NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGÕ TRE RÌ RÀO (chương 21)

( 11-05-2017 - 05:42 PM ) - Lượt xem: 778

Mọi người chạy lại thì tim Thiệp đã ngừng đập. Chuyện của Thiệp là thế. Con xin thành thật nói lại với bà. Xin bà hãy thương anh Thiệp. Anh ấy là một người rất tốt, một người hùng của chúng con! Anh ấy đã làm cho cuộc hành quân ấy phải hoãn lại.

Chương 21

Hôm sau Liên dắt xe đạp đi đâu một lúc rồi dẫn về một anh con trai cỡ tuổi Thiệp, có mái tóc tuy được cắt tỉa công phu nhưng với vẻ mặt khắc khổ, nước da xanh mét như bị cớm nắng của anh ta vẫn làm cho bà Thơi cảm thấy xa lạ.
Liên dắt anh con trai đến trước mặt bà Thơi, giới thiệu:
- Thưa cô, đây là em Dũng, bạn của Thiệp, Dũng vừa đi học cải tạo ngắn ngày về. Để cho cô tin về những lời con nói chung quanh cái chết của Thiệp, con cho gọi Dũng tới đây, một lần nữa kể chuyện lại cô nghe. Cậu Dũng này chứng kiến từ đầu tới cuối cái chết đó.
Cậu con trai khúm núm chắp tay và cúi rạp người chào bà Thơi. Bà Thơi đổi lạnh nhạt thành nhiệt tình, nắm lấy bàn tay của Dũng hồ hởi hỏi thăm hoàn cảnh gia đình cùng nghề nghiệp quê quán hiện nay của Dũng. Dũng nói:
- Thưa, cháu trước là binh nhì nên sau giải phóng chỉ đi học tập nửa tháng rồi được về sinh sống với gia đình.
Bà Thơi bắt Dũng ngồi lại cho ngay ngắn rồi bà bắt đầu hỏi cứ như quan tòa sắp sửa hỏi cung bị can.
- Nào, thế bây giờ cháu hãy kể cho bác biết vì sao Thiệp lại chết và chết như thế nào?
Bà Thơi vừa hỏi vừa nhìn thẳng vào mặt Dũng khiến cậu ta phải vội quay mặt đi né tránh cái nhìn xoi mói của bà. Mãi sau cậu ta mới ấp úng:
- Dạ, thưa đúng như dì Liên nói đó ạ! Thiệp chết trận ạ.
Dũng nhìn Liên như cầu cứu thêm một sự hỗ trợ. Bà Thơi đã nhìn thấy cử chỉ ấy. Chắc hẳn trong chuyện này còn có uẩn khuất gì đây. Bà Thơi nghĩ.
- Nó chết trận à? Thật chứ cháu?
- Dạ, thiệt ạ!
Dũng đáp lại lời bà, lúng ta lúng lúng. Liên nhìn Dũng ái ngại nói chen vào:
- Thì con cứ kể lại đầu đuôi ngọn ngành như con đã từng nói với dì đi!
- Nhưng…
Dũng nói được một tiếng ấy thì dừng lại. Rõ ràng cậu ta đang định nói thêm một điều gì mà lâu nay cậu ta chưa nói với ai kể cả với Liên, hình như cậu ta sợ, bà Thơi nghĩ.
- Thì có gì, cháu cứ nói thật cho bác và dì Liên biết đi.
Bà Thơi lại giục Dũng nói. Dũng lại đưa mắt nhìn Liên. Con mắt cứ lúng túng, nửa như muốn chờ đợi điều gì nửa như lại không.
Liên tế nhị, rút lui xuống nhà dưới một mình bà Thơi nói chuyện với Dũng.
Chỉ còn lại hai người, sự im lặng và tiếng thở của bà Thơi. Không khí ấy càng làm Dũng không dám ngẩng mặt nhìn bà Thơi và cậu ta chỉ còn biết cúi xuống, tay mân mê tấm đệm mút rách ở ghế ngồi.
- Cháu cứ nói sự thật cho bác biết đi.
Dũng lại ngước nhìn bà Thơi. Cậu ta nhận thấy trên khuôn mặt của người đàn bà già nua, tuổi tác như cha mẹ cậu này có một cái gì đó khiến cậu không thể nào giấu nổi. Mặt khác, chắc Dũng nghĩ thời thế bây giờ đã đổi thay, những điều ngày xưa không thể tiết lộ thì bây giờ tha hồ được nói. Như vậy thì sợ gì mà không nói ra những chuyện ấy. Dũng sửa lại tư thế ngồi của mình.
- Dạ, thưa bà…
Cậu ta lựa tìm câu mở đầu. Cảm giác nặng nề về một ý nghĩ đắn đo được phá tan. Lời mở đầu khó khăn đã thoát ra như chiếc xe tải chở nặng bắt đầu có trớn.
- Dạ, con xin nói…
Mãi đến lúc này Dũng mới nói được. Bà Thơi nín thở để nghe.
- Dạ, thiệt tình là Thiệp không chết trận…
Bà Thơi xích lại gần hơn. Bà đặt bàn tay của bà lên tay Dũng. Bà không hỏi gì thêm mà chỉ nhìn Dũng bằng con mắt nửa đau khổ nửa vui mừng. Dũng thấy cần phải nói tiếp.
- Dạ, Thiệp không chết trận mà anh ấy đã…tự … sát ạ…
- Tự …sát !
Bà Thơi mở to hai con mắt, ngạc nhiên.
Hai tiếng cuối cùng Dũng hạ thấp giọng như chỉ để mình bà Thơi nghe. Nói xong anh dừng lại để thở, giống như một người vừa leo xong một cái dốc. Nhưng bà Thơi thì …thật khó định dạng tâm trạng bà trong giây phút diễn ra đầy xáo trộn này. Bà thực sự bị sốc. Sốc vì ở cái điều bà vừa mong nhưng lại không mong.
- Cháu cứ nói tiếp đi…
Bà sốt ruột giục giã, khích lệ. Dũng quyết định lần này anh sẽ nói hết và nói đầy đủ hơn.
- Dạ, điều này chúng con có cảm giác mơ hồ nhận ra từ khi anh Thiệp cùng con bị họ bắt đi quân dịch. Con nhận thấy những ngày ở bên con, anh Thiệp luôn luôn thấp thỏm, lúc nào cũng bứt rứt như đang cố gắng tìm một cái gì đó mà tìm mãi không ra. Do con không được biết trước đây, anh đã từng là chiến sĩ Việt cộng nên thấy như thế, con chỉ nghĩ rằng do anh chán đời, chán cảnh đi lính, thế thôi. Có một điều khiến chúng con rất phục và kính nể là anh rất ghét những sĩ quan chỉ huy và thường bướng bỉnh chống lại họ. Anh ấy đã có lần nói riêng với con, là sẽ có một ngày gần đây anh sẽ nổ súng vào đầu bọn “chó đẻ” đó, như tiếng anh ấy thường dùng…
Dũng ngừng lại, thở hổn hển. Anh rót một ly nước lạnh uống ừng ực rồi lại rút thuốc châm lửa hút. Cái cách anh ta hút thuốc thật rề rà chậm chạp khiến bà Thơi ngồi nhìn mà như cháy cả gan ruột. Nhả xong khói thuốc Dũng mới tiếp:
- Hôm ấy họ bắt chúng con hành quân bằng trực thăng ra Miền Trung. Đây là cuộc hành quân đầu tiên trong đời lính của chúng con. Thiệp rất chán chường không muốn tham gia cuộc hành quân này. Nhưng không cách nào trốn được. Anh đành trốn bằng cách cáo bịnh xin nghỉ vài hôm. Một vài anh em thấy vậy, cũng làm theo. Tất nhiên lý do này không được tên Năm Lẹ, một sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, chỉ huy đơn vị chúng con, một kẻ rất hận thù những người Việt cộng, chấp nhận. Điều này là Thiệp rất tức giận. Và thế là, lúc ấy, đó là giây phút, con còn nhớ Thiệp đang mệt mỏi nằm ngủ trên bãi cỏ bên sườn một ngọn đồi để nghỉ ngơi. Như mọi lần, anh úp mặt vào chiếc nón sắt. Tên Năm Lẹ từ đâu chạy lại, thấy thế mặt hằm hằm, vừa chửi tục vừa lấy mũi giày hất tung chiếc nón sắt Thiệp đang phủ lên mặt ra ngoài. Trước cử chỉ sỗ sàng, đểu cáng của tên Năm Lẹ, Thiệp đã không kìm được uất giận, anh ngồi bật dậy, kêu lớn: “Anh em, hãy tránh xa ra, tôi sẽ cho thằng khốn nạn này biết thế nào là lễ độ!”
Thiệp đã bóp cò lia trọn một băng đạn súng tiểu liên. Thằng Năm Lẹ chỉ kịp kêu “ối” lên một tiếng rồi đổ sập xuống, giãy đành đạch như con gà vừa bị cắt tiết. Đấy là cái chết thứ nhất, Thiệp dành cho đối phương. Cái chết thứ hai, Thiệp dành cho Thiệp.
Thiệp đã tự kề súng vào thái dương minh và bóp cò…
Mọi người chạy lại thì tim Thiệp đã ngừng đập.
Chuyện của Thiệp là thế. Con xin thành thật nói lại với bà. Xin bà hãy thương anh Thiệp. Anh ấy là một người rất tốt, một người hùng của chúng con! Anh ấy đã làm cho cuộc hành quân ấy phải hoãn lại.
Dũng lại bê ly nước lạnh lên uống. Anh đau khổ nhìn bà Thơi rồi bất thình lình gục đầu xuống khóc nức nở.
- Vậy sao trước đây cháu lại nói là anh chết trận?
- Thưa bà. Đó là cách khai báo của anh em chúng con.
Chúng con thương dì Liên là người có công nuôi nấng Thiệp, không muốn để dì phải chịu tiếng trong gia đình có phần tử phản nghịch. Với lại, cũng muốn để dì Liên có một món tiền tử tuất trợ cấp hàng tháng để bớt khó khăn cho gia đình đông con mà dượng đã từ trần trước đó. Hơn nữa chính sách tử sĩ của chính quyền cũ hỗn độn ù xọe lắm, cứ “chạy’ là được, không minh bạch lắm đâu, vì thế chúng con mới làm thế được. Chúng con khai có một Việt cộng từ đâu trà trộn vào đội hình của chúng con rồi bất thần nổ súng bắn chết mấy người, trong đó có Thiệp rồi biến mất.
Chả hiểu vì sao những người có trách nhiệm lại công nhận lời khai chúng con.
Xong cuộc nói chuyện, bà Thơi đứng lên tiễn chân Dũng ra tận cổng. Lúc bà quay trở vào nhà, nhìn mặt bà, Liên không thế nào đoán nổi bà đang buồn hay đang vui.

 

Các Bài viết khác