NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGÕ TRE RÌ RÀO (chương 22)

( 18-05-2017 - 06:31 AM ) - Lượt xem: 755

Chiến tranh mà! Biết thế nào mà tính trước được. Con nghĩ chỉ khổ những người đàn bà, con gái như bu, như bà Thiều, như con, như chị Hiền, thậm chí cả chị Liên ở phía bên kia, trong Sài Gòn nữa.

Chương 22

Hôm sau bà Thơi bảo Liên phải đi mua vé tàu hỏa cho bà về Bắc. Sau mấy ngày đường dài mệt nhọc, mất ăn mất ngủ, về đến quê hương, bà hoàn toàn không ngờ, căn nhà nhỏ bé của bà lại có đông người đến thăm chơi như thế. Bấy giờ bà mới biết, trong lúc bà đi vắng, bà con anh em không ai bảo ai, đã tự động đến trông nom chăm sóc nhà bà ngày một nhiều. Gần như tất cả linh hồn, tình cảm của bà con anh em trong hợp tác xã Quyết Thịnh đều dồn cả vào căn nhà này.
Xe dừng ở đường số 10, chỗ cầu Phúc Khánh thì họ bỏ bà xuống. Dân gian lúc này có câu “Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”, bà đang gặp phải trường hợp như thế. Lúc lên tàu ra về, dù bà không muốn, “hàng” của bà con cùng quê gửi cho bà rồi nhờ bà gửi cho người thân khác, khá nhiều và họ cũng năn nỉ nhiều nên bà không thể không nhận. Áo quần, giầy dép, bột ngọt, đường sữa, những con búp bê to nhỏ. Không thiếu thứ gì.
Nhìn đám hàng họ, chất đống bên đường, khi cái xe ô tô khách đường dài chở bà về phun khói mù mịt chạy đi, bà ngán ngẩm, run sợ. Bây giờ làm sao mà khuân hết đống quà này, khi đường về làng còn tới 5 cây số nữa. Bà chỉ còn cách duy nhất là hú họa ngồi chờ xem có ai người làng qua đây để nhờ họ giúp cho một tay.
May sao một lúc sau, có cái xe cải tiến chở cuốc xẻng của anh em làm thủy lợi về ngang qua . Bà nhờ thế mà thoát cơn bĩ cực.
Về đến ngõ nhà bà, hàng xóm biết bà về, họ gọi nên con cháu mới biết mà ra đón.
Ra đón bà trước tiên là Thìn rồi đến bà Thiều, sau đấy là vợ chồng Hiền và số anh chị em thanh niên trong xóm đang ngồi chơi ở nhà bà. Chưa kịp thở, mọi người đã rối rít bắt bà kể chuyện miền Nam, chuyện Sài Gòn.
Họ đòi quà bà, bà tươi cười đem ra mấy quả vú sữa:
- Quà miền Nam đây, mời anh em bà con mỗi người thưởng thức tí chút.
Bà Thơi chưa biết thứ nào ra thứ nào nên bà đành phải như thế. Mấy ngày trước, trái vú sữa còn xanh thế mà nay đã chín mõm mòm. Mọi người vừa ăn trái cây vừa ngắm nhìn bà Thơi và thêm thắt vào những câu bình luận về sức khỏe của bà. Hình như bà có bị gầy đi nhiều, họ bảo do thấy hai bên má bà và hai hố mắt đã lõm sâu hơn trước. Chính bà Thơi cũng nhận thấy như thế. Bao nhiêu dằn vặt, xáo trộn xảy ra liên tiếp trong mấy ngày như thế còn gì. Tuy vậy, đúng ra, thời gian qua, từ ngày lão Mân khốn nạn, báo cho bà cái tin dữ dội ấy chưa bao giờ bà Thơi thấy lòng thanh thản như hồi này. Dù sao số phận con trai bà cũng đã được định đoạt, rõ ràng . Dù có là đêm tối thì cũng là đêm tối có ánh đèn. Đâu đến nỗi, trắng không ra trắng, đen chẳng ra đen nhu trước đây. Cứ u u minh minh đến khổ…Trong khi mọi người mải mê quà bánh và ngắm nhìn những đồ vật bà Thơi đem được từ trong Nam, bà Thơi thơ thẩn đi một vòng quanh khu vườn thân yêu của bà. Giữa những trận bão lòng vừa qua, mảnh vườn là điểm tựa để mỗi lần nghĩ đến mấy cây chè này, bờ tre kia, là một lần bà tìm lại được sự yên tĩnh, như đi trên cây cầu chênh vênh tìm được tay vịn.
Vào mùa này, chè hết ra hoa, lá đã bắt đầu cứng lại. Sắp tới sẽ là những ngày bận rộn với công việc hái chè. Bà Thơi giơ tay bứt một chiếc lá bỏ vào miệng nhai. Cái vị đắng chát của nó đem lại cho bà một cảm giác thích thú quen thuộc. Một làn gió thổi đến. Cái ngõ tre thân yêu của bà lại lên tiếng rì rào, xáo động. Nào đâu phải chỉ là tiếng tre. Đó cũng là tiếng của lòng bà bao nhiêu đêm ngày rồi đấy.
- Mẹ có thăm được mộ anh Thiệp không?
Hiền hỏi bà, sau khi mọi người sang chơi đã nhà nào về nhà ấy. Nghe tiếng “mộ”, bà Thơi thấy nhói trong tim. Sao Hiền lại có thể nghĩ ra điều ấy? Hay là nó biết chuyện bà vừa gặp ở Sài Gòn? Bà Thơi giả vờ như không nghe thấy Hiền hỏi. Chồng của Hiền ngồi bên cạnh tưởng vợ hỏi không rõ ý nên thêm lời :
- Nhà con hỏi mẹ vào Nam có ghé đơn vị anh Thiệp để hỏi thăm phần mộ của anh ấy không ạ?
Bà Thơi khẽ “à” lên một tiếng. Bà thoáng nghĩ đến một câu trả lời:
- Có, mẹ có đến thăm!
Bà Thơi tự mỉm cười đắc ý về câu trả lời nước đôi của mình.
Hôm sau vợ chồng Hiền về cơ quan. Thìn cũng định về trường ngay nhưng bà Thơi giữ lại vì “có câu chuyện muốn nói”. Lúc ấy bà Thiều cũng không còn ở đây nữa. Còn lại hai mẹ con, bà Thơi đã kể lại tất cả mọi chuyện xảy ra khi bà vào đến Sài Gòn. Bà đưa cho Thìn xem những cuốn sổ ghi chép thơ của Thiệp. Rồibà thắp hương cắm lên bàn thờ của ông Thơi và của Thiệp. Bà đứng im như một hình nhân khá lâu trước bàn thờ, trước hai tấm ảnh hai người thân nhất của bà Thiệp. Ông Thơi thì không có gì thay đổi. Thiệp hình như tươi tỉnh hơn khi nhìn bà qua bức ảnh. Hai con mắt của Thiệp hôm nay lạ lắm. Chưa bao giờ bà Thơi thấy hai con mắt ấy ở trong tình trạng thế này. Thiệp như vừa tự thú vừa van xin:
- Mẹ ơi, xin mẹ đừng giận, đừng buồn về con nhiều. Trong cuộc chiến tranh vừa qua có bao nhiêu người lính là có bấy nhiêu sự hy sinh. Có sự hy sinh lừng lẫy, vẻ vang được nhiều người biết tới, tôn vinh. Cũng có nhiều sự hy sinh thầm lặng không được ai hay. Và trong hoàn cảnh này, không thể tránh khỏi những trường hợp éo le, hẩm hiu có thể bị người đời mỉa mai. Con muốn được mẹ và mọi người coi con ở vào trường hợp mà cái chết (con không dám gọi là sự hy sinh ) là sự cần thiết, là câu trả lời của một người ở vào tình huống hết sức éo le, khó xử như của con”.
Bà Thơi cẩn thận vái trước bàn thờ con trai mấy vái. Miệng bà lầm bầm điều gì. Hình như đó là câu: “Trước sau mẹ đã hiểu con. Còn bây giờ mẹ lại mong con hiểu cho mẹ”.
Bà hạ bát hương của Thiệp xuống. Tay bà run run, vì nghĩ nếu lúc này chẳng may có người nhìn thấy hành động này của bà thì không biết họ sẽ nghĩ bà ra sao. Đó là hành động, bằng một cử chỉ nhanh nhẹn chưa từng thấy ở một bà già, bà rút hết những que chân hương trong bát ra , xếp gọn lên mặt bàn thờ, rồi dốc hết đất trong bọc nilong vừa mang từ nghĩa địa binh lính Biên Hòa trong miền Nam ra, đổ đầy vào bát hương trên bàn thờ ở quê hương của Thiệp.
Trước khi cắm lại chân hương vào vị trí cũ, bà dùng mười đầu ngòn tay, xáo lên trộn xuống, cho đất cát Miền Nam trộn lẫn, trộn đều với đất cát ngoài này, đất trong vườn của bà, Miền Bắc thân yêu.
Bà làm việc này hoàn toàn vì sự đòi hỏi của tâm linh, chứ đâu bà dám nghĩ rằng sau này sẽ có người nói đây là sự hòa hợp dân tộc, là thống nhất đất nước…gì gì đó. Bà thực sự chưa nghĩ tới.
Bỗng bà nhăn mặt lại. Từ đâu đó vẳng lại lời nói rất xa lạ từ một con người gần đây lại gần gũi với bà. Đó là Liên: “Cô ơi, về Bắc, con mong cô cứ giấu kín chuyện này, coi như không có chuyện gì xảy ra cả. Chiến tranh đã kết thúc, bao nhiêu việc phức tạp và bộn bề cần phải làm trước. Ai đâu có thì giờ và công sức để đi làm một công việc hết sức nhỏ bé nhưng lại hết sức mênh mông. Mong cô nghĩ lại. Danh dự của cô, của em Thìn, của gia đình nhà ta…”.
Lại một lời nói khác. Của Thìn: “Xin mẹ đừng làm thế. Làm thế là mê giết con đấy! Con đang phấn đấu. Con sắp được vào Đảng, con chuẩn bị được đi học nước ngoài, tương lai con vô cùng tươi sáng. Lão Mân chết đã xanh cỏ rồi. Còn ai biết chuyện cũ nữa mà lo…”.Lại một lời nói khác, không, một điệu cười rất đắc thắng của ông Toàn đang văng vẳng bên tai bà: “Rất may, con Hiền nhà tôi không bị dính vào chuyện này. Nếu không, ba đời sau nhà nó không ngóc đầu lên nổi”.
- Không, không, thà chịu thế còn hơn. Mọi sự giả dối đều xấu xa, bỉ ổi…
Bà Thơi lầm bầm một mình.
Ngay sau đó, lưỡng lự trong giây lát, bà Thơi bắc chiếc ghế cao, chiếc ghế vẫn dùng để hái lá chè ngoài vườn, leo lên, thận trọng dùng hai tay gỡ tấm bằng Tổ quốc ghi công đang treo trên tường xuống.
Bà kính cẩn đặt tấm bằng lên tấm phản gỗ trong nhà rồi thận trọng cầm khăn mặt nhẹ nhàng lau đi lau lại mặt kính, lau cho đến lúc sờ tay không còn thấy một vết bụi mờ, bà mới thôi.
Bà mở khóa hòm lấy ra quyển sổ tiết kiệm mà bà đã đều đặn gửi tiền tử tuất và tiền trợ cấp hàng tháng sau ngày có tin Thiệp hy sinh.Tất cả là một năm tám tháng.
Hai bàn tay run run, bà rút từ trong chiếc tủ gỗ cũ kỹ đựng quần áo, có từ hồi ông Thơi còn sống ra tấm khăn nhung đen. Tấm khăn này, bà chỉ dùng đội đầu những khi đi chơi xa hoặc những ngày lễ, ngày tết. Bà thận trọng đặt tấm kính lộng bằng Tổ quốc ghi công vào giữa tấm khăn. Bà xoa tay lên mặt kính lần nữa rồi nhìn trân trân vào khoảng không trước mặt, như muốn thu nhận hết một lần cuối những dòng chữ kia vào mắt bà và tâm trí bà lần cuối.
Xong đâu đấy, bà vội vàng buộc chéo các góc khăn lại với nhau, rồi hấp tấp đeo lên vai và rảo bước đi ra ngõ. Bà đi vội vã, như sợ có ai đang nấp rình ở một xó xỉnh nào đó, chờ bà đi ra khỏi nhà là chạy theo nắm áo lôi lại.
Điều bà Thơi lo lắng không phải không có lý. Tất cả những việc làm vừa rồi của mẹ, đứng ở trong buồng, sau bức mảnh mành, Thìn nhìn thấy hết. Cô đã đoán được bà Thơi định đi đâu và sẽ đến đâu. Cô chạy vụt theo ngay. Ra đến bờ tre, cô bàng hoàng nắm tay bà kéo lại:
- Con xin bu, con lạy bu. Bu đừng làm thế. Nào có ai khảo mà bu lại xưng. Tương lai của con, bu ơi! Với lại cái chết của anh Thiệp cũng là một sự hy sinh mà!
Thìn giật mạnh rồi chiếm lấy cái khung kính lộng tấm bằng “Tổ Quốc ghi công” từ tay bà Thơi. Cô quay lại, định mang nó về nhà. Bị bất ngờ, bà Thơi lảo đảo. Nhưng bà đã kịp dành lại được từ tay Thìn.
Tiếp theo, bằng một cử chỉ dứt khoát, bà ném mạnh tất cả xuống cái ao bà vẫn dùng thả bèo cho lợn bên cạnh bờ tre.
Ngay lập tức, không một chút do dự, Thìn để nguyên quần áo nhảy tùm xuống nước. Nước ao đen sì, đặc quánh. Cô lội đến đâu bùn đáy ao xèo xèo nổi bọt khí bốc lên đến đó. Bỗng Thìn kêu rú lên một tiếng, nghe hãi hùng. Cô vừa dẫm chân lên cái khung kính bà Thơi mới ném xuống. Kính vỡ. Những mảnh thủy tinh biến thành những lưỡi dao, sắc nhọn cứa đứt da thịt một bàn chân của Thìn.
Thìn vội bò lên bờ tre. Cô giơ chân lên xem. Giật mình. Ôi! ghê quá. Máu đỏ tươi chảy ròng ròng từng dòng xuống đất.
Bà Thơi trong nhà chạy ra. Bà Thiều từ nhà bên chạy sang. Hai người cùng hỡi ôi lên và cùng nhau chạy đi tìm mạng nhện để dán vào cho khỏi chảy máu, tìm bông băng cứu thương mấy năm nay, trước hiệp định Paris nhà nào cũng có, để băng bó. Hai bà tíu tít rửa ráy, sát trùng xử lý vết thương cho Thìn.
Vừa làm bà Thơi vừa lẩm bẩm một mình nhưng Thìn nghe được:
- Thằng Thiệp nó quở phạt con đấy! Anh con không muốn con như những kẻ vô loài khác, chuyên tìm cách dựa hơi vào người khác, tìm cách dùng xương máu của người thân để tô thắm lý lịch của mình, để làm bậc thang bước trên đường đời đấy mà. Phải biết tự lực cánh sinh con ạ!
Đêm ấy, chỉ còn lại hai mẹ con, bà Thơi âu yếm sờ tay lên trán Thìn, xem con gái có bị sốt vì vết thương không. Bà thủ thỉ nói với Thìn:
- Bu xin lỗi con. Bu rối trí quá, không còn biết xử trí thế nào cho đúng nữa. Mong con hiểu cho bu.
Thìn úp mặt vào ngực bà Thơi, an ủi bà mà nước mắt cứ ứa ra:
- Chiến tranh mà! Biết thế nào mà tính trước được. Con nghĩ chỉ khổ những người đàn bà, con gái như bu, như bà Thiều, như con, như chị Hiền, thậm chí cả chị Liên ở phía bên kia, trong Sài Gòn nữa. Mà thôi, chuyện dài dòng lắm, bu ngủ đi. Kẻo ốm mất…
Nhưng bà Thơi làm sao ngủ được.
Lòng bà ngổn ngang. Càng nghĩ bà càng mất ngủ.
Rặng tre trên con ngõ sau nhà hình như lâu nay không còn rì rào ru bà chìm sâu vào giấc ngủ hằng đêm như ngày trước nữa. Giờ đây nó đã thành những mảnh dao lam sắc bén cọ vào nhau luôn cứa nát lòng bà.

HẾT

Rạch Giá 8.1983
Sài Gòn 11.2016
Nguyễn Khoa Đăng

Các Bài viết khác