NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NƯỚC CHẨY DƯỚI CHÂN CẦU, CHƯƠNG 11, PHẦN 6

( 01-01-2017 - 01:32 PM ) - Lượt xem: 1144

Nhận Quyết định xong, tôi lập tức đèo Hương ra ga Phú Thọ cho kịp chuyến tàu chiều về Hà Nội. Khi đã yên vị trên tàu, tôi mới chợt nhớ ra rằng mình đã quên gửi bức thư của ba cho bác Vũ Bỉnh. Nhưng việc ấy giờ đây đã trở nên không cần thiết nữa, vì chính bác ấy đã ký Quyết định cử chúng tôi về trường.

6. Nơi khởi nghiệp của tôi

Thị xã Phú Thọ nhỏ bé và tiều tụy như thị xã Hưng Yên và cũng không khác nhiều so với thị xã Thanh Hóa của tuổi thơ tôi. Trải dài theo suốt một đoạn quốc lộ số 2, đô thị vắng vẻ này chỉ có mấy doanh nghiệp nổi bật là nhà ga xe lửa, nhà máy Chè Phú Thọ và Trường Phổ thông cấp III Hùng Vương - một hoc đường có uy tín sánh được với trường Lam Sơn (Thanh Hóa), trường Ngô Quyền (Hải Phòng) hay trường Chu Văn An (Hà Nội).
Từ quốc lộ rẽ ngang vào một con đường đất, chúng tôi đến Ty Giáo dục Vĩnh Phú nằm dưới chân một quả đồi cọ dưới những hàng cây râm mát. Được dựng chủ yếu bằng tranh-tre-nứa-lá trên nền đất bó gạch, cơ quan Ty mang dáng vẻ của một cơ sở mới sơ tán đến, nhưng cũng có thể nó vốn đã ở đây như vậy từ trước đến nay. Đón tiếp chúng tôi tại Phòng Tổ chức Cán bộ là một người đàn ông lớn tuổi có tác phong điềm đạm. Sau khi rót trà mời khách, ông đọc kỹ Quyết định của Bộ phân công công tác cho hai chúng tôi, rồi mở sổ xem lại danh sách các trường Phổ thông Cấp III (PTC3) trong tỉnh. Ông cho biết: có 2 nơi dành cho các đồng chí lựa chọn là trường PTC3 Việt Trì (ở thành phố Việt Trì) và trường PTC3 Văn Quán (ở huyện Lập Thạch). Ông giải thích thêm: “Trường Việt Trì chưa có giáo viên sử nào; đồng chí Quốc nên về đây để ‘độc lập tác chiến’; còn trường Văn Quán đã có một giáo viên sử rồi, đồng chí Hương nên về đó để phối hợp giảng dạy!”; rồi hỏi: “Các đồng chí có ý kiến gì không?”. Chẳng có lựa chọn nào khác, chúng tôi chỉ còn biết “Đồng ý!”; và cảm thấy yên tâm khi nghe ông nói thêm rằng “hai trường chỉ cách nhau chưa đến một giờ đạp xe”. Thế là ông đưa chúng tôi đến nhà ăn tập thể để dùng bữa trưa, rồi bố trí chỗ nghỉ trưa tại nhà khách của Ty (mỗi đứa một phòng) và dặn chúng tôi rằng: “Đầu giờ làm việc buổi chiều trở lại Phòng Tổ chức để nhận Quyết định của Ty phân công về trường”.
Nhận Quyết định xong, tôi lập tức đèo Hương ra ga Phú Thọ cho kịp chuyến tàu chiều về Hà Nội. Khi đã yên vị trên tàu, tôi mới chợt nhớ ra rằng mình đã quên gửi bức thư của ba cho bác Vũ Bỉnh. Nhưng việc ấy giờ đây đã trở nên không cần thiết nữa, vì chính bác ấy đã ký Quyết định cử chúng tôi về trường.

 

Sau mấy ngày nghỉ ngơi để chuẩn bị đồ đạc và hoàn tất việc cắt chuyển hộ khẩu với lương thực-thực phẩm, sáng sớm ngày 4 tháng 10 tôi và Thiên Hương lại ra ga Hà Nội để đi đến trường mà mình đã được cử về. Mẹ Hương không yên tâm để con gái đi nhận công tác một mình ở nơi xa nhà, nên đã quyết định cùng đi với chúng tôi, lại còn cho cả em Thắng theo để giúp đỡ mọi việc khi cần thiết. Thế là hình thành một đoàn đi với 4 người 2 xe đạp cùng đồ đạc lỉnh kỉnh. Hôm ấy trời se lạnh nên tôi được dịp diện áo mới vi-ni-lông được mẹ Hương khen đẹp (nhưng tôi thấy bác còn mặc đẹp hơn mình, với một chiếc khăn quàng rất sang).
Tàu qua cầu Long Biên với tốc độ rùa bò, vì những chiếc dầm thép tạm dựng để đỡ đường ray vẫn chưa đủ sức thay thế hoàn toàn cho những nhịp cầu đã bị bom Mỹ phá hủy. Nhưng từ ga Gia Lâm trở đi thì cuộc hành trình đã thực sự xuôi chèo mát mái.
Xuống ga Bạch Hạc, chúng tôi qua cầu phao rồi tôi đèo Hương và em Thắng đèo mẹ trên xe đạp tiến vào thành phố Việt Trì khi mặt trời bắt đầu lên cao. Có cảnh tượng mới lạ đập vào mắt mọi người: một dãy những chiếc lều bạt xuất hiện trong bóng cây dưới chân quả đồi cách không xa nơi họp chợ mà tôi với Hương đã cùng qua đêm ở đó. Hình bóng binh lính Tàu thấp thoáng quanh các lều bạt này cho thấy rằng: đây chính là một doanh trại dã chiến của quân Trung Quốc. Lại có cả một gã lính Tàu khoác áo blu trắng cúi lom khom bên chiếc bàn thợ cạo có gương để cắt tóc cho một em bé đã choàng khăn trắng ngồi trên ghế. Rõ ràng quân Tàu đang làm “công tác dân vận” với dân ta để có thể trú đóng lâu dài trên đất nước ta.
Tôi mời cả đoàn vào cửa hàng Ăn uống Mậu dịch Quốc doanh có món mì nước mà mình đã từng thưởng thức; nhưng mẹ Hương do dự vì chưa đến bữa ăn trưa. Tôi phải thuyết phục rằng nếu không ăn lúc này thì sợ lúc khác không tìm được chỗ ăn tốt như ở đây; bác mới chịu bước vào nhưng dứt khoát không để tôi phải trả tiền mì. Nhờ sự chỉ dẫn của cô mậu dịch viên, chúng tôi mới biết đường đi đến trường PTC3 Việt Trì.
Từ phố chính rẽ vào một con đường đất đỏ có chen đá sỏi nhưng vẫn dễ đi mặc dù xe chở nặng, chúng tôi thẳng tiến qua những sườn đồi cọ với những bụi cây xanh tốt của vùng trung du tươi đẹp. Dưới chân một quả đồi thấp cách đường một quãng bỗng xuất hiện một chiếc giếng có thành bằng đá ong với hai người phụ nữ trần truồng đang thản nhiên đứng múc nước tắm. Mẹ Hương ra lệnh: “Không được nhìn!”; còn nàng cũng bảo: “Nhắm mắt lại!”; nhưng có lẽ ai cũng tò mò nhìn ngắm cảnh tượng chưa từng thấy ấy. Tôi chợt nhớ lại câu chuyện tiếu lâm nhan đề “Cho em xin tí xà phòng!” mà các bạn ở khoa Sử thường kể để chế diễu một thói quen của phụ nữ Phú Thọ: khỏa thân đứng tắm ngoài trời, họ chỉ cần bắt chéo chân để che chỗ kín của mình rồi thản nhiên chìa tay xin xà phòng của người đàn ông cùng tắm. Hóa ra đó là một phong tục có thật và lúc này chính tôi được mục sở thị. Có lẽ phong tục đó là di sản của tín ngưỡng phồn thực từ thời đại Hùng Vương tôn thờ cặp sinh thực khí “nõ-nường” (mà khoa học gọi là cặp “linga-yoni”), khiến cho việc phô bày thân thể không bị cấm kỵ nghiêm ngặt trong một số trường hợp.
Sau gần nửa giờ chạy xe trên đường đồi đất đỏ, chúng tôi rẽ vào một con đường đất có bóng tre xuyên qua vườn cọ râm mát; và thế là đã đến nơi cần đến: Trường Phổ thông cấp III Việt Trì sơ tán tại thôn Bảo Đà thuộc xã Dữu Lâu - ngôi trường không có môt mái ngói mà tất cả các công trình xây dựng của nó đều thuộc loại nhà tranh vách đất.
Không hề có tường rào với cổng vào và bảng tên trên đó; khuôn viên trường được xác định bên lối vào bằng một căn nhà lá đơn sơ có bộ bàn ghế văn phòng và chiếc trống to treo ngoài hiên sát mái. Anh nhân viên thường trực có dáng vẻ thân thiện chỉ dẫn cho chúng tôi đến phòng Hiệu trưởng ở tận cùng môt dãy nhà lá to lớn có giàn mướp ngoài sân. Dựng xe dưới giàn mướp, tôi cầm theo những giấy tờ cần thiết rồi cùng cả đoàn bước vào phòng.
Hiệu trưởng là một người đàn ông trạc 30 tuổi có vóc dáng nhỏ nhắn và khuôn mặt đầy ấn tượng với mái tóc quăn gợn sóng, bộ râu quai nón được cạo xanh rì, cặp mắt tinh anh và đôi môi tươi cười (chỉ tiếc là răng ông nhuốm màu “cải mả”, có lẽ do ám khói thuốc lào). Mặc bộ đại cán bốn túi để ngồi sau bàn giấy của mình, ông mời chúng tôi ngồi uống nước tại bộ bàn bốn ghế. Bức vách sau lưng ông được trang trí rực rỡ bằng những hàng cờ thi đua hình chữ nhật màu đỏ chói xen lẫn mấy cái hình tam giác màu xanh tươi, tất cả đều thêu chữ vàng với ngôi sao vàng và tua viền vàng chóe. Phía trên các hàng cờ là hai hàng Bằng khen và Giấy khen về “Đơn vị tiên tiến” (chung cho Trường) và về “Chiến sĩ Thi đua” (của riêng Hiệu trưởng). Nhờ đọc các bằng khen đó mà tôi biết tên ông là Đồng chí Trần Lưu Đạm.
Đọc xong các giấy tờ do tôi đệ trình, Hiệu trưởng vui vẻ bắt tay tôi rồi giới thiệu về quá trình phát triển và những thành tích mà trường đã đạt được (có minh họa bằng các lá cờ và những tấm bằng treo trên vách). Ông hy vọng tôi sẽ tích cực đóng góp cho tương lai phát triển của trường.
Nhận thấy mẹ Hương lắng nghe chăm chú và chiêm ngưỡng kỹ lưỡng các cờ biển được trưng bày, ông ân cần hỏi thăm bà về chuyến đi từ Hà Nội về đây, rồi gợi ý: “Bà có định nghỉ lại thì xin cho biết để trường bố trí chỗ ăn ngủ?”. Mẹ Hương cảm ơn sự quan tâm, nhưng xin phép được đi tiếp sang trường của con gái. Ông liền chỉ dẫn hai lối đi qua sông Lô để đến Văn Quán: lối thứ nhất qua cầu phao Việt Trì đường dài khoảng 10km; lối kia qua bến đò Đức Bác gần hơn chút ít nhưng khó đi hơn. Chúng tôi quyết định chọn lối thứ nhất.
Tôi muốn cùng đi với Hương sang Văn Quán, nhưng cả nàng và mẹ đều khuyên tôi ở lại đây để ổn định chỗ ở và chuẩn bị giảng dạy. Tôi đành lấy đồ đạc của mình ra khỏi xe, dẫn cả đoàn đến căn phòng đã được trường dành sẵn cho mình trong khu nhà tập thể, rồi tạm biệt mọi người. Trước lúc chia tay với tôi, mẹ Hương nói: “Cậu Quốc măc áo vi-ni-lông đẹp, nên được trường phân cho chỗ ở tốt!”. Hương lắc đầu: “Mẹ lạ thật, áo đẹp thì có liên quan gì đến chỗ ở!”. Rồi nàng hẹn chủ nhật tuần sau sẽ sang thăm tôi.

 

Tôi không hiểu do đâu mẹ Hương lại khen chỗ ở của mình là tốt; mà chỉ cảm thấy hài lòng khi được cấp phòng này ( với các đồ dùng kèm theo nó), vì như vậy là mình đã chính thức trở thành giáo viên của trường.
Trong dãy nhà tập thể nền đất mái lá với vách tường được “chít tooc-si” (tức là trát đất sét trộn vôi với rơm băm nhỏ vào vách tre), phòng này chỉ rộng chưa đến 8m2. Diện tích đó vừa đủ để kê chiếc giường cá nhân (do trường cấp kèm với chiếu, nhưng chăn màn do mình mang đến) và bộ bàn ghế làm việc (có ngăn kéo dưới mặt bàn và hộc tủ gắn với chân bàn để đựng giấy tờ, quần áo và những dụng cụ cần thiết); còn lại một chỗ trống dành để xe đạp (nếu có). Chật hẹp như vậy, nhưng phòng vẫn thông thoáng vì các vách ngăn với 3 phòng tiếp giáp đều được đan bằng nan tre với vô vàn khe hở để không khí lưu thông (và có thể quan sát lẫn nhau nếu muốn); còn phía vách “tooc-si” thì đã có cửa ra vào (với cánh cửa có chốt tre để cài hoặc khóa) và cửa sổ (có chấn song tre và cánh cửa treo để chống lên hay hạ xuống).
Một hồi trống vang lên báo hiệu buổi học sáng kết thúc. Lần đầu tiên tôi trông thấy học sinh trường này tan học ra về từ các phòng học tranh-tre-nứa-lá nửa nổi nửa chìm dưới mặt đất đúng kiểu “trường học dưới hầm”. Từ phòng học dưới chân đồi, một lớp có những em nhỏ cổ quàng khăn đỏ ríu rít ùa ra - chắc đó là học sinh lớp 8; từ phòng học ở lưng chừng đồi là các em lớn hơn thấy rõ - có lẽ là học sinh lớp 9; rồi đến các chàng trai cô gái trông đã ra dáng trưởng thành tỏa ra từ phòng học ở chỗ cao hơn cả - chắc chắn đó là học sinh lớp 10.
Trong chốc lát, tôi được làm quen với 3 người ở sát vách mình mới hết giờ dạy trở về phòng: anh Lê Diên Cố có thân hình khỏe đẹp của một giáo viên thể dục, anh Lê Quang Phi tầm vóc thấp nhỏ da ngăm đen dạy vật lý và anh Hoàng Tiến Đô người tầm thước trắng trẻo dạy sinh vật. Cả 3 người đều là dân bản địa Việt Trì và giao tiếp với tôi rất thân tình. Chẳng bao lâu sau, tôi đã được gặp các giáo viên khác: anh Nguyễn Bá Hạnh giáo viên toán quê gốc Hà Đông và vợ anh là chị Vũ Kim Hường người Hà Nội dạy địa lý; chị Vũ Vĩnh Nga người Hà Nội dạy văn và là vợ Hiệu trưởng Trần Lưu Đạm quê Phú Thọ; anh Võ Huy Cát giáo viên văn là dân gốc Việt Trì rất có tài về “kẻ vẽ”; anh Nguyễn Văn Minh là dân Hà Đông dạy sinh vật có tầm vóc to con của một người ham mê môn cử tạ; anh Từ Minh Cát dạy Trung văn cũng là dân bản địa Việt Trì và đang giữ chức Bí thư Đoàn trường (tôi đã nộp cho anh Lý lịch Đoàn viên và Giấy Giới thiệu sinh hoạt Đoàn); anh Đào Văn Quyền quê Phú Thọ dạy hóa học; anh Nguyễn Tiến Đạt người Hà Nội là giáo viên Toán đang làm Thư ký Hội đồng giáo viên (là người trực tiếp xếp thời khóa biểu giảng dạy cho tôi); bác Kim Ngọc Liên quê Việt Trì là giáo viên chính trị và là người lớn tuổi nhất trường đang giữ chức Bí thư Chi bộ Đảng; chị Phạm Thị Thục người Hà Nội cũng là sinh viên mới tốt nghiệp khoa Văn ĐHSP cùng khóa với tôi, có chồng là anh Nguyễn Quốc Bảo-cán bộ Ty Giáo dục (sẽ trở thành giáo viên toán của trường này trong năm học sau).
Tôi mau chóng gặp lại anh nhân viên văn phòng để nộp các phiếu cắt chuyển hộ khẩu và lương thực-thực phẩm, đồng thời nhận mấy thếp giấy và các văn phòng phẩm khác được cấp phát, nên đã biết anh tên là Kiều Khanh - một người Hà Nội gốc và là con trai trưởng của ông Kiều Hiển (Chủ tịch UBHC thành phố Việt Trì). Thêm một điều thú vị nữa là anh ấy cũng có một chiếc áo vi-ni-lông giống cái của tôi, nhưng chỉ khác là áo anh có màu cỏ úa. Anh dẫn tôi xuống nhà ăn tập thể để bổ sung tên tôi vào “Bảng chấm cơm” và “báo cơm” cho tôi ngay bữa chiều, rồi giới thiệu tôi với nhân viên cấp dưỡng (tức người nấu ăn) của trường là chị Thọ-một phụ nữ trung niên có thân hình tròn trịa và khuôn mặt phúc hậu với đôi lông mày lá liễu được tỉa kỹ. Theo quy định của nhà ăn, mỗi người đăng ký ăn cơm tháng ở đây phải có một bộ bát đĩa sắt tráng men cùng cỡ với những người khác, đặt đúng chỗ quy định của mình trong tủ để chia cơm canh vào đó. Tôi chưa có bộ bát đĩa đó, nên Chị Thọ bảo chị sẽ cho mượn, rồi tôi sẽ mua sau.
Ngay chiều hôm đó, tôi viết và dán tên mình vào chỗ quy định trong tủ nhà ăn. Sau đó đã được thưởng thức bữa cơm tập thể đầu tiên tại trường PTC3 Việt Trì: cơm độn mì sợi được đong vào bát sắt tráng men rồi úp thành khuôn lên chiếc đĩa men có đường kính lớn hơn bát; một thìa tép rang được đặt vào chỗ lõm trên khuôn cơm đó và canh rau được múc vào bát này. Suất ăn như vậy là đúng tiêu chuẩn 225 gam lương thực và 3 hào tiền ăn. Nhà ăn không có người chuyên quản lý, mà chính các giáo viên “xoay tua” nhau {mỗi người một tháng) đảm nhiệm việc này: giữ kho lương thực, hàng ngày xuất tiền rồi cân gạo và mì cho chị Thọ đi chợ nấu cơm, cuối tháng niêm yết một bảng “Công khai tài chính” để chứng minh rằng tiêu chuẩn ăn của mọi người đã được tuyệt đối đảm bảo.

 

Ổn định xong chỗ ăn ở, tôi dành trọn hai ngày còn được nghỉ để soạn bài chuẩn bị lên lớp. Tại Phòng thí nghiệm kiêm bảo quản giáo cụ trực quan của trường, tôi không thấy một tấm bản đồ hay mẫu vật lịch sử nào hết, nhưng may là có 3 bức tượng thạch cao miêu tả chân dung phần đầu các “cụ tổ” của người nguyên thủy là Sinantơrốp (tức người vượn Bắc Kinh), Pitêcantơrốp và Nêanđectan để dùng cho bài giảng đầu tiên ở lớp 8.
Tại Câu lạc bộ bóng bàn của trường, anh Nguyễn Bá Hạnh đang loay hoay căng lưới trên bàn bóng. Thấy tôi, anh hỏi: “Quốc chơi bóng bàn được chứ? Mang vợt đến đây tỷ thí!”. Thế là diễn ra cuộc đấu bóng bàn đầu tiên giữa anh với tôi. Bá Hạnh bị cong vẹo cột sống nhưng dường như khuyết tật ấy không ảnh hưởng đến các đường bóng rất lắt léo của anh (từ đây anh và tôi sẽ trở thành một cặp “kỳ phùng địch thủ” của trường). Tôi sẽ còn biết thêm: ngoài toán học và bóng bàn, anh còn am hiểu âm nhạc, chơi guitar hoặc accordeon đều hay và đánh cờ tướng còn giỏi hơn tôi.
Lát sau có hai chàng trai tuấn tú cũng mang vợt đến. Anh Hạnh và tôi liền nhường cho họ chơi để ngồi xem. Thì ra đây là 2 cây vợt xuất sắc đã từng mang phần thưởng của giải bóng bàn học sinh toàn tỉnh về cho trường. Cả hai cậu đều có những đường bóng điêu luyện cả về công và thủ khiến tôi phải nhớ mãi họ: Đinh Quang Quang (học sinh lớp 10A) và Trần Mạnh Dũng (lớp 10B). Đấu với nhau xong, họ lần lượt chơi với anh Hạnh và tôi. Phải trổ hết tài cắt bóng phòng thủ và những cú đánh sở trường của mình, tôi mới có thể đối phó với những cú vụt bạt rất mạnh và giật bóng rất xoáy của hai chàng trai này; nhưng vẫn rất khó thắng được họ.
Kết thúc cuộc chơi bóng bàn, Đinh Quang Quang bắt tay tôi: “Cậu mới về trường hả? Chơi khá lắm, hẹn gặp lại nhé!”. Tôi thấy thú vị khi cậu ta tưởng mình cũng là học sinh, nên chỉ lặng lẽ gật đầu đáp lại.
Xong bữa cơm chiều, anh Nguyễn Văn Minh rủ tôi đi dạo mát quanh thôn Bảo Đà. Anh kể nhiều chuyện về những sự việc và con người ở trường này để giúp tôi có cách ứng xử thích hợp. Theo lời anh, đã có 3 giáo viên ở đây phải chuyển đi nơi khác vì những nguyên nhân khác nhau: anh Lê Đình Phú người Hà Nội (dạy hóa rất giỏi, lại say mê học Anh văn nên bị chi bộ tình nghi là “có âm mưu làm gián điệp cho Mỹ”); anh Phan Trường Tính quê gốc Nam Bộ ( dạy văn rất hay nhưng có tâm hồn lãng mạn liên quan đến các nữ sinh); chị Hoàng Bảo Quân người miền Nam dạy sử. Bị dư luận bàn tán về “quan hệ nam nữ” với Hiệu trưởng Đạm, chị Quân trở thành người tiền nhiệm đã ra đi để tôi về thay thế. (Nhiều năm sau, tôi sẽ có dịp gặp lại anh Tính và chị Quân ở Sài Gòn). Khi quay trở lại trường, chúng tôi thấy anh Nguyễn Tiến Đạt ngồi bên một gốc cây đang chơi guitar và giơ tay vẫy tôi. Tôi liền chia tay anh Minh để đến đàn hát cùng anh Đạt. Thì ra trường này không thiếu những người có tài năng và tâm hồn văn nghệ.
Những cuộc đi dạo mát sau bữa cơm chiều với anh Minh sẽ trở thành thú vui thường xuyên hàng ngày của hai chúng tôi, qua đó anh với tôi dần trở thành một đôi bạn thân. Nói chung, tôi cảm thấy gần gũi và yêu mến cảnh vật, con người và cuộc sống ở trường này cũng như ở cả xứ sở Việt Trì thuộc miền “Đất Tổ” linh thiêng này ngay từ buổi đầu về đây khởi nghiệp.

 

Tôi đã thành công ngay trong những tiết giảng đầu tiên tại trường PTC3 Việt Trì ở cả 6 lớp học (8A, 8B, 9A, 9B, 10A và 10B).
Sáng ngày thứ hai đầu tuần, trong bộ trang phục tươm tất với áo vi-ni-lông, một tay xách túi nhựa đựng giáo án và sách giáo khoa, tay kia ôm bức tượng Pitêcantơrốp, tôi bước vào lớp sau 3 tiếng trống trước những cặp mắt tò mò của năm chục học sinh lớp 8A đứng dậy chào người thầy giáo mới lần đầu tiên xuất hiện trước mắt họ. Đặt mọi thứ lên bàn, tôi cúi chào để các em ngồi xuống, tự giới thiệu về mình rồi bắt đầu bài giảng đầu tiên trong chương trình Lịch sử lớp 8: “Nguồn gốc loài người. Đời sống của bầy người nguyên thủy”. Tận dụng bức tượng thạch cao, tôi phân tích cho hoc sinh thấy những nét khác nhau giữa khuôn mặt người vượn Pitêcantơrốp với mặt người hiện đại, để chứng minh cho quá trình tiến hóa từ vượn thành người. Tiếp đó, tôi tường thuật và miêu tả thật sinh động cuộc sống của bầy người nguyên thủy (có tranh minh họa kèm theo). Cả lớp chăm chú nghe và ghi bài theo dàn ý mà tôi viết trên bảng; thỉnh thoảng lại có một em xin phép đứng dậy để hỏi-đáp với thầy. Trống báo hết giờ vang lên: “Tùng! Tùng! Tùng!”- thầy trò đứng dậy chào nhau; bỗng các em ùa lên vây lấy tôi hỏi han tíu tít về tôi và về “cụ” Pitêcantơrốp; rồi tranh nhau bê bức tượng về phòng giúp thầy.
Buổi chiều cũng tại phòng học “nửa nổi nửa chìm” này, bài giảng trên lại diễn ra tương tự với năm chục học sinh lớp 8B. Cuối buổi học, các em không chỉ mang giúp tôi bức tượng về phòng Thí nghiệm của trường, mà còn rủ nhau chăm chú xem thêm tượng hai “cụ” Sinantơrốp và Nêanđéctan ở đó để hiểu kỹ hơn về chân dung người vượn.
Thứ ba, các tiết học lịch sử đầu tiên dành cho lớp 9A (buổi sáng) và lớp 9B (buổi chiều) với bài “Thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng và đánh chiếm Nam Kỳ; nhân dân ta đứng lên kháng chiến”. Đây là một bài giảng nhiều cảm xúc được tôi chuẩn bị kỹ càng với bản đồ chiến sự ở Đà Nẵng và Gia Định, kết hợp minh họa bằng văn thơ yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, đã cuốn hút học sinh từ đầu đến cuối.
Ngày thứ tư, tôi có tiết dạy đầu tiên tại lớp 10B (buổi sáng) và 10A (buổi chiều) với bài “Sự thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương”. Không có cảm hứng với bài này, nhưng tôi vẫn dành nhiều công sức soạn giáo án để có thể dạy tốt. Tôi đã tạo ra một sơ đồ kiến thức để giúp học sinh liên kết các sự kiện: từ người cộng sản đầu tiên (Nguyễn Ái Quốc) qua Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, dẫn tới chi bộ cộng sản đầu tiên và sự xuất hiện 3 tổ chức cộng sản, để đi đến hội nghị thành lập Đảng Công sản Đông Dương. Chính sơ đồ này cùng một hệ thống câu hỏi buôc học sinh phải giải đáp đã làm cho giờ học trở nên rất sinh động. Chỉ tiếc là mình đã không cho học sinh so sánh bản “Chính cương sách lược vắn tắt” của Nguyễn Ái Quốc với bản “Luận cương Cách mạng Tư sản Dân quyền” của Trần Phú để học sinh thấy rõ hai đường lối khác nhau khi Đảng mới ra đời (Luận cương của Trần Phú đã được QTCS chấp nhận).
Sau khi thầy trò chào nhau để kết thúc tiết học, Đinh Quang Quang tiến đến gặp tôi: “Em xin lỗi thầy; vì hôm chơi bóng bàn em đã tưởng thầy là học sinh!”. Tôi bật cười vỗ vai cậu ta: “Không sao đâu Quang! Trên lớp chúng ta là thầy-trò; nhưng ở bàn bóng thì em với tôi vẫn là bạn đấy!”.
Cho đến tiết học thứ hai ở cả 6 lớp trong 3 ngày cuối tuần, tôi cùng các em học sinh đã dành cho nhau những tình cảm sâu đậm, như đã từng thân thiết với nhau từ lâu. Trong lứa học sinh đầu tiên của mình ở trường này, tôi sẽ nhớ suốt đời tên tuổi của rất nhiều em. Ở lớp 10 là Trần Mạnh Dũng (giỏi toàn diện), Đinh Quang Quang, Khổng Phúc Khoa, Võ Huy Tường (em thầy Võ Huy Cát), Trần Lưu Hòe (cháu thầy Trần Lưu Đạm); Thạch Thị Thu Minh (con cán bộ miền Nam tập kết), Kiều Việt Phương (em gái anh Kiều Khanh), Nguyễn Thị Liễu (con cán bộ miền Nam)… Trong số các học sinh lớp 9 có Nguyễn Thị Nghi (quê gốc Bắc Ninh với giọng nói ngọt ngào), Dương Thị Tơ (thông minh học giỏi), Nguyễn Thị Chào, Đinh Thị Tâm, Nguyễn Thị Cẩm Nhung (từ Hà Nội chuyển đến), Nguyễn Thị Lân (khá xinh đẹp lại hát hay múa giỏi), Nguyễn Thị Cường (ngang tài sắc với Lân), Lê Thị Đoan (say mê văn hoc), Thạch Thị Phong Huyền (em gái Thạch Thị Thu Minh), Kiều Thanh Lâm (em Kiều Việt Phương), Võ Thị Vượng (em Võ Huy Tường), Nguyễn Thị Phượng (em Nguyễn Thị Liễu); Huỳnh Kỳ An, Tạ Hòa Bình, Trần Tự Do, Nguyễn Mạnh Đạt (từ Hà Nội chuyển đến), Nguyễn Văn Lã (con liệt sĩ), Lê Văn Thái, Nguyễn Quyết Tiến … Ở lớp 8 có các em Bùi Trọng Tôn (có tài văn nghệ), Nguyễn Văn Lập, Lê Đức Chiến, Nguyễn Phán Tích, Tuệ, Dung, Nguyễn Văn Long (em Nguyễn Thị Lân), Dương Sáng Sơn (bộ đội xuất ngũ); Nguyễn Thị Chính (con cán bộ lãnh đạo tỉnh), Đỗ Thị Lan, Lê Thị Hồng, Nguyễn Lan Phương, Nguyễn Thị Tứ (con ông Nguyễn Định-Phó Chủ tịch tỉnh), Nguyễn Thu Thủy (gốc Hà Nội với nhan sắc nổi trội có thể coi là hoa khôi của trường)…

 

Chủ nhật, dãy nhà tập thể trở nên vắng lặng, vì các giáo viên ở sát vách phòng tôi đều trở về nhà riêng của họ ở cách trường không quá xa. Anh Đào Văn Quyền còn giao chìa khóa phòng mình cho tôi giữ hộ trước khi về Phú Thọ.
Ra giếng đánh răng rửa mặt xong, tôi bóc vỏ và rửa mấy củ sắn mới mua được của dân làng, cho vào chiếc nồi nhôm mượn của chị Thọ, đổ nước vào đó mang về phòng chuẩn bị nấu. Cửa phòng tôi nhìn ra một khoảnh đất cao dưới chân đồi có mấy cây to rụng đầy lá khô trên mặt đất. Tôi tìm được 3 hòn gạch vỡ kê làm bếp ở gần một gốc cây, đặt nồi lên, vun lá khô thành một đống làm chất đốt và chuẩn bị nhóm lửa. Đúng lúc đó Thiên Hương xuất hiện trong bộ quần áo đen có khoác thêm chiếc áo nhung kẻ quen thuộc; cùng với chiếc xe đạp Phượng Hoàng của nàng có đeo thêm mấy chiếc túi đựng bát đĩa và thực phẩm chở từ Văn Quán sang. Tôi vội chạy đến đón nàng dẫn về phòng mình.
Hôm ấy, hai chúng tôi tự do hạnh phúc bên nhau như một gia đình riêng: cùng nấu ở bếp ngoài trời bằng lá khô cháy đỏ bốc khói nghi ngút; cùng ăn trong phòng ấm cúng của riêng hai đứa; và cùng nhau tâm sự về đủ mọi chuyện diễn ra trong suốt một tuần qua. Chỉ còn “cùng ngủ” là chưa được thực hiện trọn vẹn. Buổi trưa yên ắng, chúng tôi cùng nằm bên nhau trên giường cá nhân, vụng trộm hôn hít nhau nhưng vẫn không dám cởi bỏ áo quần. Bởi vì những khe hở trên các phên liếp quây quanh phòng luôn nhắc nhở tôi phải đề phòng một cặp mắt rình mò nào đó có thể phát hiện mình đang trong tình trạng “ăn cơm trước kẻng”. Ngay cả cửa phòng cũng không dám đóng chặt, mà phải mở hé để chứng tỏ hai người trong phòng không có “quan hệ nam nữ bất chính”.
Buổi tối đốt đèn lên đã được một lúc lâu, tôi vẫn không dám cùng nàng “đánh cuộc cờ người” như thơ Hồ Xuân Hương đã miêu tả. Muốn “vào cuộc” mà vẫn an toàn, mình phải chứng minh đươc rằng hai đứa vẫn có chỗ ngủ riêng. Mắc màn và chuẩn bị chăn gối xong, tôi nói thầm với Hương: “Quốc sang phòng anh Quyền, rồi tí nữa vào với Hương nhé!”. Nàng im lặng gật đầu. Tôi ra ngoài và khép cửa lại, rồi lặng lẽ bước nhanh trong bóng đêm mát lạnh.
Phòng anh Quyền thuộc một dãy nhà tập thể khác, nhưng cách phòng tôi chỉ một khoảnh sân. Nằm trên giường của anh, đắp chăn và ngửi mùi hôi của anh, tôi gửi “dòng điện sinh học” về phía Hương với lòng rạo rực khao khát để dự tính thời điểm thích hợp quay về phòng mình với nàng. Nhưng rồi tôi cứ do dự và lùi thời điểm ấy lại mãi; cho đến khi ngủ thiếp đi lúc nào chẳng biết.
Tiếng chim hót lảnh lót đánh thức tôi dậy khi trời đã sáng. Vội vã sắp xếp chăn chiếu để khóa cửa trả phòng cho anh Quyền, tôi chạy ngay về phòng mình và đẩy cửa bước vào: Hương không cài chốt bên trong, chứng tỏ nàng đã sẵn sàng ngỏ cửa suốt đêm để đón tôi quay lại. Mở màn ra, tôi thấy Thiên Hương vẫn nằm đắp chăn trên giường và quay đầu nhìn thẳng vào tôi như muốn hỏi: tại sao đêm qua lại không vào với nàng? Rồi Hương tung chăn ngồi dậy, để tôi được ngắm nàng trong một chiếc áo lụa tơ tằm màu mỡ gà ngắn tay rất đẹp mà mình chưa từng thấy. Rõ ràng nàng đã sẵn sàng trao cho riêng tôi sự quyến rũ của mình với chiếc áo mới lạ ấy! Vậy mà tôi đã bỏ lỡ dịp may để được tận hưởng hạnh phúc ái ân! Trong khi gấp chăn màn rồi đi đánh răng rửa mặt, Hương chẳng nói một lời với tôi; nhưng ánh mắt và tiếng thở dài của nàng đã cho thấy đầy đủ một sự thất vọng âm thầm. Khổ một nỗi là chính tôi cũng không hiểu rõ vì sao mình lại như vậy, nên đành trả lời nàng bằng một câu lơ lửng: “Quốc xin lỗi…!”.
Sáng hôm ấy, Thiên Hương đã dự giờ dạy của tôi ở lớp 8A; khiến cho đám học sinh tò mò đồn đoán với nhau rằng cô giáo trẻ đẹp này chính là người yêu của thầy Quốc. Trở về Văn Quán, nàng để lại cho tôi bộ bát đĩa sử dụng lâu dài cùng lời hẹn sẽ gặp lại nhau trong chủ nhật tuần sau.
Nhưng tôi không thể ngờ được rằng chuỗi dài những ngày chủ nhật mà mình với nàng hạnh phúc bên nhau trong căn phòng nhỏ ở Việt Trì (hoặc ở bên Văn Quán) sẽ có lúc đột ngột kết thúc. Trong số các vật dụng được dùng trong những ngày ấy, sẽ chỉ còn một chiếc đĩa sắt tráng men rất đẹp (có lẽ được sản xuất từ thời Pháp thuộc) của Thiên Hương là được tôi mang theo suốt đời, để kỷ niệm mối tình thủy chung sâu sắc mà lại không đơm hoa kết trái giữa tôi với nàng. Tôi sẽ mãi mãi hối tiếc khi nhận ra rằng: chính sự ngu xuẩn của mình do nỗi sợ hãi về tội “ăn cơm trước kẻng” tạo nên đã khiến Thiên Hương tuột khỏi vòng tay mình. Thấm thía hơn, tôi còn nhận ra nguyên nhân nào đã dẫn đến cho mình nỗi sợ hãi tiềm ẩn triền miên tai hại ấy. 

 LÊ VINH QUỐC

Các Bài viết khác