí. Về sau, tôi còn đặt thêm một chiếc giá để treo các bản đồ lịch sử ( hầu hết do mình tự vẽ, có thêm mấy bản đồ in do Bộ Giáo dục cấp phát) để dùng khi lên lớp. Thế là Phòng Truyền thống có thêm chức năng phòng chuyên môn của bộ môn lịch sử.

 

 Trong  khi hết lòng ủng hộ tôi để xây dựng Phòng Truyền thống, Hiệu trưởng lại ra lệnh cho giáo viên mỗi tuần phải dành hai buổi tối ngồi tập trung đọc báo “Nhân Dân”-Cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam - để quán triệt đường lối của Đảng ta. Tôi thầm phản đối lệnh đó, không chỉ do báo này chẳng có gì đáng đọc ngoài những bài viết rập khuôn“ta thắng, địch thua-miền Bắc được mùa-miền Nam thắng lớn”, mà chính là vì lệnh đó đã xúc phạm nhân cách nhà giáo. Giáo viên là những người có đủ trình độ nhận thức để tự mình tìm ra đường lối đúng mà đi, sao lại bắt họ phải “đọc báo tập thể” để nhồi sọ tư tưởng theo kiểu toàn dân đọc “Mao tuyển” như ở bên Tàu?

 Nhưng làm cách nào để thoát khỏi mệnh lệnh khó chịu này, mà không bị coi là chống đối công tác chính trị-tư tưởng của Đảng? Tôi liền ra bưu điện đặt mua dài hạn hàng tháng báo “Nhân Dân”. Từ đó, sáng nào cũng có một nhân viên bưu điện đến phòng thường trực của trường để phát tờ báo Đảng mới xuất bản cho “thầy Quốc” (bên lề tờ báo ghi rõ như vậy). Tôi chỉ việc đến đó mang báo về chất đống dưới gậm giường. Thế là có lý do chính đáng để vắng mặt trong các buổi đọc báo tập thể: đồng chí Quốc đã có báo riêng để nghiên cứu kỹ lưỡng nên không cần đọc chung nữa. Mượn gió bẻ măng, anh Minh cũng xin miễn đọc báo tập thể: “Tôi ở chung phòng với đồng chí Quốc, nên sẽ cùng đọc báo với đồng chí ấy!”. Trước những lý do như vậy, Hiệu trưởng không thể phê phán chúng tôi được.

 Nhưng Hiệu trưởng Đạm là người có rất nhiều sáng kiến trong việc kiểm soát tư tưởng chính trị của giáo viên. Anh ra lệnh: cuối mỗi tuần, mọi giáo viên phải nộp giáo án cho Hiệu trưởng, để anh phê duyệt-ký tên-đóng dấu vào từng bài thì mới được phép dùng nó  giảng dạy trong tuần tới; đồng thời, mọi người phải niêm yết công khai“Phiếu báo bài giảng” cho các bài sẽ giảng dạy trong tuần, theo mẫu quy định trên tấm bảng treo trước phòng họp. Tôi lại nhận thấy sáng kiến này là sự xúc phạm giáo viên: các thầy cô có quyền giảng dạy bằng trình độ chuyên môn của mình mà không ai phê duyệt được họ. Thêm nữa, vì chương trình giảng dạy đã được Bộ Giáo dục quy định cụ thể đến từng bài với số tiết là bao nhiêu, nên cái phiếu để thông báo bài giảng là hoàn toàn vô ích.  Nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn phải nghiêm chỉnh chấp hành lệnh, vì không thể thoái thác được. Tuy nhiên, khi làm “Phiếu báo bài giảng”, tôi cũng nghĩ ra cách để tự giải tỏa nỗi ấm ức của mình: vẽ thêm nhiều “hoa, lá, cành” để trang trí cho nó, với ngụ ý rằng phiếu này chỉ là sự bày vẽ lòe loẹt vô ích.

 Sau vài lần trang trí như vậy mà không thấy Hiệu trưởng phản ứng gì, tôi yên tâm vẽ thêm mấy con chim đậu trên cành hoa trong phiếu tiếp theo. Lần này thì anh Đạm thực sự nổi cáu. Trong cuộc họp Hội đồng Giáo viên, anh giơ cao tấm phiếu đó của tôi  và nói to: “Các đồng chí xem đây là cái gì? Phiếu báo bài giảng sao lại có hoa-lá-cành-chim hót?”. Tôi vội vàng đứng lên thanh minh: “Xin lỗi, em chỉ vui đùa một chút thôi mà anh!”. Nhưng anh Đạm nghiêm mặt: “Đây không phải chuyện đùa, mà là sự đả kích thâm độc theo kiểu Nhân văn-Giai phẩm! Nếu đồng chí không chấm dứt trò này thì đừng trách tôi không báo trước!...” Đã dùng đến cả vụ “Nhân văn-Giai phẩm” để đe dọa thì dĩ nhiên  không thể đùa được nữa; tôi đành im lặng trở về với khuôn phép của Hiệu trưởng.

 

 Thật bất ngờ, ngay sau khi anh Đạm gợi lại vụ án Nhân văn-Giai phẩm để dọa tôi, thì tôi lại được gặp một nhân vật mà mình từng nghe danh có liên quan với vụ đó. Nguyễn Bùi Vợi - nguyên giáo viên văn học của Trường Sư phạm Sơ cấp Hà Nội - đã cùng Cao Xuân Hạo và Thúc Hà xuất bản tạp chí “Đất Mới” (được coi là theo khuynh hướng Nhân văn-Giai phẩm, do họ có chủ trương dịch thuật các tác phẩm văn học nhân đạo của nước ngoài để hạn chế cái ác đang lan tràn trong CCRĐ). Bởi thế, anh đã bị thi hành kỷ luật đình chỉ giảng dạy để “đi thực tế” dài ngày tại Vĩnh Phúc từ năm 1957.

 Cho đến khi tôi được gặp anh, Nguyễn Bùi Vợi đã có thâm niên 12 năm trở thành dân Vĩnh Phú, đã được phép giảng dạy tại trường PTC2 và đã có mấy tập thơ được xuất bản (trong đó không có bài nào ca tụng Đảng-Bác). Nhân dịp về Việt Trì vì một việc gì đó, anh tranh thủ ghé thăm các bạn cũ của mình là anh Khôi (hiệu trưởng trường PTC2 Việt Trì) và anh Võ Huy Cát (Tổ trưởng tổ Văn PTC3 Việt Trì). Thế là các anh ấy rủ cả tôi cùng tham gia cuộc họp mặt của họ ngay tại trường này. Chỉ cần nhìn vầng trán cao, rộng và dô với đôi mắt sắc sảo trên khuôn mặt chữ điền của anh là đủ biết tính cách chính trực cương nghị của con người Nguyễn Bùi Vợi. Ngồi quanh chiếc bàn gỗ mộc có bộ ấm chén pha chè Phú Thọ với chiếc điếu cày gác ở chân bàn, anh cùng chúng tôi đàm đạo say sưa về tình hình văn thơ và giáo dục hiện nay. Nhân lúc anh rít xong điếu thuốc lào và đang lim dim nhả khói, tôi xin phép hỏi anh về vụ kỷ luật mà anh đã chịu. Nguyễn Bùi Vợi liền kể chi tiết cho mọi người nghe.

 Được thông báo rằng Tổ Văn của Trường Sư phạm Sơ cấp Hà Nội “có vấn đề về tư tưởng-chính trị”, Vụ trưởng Vụ Sư phạm Bộ Giáo dục là giáo sư Phạm Thiều liền đến đây dự giờ giảng của giáo viên trong tổ (mà Nguyễn Bùi Vợi là một thành viên) để “uốn nắn” tư tưởng cho họ. Dự giờ xong, Vụ trưởng không nhận xét gì về chuyên môn nghiệp vụ, lại đập bàn lớn tiếng mạt sát giáo viên bằng những ngôn từ thô bỉ. Nguyễn Bùi Vợi liền đứng dậy xin được tranh luận với Vụ trưởng. Thế là Vụ trưởng giằn mặt anh để bắt đầu một cuộc lời qua tiếng lại:

 

-          Tôi biết anh đã từng học khá và đã có vài bài thơ được đăng báo; nhưng anh làm sao đủ trình độ kiến thức để tranh luận với tôi? Cỡ anh làm học trò tôi chưa đáng!

           -  Thưa Vụ trưởng, về kiến thức chúng tôi chưa xứng đáng là học trò giáo sư    Phạm Thiều; nhưng trong học thuật xin Vụ trưởng cho chúng tôi được bình đẳng!

-          Anh đòi bình đẳng với ai?

-          Thưa Vụ trưởng, Vụ trưởng đã hơn một lần xúc phạm nhân cách chúng tôi. Xin Vụ trưởng bình tĩnh. Nếu Vụ trưởng đập bàn lần nữa là tôi đập lại!

 

 Vụ trưởng liền đập bàn xô ghế đứng dậy. Nguyễn Bùi Vợi cũng xô ghế và đập bàn đứng lên. Bốn mắt trừng trừng nhin nhau… Vụ trưởng đỏ mặt xách cặp quay ra đi thẳng về Bộ, trong khi Ban Giám hiệu nhà trường sợ xanh mặt. Vài hôm sau, đến lượt Hiệu trưởng kiêm Bí thư Chi bộ nhà trường đối thoại với Nguyễn Bùi Vợi:

 

-          Anh cho tôi biết anh yêu cô Từ phải không?

-          Thưa anh, vâng!

-          Sao anh mất lập trường thế? Bố cô ấy là địa chủ di cư vào Nam mà anh dám yêu? Nhân danh Chi bộ, tôi yêu cầu anh cắt đứt quan hệ ngay với cô giáo sinh này!

-          Tôi tưởng anh nhân danh Bí thư Chi bộ yêu cầu ngược lại, khuyên tôi nên yêu cô ấy, nâng đỡ tinh thần cô ấy mới đúng bản chất nhân đạo của Đảng Cộng sản?

-          Anh ăn nói như một thằng điên!

-          Nếu trong hai chúng ta có một thằng điên, thì người ấy nhất định không phải là tôi!

 

 Hiệu trưởng lệnh cho Nguyễn Bùi Vợi phải viết kiểm điểm về 3 tội: yêu học trò, xa rời lập trường giai cấp và bất phục tùng lãnh đạo (nữ giáo sinh Đỗ Thị Từ cũng phải kiểm điểm nhiều lần trước chi đoàn và nhà trường về tội “yêu thầy giáo”). Anh tuyên bố mình không có tội nên không viết. Bất chấp lẽ phải, Hiệu trưởng vẫn ra quyết định thi hành kỷ luật Nguyễn Bùi Vợi, buộc anh cắt chuyển hộ khẩu từ Hà Nội đi Vĩnh Phúc. Rất may cho anh, nữ giáo sinh Đỗ Thị Từ đã một lòng một dạ theo anh để trở thành người vợ hiền cùng nhau lên thác xuống ghềnh với anh.

 Nếu so sánh với 30 năm tù đày của “Người xây Lễ đài Độc lập” Nguyễn Hữu Đang và sự trừng trị các thành viên khác trong nhóm Nhân văn-Giai phẩm, thì án kỷ luật của Nguyễn Bùi Vợi được coi là rất nhẹ; nhưng nó cũng đủ để hiểu rõ cái nguyên tắc “tập trung-dân chủ” của Đảng-Bác là như thế nào. Tại Vĩnh Phú, Nguyễn Bùi Vợi lại có quan hệ thân thiết với một nạn nhân khác trong Đảng: Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc. Khi đồng chí Kim Ngọc qua đời vì bạo bệnh phát sinh do tâm trạng phẫn uất, Nguyễn Bùi Vợi đã khóc ông bằng những dòng thơ xứng đáng tạc vào bia mộ của con người chính trực ấy:

 

Sách không làm nên đời mà đời làm nên sách

Tay cầm lõm cày nên ông thấu lòng dân

Giọt mồ hôi mặn đồng những tháng năm khoán hộ

Êm ấm mọi nhà, cay đắng một mình ông!...

 

Còn vị Vụ trưởng đã đập bàn với Nguyễn Bùi Vợi cũng không xa lạ đối với tôi. Giáo sư Phạm Thiều thuộc trong số trí thức Nam Bộ có quan hệ mật thiết với ba tôi. Có lẽ quyền lực tuyệt đối của cấp trên đối với cấp dưới mà Đảng trao cho Vụ trưởng đã biến ông thành một kẻ hống hách độc đoán bất chấp lẽ phải. Ba mươi năm sau ngày ấy, ngay tại đô thành Sài Gòn đã chính thức mang tên Thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư Phạm Thiều đã tự treo cổ chết mà mọi người không hiểu vì lý do gì.

LÊ VINH QUỐC

Các Bài viết khác