NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGÕ TRE RÌ RÀO (chương 5)

( 17-12-2016 - 05:23 PM ) - Lượt xem: 736

Ông Toàn vừa mỉm cười vừa giơ tay vẫy chào mọi người khi đoàn của ông bước vào sân. Lát sau chợt nhìn thấy trên bàn thờ trang nghiêm, bức ảnh Thiệp như đang nghiêm nghị nhìn thấu tim gan ông. Ông Toàn vội vàng chuyển nét mặt từ hồ hởi sang điệu bộ buồn buồn

CHƯƠNG 5

Lễ truy điệu Thiệp được Ủy ban nhân dân xã tổ chức ngay tại sân nhà bà Thơi. Đúng ra, buổi lễ phải được cử hành trọng thể ngay tại hội trường ủy ban, nhưng do bà Thơi không muốn thế, bà muốn đưa về nhà bà cho ấm cúng hơn, lặng lẽ hơn.
Các đồng chí ở Đảng ủy, Ủy ban đành chiều theo ý bà.
Ban tổ chức buổi lễ do ông Huân, phó chủ tịch phụ trách khối nội chính của xã làm trưởng ban đã đoán trước tình hình số người đến dự sẽ đông lắm, mảnh sân nhỏ này sẽ không làm trọn nhiệm vụ của nó nên đã cho dọn dẹp, sắp xếp lại.
Ngay từ sáng sớm, những đoàn viên thanh niên trong chi đoàn của hợp tác xã đã được triệu tập đến để lo việc thu dọn, quét tước. Đống gạch xỉ mà bà Thơi tự đóng được xếp hết ra vườn chè. Đống gạch này bà Thơi định bụng sẽ góp với hàng xoan ngoài ngõ kia để dựng cái nhà bốn gian lợp ngói với tường xây bồ cột cho Thiệp sau khi anh phục viên về. Đám thanh niên thật là tháo vát, họ đã chở về sân hàng trăm viên gạch xỉ để làm ghế ngồi. Như thế vừa tiện lại vừa đỡ mất công đi mượn bàn ghế lôi thôi. Những tầu lá chuối mọc um tùm từ trong sân ra ngoài vườn cũng được phát quang, thoáng đãng. Mảnh sân gạch nhỏ như rộng hẳn ra. Anh em thanh niên còn mượn về hai chiếc bàn để bày bàn thờ Tổ quốc. Họ cũng đem đến chiếc lọ độc bình cắm chùm hoa dong đỏ chói và chiếc lư đồng khói trầm bay nghi ngút, thơm lừng. Tấm ảnh nửa người của Thiệp cũng được một anh bạn cùng lớp với Thiệp ngày trước có năng khiếu hội họa nhưng do tật nguyền không đi bộ đội được, ở nhà làm kế toán cho hợp tác xã, vẽ phóng to ra, trông khá giống.
Nhìn không cầm được nước mắt là mô hình chiếc quan tài tượng trưng, được bạn bè của Thiệp mượn từ đâu về những miếng ván ép ghép lại thành hình và trang nghiêm phủ lên một lá cờ đỏ sao vàng, màu sắc chói lọi, tươi nguyên. Không ai không nghĩ,dù là mô hình nhưng vẫn có Thiệp đang yên nghỉ trong đó. Anh đang nghe rõ tiếng tim đập trong lồng ngực từng người cũng như anh có thể đọc được những ý nghĩ đang diễn ra trong đầu óc mỗi người đến phúng viếng anh.
Hôm đó Hiền và Thìn cùng xin phép cơ quan nghỉ làm để về dự lễ. Từ sáng sớm, hai chị em chỉ có ra sức hái chè mà đến gần trưa cũng chỉ được dăm nón, không chắc có đủ nấu cho những người dự lễ uống không. Bà cụ Thiều thì đã nhanh nhảu mượn của hợp tác xã về được chiếc nồi mười. Đám thanh niên bê từ trong bếp ra ba ông đầu rau và bắc một cái bếp dã chiến ở chân bụi tre. Lửa cháy rừng rực. Khói nghi ngút bốc lên. Mặt ao bèo phủ một lớp khói xanh như làn sương buổi sớm.
Khoảng ba giờ chiều, những người đến dự lễ truy điệu Thiệp đã khá đông. Bà Thơi trong cơn đau đớn vẫn nhận ra đầy đủ những người anh em, bà con, làng xóm đến chia buồn với bà. Bà lễ độ cung kính chắp tay chào từng người một. Tự tay bà rót nước ra bát và cũng tự tay bà bưng nước đến mời từng người. Nhưng mọi người không muốn cho bà làm thế. Họ muốn trong buổi lễ hôm nay, bà phải là nhân vật đặc biệt, không phải nhúng tay vào bất cứ việc gì. Bà cảm thấy ngượng ngùng vì mình hóa ra người quan trọng bậc nhất trong buổi lễ hôm nay. Nhìn vào chỗ trà thuốc tiếp khách, bà Thơi nhận ra còn thiếu một thứ quan trọng, là trầu cau. Bà lào thào nói với Hiền, chỉ ít phút sau chiếc cơi trầu của bà Thiều đã được đem sang. Các bà, các chị lại được một phen đỡ thừa chân thừa tay. Đám con gái thuận tay bốc trầu bỏ vào khay. Chả mấy chốc những cặp môi dậy thì đỏ mọng lên.
Chợt có tiếng còi ô tô toe toe ngoài ngõ. Mọi người trong sân im bặt, nhìn ra. Một chiếc com-măng-ca vừa dừng lại theo sau là một lô lốc những đứa trẻ con.
Ông Toàn!
Ai đó vừa kêu lên. Bà Thơi ngước con mắt mệt mỏi nhìn ra. Mấy ông cán bộ địa phương vội đứng cả dậy. Hiền bẽn lẽn nhìn đám người đang bước từ ngoài ngõ vào. Ngoài ông Toàn, còn có một vài ông cán bộ huyện nữa. Thực lòng Hiền không muốn sự có mặt của bố cô lúc này nên cô không mặn mà đón tiếp.
Bà Thơi từ trong nhà lật đật ra ngõ đón khách.
- Xin chào bà con. Xin chào tất cả!
Ông Toàn vừa mỉm cười vừa giơ tay vẫy chào mọi người khi đoàn của ông bước vào sân. Lát sau chợt nhìn thấy trên bàn thờ trang nghiêm, bức ảnh Thiệp như đang nghiêm nghị nhìn thấu tim gan ông. Ông Toàn vội vàng chuyển nét mặt từ hồ hởi sang điệu bộ buồn buồn:
- Thưa đa tạ ông bà, đa tạ các anh, các chú.
Giọng lào thào, bà Thơi lần lượt đến chào từng người khách.
Buỗi lễ bắt đầu. Mọi người không cầm được nước mắt khi thấy một đám con nít, những đứa gọi Thiệp bằng chú, bằng anh, bằng cậu, chít ngang trán dải khăn tang trắng. Chúng bé bỏng ngây thơ đến nẫu gan, nẫu ruột người lớn, chúng ngoan ngoãn ngồi gọn vào một chiếc chiếu được ban tổ chức cho trải sát trước bàn thờ. Người ta càng đau thắt lòng hơn khi nhận ra một điều là những đứa trẻ kia vốn thường ngày không lúc nào chịu yên chân yên tay mà giờ đây lại ngồi im thin thít để nghe người lớn nói chuyện hoặc điều hành công việc. Mặt đứa nào cũng buồn rười rượi và các mi mắt sưng lên, mọng nước.
Tại buổi lễ, ông Huân, phó chủ tịch xã thay mặt chính quyền đọc giấy bảo tin ngày giờ cùng địa đểm Thiệp hy sinh. (Vẫn chỉ là những chữ ghi rất chung chung: -Hy sinh tại mặt trận phía Nam- như trăm nghìn giấy báo tử khác, vậy mà không ai không thấy thiêng liêng và xúc động). Đọc xong, ông trân trọng trao bằng Tổ quốc ghi công cho bà Thơi. Ông Toàn cũng lên phát biểu, an ủi gia đình liệt sĩ…Tất nhiên ông không lên với tư cách người đứng đầu huyện. Mà là một đồng đội, một chiến hữu của ông Thơi, bố của Thiệp, thời chống Pháp.
Cuối buổi lễ, Thìn đọc một bài thơ khóc anh do Thìn tự sáng tác. Lời thơ mộc mạc nhưng diễn đạt những tình cảm thống thiết nên đã có sức lay động dữ dội tâm tư người nghe. Thìn càng gợi ra những chuyện bình thường bao nhiêu, mọi người càng cảm động bấy nhiêu. Nào chuyện Thiệp đi đắp đê, Thiệp làm thủy lợi, chuyện Thiệp trốn mẹ đi khám tuyển sức khỏe để đi bộ đội. Cả đám lễ khóc òa lên. Nhất là bọn trẻ con chít khăn trắng. Chúng khóc dữ dội. Có đứa khóc lăn cả ra chiếu, giãy đạp quằn quại. Đọc xong, Thìn gục mặt xuống bàn khóc rung vai.
Mọi người để mắt nhìn Hiền. Cô đã trốn vào trong nhà từ lúc nào và cũng đang gục mặt xuống chiếu khóc nức nở. Bỗng mọi người hốt hoảng dồn mắt về phía cuối sân, vì đó vừa có tiếng kêu thất thanh: “Con ơi, con ơi!”. Bà Thơi gục đầu vào tường nhà, mặt phờ phạc, tái nhợt. Một làn mây u ám đang trùm lên khuôn mặt nhăn nheo của bà. Bà Thơi được đưa ngay vào trong nhà.
Khi bà trở dậy, mảnh sân trước cửa đã vắng teo. Chỉ còn lại vài anh em thanh niên làm nhiệm vụ thu dọn sân sướng, lặng lẽ đi đi lại lại. Một vài tiếng nói vẳng đến tai bà Thơi, nghe như xa vắng, như từ cõi xa xăm nào đưa lại
Trời chiều dần. Bóng những cây chè thẫm lại dưới ánh hoàng hôn chạng vạng…

NGUYỄN KHOA ĐĂNG

Các Bài viết khác