NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGÕ TRE RÌ RÀO (chương 4)

( 07-12-2016 - 06:02 PM ) - Lượt xem: 636

Thìn nghĩ đến người bố mà cô chưa hề biết mặt. Cô thầm cám ơn ông đã lăn lộn, hy sinh cả một đời để cô có được những giây phút sung sướng như hôm nay. Cô cũng nghĩ đến Thiệp của cô. Hình như người ta đang đồn anh bị hy sinh

CHƯƠNG 4

Cuối cùng thì cái điều mà bà Thơi, bà Thiều, cùng với Thìn và Hiền và bà con trong xóm ngoài làng quan tâm lo lắng đã thành một sự thật đau xót: Thiệp hy sinh.
Tin ấy đến với bà Thơi lúc bà đang đứng hái chè trên một chiếc ghế cao ngất. Chính bà Thiều báo cho bà Thơi biết cái tin đó. Bà nghe được trên đường từ chợ Lựa về nhà. Đang đội thúng đi đường thì bỗng thấy có một chiếc xe đạp kít phanh lại bên cạnh bà. Bà giật mình quay lại, tưởng ai hóa ra cô Thân, bạn của con Thìn, bây giờ làm ở văn phòng ủy ban nhân dân xã. Thân kề miệng vào tai bà: “Con nói nhỏ với cô chuyện này”. Rồi Thân báo tin Thiệp đã hy sinh tại Quảng Nam vào đầu tháng ba năm một chín bảy mươi ba tức là cách đây chừng hơn một năm. Thân nói giấy báo tử về đến văn phòng ủy ban chiều hôm qua, bóc công văn ra cô đã xem được trước. Thân cũng thanh minh với bà Thiều rằng kể ra cô không được phép báo tin một cách vô tổ chức như thế nhưng cô nghĩ chỗ thân tình cho biết trước để đỡ gây đột ngột cho người thân. Bà Thiều về đến nhà, bỏ vội chiếc thúng xuống rồi tất tả chạy sang bà Thơi.
Bà Thiều cứ lo bà phải chứng kiến cái giây phút bàng hoàng đến ngất xỉu của bà Thơi. Nhưng không, bà Thơi lại không hề hoảng hốt. Người đâu mà gan lì đến mức ấy.
Thực ra bà Thơi đâu có gan hơn người. Có điều là bảy tám năm nay, vắng bặt tin con, giữa những lúc tin tức ác liệt của chiến trường dồn dập đưa về cùng những lời đồn đại đây đó đã dần dần rèn luyện cho bà một đức tính kiên nghị đến khác thường, một thói quen chịu đựng. Điều đó cũng còn vì sự mãn cảm của một người vợ góa, một người mẹ có con đang chiến đấu ở xa. Lúc nào cũng chuẩn bị cho mình một tư thế đón nhận những tình huống khác thường như hôm nay. Thành ra cuối cùng người sửng sốt lại là bả Thiều. Bà phải lui lại, tròn xoe mắt ra nhìn bà Thơi đang vững chắc bước xuống khỏi cái ghế hái chè cao ngất nghểu và thản nhiên đáp lại câu báo tin của bà :
- Cô ở lại với tôi. Ta hái thêm mấy nón chè nữa, để chốc nữa tiếp bà con, anh em đến hỏi thăm.
“Người đâu mà gan lì cóc tía“ . Bà Thiều lại lầm bầm một mình câu ấy. Mãi mãi sau này, bà Thơi còn nhớ như in buổi trưa hôm ấy. Sau khi bà Thiều về rồi, bà Thơi mới bắt đầu cảm thấy căn nhà bà trống trải một cách ghê sợ. Lúc bấy giờ bà mới khóc. Nước mắt bà ở đâu đâu cứ ứa ra giàn giụa. Trong làn nước mắt nhòe nhoẹt, bà Thơi nhìn ra xung quanh thấy chỗ nào cũng như thấp thoáng bóng hình của Thiệp, chỗ nào cũng âm vang một giọng nói quen thuộc, một điệu cười vô tư sảng khoái. Kia là những cây chè do Thiệp trồng độ ấy. Lá nó bắt đầu dày cứng lại và các nụ hoa bắt đầu lấm tấm xanh như những chiếc khuy áo màu lục. Kia là bụi tầm xuân ở giáp giậu nhà anh Mận, đã bắt đầu nở những bông hoa phơn phớt hồng. Đó là thứ cây hồi còn ở nhà, Thiệp đã bênh vực và ca ngợi nó hết lời. Còn kia nữa, hàng xoan trồng ngoài mé ngõ. Những thân cây to cao thẳng tấp đứng xếp hàng ngay ngắn như hai dãy cột điện. Bà Thơi đang định vài ba năm nữa, sẽ cho hạ những cây xoan này ngâm xuống bùn ao để đến khi Thiệp về sẽ cho vớt lên, thuê thợ làm nhà rồi đóng giường cưới vợ cho Thiệp. “Ối! Thiệp ơi, ôi con ơi, sao con nỡ bỏ mẹ ở lại một mình…. hở con ơi..” Bà Thơi khóc thành tiếng. Bà lăn lóc vật vã trên giường. Bà cố mím môi nhưng tiếng nấc cứ bật ra. Trong làn nước mắt nhòe nhoẹt bà lại thấy hình bóng của Thiệp, cả giọng nói tiếng cười. Bà lại nhìn ra chung quanh và cặp mắt của bà lại đụng phải bức ảnh nửa người của Thiệp. Ối, thằng Thiệp bé bỏng của bà kia à? Cái mũ bộ đội với cái hình ông sao vàng. Cái mặt non choèn choẹt mà đội chiếc mũ ấy vào, với mặc bộ quần áo ấy vào, nom vừa trang nghiêm vừa nũng nịu, vừa già dặn và ngây thơ, trông cứ ngồ ngộ làm sao. Mẹ cha con nhà! Bà Thơi lại thấy cay cay nơi sống mũi. Bà chợt nhận ra một điều: hình như cái nước ảnh của nó có bị nhợt nhạt đi thật. Như vậy là Thiệp đã báo trước cái chết của mình cho bà qua tấm ảnh của nó rồi. Người chết nên ảnh hóa ra thế kia hay ảnh hóa ra thế kia nên người mới chết? Bà Thơi không hiểu nữa. Bỗng bà thấy tim bị nhói lên như có một kim nhọn chọc vào khi mắt bà chạm phải tấm liếp chắn cửa, lúc này đã qua mùa bão nên được gác lên trên mái nhà. Tấm liếp ấy Thiệp đã cạp lại trước khi đi B một ngày. “Không thì nó lại rách thêm nữa rồi đến mùa gió bấc mưa phùn mẹ rét run lên mất!”. Sao hôm ấy Thiệp lại gọi bà bằng “mẹ”? Mọi khi nó vẫn gọi là “bu” kia mà. Như vậy là nó xúc động lắm đấy. “ Mẹ …mẹ” , sao Thiệp lại gọi bà như thế, để bây giờ nghĩ lại, cứ như ai cầm dao cắt lòng dạ bà thành trăm nhát. Nước mắt bà ở đâu lại chảy ra giàn giụa. Bà lại phải cắn chặt môi không cho tiếng nấc bật ra. Cho đến khi anh Thăng, người cùng xóm với bà và là người đầu tiên đến hỏi thăm bà hôm nay, hắng giọng đánh tiếng từ ngoài ngõ làm bà phải ngồi bật dậy, vội lau khô nước mắt thì bà mới chợt nhớ ra bà nằm như thế này đã qua hết cả một buổi trưa.
Tin ấy đến với Hiền giữa lúc cô đang ở cơ quan và đang gội đầu.
Minh Thảo, bạn cùng quê và cùng cơ quan với Hiền vừa đạp xe từ nhà lên, chưa kịp ăn cơm đã chạy lại ghé tai Hiền nói luôn :
- Hiền ơi, tao báo mày cái tin này!
Rồi Minh Thảo nói ngay. Con bé đến là vô ý. Nói xong nó mới kịp ân hận khi thấy mặt Hiền biến sắc. Hiền chỉ còn kịp thấy nước bồ kết chảy vào mắt cay xè. Thảo dìu vội Hiền vào nhà. Để nguyên mái tóc ướt, Hiền úp mặt vào gối khóc rưng rức.
Chiều hôm ấy Hiền lẳng lặng đem những sổ tay, thư từ và cả những mảnh giấy con con hai đứa viết trêu tặng nhau khi học cùng một lớp ra đọc. Những dòng chữ đây. Những nét chữ non nớt tròn trặn của Thiệp đây. Nét chữ nết người. Hiền hình dung ra vẻ mặt lúc nào cũng dịu dàng, cũng nhã nhặn của Thiệp. Hiền vừa đọc đi đọc lại những mẩu giấy con con, “ Những tín hiệu trái tim” như sau này có những bạn bè đã ví như thế. Hiền vốn ham đọc sách nhưng có lẽ không có tác phẩm nào Hiền đọc thấy say mê như “tác phẩm” này. Mỗi lần đọc là một lần hứng thú. Cười nhưng nước mắt ở đâu cứ ứa ra. Sao ngày ấy Thiệp đã có những câu như nói gở thế này, cứ y như là đã biết trước những điều sẽ xãy ra hôm nay. Ngay cả đến những câu thơ anh viết tặng Hiền nữa. Nó cứ như một sự nhắn nhủ, một điều dặn dò.
Nghĩ thế, nước mắt Hiền lại giàn giụa, lại ứa ra và chiều hôm đó Hiền đã bỏ cơm.
Tin ấy đến với Thìn trong một trường hợp hơi khác. Một buổi tối, khi chi đoàn Thanh niên giáo viên nhà trường họp để các đoàn viên góp ý với Thìn về hướng phấn đấu sớm trở thành một đảng viên của Đảng trong thời gian tới. Mọi người đều nhất trí nhận định rằng về điều kiện gia đình cơ bản Thìn đã có nhiều thuận lợi, giờ đây chỉ cần cô cố gắng thêm là sẽ đạt được ước mơ của mình.
Tan cuộc họp Thìn mừng quá. Như vậy là bao mơ ước lâu nay của cô sắp thành sự thật rồi.Trên đường từ chỗ họp trở về phòng ở, trong khu tập thể của giáo viên, Thìn cứ mơ màng mường tượng ra cương vị của mình trong thời gian tới, một khi Thìn đã được chính thức gắn vào lý lịch hai chữ “ Đảng viên”. Thìn sẽ được đề bạt, sẽ được cất nhắc và rất có thể sang năm Thìn sẽ được cử đi học thêm ở nước ngoài. Bởi ở trong huyện này, gần ba trăm giáo viên cấp hai dễ mấy ai có được cái tiêu chuẩn vừa là con gia đình kháng chiến, vừa có anh ruột đi B, bản thân lại là một đảng viên như Thìn. Thìn sẽ sang học ở Liên Xô hay Cộng hòa dân chủ Đức. Thìn sẽ được đi du lịch các nước trong những kì nghỉ hè. Thìn sẽ nói tiếng nước ngoài như gió và như vậy thì ông chồng của Thìn trong tương lai sẽ là một tiến sĩ hay phó tiến sĩ. Cuộc sống của Thìn sẽ hạnh phúc vô cùng. Thìn sẽ có dịp trả thù thằng sở khanh ấy. Nó cậy có bằng cấp cao hơn Thìn để bỏ Thìn chạy theo đứa con gái khác cũng được học hành như nó. Bằng ấy ý nghĩ đã làm cho Thìn tươi tỉnh hẳn lên. Bổng dưng, Thìn nghĩ đến người bố mà cô chưa hề biết mặt. Cô thầm cám ơn ông đã lăn lộn, hy sinh cả một đời để cô có được những giây phút sung sướng như hôm nay. Cô cũng nghĩ đến Thiệp của cô. Hình như người ta đang đồn anh bị hy sinh. Cô sẽ bị mất đi người anh trai duy nhất của mình. Nhưng không sao anh nhỉ? Sư mất mát ẩy rồi em sẽ được anh đền bù.
Thìn nhẩy lò cò chân sáo trên sân trường. Đến cửa phòng ở, cô bỗng ngạc nhiên thấy có người đang đứng đợi cô. Đến gần, Thìn nhận ra Thái, em họ của Thìn. Cô không kịp giữ được bình tĩnh trước sự xuất hiện đường đột của Thái. Cô vừa định hỏi thì Thái đã nói trước:
- Em chờ chị từ tối đến giờ nhưng chị họp lâu quá.
Thìn kêu lên:
- Sao em không lên gọi chị về. Có viêc gì khẩn mà phải đi đêm hôm thế này? Bác nhắn chị về phải không? Có việc gì vậy?
Thái khẽ nói:
- Bác bảo chị thu xếp công việc chiều mai về…Để làm lễ truy điệu…anh Thiệp.
- Trời ơi, thật thế hở em!
Thìn kêu lên!
Tin ấy đến với ông Toàn giữa lúc ông đang tiếp một đoàn cán bộ thương nghiệp của tỉnh về làm việc với huyện. Ông cũng chẳng nhớ rõ là có ai ở dưới cấp xã đạp xe lên báo cho ông cái tin này. Ông có nhiều khách quá nên những người như thế thường dễ làm cho ông chóng quên mặt quên tên. Nhưng ông cũng cố gắng nghe cho hết câu chuyện. Nghe xong, ông gật đầu bảo với người vừa báo tin rằng: “Được, biết thế, cứ về đi”, rồi sau khi người báo tin ấy đi khuất, ông mới nâng cốc bia đầy tràn bọt trắng lên ngang mặt và để tỏ ra một người cứng rắn xưa nay coi thường mọi sự mất mát, ông lớn tiếng nói với mọi người:
- Hy sinh! Một điều tất nhiên không thể tránh khỏi trong cuộc chiến đấu ác liệt này, phải không các đồng chí? Có điều chúng ta nên hiểu trọn vẹn và đánh giá cao sự hy sinh ấy. Một trái rụng để muôn ngàn cây con mọc, phải không các đồng chí?
Nhưng khốn nỗi trong khi ông nói thao thao bất tuyệt về sự hy sinh cùng những đau xót lớn lao như thế thì từ trong sâu thẳm lòng ông, hay là ở một hang hốc nào đó của trái tim ông, một chuỗi hình ảnh tươi rói hiện lên. Đó là hình ảnh anh chàng Hải con rể tương lai của ông, có mái tóc dài chấm mang tai, có chiếc xe máy màu đỏ như lửa, hình ảnh tòa nhà ở Hà Nội có nền gạch hoa bóng lộn và ông thông gia có cái bụng to oai vệ. Rồi ông mỉm cười một mình. Nay mai cái điều ông định nói với con Hiền sẽ dễ dàng trôi chảy, ông sẽ thấy không còn bị mắc ở nơi cổ họng như trước nữa.
- Nào ta nâng cốc chia buồn cho thằng bạn của con gái tôi, vừa có tin nó hy sinh.
Có ai nâng cốc chia buồn bao giờ. Ấy thế mà hôm đó, ông Toàn đã làm như thế. Thực ra ngay sau đó, ông Toàn nhận thấy do hơi bia làm cho ông nhỡ lời nên ông đã khôn khéo đánh át đi bằng cách giả vờ say túy lúy để mà cất tiếng cười rất to,rất giòn nếu không muốn nói là khả ố…“Ha…ha…ha”…
Hôm đó ông đã cười như vậy.
Và ông đổ lỗi cho những cốc bia.

 NGUYỄN KHOA ĐĂNG

Các Bài viết khác