NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGÕ TRE RÌ RÀO (chương 7)

( 05-01-2017 - 05:38 AM ) - Lượt xem: 649

một hôm, anh Thà, chủ nhiệm hợp tác xã đi cùng với cô Bông, trưởng ban thương binh xã hội đến nhà đưa ra một ý kiến khiến bà sửng sốt: hợp tác xã sẽ đứng ra xây cất cho bà một căn nhà ba gian, tường gạch, mái ngói bằng tiền tử tuất của Thiệp và tiền giúp đỡ của hợp tác xã

CHƯƠNG 7

 

Những ngày phép đã hết. Hiền đã ra thị xã làm việc được mấy ngày nay. Bà Thơi cũng nguôi dần nỗi nhớ thương. Để cho bà Thơi cảm thấy đỡ trống trải sau khi Hiền đi, tối bà Thiều đóng cửa nhà mình lại để sang ngủ với bà Thơi. Tối nào bà Thiều sang muộn, bà Thơi lại thấy nhớ. Bà Thiều cũng vậy, bây giờ nếu mấy đứa cháu ngoại bà có mời bà ra ăn cơm chiều thì đêm đến bà cũng không thể nào ngủ lại nhà nó như những khi trước được. Nhiều hôm bà dẫn cả cháu sang ngủ ở nhà bà Thơi.

Song việc quan tâm săn sóc bà Thơi cũng không phải chỉ dành riêng cho bà Thiều. Chi đoàn thanh niên hợp tác xã Quyết Thịnh cứ tối tối, bọn con gái mới lớn như cái Vân Chi, cái Tý, lại ríu rít kéo nhau sang nhà bà chơi và giúp bà làm những việc lặt vặt. Chúng nó đạp cho bà mấy chục bó lúa giống và vặn cho bà hàng chục cái chổi, cái nào cái nấy rắn chắc như những bắp tay đang sức lớn.

Một hôm bà Thơi đi làm đồng về, bỗng nhận ra một điều hơi lạ. Mảnh sân trước cửa, sáng nay mải đi bà quên chưa quét, không hiểu sao bây giờ sạch sẽ đến thế? Cả đống rào kia cũng vậy. Mấy hôm trước bà nhờ người phát giậu, còn chất đống cồng kềnh đầy ngõ đi mà nay có bàn tay nào đã chặt gọn gàng lại rồi bó thành từng bó xếp ngay ngắn thành từng chồng hẵn hoi. Trước sự lạ này, bà Thơi chẳng đến nỗi ngạc nhiên như bà hàng nước trong chuyện cổ tích khi cô Tấm hằng ngày từ trong quả thị chui ra giúp việc, bởi bà thừa biết việc này là do các em thiếu nhi đội Trần Quốc Toản làm. Mặc dù vậy, bà vẫn cứ ngạc nhiên, vẫn cứ xúc động. Thế ra, dù bà muốn hay không thì mọi người vẫn cứ nghĩ tới bà. Từ đó bà nảy ra một ý nghĩ vui vui là một hôm nào đó bà thử rình nấp xem, những đứa đến giúp bà là những con nhà nào, sao mà chúng nó ngoan thế vậy!

Hôm sau bà vừa cười vừa nói điều ấy với bà Thiều. Giữa buổi sáng hôm đó, bà Thiều đã giúp bà Thơi bắt quả tang. Thì ra có phải ai xa lạ đâu. Toàn con cháu trong nhà thôi mà. Nào con Tám- sứt- răng, thằng Giang- cò -hương rồi thằng Bình- tóc-bò -liếm. Bà Thiều kể: "Sau khi bác cắp thúng đi chợ được một lúc lâu, tôi mới nấp vào trong góc buồng. Tôi chỉ chực bật cười nhưng cố nín đến nỗi chảy cả nước mắt nước mũi ra. Bác ơi, buồn cười đáo để. Mấy cái thằng nhóc mọi ngày còn khóc nhè đòi bánh đòi quà, đi tắm còn bắt mẹ kỳ cọ, mà đến đây tự nguyện tự giác làm ra trò nhé. Đứa quét nhà thì chổi cao hơn người. Giá ở nhà, đố ai bắt nó làm được đấy.

Nói xong, bà Thiều cười nhưng bà Thơi lại không. Nghĩ đến mấy đứa trẻ bé bỏng đến giúp bà, bà lại ngùi ngùi cảm động. Nước mắt bà lại trào ra.

Bà Thơi sống trong tình thương rộng lớn như thế. Bà đón nhận và đền đáp. Nhưng rồi ngay sau đó có một việc khiến bà không nỡ nhận về phía mình vì nó vượt quá sự mong ước của bà. Ấy là một hôm, anh Thà, chủ nhiệm hợp tác xã đi cùng với cô Bông, trưởng ban thương binh xã hội đến nhà đưa ra một ý kiến khiến bà sửng sốt: hợp tác xã sẽ đứng ra xây cất cho bà một căn nhà ba gian, tường gạch, mái ngói bằng tiền tử tuất của Thiệp và tiền giúp đỡ của hợp tác xã. Nghe thấy thế bà giãy nảy lên:

- Trời ơi! Lại thế kia à? Cái nhà này tôi ở vừa rồi, với lại tôi già rồi, con Thìn thì đã có Nhà nước lo. Tôi đề nghĩ số vôi gạch này để xây nhà trẻ cho các cháu.
Cô Bông bình tĩnh phân giải:

-  Các cháu đã có phần các cháu. Bà khỏi phải nghĩ. Đây là quyền lợi, tiêu chuẩn của bà. Gia đình liệt sĩ nào cũng được hưởng quyền lợi ấy.

Hai hôm sau rặng xoan được hạ xuống. Khoảng trống không gian chung quanh ngôi nhà nhỏ bé của bà bỗng trống hoác trống hươ. Bà Thơi nhìn mãi vào khoảng trống không đó mà mắt vẫn không sao quen thuộc được. Bà cảm thấy hình như bà mất thêm đi một cái gì nữa. Biết vậy bà đừng cho chặt xoan đi, cứ để nó sum suê um tùm như trước. Vì nó cũng là một phần của đời bà.

Chiều thứ bẩy ấy Thìn về. Được biết chuyện hợp tác xã sẽ đứng ra xây cất cho nhà cô một căn nhà ngói Thìn rất mừng nhưng khi được bà Thiều kể lại rằng bà Thơi đã từ chối mọi khoản cấp đỡ của hợp tác xã thì Thìn rất giận mẹ.

-         Đúng là bà già Khốt-ta-bít, ai khen cái "lòng tốt" của bu. (Cô đã dùng cả đến những chữ vừa đọc được ở cuốn truyện nào đó để nói với mẹ ). Bu không biết rằng, bây giờ bao nhiêu người chả phải đổ mồ hôi hoặc xương máu gì mà cũng có nhà xây sân gạch kia kìa. Còn đằng này, cả bố con, anh con phải hy sinh mà bu lại đi từ chối một việc làm đẹp đẽ của bà con trong xã. Vậy thử hỏi bu có nghĩ đến những người đã khuất không chứ?

Nghe Thìn day dỉa, bà Thơi đứt từng khúc ruột nhưng bà chưa muốn nói gì với Thìn. Nó đang nóng bà cứ để nó nói cho đã, bà nghĩ thế. Nhưng Thìn, thấy mẹ im lặng lại càng làm già hơn. Cô lồng lộn chạy ra vườn, đến chỗ giáp giậu nhà anh Mân, hái lấy một chùm hoa tầm xuân về đặt lên chổ bàn thờ của bố của anh, rồi vừa khóc vừa khấn một cách rất văn hoa: "Bố ơi, anh ơi... Lúc còn sống anh thích chơi hoa tầm xuân, bây giờ nó vận vào anh đấy. Ở trên đời này anh cũng chỉ là một thứ cây tầm xuân mà thôi. Anh chỉ suốt đời làm giậu làm rào chứ bông hoa anh nở có được người ta thờ, người ta cúng gì đâu!".

Lời cô khóc, cô khấn chẳng ăn nhập gì với cái chuyện xây nhà, xây cửa mà cô đang trách móc mẹ nhưng cô thấy có dịp nói được là cô cứ nói.

Tối hôm ấy, Thìn nguôi cơn nóng. Ăn xong bà Thơi đã định đem chuyện ban chiều ra nói cho Thìn nhận thấy những sai sót của cô nhưng vừa lúc ấy bà Thiều lại sang nhà và sôi nổi khoe với Thìn những chuyện chăm sóc chu đáo của xã với bà Thơi làm cho Thìn nghe mà thấy nhồn nhột, ngượng ngùng như bà đang chỉ trích những hành động ban chiều của cô. Bà Thơi thấy nét mặt con có vẻ hối hận nên thôi không nói thêm nữa. Đêm ấy, trước khi đi ngủ Thìn khoe:

-         Bu ạ, có thể sang năm con được chọn đi học ở nước ngoài. Con đã làm lý lịch rồi. Chỉ còn chờ giấy gọi là đi thôi. 

Bà Thơi đang nằm liền ngồi nhồm dậy:

- Ồ, thế à? Vậy trong cái huyện con dạy học có nhiều người được như con không?

-  Ít lắm bu ạ. Nghe đâu chỉ có hai người. Một anh do dạy giỏi. Còn con được đi là vì..lý lịch, bu ạ...

Bà Thơi buồn buồn:

-  À, thế ra con được tuyển đi vì lẽ đó. Vậy con phải làm sao học hành cho xứng với những điều đó.
Thấy mẹ nói có vẻ chính trị. Thìn không ưa. Cô vùng vằng:

-  Bu cứ hay con cà con kê. Đi vì lý do gì cũng được chứ sao, cốt ra nước ngoài là được rồi. Rồi con bu sẽ mua sâm Triều Tiên gửi về cho bu uống, mua cái đài cho bu nghe cải lương và con bu sẽ có một tấm chồng ra tấm chồng cho bu mừng.

Trước nỗi vui ngộ nghĩnh của đứa con, chả lẽ bà Thơi lại không vui, bà bèn cười gượng: 

-         Mẹ cha con nhà, chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng!

NGUYỄN KHOA ĐĂNG

Các Bài viết khác