NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NHƯ ĐÃ CÓ CUỘC CHIA LY MÃI MÃI…

( 24-04-2015 - 05:42 PM ) - Lượt xem: 887

Ngày ấy tuổi chúng tôi vừa độ đôi mươi, mạch sống căng đầy, ước mơ hoài bão cho tương lai cũng nhiều ấp ủ mặc dù chiến tranh còn tiếp diễn, hòa bình còn xa vời mỗi khi nghe tiếng súng vọng lại, đêm đêm hỏa châu soi sáng bầu trời thành phố và tin tức về thương vong giữa các bên làm mọi người càng thêm buồn vì sao dân tộc này mãi chia cách, phân ly đã hơn hai mươi năm đằng đẳng?!

Tuổi trẻ không trọn vẹn ước mơ

Lục lọi trong ký ức của ký ức 40 năm không bao giờ phai nhạt, có lúc tôi nhớ hình ảnh thầy dạy tôi môn Quốc Văn đã từng nói với học trò, thầy đã rời xa Hà Nội thân yêu vì hoàn cảnh gia đình, khi còn dạy chúng tôi thầy luôn nhắc đến cố hương với con đường Cổ Ngư xưa thơ mộng ngày nào trước khi di cư vào Nam và chọn nghề dạy học. Thầy tôi hiền lắm nhưng nét mặt ưu tư  với nỗi niềm ly hương vì thầy đã xa cách quê nhà mà không thể nào tìm đường về vì hai miền chia cách sau Hiệp định Geneve 1954. Thương quá thầy tôi đã qua đời trong một tai nạn giao thông trên đường về miền tây cách đây trên 40 năm, thời còn chiến tranh loạn lạc, chúng tôi - học trò thầy còn quá nhỏ làm sao biết thầy an táng nơi đâu để đốt một nén nhang tưởng niệm người thầy đáng kính, thầy ơi! Bây giờ đã im tiếng súng, thầy đã an giấc ngàn thu bỏ lại niềm khát khao được trở về quê hương như bao người con khác đã luôn khắc sâu hình bóng quê nhà.

Những mảnh ký ức chắp vá vẫn như trước mắt, đã 40 năm gia đình mợ tôi  vẫn chưa thể vươn lên trong cuộc sống, luôn vất vả với nợ áo cơm lắt lay chờ ngày đi theo cậu tôi ở một miền xa xôi gần tận cùng của đất nước. Ngày giải phóng cậu dắt díu vợ con về quê vợ sinh sống, bỏ lại bàn thờ những ông anh họ tôi đã tử trận trong chiến cuộc, lá xanh rụng trước lá vàng và cậu cũng mãn phần trong cảnh cùng cực, không quan tài chôn cất phải nhờ địa phương giúp đỡ. Trước ngày hòa bình lập lại cậu tôi là một viên chức ngành thuế quan, nhà cửa đầy đủ, các con trai cao lớn học hành đầy triển vọng  nhưng chết trẻ trong chiến tranh để lại những đứa cháu mồ côi, lớn lên nghèo khổ ít học vì những người chị dâu tôi không sao chống đỡ nổi giông bão cuộc đời. Ngày ấy không ai biết đến nổi khổ của ai vì đi lại khó khăn, không tiền bạc, không cách nào để kiếm sống vì luật lệ “ ngăn sông cấm chợ” của chính quyền cách mạng. Mẹ tôi chỉ biết tin một ông cậu qua đời qua lời ba tôi kể lại, gặp con của cậu tôi trên chuyến phà qua sông Hậu, mẹ tôi khóc mấy đêm liền thương người anh quá cố mà đến ngày nhắm mắt không thể nào gặp mặt. Đó là hoàn cảnh chung của đất nước, nhưng trong cái chung còn có cái riêng, không ai giống ai, không thể nào so sánh được. Trong những chuyến xe đò lên tỉnh trọ học, mẹ tôi bọc cho tôi mấy lít gạo để ăn đủ tuần, ngồi trên xe mà nơm nớp sợ bị tịch thu, khép tội “đi buôn” dù nét mặt tôi còn là học trò, không phải dân chạy chợ! Ngày đầu đi trọ học, đứng trên gác nhà trọ, lòng tôi buồn sâu lắng tự hỏi vì sao tôi đứng đây, Sài Gòn nơi tôi sinh ra và gắn bó nay đâu rồi? Tuổi tôi ngày ấy so với bây giờ đâu biết toan tính gì, chỉ biết học hành, ước mơ và tan tành thời hoa mộng thì chỉ biết theo sự sắp đặt của số phận. Mỗi bận về thăm nhà, có khi theo xe đò về nhà trời đã tối, đi qua khu nghĩa địa gần nhà tôi chảy nước mắt vì nhìn thấy xa xa ánh đèn dầu leo lét nơi gia đình tôi sống nghèo đói, trước đó phải từ bỏ chốn thị thành về hồi hương, theo sự khuyến cáo của chính quyền cách mạng nơi gia đình tôi sinh sống trước đây.

Nỗi đau khổ của một gia đình

Ba ngày sau giải phóng, cả nhà tôi phải ra đường để kiếm sống, mẹ tôi bán khoai, ba tôi bán nông cụ vì lúc đó rộ lên phong trào hồi hương – đi kinh tế mới, anh em đi lính có người còn mất tích chưa về nhà, bạn tôi đã theo tàu di tản để lại trong tôi một nỗi buồn sâu thẳm đến tận bây giờ. Những người láng giềng của tôi, tình thân như họ hàng, cách mạng thành công mạnh ai nấy lo sinh kế, không còn ai biết đến ai. Thỉnh thoảng nghe gia đình này, gia đình kia đi hồi hương hoặc đi xây dựng kinh tế mới, nay kẻ còn người mất, người tận góc biển chân mây, tôi cứ bồi hồi khi có dịp biết tin về về họ. Khu cư xá ngày xưa đoàn kết, thương yêu nhau, giàn hoa giấy tím cạnh khu nhà bà Đốc là nơi bọn con trai, con gái chúng tôi thường tập họp đá cầu, chơi tạc lon, đánh đũa, chơi dích hình; khu “Vũng Tàu” thoáng mát, gió hây hây thổi, xa xa là ruộng rau muống giống đồng quê đẹp như tranh là khu Rạch Miễu khi xưa giáp Quận 1,  bây giờ là khu đất vàng của Phú Nhuận mà chúng tôi đã rời xa mấy mươi năm. Căn nhà xưa kế cận là căn nhà anh chị em tôi đã đào hầm tránh pháo kích và liệng sách vở quý, hình ảnh xuống chôn vùi sợ liên lụy những ngày đầu buổi giao thời. Rời xa chốn cũ theo sự bắt buộc của ba tôi, tôi đã ứa nước mắt khóc cho số phận sau những ngày lang thang đi tìm việc, nào ai chấp nhận vì chúng tôi có lý lịch “ngụy” đen không tốt. Xe “cam nhông” chở đồ đạc, giường màn chăn chiếu của gia đình tôi dừng bên hông nhà nội tôi là chúng tôi thấy cả một bầu trời tăm tối của ngày mai vì không biết làm sao để sống, để tồn tại vì nhà cửa ở Thành phố đã bán hết, vốn liếng không còn. Năm đó gần lễ giáng sinh, thời tiết lạnh căm căm, gió thổi phần phật căn nhà lá giữa cánh đồng trơ trọi nơi ba tôi vừa dựng lên, tự hỏi vì sao chúng tôi phải về đây, rời bỏ căn nhà xưa ấm êm với bao kỷ niệm, có ai bắt buộc chúng tôi đâu mà hồi hương hoặc đi xây dựng kinh tế mới theo khuyến cáo của những cán bộ địa phương!Tôi không sao quên được những ký ức đau buồn vì thiếu ăn, thiếu mặc khi gia đình đi hồi hương: ăn thì ăn độn lúa miến, bo bo; cơm chia phần từng đứa, mặc không lành lặn; mẹ và chị tôi ra đường chỉ có một cái quần đen duy nhất  thay đổi, ai có việc ra chợ thì nhường; thương nghiệp phân phối cho vùng quê không đầy đủ, một cây kem đánh răng phân phối cho hai hộ không biết chia làm sao cho hợp lý (cười ngất khi nhớ lại), mỗi hộ 1-2 mét vải mỗi năm. Còn nhớ vài sự kiện đáng nhớ của gia đình tôi, khi hồi hương về lúc đó nhà tôi ai cũng có ghẻ, thuốc bôi không hết, ba tôi nóng ruột tiêm đại thuốc kháng sinh cho em gái tôi nhưng bị phản ứng sốc thuốc phải tức tốc chở em ra bệnh viện không thì cũng nguy đến tính mạng; một đêm nọ ăn trộm lẻn vô cắt vách nhà tôi trộm hết quần áo trong nhà, hoặc treo trên vách. Kẻ trộm tinh ma lấy ghế đặt ngay đường đi trong nhà để khi bị phát hiện nhà tôi vấp ghế té ngã để dễ bề tẩu thoát, tiếng kêu thất thanh ăn trộm của nhà tôi mà khi sáng ra chú tôi ở gần đó tưởng là tiếng vịt kêu! Có lẻ thằng ăn trộm nào đó cũng đói và rách hơn chúng tôi, biết nhà tôi là dân Sài Gòn mới về chắc có nhiều quần áo. Lại nhớ có lần ba tôi thấy ông làm trong Ban Ấp đi ngang, ông kêu vô nhà xách cái chảo ra và nói: Anh Chín xem nè, mấy năm về đây mà cái chảo của tôi không hề dính mỡ! Ông Chín Thơ cười gượng an ủi mấy câu rồi về, ba tôi minh họa rất thật, rất đau xót của gia đình tôi thuở đó, vừa thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu cả niềm tin. Quê hương không phải là chùm khế ngọt! Dáng ông gầy còm, lưng cong, da đen nhẻm, đầu vấn khăn rằng như một nông dân chính hiệu, khác xa với hình ảnh một viên chức mập mạp, đường bệ trước ngày giải phóng. Cũng từ đó, anh chị em tôi đã đánh mất tuổi thanh xuân, có người lở làng duyên phận vì gia đình nghèo quá, cơ cực quá ai mà thèm bước tới cưới xin. Còn một lý do khác nữa là anh chị em tôi luôn khao khát một chân trời mới, không cam tâm cúi mặt sống đời vô vị quanh năm với mảnh ruộng, giồng rau mà vẫn đói khổ không có ngày mai.

Người ta nói rằng, sau cơn mưa trời lại sáng, bây giờ cuộc sống đã tương đối khá hơn khi gia đình tôi quyết định làm cuộc “ cách mạng ‘’ trở về Sài Gòn, nơi chôn nhau cắt rốn mà vì sinh kế (sự sợ hãi)!bắt buộc phải ra đi, sau này ba tôi đã hối tiếc nhận sai lầm vì đầy gia đình vào ngõ cụt của những năm tháng đau đớn nhất cuộc đời. Ngày đó chỉ biết bán lưng cho đất, bán mặt cho trời với mảnh ruộng không màu mỡ, cây trồng thiếu nước tưới, thiếu phân bón nên năng suất thấp, ra tết là thiếu gạo ăn. Hình ảnh mẹ tôi liêu xiêu đi mượn gạo trên con đường làng buổi trưa nắng gắt làm chúng tôi buồn thảm, đau xót thương mẹ mỗi khi nhớ lại chuyện ngày xưa. Những đứa con trước đây chỉ biết cầm cây bút, cắp sách đến trường và đi làm công chức trước ngày giải phóng nay phải tập làm ruộng, gánh cải mướn té lên té xuống dưới bờ ruộng và gánh chè ra bến xe bán kiếm cơm là những hình ảnh lao động ngoài sức tưởng tượng! Ngày ấy nhà chúng tôi không có nổi một chiếc đồng hồ vì đã bán hết đến đồ vật cuối cùng, sáng sớm muốn đi đâu phải nghe tiếng gà gáy mà đoán giờ giấc. Tôi không sao quên được hình ảnh hai chị em , chị tôi đưa tôi ra bến xe để trở lại nơi dạy học, đoạn đường khoảng 4 cây số mà hai chị em phải cuốc bộ khi trời còn tối đen, mịt mùng như số phận chị em tôi khi đã lìa xa chốn cũ – Sài Gòn yêu dấu mà như cách xa vạn dặm. Và như ước mơ cháy bỏng của anh chị em tôi khi chiều chiều bắc ghế ra hiên nhà nhìn về xa xa và nói nơi hướng ấy là Sài Gòn mà đã tắt lối về! Chị em tôi cười vang mà nghe như nhỏ lệ trong lòng! Tuy vậy gia đình tôi vẫn phải lao động để sống và luôn nuôi hy vọng một ngày sẽ rời xa quê nội, hoặc chí ít tìm một con đường để thoát đói nghèo. Sáu năm cũng lưu lại nhiều kỷ niệm, có những người dân quê đồng cảm chia sẻ với gia đình tôi, những đêm dạy bình dân học vụ, đi đào kênh với đủ chuyện tiếu lâm trên đời để quên đi thực tại. Những ngày tạm gọi là ăn no nếu vụ mùa trúng, hoặc thu hoạch hoa màu bán có giá, còn lại là triền miên sáng vác cuốc ra đồng, chiều ăn cơm với canh chuối, nước mắm kho quẹt, sang lắm là có cá tóp kho cà! Nhớ những đêm trăng sáng, khung cảnh làng quê êm đềm nhưng buồn hiu hắt, bếp lửa rơm nấu nồi bắp hoặc ngồi nghe kể chuyện ma gò mã đen nơi mấy em tôi đi chơi về khuya đi ngang mà co giò chạy, vừa chạy vừa chửi đổng lên cho ma … sợ! Nhớ lại những chuyện vui mà cười bò càng để quên đi tương lai u ám, không biết đến bao giờ no đủ.

Tôi còn nhớ  ngày được tham dự  đám cưới con người chú, nó lấy vợ Sài Gòn (oách thật), tôi được tuyển chọn đi rước dâu. Xe đón dâu xuất phát từ quê tôi chạy một mạch lên đường Nguyễn Huệ lấy hoa tươi. Trời ạ, đường phố Sài Gòn những năm đầu sau giải phóng vắng ngắt, rộng thênh thang, đi đâu hết rồi?! Nghe một cảm giác buồn vui lẩn lộn khi được đặt chân trở lại chốn xưa, nhìn thấy bến Bạch Đằng của những ngày tháng cũ dõi mong ngóng bạn tôi về! Nay còn đâu!

Sau sáu năm cầm cự với mảnh đất nghèo nơi quê nội, gia đình tôi lần lượt trở về Thành phố làm đủ mọi thứ nghề để sống lắt lay chờ ngày được nhập lại hộ khẩu. Một buổi sáng trời còn mờ tối, tôi có công việc phải trở về nơi tôi dạy học, ngoài đường ánh đèn vàng vọt, dân thành phố còn thưa thớt, chị em tôi đang ở nhờ nhà một người quen khi trở lại Sài Gòn.  Tôi không bao giờ quên cảm giác:  Vẫn thấy một chút hạnh phúc khi nhìn thấy ánh đèn điện quen thuộc,  đây mới chính là nơi tôi sinh ra và Sài Gòn là nơi tôi trở về, dù khó khăn đau khổ nhưng đây mới là chỗ của tôi và tôi tự dặn lòng không được để đánh mất lần nữa trong cuộc đời.

 Một ký ức không bao giờ phai

 Ôi bể dâu cuộc đời, cái được nhất chỉ là chấm dứt cuộc chiến tranh ý thức hệ, huynh đệ tương tàn, hòa bình đã đến với dân tộc, đất nước thống nhất, anh em tôi bình an trong chiến tranh trở về làm người dân bình thường, không phải bỏ mình hoặc lê la chống nạng trên đường phố. Gần nửa thế kỷ trôi qua, có những con người thất lạc trong chiến tranh đã tìm ra nguồn cội, những liệt sĩ vô danh có công với đất nước đã tìm ra được tên tuổi, quê quán để trở về với đất mẹ. Tôi thực sự rơi lệ khi đọc báo, xem truyền hình thấy những bà mẹ, người cha ôm nhau khóc nghẹn ngào khi tìm thấy những đứa con ruột thịt của mình thất lạc trong chiến tranh, có khi được những người lính đối đầu với họ nhận cưu mang, nuôi dưỡng đến trưởng thành. Và những liệt sĩ hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, nét mặt trong sáng, thánh thiện cũng như những người anh tử sĩ của tôi ngày ấy, không ai có tội tình gì. Người ta nói rằng “Như chưa hề có cuộc chia ly” vì còn hy vọng ngày đoàn tụ dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua nếu ta còn sống, còn hơi thở và còn có tinh thần quê hương, nguồn cội để trở về. Nhưng với tôi “Như đã có cuộc chia ly mãi mãi” khó mong ngày gặp lại, không còn nhìn thấy nhau trong cuộc đời này vì không gian cách trở, mái đầu xanh nay đã thành đầu bạc, hy vọng mỏi mòn vì không tìm được tiếng nói chung trên sự cảm thông và hiểu biết. Nhưng tôi tin rằng có những người đã sống như tôi, đã thấm thía nỗi đau qua cuộc chiến tranh, đã trãi qua sự nghiệt ngã của những tháng năm khốn khó, sự vươn lên vượt qua số phận của gia đình tôi và sự ngậm ngùi nuối tiếc những ngày đã qua!

PHƯƠNG DUNG

Các Bài viết khác