NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NƯỚC CHẨY DƯỚI CHÂN CẦU, CHƯƠNG 11, PHẦN 4

( 28-11-2016 - 06:51 PM ) - Lượt xem: 1050

Khi ấy, tất cả chúng tôi đều phải thấm nhuần tinh thần “Đâu Đảng cần-thanh niên có, việc gì khó-có thanh niên” và “Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ Quốc cần” ; mà khóa học của chúng tôi còn được mệnh danh là “Khóa Tổng tiến công”, nên hầu hết mọi người đều viết đơn theo tinh thần đó. Nhưng trong thâm tâm, ai cũng chỉ mong đạt được nguyện vọng riêng của mình.

4. Thủ khoa

Kỳ thi Tốt nghiệp Khoa Lịch sử ĐHSP được tổ chức vào cuối tháng 6 với 4 môn thi viết là LSTG, LSVN, Phương pháp Dạy học Lịch sử và Ngoại ngữ (mỗi môn đều thi trong buổi sáng một ngày với thời gian làm bài là 180 phút). Danh sách sinh viên 4 lớp A, B, C, D được xáo trôn với nhau để sắp xếp lại thành danh sách thí sinh theo trình tự vần chữ cái tên người; rồi danh sách này được chia đôi để một nửa dự thi tại giảng đường Sử 3 (ở Phí Xá), còn nửa kia thi tại giảng đường Sử 2 (ở Giai Lệ). Sau mỗi ngày thi thì hai bên lại tráo đổi phòng thi cho nhau để thi môn tiếp theo. Mỗi giảng đường (tức phòng thi) đủ rộng để các thí sinh không ngồi sát nhau, lại luôn có 3 giám thị canh phòng để ngăn chặn các hành vi gian lận. Tôi với Thiên Hương mỗi đứa thi ở một nơi; nhưng dù có được ngồi cùng phòng thì cũng không thể giúp nhau gì được.

Thi xong môn LSVN, mọi người đều tỏ ra phấn khởi vì đã làm bài tốt: Đề thi về “Cách mạng Giải phóng Dân tộc ở miền Nam (1954-1968)” không nằm ngoài dự đoán của chúng tôi nên chủ đề này đã được học và ôn tập kỹ càng. Tôi còn trích dẫn cả “Bài ca xuân 68” của Tố Hữu trong phần kết luận để tăng thêm cảm xúc cho bài làm của mình.

Đề thi LSTG cũng không khó lắm: Dùng thực tế lịch sử để chứng minh rằng “Thời đại chúng ta là thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới” (trích Tuyên bố Matxcơva 1960). Đã ghi nhớ đầy đủ các sự kiện dùng để chứng minh cho luận điểm này, tôi thoải mái trình bày từ cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga mở đầu thời kỳ quá độ, qua các thành tựu xây dựng CNXH và CNCS ở Liên Xô, sự hình thành hệ thống XHCN thế giới với 7 nước ở Đông Âu, 4 nước ở châu Á và nước Cộng hòa Cu Ba ở Tây Bán Cầu. Tôi còn phân tích về 3 dòng thác cách mạng đang đẩy lùi từng bước, đánh đổ từng bộ phận CNTB trong cuộc đấu tranh “ai thắng ai” giữa hai phe trên thế giới; trong đó Việt Nam đứng ở tuyến đầu của phe XHCN để đương đầu với Đế quốc Mỹ và phe TBCN (đúng như quan điểm của Đảng ta!). Tôi đã làm bài tốt; nhưng không phải bạn nào cũng làm tốt bài này; thậm chí đã có trường hợp giở tài liệu ra chép bị giám thị lập biên bản.

Đề thi Giáo Học pháp yêu cầu trình bày lý thuyết về việc hình thành biểu tượng lịch sử cho học sinh (có minh họa qua những sự kiện cụ thể). Đó chính là một bài “tủ” ưa thích của tôi; nhưng nhiều bạn lại tỏ ra lúng túng với đề này. Chẳng hiểu các giám thị sắp xếp chỗ ngồi cho thí sinh theo sơ đồ nào mà anh Doanh Thăng Xuân (một cán bộ-đảng viên người Tày) lại ngồi cùng bàn với tôi. Anh từ từ ngồi xích lại gần tôi để che miệng hỏi về cách làm bài. Tôi phải đẩy bản nháp dàn ý của mình sang phía anh, để giúp anh “tham khảo”, nhưng cũng vẫn phải thì thầm trả lời các câu hỏi của anh. Rất may là các hành vi đó không bị giám thị phát hiện.

Bài thi Ngoại ngữ càng khiến cho nhiều thí sinh gặp khó khăn. Sơ đồ chỗ ngồi được sắp xếp theo trình tự tên thí sinh, khiến cho những người thi Nga văn và Trung văn ngồi xen kẽ với nhau (và được phát đề riêng của từng môn) nên thí sinh rất khó trao đổi với nhau về kiến thức. Khi được phát đề thi Nga văn, tôi kinh ngạc thấy phần “dịch từ Nga ra Việt” trong đó chính là “tài liệu ôn tập quan trọng” mà anh sinh viên cán bộ-đảng viên đã nhờ tôi dịch từ trước. Tôi đưa mắt tìm anh trong phòng thi, đúng lúc anh nháy mắt nhìn mình với một nụ cười đầy ẩn ý! Chẳng cần biết trước tài liệu này, tôi vẫn có thể làm bài tốt; nhưng phải có bản dịch trước của tôi thì anh ấy mới có thể làm bài đạt yêu cầu. Nhưng tôi chẳng hiểu bằng cách nào mà anh lấy được tài liệu này từ trước kỳ thi? Mãi nhiều năm sau, tôi mới nhận ra rằng các đảng viên luôn có uy thế để làm được những việc mà quần chúng ngoài đảng không thể làm.

Rất hài lòng với các bài thi của mình và cũng tin rằng Thiên Hương cùng các bạn bè thân thiết khác đã làm bài tốt; tôi khá thờ ơ với tin Vũ Huy Phúc (Sử 3A) bị thi hành kỷ luật vì vi phạm nội quy thi cử. Nhưng khi nhớ rằng cậu ta đang là Phó Bí thư Liên chi Đoàn Sử 3, tôi mới thấy vụ này nghiêm trọng: một cán bộ Đoàn có cỡ, cánh tay đắc lực của Đảng mà lại gian lận thi cử như thế thì coi sao được! Nhưng khi so sánh vụ của Phúc với việc anh đảng viên lấy được bản dịch Nga văn từ trước khi thi, tôi không biết ai xấu hơn ai? Liên tưởng từ Vũ Huy Phúc đến Bùi Minh Thắng (Phó Bí thư Đoàn trường Ngô Quyền trước kia), tôi không sao gạt bỏ được những ấn tượng đen tối về các cán bộ Đoàn: họ chẳng giống chút nào với những tấm gương của Paven với Rita và hàng loạt “gương” khác mà tôi đã học trong sách vở!

 

Thi xong, chúng tôi có 2 ngày nghỉ để chuẩn bị cho đợt huấn luyện quân sự cuối khóa kéo dài một tháng. Đã quen với đợt huấn luyện từ năm thứ nhất, chúng tôi chuẩn bị quần áo giày dép với mũ và các vòng lá ngụy trang rất nhanh. Cũng như đợt trước, cả khối Sử 3 lại trở thành một Đại đội tăng cường với mỗi lớp là một Trung đôi và mỗi tổ thành một Tiểu đội. Nhưng đợt này có nhiều cái mới: các sĩ quan quân đội (từ thiếu úy đến thượng úy) đeo quân hiệu và cấp hiệu đầy đủ được điều động đến làm công tác huấn luyện thay cho giáo viên quân sự của trường; vũ khí huấn luyện có thêm các loại súng quân dụng hiện đại như súng trường CKC, súng trường K44 và tiểu liên AK; nhất là có nhiều khoa mục mới được đưa vào chương trình, để rèn luyện cho sinh viên trở thành những chiến sĩ có đủ kỹ năng chiến đấu.

Các bãi cỏ và đồng ruộng mới gặt xong còn trơ gốc rạ trên nền đất nứt nẻ chân chim đã trở thành thao trường huấn luyện. Dưới nắng hè gay gắt, chúng tôi ôn luyện các bài về đội ngũ; tiếp đó là các khoa mục chiến thuật: bò trườn sấp, bò cao, bò nghiêng với súng, lăn với súng, đi khom, vọt tiến, đâm lê… Nhìn Thiên Hương vóc dáng mảnh khảnh đội chiếc mũ rơm rộng vành, lại cầm khẩu súng có lưỡi lê tuốt trần đâm thẳng vào con bù nhìn rơm cùng lúc chân dậm miệng hô “Sát!”, tôi cảm thấy rất thú vị.

 

Vào khoảng giữa đợt huấn luyện, chúng tôi nhận được kết quả thi tốt nghiệp từ Khoa gửi xuống. Tôi mừng rỡ thấy các điểm số của mình rất cao: LSVN được 8 điểm, LSTG - 9, Giáo học pháp - 9 và Ngoại ngữ -10. So sánh điểm số của mọi người với tôi, các bạn xác nhận tôi là “thủ khoa” (mặc dù Trường và Khoa không công bố danh hiệu này). Thực ra là có hai thủ khoa, vì điểm số của anh Xương cũng tương đương với tôi, chỉ khác ở sự hoán đổi giữa 2 môn: LSVN - 9 và LSTG - 8. Tiếp đó, Khoa gửi cho mỗi người một tờ “Đơn Đăng ký Nguyện vọng” (với mẫu in sẵn), để sinh viên muốn đươc phân công công tác ở đâu thì điền nguyện vọng vào đó rồi gửi về Khoa.

Khi ấy, tất cả chúng tôi đều phải thấm nhuần tinh thần “Đâu Đảng cần-thanh niên có, việc gì khó-có thanh niên” và “Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ Quốc cần” ; mà khóa học của chúng tôi còn được mệnh danh là “Khóa Tổng tiến công”, nên hầu hết mọi người đều viết đơn theo tinh thần đó. Nhưng trong thâm tâm, ai cũng chỉ mong đạt được nguyện vọng riêng của mình. Dĩ nhiên Thiên Hương, Trọng Cường, Mạnh Tùng, Tuyết Nhung, Thu Nga và các sinh viên gốc Hà Nội khác đều có nguyện vọng được về công tác tại thủ đô; vì ai cũng sợ bị phân công đi các tỉnh xa, nhất là về các địa phương miền núi. Về phần mình, căn cứ vào quá trình học tập rất tốt với kết quả thi “thủ khoa”, lại thêm những lời hứa của các thầy cùng các cấp lãnh đạo Khoa và Trường với mình và với cả ba nữa, tôi tin chắc rằng mình sẽ được giữ lại Trường làm cán bộ giảng dạy. Vì thế, tôi đã ghi vào đơn là “Sẵn sàng chấp nhận mọi sự phân công của Khoa và Trường”. Khi đăng ký như vậy, tôi nghĩ rằng nếu Khoa phân công mình về Tổ bộ môn nào, dù là LSTG, LSVN hay Giáo học pháp, mình cũng sẵn sàng chấp nhận (mặc dù mình đã định hướng về Tổ LSTG qua bài Khóa luận thuộc bộ môn này).

Sau ngày nộp đơn về Khoa, bỗng nhiên Mạnh Tùng phát bệnh phải xin phép tạm nghỉ huấn luyện quân sự. Tôi cùng Thiên Hương theo Tuyết Nhung đến thăm Tùng ở nhà trọ, và nhận thấy căn bệnh của cậu ấy thật kỳ lạ: trông người cứ ngẩn ngơ như kẻ mất hồn mà hay nói năng những câu vô nghĩa, thậm chí không nhận ra cả bạn bè của mình. Tuyết Nhung cũng phải xin nghỉ phép để đưa Tùng về Hà Nội khám bệnh. Tôi cảm thấy ái ngại và thương xót cho Mạnh Tùng: sắp đạt được thành quả cuối cùng của 3 năm học với tấm bằng đại học mà lại mắc bệnh như vậy, thì tương lai của cậu ấy sẽ như thế nào? (Không ngờ thực tế về sau Mạnh Tùng lại đạt được nguyện vọng của mình, còn chính tôi mới là kẻ đáng thất vọng!).

 

Trong tâm trạng hồi hộp chờ nhận quyết định phân công công tác của Trường, chúng tôi vẫn hăng say hoàn thành chương trình huấn luyện quân sự. Xạ kích vẫn là khoa mục chính được rèn luyện kỹ lưỡng nhất. Trong đợt này chúng tôi tập tháo lắp súng; rồi tập các tư thế đứng bắn, quỳ bắn, nằm bắn không bệ tỳ, nằm bắn có bệ tỳ (được đắp bằng đất). Các yếu lĩnh xạ kích hầu như không thay đổi khi chuyển từ súng thể thao Toz-8 sang áp dụng cho súng CKC hoặc AK; nhưng các súng quân dụng này nặng hơn và giật mạnh hơn, nên cũng khó bắn hơn. Đợt kiểm tra bắn đạn thật được tiến hành ở trường bắn trên cánh đồng với 4 bệ tỳ dành cho 4 khẩu CKC (mỗi trung đội một bệ) và 4 chiếc bia đặt cách mỗi bệ 50m dựa vào bờ đê để chắn đạn. “Nằm lắp đạn! Bia 4c cự ly 50m; đạn 3 viên bắn điểm xạ!”- đó là mệnh lệnh mà từng chiến sĩ khi bước đến bệ tỳ được nhận từ sĩ quan chỉ huy. Tiếng súng nổ chát chúa suốt ngày cùng với mùi khói đạn cay nồng tạo nên cảm giác phấn khích như đang ở trong trận chiến thực sự. Hoàn thành xong đợt bắn của mình, tôi buông súng đứng dậy: “Báo cáo, xong!”. Cùng lúc đó chiến sĩ báo bia chui dưới hào lên, đến khảo sát chiếc bia mà tôi vừa bắn, rồi phất lá cờ hiệu 3 lần thông báo đạn trúng vòng 9,10 và 10 - tổng cộng 29 điểm (loại xuất sắc). Thiên Hương bắn sau cũng được 27 điểm (loại giỏi).

Ném lựu đạn cũng là một khoa mục rất quan trọng với yếu lĩnh 3 bước: một là kíp (giật kíp nổ), hai là đà (ngả người vung tay cầm lựu đạn về phía sau để lấy đà), ba là ném (quăng lựu đạn về phía trước, rồi nằm ngay xuống để tránh mảnh đạn). Tập luyện với lựu đạn giả làm bằng gỗ theo 2 trường hợp ném có súng và không mang súng, chúng tôi cảm thấy thích thú nên cùng đua nhau thưc hiện đúng yếu lĩnh để xem ai ném xa hơn. Giỏi nhất là các sinh viên gốc miền núi có khả năng ném rất xa; kém nhất là các chị nữ cán bộ đi học chỉ ném được một quãng ngắn. Tôi với Thiên Hương cùng thuộc loại người gầy yếu nên khó có thể đua tranh với những bạn to khỏe hơn mình, nhưng cũng đạt kết quả tương đối khá.

Đến khi kiểm tra bằng bài ném lựu đạn thật, thì mọi người mới cảm thấy lo lắng. Nhìn vị sĩ quan huấn luyện làm mẫu ném quả lựu đạn chày (loại đang được trang bị cho quân đội) nổ tung trong hố sâu và rộng đã được chuẩn bị sẵn, tôi bắt đầu hiểu sự nguy hiểm của loại vũ khí này. Khi có một quả được ném ra mà chỉ xì khói không nổ, vị sĩ quan liền bước xuống hố can đảm nhặt lên mang về khi nó vẫn tiếp tục tỏa khói. Chứng kiến cảnh đó, tôi càng sợ một trái lựu đạn nào đó sẽ có thể nổ ngay trong tay khi mình chưa kịp ném!
Lúc vị sĩ quan chỉ huy ra lệnh cho toàn đại đội chuẩn bị ném lựu đạn, tôi bỗng hiểu vì sao trong dân gian có câu “sợ vãi đái”: tự nhiên cảm thấy run và mót đi tiểu! Rất may là danh sách các sinh viên được chọn để thực hành khoa mục này chỉ bao gồm những nam nữ chiến sĩ đã ném giỏi với lựu đạn gỗ: bên nam khoảng hai chục người, dẫn đầu là Triệu Việt Vương, Ra Lan Nhe, Nguyễn Văn Thuyết…; bên nữ chỉ năm người mà nổi bật với hai giọng ca Tây Nguyên là Đinh Thị Húa và Mai Xẩm. Tôi và Thiên Hương rất hài lòng khi được phép ngồi “kiến tập” cùng đa số còn lại của đại đội; và rất khâm phục lòng can đảm của các bạn đã dám ném lựu đạn thật.
Để kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), toàn đại đội chúng tôi mang theo vũ khí và vòng lá ngụy trang tập hợp tại nghĩa trang liệt sĩ thôn Phí Xá, cách không xa cây gạo cổ thụ lúc này đã rụng gần hết hoa đỏ và bông trắng. Trước gần hai chục nấm mồ xanh cỏ với bia mộ ghi đủ tên tuổi của các liệt sĩ thời kháng chiến chống Pháp, Bí thư Liên Chi đoàn Sử 3 Bùi Xuân Vịnh, một đảng viên đẹp trai có răng bịt vàng với hình trái tim màu xanh trong đó, thay mặt đơn vị đọc lời tuyên thệ noi gương các liệt sĩ để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập-tự do của Tổ Quốc. Toàn đại đội vung tay hô to đáp lại: “Sẵn sàng! Sẵn sàng! Sẵn sàng!”.
Chính cụ Thọ là người biết rõ sự hy sinh của các liệt sĩ được mai táng ở đây để kể lại cho tôi nghe. Cụ còn cho biết rằng một đơn vị bộ đội hành quân qua xã này đã gửi lại hàng chục thương binh, nhờ Hội Phụ nữ địa phương vận động các cô chưa chồng tình nguyện kết hôn để chăm sóc cho những người đã hy sinh một phần thân thể cho Tổ Quốc. Tại sân đình, mỗi thương binh nằm trên một chiếc chiếu và đắp chăn kín mít từ đầu đến chân để không ai biết dung mạo và tình trạng thương tật của từng người nặng nhẹ thế nào. Tùy theo sự may rủi, mỗi cô gái tình nguyện chỉ tay vào thương binh nào thì người ấy sẽ trở thành chồng mình. Toàn bộ số thương binh này đều đã tìm được những người vợ chăm sóc họ theo chính sách của Đảng ta.
Khoa mục cuối cùng của chúng tôi là một cuộc hành quân dã ngoại mà mỗi chiến sĩ đều phải mang súng và vòng lá ngụy trang. Đi theo hàng một từ đường làng tiến lên đường đê, gần hai trăm sinh viên kéo dài thành một đoàn quân đầy khí thế, trông chẳng khác bao nhiêu so với các đoàn quân Giải phóng vẫn rầm rập tiến vào chiến trường miền Nam. Khi quay trở lại nơi xuất phát, theo lệnh của sĩ quan chỉ huy, chúng tôi hát vang các bài “Hành quân xa” của Đỗ Nhuận và “Tiến bước dưới quân kỳ” của Doãn Nho. Tuy nhiên, trong tâm trí tôi vẫn văng vẳng câu thành ngữ quen thuộc: “Không xanh cỏ thì đỏ ngực”. Lúc này, cuộc Tổng tiến công đợt 3 trên toàn miền Nam đang diễn ra ác liệt. Tôi có hỏi cụ Thọ về tình hình anh Cau ở chiến trường. Cụ bảo: “Cả hai anh em nó không có tin gì từ sau cuộc Tổng tiến công hồi Tết đến giờ; cũng đành phó mặc cho số mệnh chứ biết làm sao được?”. Tôi chợt nhớ: ngoài anh Cau, cụ còn có người con trưởng là chồng chị Ngoan cũng đang ở chiến trường miền Nam. Cụ sẽ sống thế nào nếu cả hai người con trai của mình đều “Sinh Bắc-Tử Nam” (một câu thường được lặp đi lặp lại trong chương trình “Nhịp cầu yêu thương” của Đài phát thanh Sài Gòn gửi đến các “cán binh Việt Cộng” và gia đình họ ở miên Bắc)?

 

Đợt huấn luyện quân sự kết thúc, đại đội giải tán để các trung đội trở về sinh hoạt theo lớp cũ của mình. Lớp Sử 3B chúng tôi đã có một bữa tiệc ra trò tại nhà cụ Thọ để mừng tốt nghiệp. Một đêm liên hoan văn nghệ của toàn khối Sử 3 cũng được tổ chức rất vui ngay tại giảng đường thân thuộc. Đó là lần cuối cùng tôi thực hiện nhiệm vụ Trưởng ban Văn nghệ Sinh viên Khoa Sử. Bản hợp xướng “Bài ca sư phạm” của Văn Nhân lại vang lên để tiễn đưa các sinh viên vừa tốt nghiệp trở thành “Đoàn giáo viên ra đi, về bốn phương xa xôi, đi theo tiếng non sông đang gọi ta”. Chúng tôi được nghỉ hè để chờ nhận Quyết định Phân công Công tác (còn Bằng Tốt nghiệp Đại học sẽ chỉ được nhận sau 2 năm, khi hết hạn tập sự ở trường được phân công về giảng dạy).

Tôi cùng Thiên Hương và nhóm bạn Hà Nội lại ra bến xe thị xã Hưng Yên để lên đường về thủ đô; nhưng đến huyện Khoái Châu thì tôi xuống xe tạm chia tay các bạn để gặp ba má ở cơ quan Hiệu bộ trường ĐHSP Ngoại ngữ (rồi sau đó sẽ gặp lại các bạn ở Hà Nội). 

Phòng ở của ba khóa cửa, tôi đi tìm gặp má ở phòng Hành chính-Quản trị. Nơi này cũng rất vắng vẻ với một cánh cửa khép hờ. Nhìn qua khe cửa, tôi bất ngờ được chứng kiến một cảnh tượng kỳ lạ: chú Nhĩ đeo kính mặc sơ mi trắng quần ka ki đi đôi “dép rọ” (loại dép nhựa Trung Quốc màu nâu nhạt có khóa cài rất tốt mới được bán phân phối cho cán bộ) đang ôm chặt chiếc cột nhà mà nhún lên nhún xuống như giã gạo. Trong phút chốc, tôi đã nhận ra rằng chú đang thủ dâm. Nhưng vẫn không hiểu vì sao chiếc cột nhà, tuy tròn nhẵn nhưng làm bằng gỗ rất cứng, lại có thể khiến chú tưởng tượng ra thân hình một người đàn bà cởi truồng để giúp cho dương vật của mình có thể xuất tinh?
Tôi hồi hộp không dám gõ cửa vì sợ làm kinh động chú Nhĩ đang lúc say mê; vừa may lúc chú xong việc đang cài lại khuy quần thì má cùng một nhóm nhân viên của phòng từ bên ngoài bước tới. Tôi chào má cùng các nhân viên đó; và mọi người mở toang cánh cửa bước vào phòng khi chú Nhĩ đã ngồi nghiêm chỉnh tại bàn làm việc. Tôi được má dẫn vào và không quên liếc nhìn chiếc cột nhà: dấu vết của chất nhờn vừa phóng ra vẫn còn nguyên trên cột. Mọi người vui vẻ bàn tán về cuộc mổ lợn tập thể vừa qua, ngắm nghía phần thịt được chia của mình và không quên trao cho chú Nhĩ miếng thịt mà chú được chia phần theo tiêu chuẩn. Vì thế, chẳng có ai chú ý đến dấu vết lạ trên chiếc cột nhà.
Trưa hôm ấy, tại phòng ở và làm việc của ba, từ tiêu chuẩn thịt vừa được chia má nấu một nồi cháo lòng rất ngon để hai má con có một bữa trưa thịnh soạn (còn một phần múc vào chiếc hộp ghi gô để mang về Hà Nội cho ba).
Tôi hỏi má: vợ chú Nhĩ ở đâu? Má cho biết vợ chú ở lại miền Nam, không tập kết ra Bắc cùng chú. Thế là tôi đã hiểu: để giữ vững khí tiết kiên trung của người đảng viên, suốt 14 năm qua (kể từ 1954) chú một lòng chung thủy với người vợ ở miền Nam và cũng không dám quan hệ nam nữ bất chính để mắc tội “hủ hóa”, nên đành giải quyết nhu cầu bản năng của mình bằng cách thức như trên. Hình tượng kỳ lạ về chú Nhĩ ôm chiếc cột nhà đã trở thành một thí dụ sinh động giúp tôi hiểu sâu sắc câu thành ngữ “Ngày Bắc-Đêm Nam” để miêu tả hoàn cảnh khổ đau của nhiều cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc.
Sau giấc ngủ trưa, má khóa cửa cẩn thận rồi dẫn tôi lên chiếc xe commăngca đã chờ sẵn để đưa cán bộ của trường về Hà Nội. Trên xe, tôi gặp một bà có trang phục và dáng vẻ quý phái, được má giới thiệu là phu nhân của thầy Hiêu trưởng Phạm Trinh Cán. Tôi kính cẩn chào bác, nhưng trong lòng chợt nảy sinh thắc mắc: nếu thầy này là Hiệu trưởng thì ba mình giữ chức gì?
Chẳng biết có phải vì xe chạy quá xóc hay do mình đã ăn quá nhiều mà thức ăn bị khó tiêu, tôi đã nôn ra một ít cháo trên xe. Mặc dù hai má con tôi đã lau chùi cẩn thận, vị phu nhân Hiệu trưởng vẫn nhíu mày nhếch mép nhìn tôi đầy vẻ khó chịu.
Qua cầu phao tiến vào nội thành Hà Nội, xe chạy thẳng đến một ngôi biệt thự xinh xắn để phu nhân xuống xe bước vào nhà đó, rồi chạy tiếp về ĐHSP ở Cầu Giấy và dừng bánh tại khu Hiệu bộ để má và tôi bước xuống đi về nhà.

 

Hai má con tôi bước vào nhà khi cuộc họp của Ban Phụ trách (nay mới trở thành Ban Giám hiệu) trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội vẫn đang tiếp tục tại gian làm việc của ba. Có 4 vị ngồi quanh bộ bàn ghế xa lông và vị thứ năm ngồi trên chiếc ghế gỗ được kê thêm bên cạnh. Chúng tôi kính cẩn cúi chào các vị, bước vào gian trong cất đồ đạc rồi lại phải ra ngoài qua phòng bên cạnh để tránh việc nghe lỏm nội dung cuộc họp. Tôi đoán biết người đàn ông lạ mặt lớn tuổi đeo kính gọng đen mặc bộ đại cán ka ki 4 túi ngồi cạnh ba chính là Hiệu trưởng Pham Trinh Cán; còn các vị kia thì tôi đã biết từ khi họ còn là các Phó ban Phụ trách: chú Nguyễn Hòa Bình (nguyên Trưởng ty Công an nay trở thành Phó Hiệu trưởng phụ trách Hành chính-Quản trị), cô Phạm Thị Tỉnh (nguyên cán bộ giảng dạy Khoa Nga, được đề bạt làm Phó Hiệu trưởng phụ trách giảng dạy) và chú Nguyễn Niêm (một Phó Tiến sĩ mới tốt nghiệp ở Liên Xô về, được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu khoa học).
Ba tôi vốn là Trưởng ban Phụ trách kiêm nhiệm công tác tổ chức, nay trở thành Phó Hiệu trưởng thì không hiểu giữa ông và vị Hiệu trưởng mới sẽ phân công công tác với nhau như thế nào? Về sau, tôi mới được biết rằng trong khi ba tôi chỉ đạo việc xây dựng trường ĐHSP Ngoại ngữ từ những cơ sở ban đầu của nó, thì bác Phạm Trinh Cán còn đang trị bệnh ở Trung Quốc. Khi tổ chức và cơ ngơi của trường đã trở nên vững vàng, đã đến lúc Bộ Giáo dục chính thức bổ nhiệm Ban Giám hiệu, thì bác Cán về nước nhận chức Hiệu trưởng, đẩy ba tôi xuống hàng Hiệu phó. Do đó, bác vẫn để ba tôi tiếp tục đảm đương trách nhiệm chỉ đạo chung và công tác tổ chức như hồi còn làm Trưởng ban Phụ trách (vì tình trạng sức khỏe chưa cho phép bác trực tiếp nắm quyền chỉ đạo).
Rõ ràng là ba tôi đã bị hạ tầng công tác sau khi đã góp nhiều công sức xây dựng trường; nhưng ông không thắc mắc với cấp trên về sự bất công này, mà vẫn hăng hái công tác theo những nhiệm vụ của một Hiệu phó gánh vác công việc thay cho Hiệu trưởng. Tính ba tôi thế đấy: ông không so bì tị nạnh với ai về chức quyền và lợi ích; vả chăng ông đã quen với những vụ bị hạ chức như vậy, kể từ khi còn công tác tại Bộ Canh nông và Bộ Lao động trên chiến khu Việt Bắc.
Không ai biết khả năng quản lý và trình độ chuyên môn của Hiệu trưởng Phạm Trinh Cán là như thế nào; tôi chỉ thấy má đã khen rằng: bác Cán luôn chào hỏi rất nhã nhặn và lịch thiệp với cán bộ công nhân viên trong trường. Sau này, mọi người mới biết rằng thầy Phạm Trinh Cán chính là vị thông gia với Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, nên ai cũng nể phục thầy về cái thân thế đó. Chẳng phải ngẫu nhiên mà chính sách cán bộ hiện hành được lưu truyền trong dân gian bằng câu “Nhất Thân - Nhì Thế - Tam Quyền - Tứ Chế”: ưu tiên những người có thân thế mạnh và có quyền lực cao rồi mới đến chế độ theo quy định. Mặc dù ba tôi cũng có một thân thế vững vàng, nhưng ông vẫn chưa thể sánh được với cái đó của bác Cán!

 

Thế là tôi đã có một đợt nghỉ hè thoải mái trong những ngày đầu thu sau 3 năm học tập chuyên cần với kết quả mỹ mãn. Tại khu tập thể Hiệu bộ của 3 trường ĐHSP, tôi có dịp làm quen và vui chơi cùng bọn trẻ học sinh phổ thông là con của các vị lãnh đạo các trường cũng đang được nghỉ hè. Tôi và em Dũng thường đá bóng với hai anh em Nguyễn Cảnh Tài và Nguyễn Cảnh Đức (con GS Nguyễn Cảnh Toàn) và em Quang (con thầy Nguyễn Chí Linh) ở dãy hành lang dài có mái che. Em gái của Tài và Đức còn nhỏ nhưng cũng dám mặc quần đùi chơi bóng đá cùng các anh lớn. Thỉnh thoảng tôi cũng trò chuyện với cái Tú (con thầy Hồ Văn Điềm) - một nữ sinh xinh xắn mới lớn; nhưng ấn tượng nhất với tôi là chị gái của Tú-một sinh viên du học nước ngoài mới về nước nhân dịp nghỉ hè. Lần đầu tiên xuất hiện trước mắt tôi bên bể nước ở khu tập thể với chiếc chậu tôn đựng quần áo, cô ấy mặc một bộ váy áo hoa rất đẹp làm nổi bật nước da trắng bóc, trông khác hẳn các phụ nữ trong nước luôn đồng phục với chiếc quần đen. Mang đôi dép kiểu cao gót và khéo léo ngồi xổm mà khép đùi kín đáo để giặt (một tư thế ngồi không thấy có ở phụ nữ trong nước), cô thể hiện một tác phong văn minh đã tiếp nhận được từ nước ngoài.
Ngay sau cuộc găp này, tôi nghe đài phát thanh loan tin: Ngày 21-8 vừa qua, quân đội các nước thành viên Hiệp ước Varsava đã tiến vào thủ đô Praha để giúp đỡ nhân dân Tiệp Khắc bảo vệ thành quả CNXH đang bị các phần tử cơ hội tay sai CNTB đe dọa. Khi nghe tin đó, tôi chỉ đoán mò: nếu cô con gái thầy Điềm du học ở Tiệp Khắc, thì khi trở lại nước ấy sẽ có thể gặp rắc rối. Nhiều năm sau, tôi mới biết đó là một sự kiện ảnh hưởng đến vận mệnh nước này và làm chấn động thế giới: 20 vạn quân Liên Xô và các nước Đông Âu tràn vào Tiệp Khắc để đàn áp phong trào dân chủ do Dubcek lãnh đạo được mệnh danh là “Mùa xuân Praha 1968” nhằm giải thoát đất nước khỏi chế độ cộng sản (tương tự như sự kiện ở Hungary năm 1956).
Tạm gác sự kiện thời sự quốc tế đó sang một bên, tôi đạp xe đến với Thiên Hương yêu quý của mình. Bước lên cầu thang ở nhà nàng, tôi nghe tiếng dội nước phát ra từ phòng tắm ở ngay cạnh đó. Nhìn qua cánh cửa phòng khép hờ, lần đầu tiên tôi được thấy cơ thể khỏa thân trắng ngần của nàng phơi bày ngồn ngộn bên chậu nước tắm. Lặng lẽ mà vô cùng rạo rực trong lòng, tôi ngắm nàng cho đến khi Hương thay xong quần áo và đẩy cửa bước ra; thế là tôi lao tới ôm hôn nàng tới tấp. Hôm ấy Thiên Hương diện một chiếc áo màu đen mới lạ; nên lúc về nhà tôi quyết định nhuộm một chiếc sơ mi của mình thành màu đen để được đồng phục với nàng. Tôi lại có thêm niềm vui khi má cho biết gia đình mình đã có tiêu chuẩn mua một miếng vải vi-ni-lông đủ may một chiếc áo blu dông kiểu Đức; rồi lấy ra môt cái thước và đo kích cỡ để chuẩn bị may áo đó tặng tôi.

 

Các Bài viết khác