NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGÕ TRE RÌ RÀO (chương 3)

( 03-12-2016 - 04:03 AM ) - Lượt xem: 751

Ông Toàn sững người trong giây lát. Cứ như Hiền đã đọc hết trang sách trong lòng ông vậy. Nhưng ông đã kịp nhận ra sự tự thú vô lý của mình. Vậy ông có nên nói chuyến đi vừa rồi ông đã gặp Hải? Và có nên...Thôi, ông không nên nghĩ tiếp nữa, bởi càng nghĩ, ông sẽ càng lúng túng, càng lộ những gì không tốt đẹp trước con gái ông

CHƯƠNG 3

Chiếc xe đạp của Hiền hôm nay sao bỗng dưng lại dở chứng. Để chán ở cơ quan không sao, vừa mới nhảy lên yên, đạp đi được một quãng thì bánh trước xì hơi, xẹp lép làm Hiền lại phải dắt bộ tới nhà ông chữa xe ở cổng cơ quan,mượn cái bơm. Và cứ thế khoảng một hai cây số Hiền lại phải xuống bơm một lần. Hiền cứ tự trách mình. Biết vậy lúc nãy ngồi nán lại vá cái săm đi cho rồi. Muốn chóng mà lại hóa lâu. 

Hiền về đến nhà đã mệt thì chớ, bố lại không thông cảm. Vừa thấy Hiền nhập nhoạng dắt chiếc xe ngoài ngõ, ông đã chì chiết một câu nghe ức đến phát khóc lên được: "Gớm nhỉ, mải mê công tác đến nổi quên cả bố". Hiền không muốn khóc nhưng nước mắt ở đâu cứ ứa ra."Bố đã hiểu đầu đuôi chuyện gì đâu mà chưa chi đã vội trách. Hôm trước biết được tin bố về vừa lúc trại lợn của hợp tác xã Thái Thịnh bỗng dưng bị bệnh dịch. đã có đến hàng chục con bị chết. Ty nông nghiệp phải dành riêng một chiếc xe để chở mấy anh em chúng con cùng mọi phương tiện thuốc men đi cấp cứu. Là một bác sĩ thú y, lương tâm đâu mà bỏ cả một trại lợn như thế để về cho kịp lúc bố về". Hiền đã định thanh minh như thế, sau cô thấy không cần. Thôi, mặc bố nghĩ thế nào thì nghĩ.

Hiền chào bố rồi lẳng lặng dắt xe dựa vào chái nhà. Thấy cửa nhà lặng lẽ, cô hỏi và được bố cho biết :" Mẹ và các em đang nghe câu chuyện cảnh giác tối thứ bảy hàng tuần ở trong buồng ". Hiền thầm đoán bố mới mang đài từ nước ngoài về. Hiền cũng chẳng ngờ cái đài hấp dẫn mẹ đến nỗi biết có con về, bà cũng chỉ từ trong nhà nói vọng ra mấy câu qua loa: "Con đã về đấy à? Mẹ phần cơm ở dưới chạn bát ấy". Và mấy đứa em thấy chị về cũng chỉ chạy ùa ra ngoài nhà trong chốc lát rồi lại vội vàng chui vào buồng.

Không khí vui vẻ do cái đài mang lại làm ông Toàn nguôi giận đứa con gái của ông. Ông hất hàm về phía cửa buồng rồi mỉm cười bảo với Hiền:

-  Con thấy chưa, cái quà bố mang về thiết thực lắm chứ!

Hiền đã lấy lại được niềm vui vốn có của mỗi tối thứ bảy về thăm nhà. Cô xăng xái thu dọn lại những cốc, những chén mà do mải mê nghe đài các em Hiền còn bỏ bừa bộn trên bàn. Xong đâu đó, cô đi ăn cơm rồi mới vào buồng xem qua chiếc đài mà bố mới đem về. Hiền định ngồi nghe đài với mẹ, nhưng chỉ câu trước câu sau, cô đã thấy không yên. Cô quên chưa hỏi tình hình sức khỏe của bố cùng những điều bố thấy được trong chuyến đi vừa rồi. Mặt khác cô cũng phải khoe với bố về niềm vui của cô trong ngày hôm nay, sau khi đã cứu sống cả một trại lợn cho hợp tác xã.

 Hiền đi ra nhà ngoài. Bố cô đang ngồi đó. Nhìn vẻ mặt không vui của bố, Hiền thấy không còn hào hứng để mà kể chuyện nữa nên khi ngồi đối diện với bố trên sa-lông cô vẫn còn im lặng. Nhưng ông Toàn đã lên tiếng trước: "Hôm nay bố có chuyện này muốn nói với con!" Hiền giật mình. Chuyện gì thế nhỉ? Chuyện gì mà quan trọng đến nỗi bố phải nói ngay sau khi cô vừa về đến nhà. Hiền vốn rất hiểu tính bố. Có điều gì trong lòng là bố phải tìm cách nói toạc ngay, nếu không bố sẽ bị ấm ức đến mất ăn mất ngủ. Nhưng dù quen như thế, hôm nay Hiền vẫn thấy sờ sợ. Hiền cứ ngồi im. Gian phòng vắng lặng đến lạnh người. Không còn tiếng động nào khác ngoài tiếng xè xè của chiếc đèn bão bị hở ống muống và tiếng cô văn công nào đó hát chèo khe khẽ từ chiếc đài trong buồng vọng ra.

Nhưng lạ lùng thay, trong buổi nói chuyện tay đôi với con gái bữa nay đáng lẽ là chủ động mà ông Toàn lại hóa ra bị động. Đó là điều hoàn toàn bất ngờ đối với ông. Mà Hiền có làm gì bố đâu. Vừa rồi, sau khi thấy không khí giữa hai bố con có phần nặng nề , Hiền đã mạnh bạo kể lại câu chuyện bọn cô vừa cứu sống đàn lợn hàng trăm con của hợp tác xã Thái Thịnh cho bố nghe. "Buồn cười lắm bố ạ. Bọn con gái chúng con thấy lợn chết nhiều quá, thương lợn đứa nào đứa nấy khóc hu hu. Còn mấy anh con trai thì cứ lo lắng đến nỗi thức suốt đêm không ngủ, cứ đốt lửa ở lỳ ngay trong chuồng lợn. Thấy vậy mấy bác ở hợp tác xã nữa đêm còn luộc cho chúng con một nồi khoai lang. Thế mà cầm đến củ khoai, có anh còn vội vàng bẻ đôi cho lợn một nửa để xem nó có ăn hay không". Hiền kể chuyện bọn trẻ chăm lo công việc của người khác nhiệt tình, vô tư như nó kể về công việc của riêng nó vậy. Ông Toàn nghe xong thấy lại cả một thời trai trẻ của mình. Ngày ấy các ông tham gia du kích chống càn gian khổ hy sinh cũng ghê gớm lắm nhưng cũng như bọn trẻ bây giờ các ông có tính toán gì đâu.

Ông Toàn bỗng thay đổi ý định...Ông sẽ không nói những dự định của ông cho Hiền nghe nữa.

Hai bố con cứ ngồi lặng đi. Cuối cùng Hiền lại lên tiếng trước:

-         Bố ạ, con có người bạn không biết sang Liên Xô bố có gặp không?

Hỏi xong, tự nhiên Hiền lại ngượng với Hiền. Đất nước Liên Xô bao la như thế thì làm sao mà gặp được. Thế mà cũng hỏi, thật ngớ ngẫn chưa?

Nhưng Hiền không ngờ chính câu nói đó lại làm cho ông bố giật mình như bị người khác bắt được quả tang một ý nghĩ vụng trộm. Thấy bố im lặng, Hiền lại nói tiếp:

-         Anh ấy học bên đó đã sáu năm và viết thư cho con nhiều lần, ghi rõ địa chỉ của anh nữa nhưng khi bố đi con không cho bố biết vì (Hiền nhìn bố thăm dò) không cần thiết bố ạ.

Ông Toàn sững người trong giây lát. Cứ như Hiền đã đọc hết trang sách trong lòng ông vậy. Nhưng ông đã kịp nhận ra sự tự thú vô lý của mình. Vậy ông có nên nói chuyến đi vừa rồi ông đã gặp Hải? Và có nên...Thôi, ông không nên nghĩ tiếp nữa, bởi càng nghĩ, ông sẽ càng lúng túng, càng lộ những gì không tốt đẹp trước con gái ông.

- Cái anh chàng Hải si tình ấy bố à, bố còn nhớ không? Hồi mới hòa bình lập lại, khi gia đình chưa chuyển lên Hà Nội, anh ta học với con và sau này khi sơ tán cũng lại về đây học với con năm nữa, à mà học cùng cả với Thiệp nữa bố ạ. (Ông Toàn nghĩ. Con bé đáo để thật, nó lại gọi thằng Thiệp bằng tên chứ không "anh ấy" gì sất). Ông Toàn vui vì thấy con gái đã xua đuổi đi được những nét ảm đạm ban đầu trong cuộc nói chuyện giữa cha con - Sao mà có người lại dốt toán đến thế. Hồi ấy, con ngồi giữa, anh chàng Hải một bên, Thiệp một bên. Một hôm Thiệp làm xong bài toán, con cũng sắp làm xong, còn anh chàng Hải thì chưa được chữ nào, cứ ngồi gặm gặm đến gần nát chiếc đầu quản bút. Sau đó con thấy có một bàn tay cứ hích hích vào mạn sườn con, bực quá con mới quay lại, hóa ra anh chàng Hải đang cầu cứu con chuyền cho anh ta tới tay Thiệp mảnh giấy có viết vắn tắt mấy chữ: "Thiệp ơi, cho mình chép bài, mình sẽ cống nạp mười lăm vòng cao su" - Hiền cười ngặt nghẽo - Bố ạ. vòng cao su là cái nịt tay xanh xanh đỏ đỏ ấy mà. Ngày ấy, dân Hà Nội mới có thứ này. Bọn con gái chúng con mê cái thứ đó lắm. Có ít thì để buộc tóc. Có nhiều thì kết thành sợi dài để chơi trò nhảy dây. Còn đám con trai dùng để làm nỏ bắn chuồn chuồn... Nhưng hôm đó Thiệp đâu có chịu. Đấy, bố thấy không, anh chàng Hải ngay từ nhỏ đã biết hối lộ, còn Thiệp thì đã biết chống tiêu cực rồi.

Hai cha con cùng cười "Con bé đến là gớm. Yêu ai yêu tận mây xanh,ghét ai ghét tận đất đen bùn lầy ". Ông Toàn nghĩ thế rồi mắng yêu con gái:

-         Mày chỉ được cái tính cực đoan.

Hiền không để ý đến điều bố vừa nói. Cô vẫn chưa hết hào hứng về câu chuyện cô đang nói dở dang. Thấy rằng lúc này nếu không nói ngay thì có thể bị một cái gì đó bất ngờ làm cắt ngang câu chuyện nên khi ông Toàn vừa nói xong, Hiền liền cất tiếng cười trước rồi kể ngay.

-         Úi dào, còn chuyện này bố tính mới vui chứ. ngày đang học lớp mười, anh chàng cùng một lúc viết thư tỏ tình cho ba đứa con gái. Sau này khi đổ vỡ câu chuyện ra, ba đứa con gái ấy mới chập ba lá thư lại so sánh thì thấy chúng giống nhau từng cái dấu chấm, dấu phẩy. Bức nào mở đầu cũng " Em yêu thương, đêm nay trước trang giấy trắng này, em là ngọn đèn chiếu sáng tâm hồn anh...".  Rồi  "Con người chỉ có một trái tim và trái tim của anh, anh đã hiến trọn cho em rồi, em đừng phải lo lắng đắn đo gì mà không yêu anh, yêu đến trọn đời mình...". Đấy đại loại như thế... ”Nghĩ cũng buồn cười, ngày đó sao mà ấu trĩ thế hở bố. Có thế mà ban chấp hành chi đoàn cũng đem Hải ra kiểm thảo. Ấy cũng là do ba đứa con gái kia chơi xỏ lại Hải, đem nộp tất cả ba bức thư về nhà trường. Nghĩ đến hôm kiểm thảo Hải mà đến giờ con còn buồn cười. Chả là con cũng ở trong ban chấp hành mà. Hải khóc lóc rồi van xin rối rít... Bấy giờ Thiệp là bí thư chi đoàn mà. Sau năm ấy, anh chàng đi học nước ngoài còn Thiệp đi bộ đội bố ạ. Cái thời buổi thật buồn cười bố nhỉ? Kẻ dốt nát thì dựa thế cha chú đi du học nước ngoài. Còn người thông minh, học giỏi thì đi bộ đội để rồi sau này...’’ Hiền bỏ lửng.

Hiền nói cứ tỉnh khô nhưng chính thật cô đang vui. Niềm vui dâng lên mãi theo câu chuyện cô vừa kể. Lòng cô như sợi đàn vừa được búng lên, âm thanh phát ra rồi nhưng tiếng rung còn ngân nga mãi trong không gian. Hiền đâu biết được tâm trạng của bố cô lúc này. Ông vừa thấy yêu con lại vừa thấy ghét con, sợ con Hiền đã nói trước với ông cái điều ông định nói ngược lại.

Thực ra hôm nay ông Toàn định chia cuộc nói chuyện với con gái thành hai bước hẳn hoi. Bước đầu ông sẽ giả vờ báo tin Thiệp hy sinh để xem phản ứng của Hiền ra sao. Bước sau ông sẽ gợi mở rằng cái anh chàng quen biết con ngày trước đó, gần đây có đặt vấn đề muốn xin cầu hôn với con thì ý con thế nào? Nhưng cả hai bước ông đều không thực hiện được. Song, dù như vậy ông cũng phải nói với con một điều gì chứ. Chả lẽ lúc nãy ông trịnh trọng nói: "Bố có câu chuyện muốn nói với con" mà bây giờ ông lại bỏ lửng. Vậy thì phải có một câu kết thúc. Ông loay hoay mãi vẫn chưa tìm được một câu nói, may sao đứa con gái út nó đã giúp ông. Nó đang khóc thét ở ngoài sân. Thì ra trong lúc nô đùa, con chó mực đã ngoạm hàm răng nhọn của nó vào cái chân con búp bê của bé . Ông Toàn vội mở toang cửa chạy ra ngoài. Ông bế bé út lên tay, dỗ dành nó. Còn Hiền, cô cũng nhân cơ hội này mà chuồn ra khỏi bộ sa-lông trái với cái mối quan hệ bố con bó buộc, mà xưa nay cô ít gặp phải, như buổi chiều hôm nay.

NGUYỄN KHOA ĐĂNG

Các Bài viết khác