NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NƯỚC CHẢY DƯỚI CHÂN CẦU- Chương 12, Phần 1

( 16-06-2017 - 08:23 PM ) - Lượt xem: 1110

Tôi đang phân vân chưa hiểu anh Phi chế tạo bơm này bằng cách nào, thì anh Minh ghé vào tai tôi thì thầm: “Đừng nghe nó nói. Áp suất ống bơm chỉ tập trung vào một chỗ, nếu dùng hai vòi thì phải chia đôi áp suất, bơm thế quái nào đươc!”. Anh Minh nói đúng! Do vậy, tôi hiểu vì sao anh Phi lại phải dặn chúng tôi “đừng tỏ vẻ ngạc nhiên gì cả” khi nghe mình nói.

1. Danh hiệu thi đua

Tôi mau chóng quen với cuộc sống của một giáo viên phổ thông tỉnh lẻ và ngày càng thêm yêu mến con người cùng xứ sở nơi đây. Được Hiệu trưởng giao trách nhiệm làm “phó chủ nhiệm” lớp 8B, tôi càng thêm gắn bó với học sinh lớp này, và cũng hợp tác tốt với chủ nhiệm lớp Vũ Vĩnh Nga - một người phụ nữ nhân hậu là phu nhân Hiệu trưởng, là mẹ của ba đứa con gồm hai gái (Thanh Thanh 7 tuổi, Hiền Lương 5 tuổi) với một trai (Hoài Ân 3 tuổi).

Lần đầu tiên tôi được tham dự một hoạt đông chính trị lớn ở Việt Trì là khi mình cùng đoàn đại biểu giáo viên của trường tham dự “Lễ tổng kết Phong trào Thi đua Phát huy Sáng kiến Cải tiến Kỹ thuật - năm 1968”, tổ chức tại đình Bảo Đà-một ngôi đình cổ cùng cỡ với đình Võng Phan ở Hưng Yên. Ngồi trên đoàn chủ tịch của buổi lễ này là đồng chí Trần Lưu Vị - Ủy viên Thường vụ Tỉnh Ủy (anh ruột của Hiệu trưởng Trần Lưu Đạm), đồng chí Nguyễn Định - Bí thư Thành Ủy Việt Trì (một vị phụ huynh của học sinh lớp 8B), đồng chí Kiều Hiển-Chủ tịch UBHC Việt Trì (bố anh Kiều Khanh) và một số nhân vật khác. Dưới sự điều khiển của các vị này, hàng chục báo cáo đặc sắc đã được trình bày với những tràng vỗ tay nồng nhiệt vang lên từ các cử tọa ngồi chật kín hội trường.
Thế rồi đến lượt đại biểu của Trường PTC3 Việt Trì được mời lên trình bày: đồng chí Lê Quang Phi với sáng kiến về “Bơm hai vòi”. Trước khi bước lên diễn đàn, anh Phi nói nhỏ với các bạn đồng nghiệp trong trường: “Nghe tớ phát biểu, các cậu đừng tỏ vẻ ngạc nhiên gì cả nhé!”. Có tầm vóc thấp bé với nước da đen và quê quán ở xã Sông Lô (ngoại thành Việt Trì), anh được những người thích đùa đặt cho biệt danh là “Phi Đen Đất Sông Lô” để đối sánh với “Phi Đen Cát Tơ Rô” (Phidel Castro)-vị lãnh tụ lừng danh của nước Cu Ba anh em. Mặc dù quá nhỏ bé so với tầm vóc khổng lồ của vị lãnh tụ đó, Phi Đen “của chúng tôi” vẫn cố trổ tài hùng biện sao cho không kém nhiều so với biệt tài đó của Phi Đen kia. Anh ra sức chứng minh rằng chiếc “bơm hai vòi” do mình sáng chế đã đạt năng suất 200% so với bơm thường. “Bơm” là dụng cụ thiết thân đối với tất cả mọi người mà ai cũng biết, nhưng chúng chỉ có một vòi dùng cho xe đạp. Nay lần đầu tiên có người nói đến bơm hai vòi dùng để phun thuốc trừ sâu, nên toàn thể cử tọa đều chăm chú lắng nghe. Tôi đang phân vân chưa hiểu anh Phi chế tạo bơm này bằng cách nào, thì anh Minh ghé vào tai tôi thì thầm: “Đừng nghe nó nói. Áp suất ống bơm chỉ tập trung vào một chỗ, nếu dùng hai vòi thì phải chia đôi áp suất, bơm thế quái nào đươc!”. Anh Minh nói đúng! Do vậy, tôi hiểu vì sao anh Phi lại phải dặn chúng tôi “đừng tỏ vẻ ngạc nhiên gì cả” khi nghe mình nói. Vậy mà, không kể các đại biểu trường PTC3 Việt Trì đã được dặn trước, khắp cả hội trường cũng không có ai thắc mắc gì về “bơm hai vòi” của “Phi Đen Đất Sông Lô”. Chỉ có ai đó nói: “Một vòi đã đủ chết rồi, mà có đến hai vòi thì chịu sao nổi!”- nhưng đó là một câu đùa khiến mọi người cười ồ!
Kết quả là Lê Quang Phi đã được tặng bằng khen của thành phố về “sáng kiến” này, nhờ đó anh đã đạt danh hiệu “Chiến sĩ Thi đua toàn tỉnh” và được kết nạp Đảng; còn Hiệu trưởng Trần Lưu Đạm thì được nhận cờ “Đơn vị thi đua xuất sắc trong phong trào Phát huy Sáng kiến Cải tiến Kỹ thuật” để bổ sung vào bộ sưu tập cờ biển rực rỡ vẫn được anh treo tại phòng làm việc của mình.

 

Đúng hẹn, sáng chủ nhật đó Thiên Hương lại đến với tôi. Hai chúng tôi lại có một ngày hạnh phúc bên nhau nhưng vẫn không trọn vẹn. Hôm ấy anh Lê Diên Cố có việc ở trường nên không về nhà mà ở lại phòng mình trong khu tập thể (sát vách phòng tôi). Do vậy, tôi với Hương luôn phải giữ ý; và tôi lại phải qua đêm tại phòng mượn của anh Quyền để nàng ngủ riêng trong phòng mình.
Tuần sau, tôi quyết định sang thăm Thiên Hương ở Văn Quán ngay từ chiều thứ bảy. Được anh Minh cho mượn chiếc xe đạp “Thống Nhất” mà anh giữ gìn bảo quản rất cẩn thận từ khi được mua theo tiêu chuẩn cung cấp và chưa bao giờ cho ai mượn, tôi xuống đò ngang qua sông Lô tại bến đò Đức Bác sang huyện Lập Thạch, lên bờ đạp xe trên con đường đất ẩm thấp xuyên qua cả một rừng mai-một loài tre nứa có thân cây cao lớn lá to mọc thành từng bụi um tùm, rồi lên con đường đê chạy về phía thượng nguồn con sông lịch sử ấy. Sau khoảng một giờ đạp xe, quả nhiên tôi đã đến trường PTC3 ở xã Văn Quán.
Trường này có nhiều lớp hơn trường tôi nhưng không có khu nhà ở tập thể, nên giáo viên phải ở trọ nhà dân mà ăn cơm tập thể giống như bọn sinh viên chúng tôi ngày nào. Thiên Hương đã có mấy người bạn thân thiết ở gần nhà trọ của mình là anh Hùng (giáo viên sử), anh Mão (dạy Hóa) và em gái anh có cái tên rất đẹp tương xứng với nhan sắc lộng lẫy của cô là Huyền Hảo. Thiên Hương cùng nhóm bạn ấy đã đón tiếp tôi thân tình và vui vẻ với môt bữa cơm tối hấp dẫn: mấy suất cơm tập thể được mang về gom chung vào một mâm; thêm một con vịt được đánh tiết canh, luộc chấm nước mắm gừng và nấu măng ăn với mì sợi (thay cho bún). Dưới ánh sáng ấm áp của ngọn đèn bão, mọi người vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả về cuộc sống và nghề nghiệp, khiến tôi tự cảm thấy như mình đã nhập bọn thân thiết với họ từ lâu. Đang ngồi cạnh Thiên Hương, nhưng tôi vẫn phải thú nhận rằng sắc đẹp của Huyền Hảo vẫn thu hút mình rất mạnh: nhan sắc đó sánh ngang với vẻ đẹp của Thúy em anh Từ ở Hưng Yên. Thêm một sự trùng hợp giữa hai cô gái: Huyền Hảo cũng được anh Mão đưa từ Nghệ An-tuyến lửa khu 4 về đây để được yên tâm học tập. Chính người đẹp này đã có một nhận xét thú vị: “Anh Quốc với chị Hương mặc đồng phục áo đen nhá! Thế là em biết rồi.”. Con gái thế đấy: không chú ý đến chiếc áo vi-ni-lông nổi bật của tôi hay áo nhung kẻ của Hương, mà lại quan tâm đến sự “đồng phục” sơ mi giữa hai người để nhận ra mối quan hệ tình cảm giữa họ với nhau. Mọi người tán thưởng nhận xét này, tức là chia vui với tình yêu của Thiên Hương với tôi.
Đêm ấy, Thiên Hương ngủ với Huyền Hảo tại nhà trọ của nàng, còn tôi ngủ cùng anh Hùng trong nhà trọ của anh. Anh Hùng tốt nghiệp Khoa Sử ĐHSP trước chúng tôi 4 năm và luôn muốn nghe tôi nói về Hương. Linh tính mách bảo với tôi rằng anh ấy đã dành cho nàng những tình cảm vượt khỏi tình bạn đồng nghiệp; nhưng tôi không có cảm giác lo lắng hay ghen tuông với một người chưa thể là đối thủ của mình.
Sáng chủ nhật, sau bữa điểm tâm bằng khoai luộc, tôi cùng Thiên Hương đạp xe đi tham quan tháp Bình Sơn ở bên bờ sông Lô. Tận mắt nhìn và tận tay sờ vào ngôi tháp cổ 15 tầng rất đẹp được xây bằng gạch gốm từ thời Trần để lại (có lẽ cùng thời với tháp Phổ Minh ở Nam Định), tôi lâng lâng hồi tưởng về nền văn minh Đại Việt rực rỡ do ông cha ta để lại. Cảm xúc về lịch sử còn mạnh thêm khi thấy tháp cổ này đứng sừng sững ngay gần bến đò đã đi vào nhạc phẩm bất hủ của Văn Cao sau chiến thắng Sông Lô trong chiến dịch Việt Bắc: “Lều dựng lên bên sông, bóng người rộn rã bến Then”. Lúc này đây, bến Then vẫn có vài chiếc thuyền nan cắm chèo đợi khách và mấy chiếc lều tranh vách đất ở ven bờ sông như bản Trường ca Sông Lô đã miêu tả về ngày ấy (đó cũng là khi chính tôi được cất tiếng khóc chào đời).
Suốt một ngày đêm ở Văn Quán cùng Thiên Hương, tôi thậm chí không thể hôn nàng một cái, nhưng vẫn cảm thấy lòng mình tràn ngập hạnh phúc trong tình yêu chan hòa với tình bạn đồng nghiệp và cả xúc cảm lịch sử về non sông đất nước.

 

Chỉ vài hôm sau khi tôi từ Văn Quán trở về, một tin vui đã được lan truyền trên báo và đài phát thanh: Tổng thống Johnson tuyên bố Hoa Kỳ chấm dứt ném bom trên toàn lãnh thổ Bắc Việt Nam (từ vĩ tuyến 17 trở ra) kể từ ngày 1-11-1968, để mở đường cho cuộc đàm phán tại Paris (Pháp) giữa Mỹ và Việt Nam DCCH nhằm chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình giữa các bên tham chiến.
Thế là từ đây, “Tuyến lửa Khu 4” đã thoát khỏi những trận mưa bom; nhờ đó các bạn ở khoa Sử mới nhận quyết định đi công tác ở đây, cũng như bạn cũ Phạm Thanh Lê của tôi vào đó từ trước, đã thoát khỏi cái chết vẫn rình rập họ hàng ngày. Chắc hẳn mọi người cũng như tôi, đều cảm thấy nhẹ lòng khi nhận thấy cuộc chiến khởi đầu từ ngày 5-8-1964 đã tạm ngưng trên toàn miền Bắc sau hơn 4 năm máu lửa. Đến lúc đó, trên toàn miền Bắc đã có 3243 máy bay Mỹ bị bắn rơi (bao gồm 6 chiếc B52 và 3 chiếc F111), 143 tàu chiến các loại bị bắn chìm và bắn cháy, hàng ngàn phi công Mỹ bị diệt hoặc bắt sống đưa vào trại giam Hỏa Lò ở Hà Nội (một nhà tù kiên cố lâu đời được người Mỹ mệnh danh là “Khách sạn Hilton”). Phía Mỹ chỉ thừa nhận có hơn 900 máy bay Hoa Kỳ bị bắn rơi; và thông báo rằng hơn 643.000 tấn bom đã trút xuống miền Bắc Việt Nam. Nhưng không ai cho biết đã có bao nhiêu người Việt tan xương nát thịt dưới khối lượng bom đạn khổng lồ ấy!
Với tuyên bố nói trên, Johnson đã kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống của mình để trao lại chính quyền cho người kế nhiệm ông sau cuộc bầu cử Tổng thống mới của Hoa Kỳ. Đúng dịp ấy, tôi được lĩnh tháng lương đầu tiên (lương tháng 11) của một giáo viên Cấp 3 tập sự: 85% của bậc lương khởi điểm 55đ / tháng (và cũng được truy lĩnh luôn cả lương của thời gian công tác trong tháng 10).

 

Trong thời gian này, cuộc “Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản” (gọi tắt là “Cách mạng Văn hóa”, hoặc ngắn gọn hơn -“Văn Cách”) ở bên Tàu đang tiếp diễn với những sự dị thường. Báo và đài của ta hầu như không đưa tin về sự kiện đó, nhưng chỉ cần xem những cuốn họa báo “Trung Quốc” được bày trên bàn trong phòng họp Hội đồng Giáo viên nhà trường, tôi cũng có thể hình dung được những gì đang diễn ra trên đất nước này. Cùng với tượng “vạn thế sư biểu” Khổng Tử, các tượng thần, tượng thánh, tượng Phật, tượng Chúa đều bị đập phá tan tành, để nhường chỗ cho những pho tượng duy nhất của một người còn sống họ Mao, được gọi là “Lãnh tụ vĩ đại, Người cầm lái vĩ đại”, mọc lên ở khắp mọi nơi để toàn dân tung hô: “Vạn tuế! Vạn tuế! Vạn vạn tuế!”. Cuộc đấu đá giữa phái “Tạo phản” với phái đương quyền vẫn tiếp tục lan rộng (số người bị giết hoặc tự sát đã lên tới hàng chục triệu). Nhà trường bị phá tan vì các nhà giáo bị bắt bớ đấu tố và lăng nhục dưới mọi hình thức man rợ kiểu Tàu; thay vào đó là các “trường học cây tùng” do bần cố nông giảng dạy đám trẻ con ngồi dưới gốc cây. Bệnh viện bị tê liệt hoạt động vì các bác sĩ cũng gặp mọi tai họa như các nhà giáo; thay vào đó là hoạt động của những “thầy thuốc chân đất”- các lang vườn ở nông thôn. “Văn hóa vô sản” được trình diễn như vở vũ kịch “Nữ Hồng quân” do Giang Thanh (vợ bé của Mao) đạo diễn, với các vũ nữ măc quân phục, giương súng và cầm đao kiếm phất cờ đỏ mà múa ballet! Chính Mao đã vạch rõ phẩm chất người phụ nữ nước Tàu mà ông muốn có để phục vụ cho đường lối “Chính quyền trên đầu ngọn súng”:

Trung Hoa nhi nữ bao hùng chí
Chẳng thích hồng trang, thích vũ trang!

(Hai câu thơ đó của Mao được minh họa bằng mấy hình ảnh các cô gái Tàu múa giáo và khua đao kiếm).

Chính quyền nêu khẩu hiệu “Nông nghiệp học tập Đại Trại” - học tập một Công xã Nhân dân kiểu mẫu theo đường lối của Mao. Ở đó, những đám người đông như kiến mặc quần áo cùng màu xanh bạc phếch hăng say lao động bằng nông cụ thô sơ trên những vùng đất đồi rộng lớn. Đến giờ nghỉ giải lao, mọi người ngồi túm tụm thành từng đám ngay trên đất ruộng. Dưới sự theo dõi của cán bộ lãnh đạo, mỗi người mở ra trước mặt một cuốn sách Đỏ - “Trích lời Mao Chủ Tịch” để tỏ ra chăm chú đọc những lời dạy của Mao trong đó, hệt như các tín đồ tôn giáo đọc kinh thánh trong nhà thờ dưới sự hướng dẫn của các cha cố. Lại có khẩu hiệu “Công nghiệp học tập Đại Khánh”- hoc tập một mỏ dầu khai thác được rất nhiều sản phẩm, do công nhân ở đây chăm chỉ học các “trước tác” của Mao trong “Mao Tuyển” mà đạt được thành tích đó. Toàn dân, từ các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước (như Lâm Bưu, Chu Ân Lai…) cho đến những người bần cố ở nông thôn, tất cả già trẻ lớn bé đều đeo huy hiệu Mao và cầm “Mao Tuyển” (ai không có hai vật đó sẽ dễ dàng bị trừng trị vì tội không trung thành với Mao Chủ tịch). Cũng đeo và mang hai thứ đó, quân đội Trung Quốc đã dám tấn công khiêu khích quân đội Xô Viết ở vùng Viễn Đông. Nhưng trong trường hợp này, tư tưởng Mao đã tỏ ra không công hiệu: đạo quân Tàu vượt biên giới đã bị quân Nga tiêu diệt hoàn toàn trên bờ sông Ussuri (tức Ô Tô Lý theo chữ Hán).
Công cuộc “tẩy não” để nhồi sọ tư tưởng Mao Trạch Đông vào đầu óc dân tộc đông nhất thế giới đã diễn ra như vậy. Kết quả là mấy thế hệ người Tàu đã bị xóa sạch bản ngã-nhân cách để biến thành một thứ công cụ sống không có tư duy, chỉ biết tôn thờ Mao như thánh sống, để ông ta tùy ý sử dụng cho mọi mưu đồ chính trị của riêng mình.
Tháng 12-1968, khi Hồng Vệ binh đã diễn xong vai trò nổi loạn, gây rối và phá hoại, Mao đã thu đám “âm binh” đó về, bằng cách cho giải tán hoàn toàn tổ chức này để đưa các “Tiểu tướng Hồng Vệ binh” lừng lẫy một thời ấy về nông thôn và vùng rừng núi biên cương cho bần cố nông giáo dục họ. Trước khi từ biệt Bắc Kinh để lên đường về nông thôn lao động cải tạo, một số “Tiểu tướng” đã dùng chai múc nước dưới chân tường thành Thiên An Môn (nơi Mao thường đứng vẫy chào họ) để mang theo làm thuốc. Họ tin chắc rằng nước ở đây luôn được thấm ánh hào quang thần thánh tỏa ra từ thân thể Mao Chủ tịch vĩ đại, nên sẽ có tác dụng chữa bách bệnh ( nhà báo Mỹ Edgar Snow đã kể như vậy trong công trình khảo cứu của ông có nhan đề “Mao’s Way”- “Con đường của Mao”).

 

Tôi thực sự say mê với các bài lịch sử dạy cho học sinh, nên luôn dồn hết công sức và tâm trí để soạn giảng sao cho thật tốt và hấp dẫn. Khi cần tường thuật các sự kiện, tôi không quản ngại vẽ nên những tấm bản đồ lớn thật chính xác với nhiều màu sắc treo lên bảng đen. Cần có hình minh họa, tôi ra sức sưu tầm các tranh ảnh lịch sử từ những cuốn họa báo, cắt dán vào bìa để học sinh được xem tận mắt. Bằng lời diễn giảng sinh động có cảm xúc kết hợp với những “giáo cụ trực quan” như vậy, nhiều khi còn sử dung cả tài liệu văn học, tôi cố gắng đưa học sinh trở lại quá khứ để sống cùng các sự kiện và nhân vật lịch sử với tình cảm yêu, ghét, vui, buồn trong đó (đúng như lý thuyết về “xây dựng biểu tượng lịch sử”). Dạy các em chỉ ghi bài bằng dàn ý sơ lược trên bảng để theo dõi bài giảng, tôi phát huy tư duy của học sinh bằng những câu hỏi đích đáng; đồng thời hướng dẫn các em học bài ở nhà bằng sách giáo khoa để hiểu và ghi nhớ mà không thuộc lòng câu chữ. Trong các bài thi hoặc kiểm tra, tôi buộc học sinh phải viết theo luận cứ-luận điểm và lời văn của chính mình.

Bài thi môn sử học sinh trường C3 Việt Trì


Những nỗ lực của tôi đã được các em đền đáp xứng đáng. Hầu hết học sinh các lớp đều ham thích các giờ học với tôi, và nhận ra rằng lịch sử là môn học rất hấp dẫn chứ không nhàm chán như trước đây các em vẫn tưởng. Có em bị ốm nhưng vẫn cố gắng đi học, vì “hôm nay có giờ sử của thầy Quốc”. Đã có những học sinh vượt trội đạt những điểm số cao khi kiểm tra miệng đầu giờ học hay kiểm tra viết trong 15 phút hoặc 1 tiết theo định kỳ. Tuy nhiên, một số không ít các em vẫn chưa đạt được những yêu cầu của tôi, nên chúng vẫn đối phó với thầy bằng những trò gian lận khi làm bài. Bởi thế, để đảm bảo cho kết quả học tập của các em được đánh giá chính xác và công bằng, tôi phải kiên quyết ngăn chặn và xử lý kịp thời những biểu hiện gian lận ấy. Từ trải nghiệm bản thân và học thêm kinh nghiệm của anh Minh, tôi đã có khả năng phát hiện rất nhanh những mánh khóe “quay cóp” hay những trò bí mật thông tin cho nhau của đám học trò tinh quái, khiến chúng phải nể phục.

 

Gió mùa đông bắc liên tục tràn về thổi rào rào uốn cong những tàu lá cọ trên vùng đồi trung du, báo hiệu mùa đông ập đến mang cái lạnh len lỏi qua vách thưa tường mỏng trong khu nhà tập thể. Tôi phải mang cả áo bông và áo vệ sinh ra mặc để chống rét; rồi chăn bông được đem ra đắp thay cho chăn sợi lúc này đã trở thành đệm trải trên chiếu. Tiết trời ngày càng lạnh giá, nhưng trong trường việc dạy học vẫn được tiến hành đầy nhiệt huyết.
Theo thông lệ hàng năm, Hiệu trưởng Trần Lưu Đạm cho tiến hành môt đợt khảo sát trình độ giảng dạy của giáo viên qua phản ánh của học sinh toàn trường: mỗi em đươc phát một phiếu (có đóng dấu của trường) để tự do nhận xét về các thầy cô giảng dạy mình (không cần phải ký tên). Tất cả số phiếu thu về được Hiệu trưởng cho đọc công khai tại cuộc họp toàn thể Hội đồng Giáo viên hôm 27-12 (ngẫu nhiên lại đúng vào ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 21 của tôi). Hầu như thầy cô nào cũng nhận được những lời nhận xét của học sinh với những ưu điểm và nhược điểm theo ý các em. Tôi được các em khen ngợi nhiều nhất với những ngôn từ rất tốt đẹp; người về nhì chính là Hiệu trưởng Trần Lưu Đạm. Dĩ nhiên tôi cảm thấy hạnh phúc như vừa nhận được món quà sinh nhật đặc biệt; nhưng cũng có phần bối rối trước kết quả này khi biết rằng trước đây anh Đạm luôn là người đứng đầu trong số các giáo viên được học sinh khen ngợi. Hóa ra mình đã trở thành kẻ “soán ngôi” anh ấy! (Chẳng biết có phải vì thế hay không, mà trong những năm học tiếp theo không thấy Hiệu trưởng cho tiến hành việc khảo sát như vậy nữa).
Bước sang năm mới 1969, các hoạt động chuyên môn càng được xúc tiến khẩn trương để đi đến kết thúc học kỳ. Trong kỳ thi cuối học kỳ có sự tráo đổi giáo viên coi thi cho các lớp của từng bộ môn, học sinh đã theo dõi xem thầy Quốc làm giám thị ở đâu. Khi thấy tôi bước vào phòng thi của lớp 8A, học sinh 8B liền reo vui: “Tám A ơi, cụt nghề rồi nhé!”. Thì ra thế: bọn “nhất quỷ-nhì ma-thứ ba học trò” này đã coi các trò gian lận bài vở là một “nghề”; nay đã gặp một thầy có đủ “tài” ngăn chặn “nghề” đó, khiến chúng mừng rỡ khi tránh né được mình!
Đến khi chấm bài, tôi mới cảm nhận được hết thành quả giảng dạy của mình trong suốt học kỳ vừa qua. Tôi thực sự xúc động trước những bài làm tốt của học sinh (được điểm 8,9 và cả 10), điển hình như Trương Thị Điền và Nguyễn Thị Tứ (lớp 8B), Lê Triều Sâm (8B), Dương Thị Tơ (9A), Nguyễn Thị Nghi (9B), Khổng Phúc Khoa (10A), Trần Mạnh Dũng (10B)… Nhưng số học sinh đạt yêu cầu (từ điểm 5 trở lên) là rất thấp: 8A- 36%, 8B-38%, 9A-44%, 9B- 42%, 10A-45%, 10B-48%. Kết quả này đúng với trình độ thực chất của học sinh, vì nó phù hợp với kết quả các bài kiểm tra theo định kỳ mà tôi đã cho các em làm trước đây. Tôi cho rằng kết quả thấp không phải vì mình đã yêu cầu quá cao đối với học sinh (nguyên tắc của giáo dục học là phải yêu cầu cao), mà chủ yếu là do các em tiếp thu chậm, thiếu cố gắng và chưa chăm chỉ. Bởi thế, tôi quyết không hạ thấp yêu cầu để nâng điểm số lên, mà cố gắng giúp các em học tốt hơn bằng mọi cách.

 

Nhưng Hiệu trưởng Đạm không muốn chấp nhận một kết quả thấp như vậy đối với môn Sử. Anh mời tôi đến gặp riêng để hỏi cho ra lẽ:

- Cậu chấm bài thế nào mà kết quả thấp như vậy?

- Thưa anh, em chấm đúng yêu cầu và kết quả cũng đúng với trình độ thực chất của học sinh.
- Nhưng cậu được học sinh khen là dạy tốt, mà kết quả lại thấp như vậy thì có ổn không?
- Thưa anh, em đã cố gắng dạy tốt, nhưng kết quả đạt được còn tùy thuộc vào khả năng học tập của học sinh.
- Nhưng cậu phải nghĩ đến danh hiệu thi đua nữa chứ! Kết quả học tập của học sinh thấp như vậy thì giáo viên có xứng đáng với danh hiệu “lao động tiên tiến” không?
- Thưa anh, nếu vì giữ đúng chất lượng dạy học mà không được bầu là lao động tiên tiến, thì em đành chịu từ bỏ danh hiệu đó vậy!

Rõ ràng là Hiệu trưởng không chú trọng đến chất lượng dạy học thực sự, mà chỉ quan tâm đến thành tích của học sinh! Thấy không thuyết phục được tôi, anh đấu dịu: “Cậu chấm đúng trình độ học sinh là tốt; nhưng cũng phải xem xét kết quả môn của mình trong mối tương quan với các môn khác; mình chỉ góp ý thế thôi!”. Không muốn gây căng thẳng với Hiệu trưởng, tôi đáp: “Vâng, em sẽ xem xét để rút kinh nghiệm cho lần sau!”. Nhưng anh Đạm vẫn nói thêm: “Còn chuyện này nữa: cậu nên thận trọng khi ra đề theo kiểu ‘chứng minh bằng phản chứng’. Đó là con dao hai lưỡi đấy!”.Tôi biết ngay là anh phê phán đề bài mà tôi đã ra cho lớp 10: “Có người nói: thắng lợi trong cách mạng tháng Tám là việc nhặt lên một chính quyền đã bị rơi xuống đất! Anh (chị) hãy dùng thực tế lịch sử để phản bác quan điểm đó. (Học sinh được phép sử dụng sách giáo khoa)”. Tôi cho rằng đề này hay vì nó giúp học sinh rèn luyện tư duy phê phán mà không đòi hỏi các em phải học thuộc các sự kiện. Nhưng ý kiến của anh Đạm cũng rất có lý: ngộ nhỡ học sinh không phản biện mà lại thấy quan điểm ấy là đúng thì sao? Bởi thế, tôi đáp lời anh: “Vâng, em sẽ rút kinh nghiệm!”.
Cuộc gặp riêng anh Đạm hôm ấy chính là lần đầu tiên tôi phải đối măt với 2 vấn đề trọng yếu trong sự nghiệp của đời mình. Thứ nhất: đánh giá đúng trình độ học sinh để bảo đảm chất lượng giáo dục hay chạy theo thành tích thi đua giả tạo để kiếm danh lợi cho mình? Và thứ hai: giáo dục là khai sáng trí tuệ cho học sinh hay giáo dục để phục vụ chính trị của Đảng? Để giải quyết vấn đề thứ nhất, tôi sẵn sàng từ bỏ mọi danh hiệu thi đua để bảo đảm chất lượng giáo dục, rồi cố gắng nâng cao trình độ học sinh bằng các biện pháp nghiệp vụ (chứ không nâng điểm vô tội vạ cho học sinh theo ý muốn của cấp trên). Vấn đề thứ hai khó giải quyết hơn, vì nó đã được mặc định với nguyên lý về “tính Đảng trong khoa học lịch sử” mà tôi đã nhận thấy là nó rất mâu thuẫn với tính khoa học. Bởi thế, tôi chỉ tập trung giảng dạy những tri thức lịch sử đích thực và tránh né những gì liên quan đến lập trường chính trị.

Trong cuộc họp tổng kết học kỳ, tôi vẫn được bình bầu danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Có lẽ kết quả điểm số rất thấp của môn lịch sử chưa đủ để phủ nhận những thành quả thực sự mà tôi đã đạt được; và có lẽ Hiệu trưởng cũng chưa muốn “nặng tay” với một giáo viên trẻ đầy tự tin khi mới vào nghề nhưng còn thiếu kinh nghiệm sống ở đời. Thật lòng mà nói, tôi chẳng quan tâm bao nhiêu đến cái danh hiệu thi đua ấy, không phải vì phần thưởng kèm theo nó quá nghèo nàn (chỉ là một chiếc khăn mặt mới với một tờ giấy khen), mà vì tôi đã hiểu rằng các phong trào thi đua thường chỉ đem đến những kết quả giả tạo chẳng có giá trị gì mà còn làm hại đến nhân cách con người. Phần thưởng quý giá nhất đối với tôi chính là sự nghiêm túc và say mê học tập của học sinh thể hiện qua kết quả đích thực mà các em đạt được.

 LÊ VINH QUỐC

Các Bài viết khác