NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGÕ TRE RÌ RÀO (chương 2)

( 28-11-2016 - 06:45 PM ) - Lượt xem: 650

Thằng Hải này không khù khờ ngốc nghếch như những đứa bạn của chúng nó đâu. Nó mới viết thư về trước, hỏi gia đình xem bên nhà những thứ gì đang khan hiếm mà bên ấy lại rẻ. Như thuốc tây, giấy ảnh này, dây mai-xo bếp điện này. Mỗi thứ một valy.

Chương 2

Tiếp khách đến thăm, ông bà Toàn mệt lả cả người. Từ sáng đến giờ ấm nước này là ấm thứ mấy rồi. Ba bốn nón chè dốc vào đó chứ có phải ít đâu. Ngay từ chiều hôm qua, lúc ông Toàn vừa đặt cái va ly to kềnh càng xuống nền nhà cao sáu bậc gạch là đã bắt đầu tiếp khách dồn dập rồi. Người thì đến vì tính hiếu kỳ: “Xem xem ông Toàn mang được những thứ gì về” . Đây là trong suy nghĩ . Còn khi đến nơi thì: “Bác phải kể chuyện Liên Xô đi . Chúng tôi mới biết qua đài, qua phim thôi”. Nhưng cũng có người đến vì một việc riêng tưởng như thiết thực: “Tôi có thằng cháu học ở bên ấy,chú có gặp không?. Cứ y như Liên Xô gọn gàng, nhỏ nhắn như cái xóm Quyết Thịnh hay Thắng Lợi của nhà bà ấy. Song cũng nhiều người đến không vì việc gì cả. Ban đêm ở nông thôn buồn, vắng vẻ có một chỗ đông người tới lui cho vui, thế thôi.
Đó là với người lớn. Đón tiếp tuy bận rộn nhưng được cái vui, rất vui. Khổ nhất là với đám trẻ con, “không mời mà đến”, ông bà Toàn mới thật sự khổ vì chúng nó. Đứa này sờ vào má con búp bê một chút, đứa kia lại đập tay vào mặt chiếc va ly làm con bé út nhà ông Toàn, bốn năm tuổi, cứ ngỡ mọi người đến lấy đồ đạc, của cải của nhà nó đi nên chốc chốc lại khóc, khóc đến sưng cả mắt, khản cả tiếng. Riêng ông Toàn thì cứ loay hoay không biết nên đứng nên ngồi ở đâu. Và cũng không biết nên bắt đầu câu chuyện vào chỗ nào, thế mà người ta cứ ùn ùn kéo tới, để đến nỗi có gói kẹo ngoại quốc, ông cũng không biết đem chia thế nào cho đủ, cho khỏi mếch lòng, cuối cùng ông chỉ còn cách chạy chỗ này một tý “mời bác xơi nước”, chỗ kia một tý “ông ở lại chơi đã”, rồi cười trừ đáp, quấy quá:
- Chuyện thì nhiều để tôi sẽ kể sau. Bọn tôi đi nghĩ an dưỡng ấy mà, tiền bạc đâu có nhiều gì đâu. Dành dụm, bóp miệng được chút đỉnh, mua cho cháu được con búp bê, ấy là nó ước mấy năm nay rồi đấy. Rồi sau nữa phải cố hết sức mới mua cho bà lão chiếc đài để tối thứ bảy bà ấy nghe chuyện cảnh giác, nghe chèo với lại nghe cải lương. Chà, bên ấy lúc này rét lắm, nước đóng băng hết lượt.
Mấy bà già nhắm mắt rùng mình: “Chà, giá có cho tôi đi thì tôi cũng đến xin hàng…”.
Không hiểu sao lúc này ông Toàn lại giơ tay mở nút chiếc máy thu thanh. Tiếng sóng điện kêu lên xoàn xoạt…Theo tay ông xoay đi xoay lại, hết giọng nói xì xa xí xố lại đến tiếng hát líu lo của người nước khác. Những người ngồi chơi nhà ông bữa đó bực nhất là mỗi lần có giọng nói tiếng mình vang lên, đang chuẩn bị tai nghe thì ông lại cho sóng chuyển sang chổ khác. Mãi sau thấy hình như làm mãi như thế quả vô duyên, ông Toàn mới dừng lại lâu lâu ở chổ có giọng cô phát thanh viên quen thuộc. Ông Toàn nói với mọi người trước cả tiếng nói của đài:
- Đấy, thằng Mỹ lại phá hoại hiệp định Pari rồi bà con ạ! Ngồi nghe mà tức sôi máu lên được. Tôi tiếc, tôi già rồi và con Hiền là con gái, nếu không thì bố con tôi…
Con Út nhà ông Toàn lại từ ngõ chạy vào. Nó níu tay ông mếu máo:
- Bố ơi, bố ra đánh chúng nó đi. Chúng nó đánh em bé của con đau đây này.
Ông Toàn vội tắt đài đánh “tách” một cái rồi chạy ra hè, mắng bâng quơ vào không khí:
- Chúng mày ơi, đừng chòng em, ăn no đòn đó…
Ông quay vào cười với bà con đồng thời cũng thanh minh luôn cả việc “tiết kiệm”pin của mình:
- Bọn trẻ nó phá quấy quá, đến nghe cái đài cũng không sao yên được với chúng nó. Rõ đến khổ!
Khác hẳn với ông chồng, bà Toàn hôm nay vui thật sự. Bởi bà nghĩ nhà bà mấy khi được thế này. Hay gì cái thứ nhà cửa rêu mốc xanh lên vì cả năm chả có ai thèm đặt chân tới ngõ. Thế này là có phúc lắm đó!
Vì thế mười nón chè chứ đến hàng trăm bà cũng vui lòng. Nên mỗi lần ông ở trên nhà gọi với xuống: “Nhà ơi, được nước chưa?” thì dưới nhà bà lại tươi cười dạ ran và đon đả xách ấm lên, hai gò má do ngồi lâu trong bếp đỏ rựng lên như má con gái.
Mãi đến xế chiều mới vãn khách để ông bà Toàn có dịp ngồi bên nhau mà “xem nào cái kẹo nước ngoài nó ra làm sao” như lời bà Toàn nói. Và dù mệt lả người như vừa qua cơn cảm sốt, bà vẫn nhớ gọi mấy đứa em của Hiền đến cùng với bà chia sẻ niềm vui hiếm có. Bà cứ tiếc tối nay không phải tối thứ bảy để Hiền ở nhà. Ngay tối hôm qua, lúc ông Toàn về, bà đã nghĩ đến chuyện bảo thằng Khả, em kế con Hiền, lấy xe đạp lên thị xã kêu chị về nhưng sau thấy Hiền vừa mới dời nhà đi xong không tiện. Với lại bố Hiền trở về chứ có phải ra đi đâu mà phải đón với đưa . Bà Toàn cẩn thận khóa trái cửa rồi cùng đứa con ngồi lên giường hồi hộp thích thú xem ông Toàn mở chiếc va ly to kềnh ra. Bà chăm chú theo dõi từng cử chỉ nhỏ của ngón tay ông trước cái ổ khóa sáng loáng như ngày còn nhỏ hồi hộp nghe người lớn kể chuyện mở kho báu trong truyện cổ tích. Bà tưởng tượng đến một cái gì sáng loáng sẽ hiện ra. Nhưng rồi không phải như thế mà là một va ly toàn vải là vải. Thứ này thì bà cần gì. Ôi! giá ông mua cho bà mấy thước vải đen có phải hay không. Những thứ này bây giờ bà lại phải đem đi đổi chác hoặc bán buôn phiền phức quá. Nhưng khác hẳn với bà, ba đứa con bà nhìn thấy những sấp vải thì mắt chúng sáng lên, chúng chỉ chực thọc vào va ly lần lục cho sướng tay, làm ông Toàn phải xua đuổi liên tục bảo chúng ngồi yên để ông bỏ từng thứ một ra giường cho chúng xem. Ông cẩn thận giới thiệu từng xấp một như người thuyết minh triễn lãm:
- Của con Hiền này!
- Này đây của thằng Khả, thằng Bình. Này đây của con Út, pô-pơ-lin pha ni –lông hoa đỏ, tha hồ mà đẹp. Còn đây của bu con Hiền. Đẹp nhá, phen này mặc vào ra đường khối người không nhận ra. Hay cứ tưởng chị con Hiền lưu lạc nơi đâu mới về chứ chả chơi đâu.
Bà Toàn nhìn xấp vải ngượng ngùng không muốn thò tay vào.
- Ối, ông tưởng tôi còn trẻ trung lắm phải không?
Mặc thứ này vào, người ta chửi cho vuốt mặt không kịp. Thôi, ông cứ đưa cả cho tôi, chẳng cho đứa nào sất, tôi sẽ đem ra chợ, bán đi, đong đổi mấy tạ thóc, để đến giáp hạt tha hồ mà vui.
Ba đứa trẻ thấy vậy tưởng thật liền phản đối rầm rầm :
- Của bố cho con, kệ con, ứ ừ con không chịu đâu. Của bu, bu đem đi mà bán.
- Con tấm này!
- Con cũng một tấm!
Thế là mỗi đứa ôm một sấp vải chạy biến đi mất.
Gian nhà vắng lặng. Chỉ còn lại ông bà Toàn ngồi thần mặt ra mà nhìn mấy sấp vải vứt tứ tung trên mặt chiếu. Ông Toàn vội vàng thu gọn đám vải lại nhìn vợ dò xét rồi mới rủ rỉ:
- Bà ngỡ tôi có đủ tiền để mua những thứ này đấy phải không? Tôi đã nói với bà rồi đấy, dè sẻn lắm, bóp mồm bóp miệng, cũng chỉ mua nổi cho bà cái đài ba băng ấy thôi.
Bà Toàn ngần mặt ra vì ngạc nhiên:
- Nào tôi biết. Thế của ai cho vậy, ông?
- Bà thử đoán xem?
Bà Toàn lắc đầu, thật thà:
- Chịu, tôi biết làm sao được chuyện các ông?
Ông Toàn cười nhạt rồi bộc bạch:
- Của thằng Hải đấy. Bà còn nhớ cái thằng Hải con ông Hỉ , người bên La Uyên, làm vụ trưởng ở Hà Nội không. Bà nhớ ra chưa? Gớm, sao mà chóng quên vậy?
Thấy vợ cứ gật đầu lia lịa, ông Toàn biết bà chưa nhớ ra nên phải nói kỹ thêm:
- Cái thằng Hải mà hồi Mỹ mới ném bom, nó sơ tán về quê ta học cùng lớp với con Hiền ấy mà. Chẳng hiểu phải duyên phải số sao mà nó mến con Hiền nhà mình lắm, mến thật sự ấy bà ạ. Vừa rồi trên đường từ Liên Xô về nước tôi gặp nó đi cùng chuyến bay. Mà cũng do ông trời run rủi sao mà tôi lại gặp nó. Sau năm năm trời học ở nước ngoài, bây giờ nó về nước hẳn đấy bà ạ. Trời ơi, năm sáu cái va ly to sụ. Mà thằng nhỏ đến là khôn. Những đứa khác tha về toàn là sách. Ối giời ơi, đúng là một lũ không tưởng, chả hiểu thực tế cái con mẹ gì hết ấy. Đất nước mình còn đang bận đánh nhau, khoa học kỹ thuật còn đang lạc hậu, tha những thứ đó về chỉ làm giấy vụn bán cho bà đồng nát chứ làm được cái gì. Còn thằng này, cái thằng bạn con Hiền ấy mà, bà có còn nghe tôi nói không đấy?
Ông Toàn dừng lại nhìn vợ. Bà đang ngồi mân mê, xếp lại cho ngay ngắn đống vải, thấy ông nói thế vội vàng ngẩng mặt lên cười bẽn lẽn:
- Có, tôi đang nghe đây. Ông làm gì mà dữ vậy?
- Thằng Hải này không khù khờ ngốc nghếch như những đứa bạn của chúng nó đâu. Nó mới viết thư về trước, hỏi gia đình xem bên nhà những thứ gì đang khan hiếm mà bên ấy lại rẻ. Như thuốc tây, giấy ảnh này, dây mai-xo bếp điện này. Mỗi thứ một valy. Đấy là chưa kể những thứ nó được đem theo tiêu chuẩn như xe máy, đài, bàn là, đồng hồ….hai ba cái kiện to tướng. Cái thằng ít tuổi mà gớm thật. Tôi nghĩ con Hiền nhà ta mà lấy được thằng chồng như thế phải nói phúc nhà mình to bằng cái đình đấy bà ạ.
Ông Toàn nói một thôi một hồi. Đến bây giờ ông mới nhận ra mình nói hơi nhiều, vì thế ông dừng lại để uống nước và để cười. Ông tưởng bà Toàn sẽ vui theo ông, sẽ cười với ông. Nhưng không, bà vẫn im lìm ngồi nghĩ mãi tận đâu đâu. Đúng, bà đang nghĩ đến ông, đang không bằng lòng với cách nghĩ của ông. Nó sống sượng, sờm sỡ làm sao ấy. Nó không còn ra cái thể thống của những nhà có nền nếp. Ông Toàn cũng nhận ra được điều đó nhưng ông không đếm xỉa gì tới. Cái tính đàn bà là thế, ông còn lạ gì nữa. Họ chỉ tính cáí viển vông về sau, chứ không nghĩ gì đến cái lợi thiết thực trước mắt đâu. Ông biết tỏng cái bụng bà rồi. Bà đang sợ điều gì ăn ở không phải phép với cái bà Thơi, mẹ của thằng Thiệp chứ gì. Trời ơi, sao bà này còn phong kiến lạc hậu thế nhỉ? Thời bây giờ người ta lấy nhau ba bốn mặt con mà còn ly dị nhau, chứ hai bên gia đình có gì gọi là hứa hẹn đâu. Thế mà đã vội thề nguyền. Thật quá lạc hậu, quả là tư tưởng phong kiến. Đã vậy thì ông phải cho bà sáng mắt ra mới được.
Ông Toàn chiêu một ngụm nước chè, súc miệng sòng sọc rồi nhổ qua cửa sổ, ra vườn. Tiếng nước rơi vào lá khoai môn kêu thành tiếng rào rào. Ông Toàn quay lại nói tiếp:
- Về đến sân bay Gia Lâm, thằng Hải mời bằng được tôi về nhà nó chơi. Chao ôi, cái nhà nó mới to tát, đường hoàng làm sao, đúng như các cụ nói: “Giàu xứ quê không bằng ngồi lê đất Hà Nội”. Từ ngõ vào nhà, chỗ nào cũng có vòi nước máy, chảy xòe xòe suốt ngày. Còn trong nhà thì gạch hoa bóng lộn.
Ông Toàn nói những câu đó nghe tưởng là những câu ngây thơ con trẻ nhưng đâu phải như thế. Niềm vui hoá con người thành trẻ thơ. Sau ông lại thấy ý nghĩ vừa rồi đúng là trẻ con thật. Vì thế bỗng dưng tự ông lại ngượng với chính ông. Ông đang tìm cách nói lảng sang chuyện khác. May sao đứa con út nhà ông đã đến với ông rất đúng lúc. Từ ngoài ngõ về, nó cầm sấp vải rồi sà vào lòng ông, hai bàn tay sờ sờ cái cằm lởm chởm những râu chưa cạo của ông, giọng nũng nịu:
- Bao giờ nghỉ hè, bố cho con lên Hà Nội chơi để con đánh chuyền chuyền trên nền gạch hoa nhá bố nhá, bố hứa đi.
- Cô ơi, cô…bò đi đâu về thế, hả cô?
Có tiếng lao xao của đám trẻ con ngoài ngõ trêu chọc bà Thiều.
- Cha đẻ chúng mày, gặp đâu cũng bê với bò…
Bà Thiều vừa nói vừa chống gậy cọc cọc vào sân. Thấy có người đến chơi ông Toàn vội vã thu dọn đám vải lại tống chặt vào valy. Bà Toàn cũng vội đứng dậy nhưng bà còn kịp nói nhỏ với ông :
- Ông đừng có vội nói chuyện thằng Hải thằng hài gì đấy nhé! Người ta biết người ta khinh mình chết.
Ông Toàn nghển cổ ra ngoài nói lớn:
- Bà Thiều sang chơi. Mời bà vào xơi nước ạ.
Mấy đứa con ông Toàn từ ngoài sân ân cần dắt bà Thiều bước lên những bậc thềm cao của ngôi nhà. Có mặt bà Thiều bọn trẻ vui hẳn lên, chúng tranh nhau đứa nắm tay, đứa cầm gậy giúp bà. Thằng Khả láu cá đã chạy tọt vào nhà lấy con búp bê ra khoe:
- Cô xem con búp bê…à búp bò, đẹp không nào?
Bỗng con Út từ đâu chạy ra giằng lấy con búp bê từ tay anh nó rồi đặt vào lòng bà Thiều. Bà Thiều ôm con búp bê, nét mặt xởi lởi:
- Mẹ cha con nhà đến là láu. Nào cho cô xem con búp…bò nào!
Cả nhà lại được một phen cười vui vẻ. Bà Thiều nhìn quanh một lượt. Chiếc valy to kềnh, căng phồng làm nắp đậy không khít. Chiếc đài sáng loáng để giữa bàn nước…những thứ đồ chơi trẻ con và những thứ gì nữa bà không sao biết hết được. Bà Thiều nhìn những thứ đó với con mắt dửng dưng vì thực ra nó cũng chẳng có gì gắn bó với bà. Cái điều mà bà quan tâm nhất lúc này là Hiền. Sao nó không về nhỉ? Bà từ tốn hỏi:
- Thưa, cháu Hiền đã biết tin ông về chưa ạ?
Sợ chồng có thể nói điều gì không phải, bà Toàn vội vã đáp:
- Dạ, tôi cung nhắn tin cho cháu biết rồi. Chắc thứ bảy này cháu mới về được.
Lâu nay, kể từ ngày Thiệp đi bộ đội và Hiền chính thức xin phép được gọi bà Thơi bằng mẹ và được qua lại chăm sóc bà Thơi thì Hiền cũng coi bà Thiều như cô ruột của mình. Có chuyện gì Hiền cũng tìm đến cô và có những món ngon vật lạ gì, nếu đem biếu bà Thơi thì Hiền bao giờ cũng không quên bà Thiều. Từ đó, do có qua có lại, bà Thiều cũng năng đến nhà ông Toàn và thế là bà Thiều tuy không phải là bà mai bà mối của hai đứa trẻ nhưng lại thành sợi dây liên lạc giữa hai gia đình. Và mối quan hệ đó ngày một gắn bó hơn. Một quả mít chín đầu mùa, một nải chuối tiêu chín trứng cuốc, bà Thơi cũng đều nhờ bà Thiều đem sang biếu ông bà Toàn. Về phía ông bà Toàn cũng thế. Tuy ông Toàn không được mặn mà, xởi lởi như bà Toàn nhưng trước sự tiến triển về mối quan hệ ngày càng khăng khít của hai gia đình, ông cũng không thể nào cưỡng được, đành phải chấp nhận. Vả lại, nói cho đúng ra thì sự trục trặc trong tư tưởng của ông Toàn cũng mới bộc lộ rõ rệt trong mấy tháng gần đây thôi.
- Nào, ông đi Liên Xô, Tiệp Khắc hàng tháng trời, ở nhà chị em tôi mong đứng mong ngồi, ông có quà gì xứng đáng cho chị em tôi không?
Mặc dù biết đó là câu nói đùa nhưng bà Toàn vẫn phải suy nghĩ. Một già một trẻ bằng nhau. Mọi ngày bà vẫn chẳng hay nói thế là gì. Bà thật là vô tâm. Khi nãy không hỏi ông Toàn xem có quà gì cho bà Thiều không? Chả còn biết tính toán làm sao được, bà chỉ còn biết đưa mắt nhìn ông dò hỏi. Còn ông, chẳng cần nhìn vẻ mặt tần ngần của vợ, ông cũng thừa biết bà định hỏi gì rồi. Ông đã vội vàng trả lời ngay. Câu nói tưởng như buột miệng nhưng thực ra đã được ông chuẩn bị từ trước.
- Tôi đi nghỉ mát cô à, làm gì có nhiều tiền nhiều bạc mà sắm sửa.
Bà Thiều lắc lắc cái đầu (Thói quen của bà mỗi khi định trêu chọc ai điều gì ). Bà nói và lạ thay câu nói lúc này của bà không bị nhịu một chút nào:
- Ấy, là tôi hỏi vậy cho vui thôi. Chứ ở cái xó xỉnh này tôi cũng hiểu, các ông đi là đi việc dân việc nước chứ có đi buôn bán gì đâu mà có nhiều tiền nhiều bạc.
Nói xong bà cười, nụ cười thoải mái vô tư. Nhưng ông Toàn thì không thế. Ông thấy như có cái gì nhoi nhói trong tim. Cái bà già này nói năng bâng quơ hay nhìn rõ cái bụng cái dạ của ông? Từ đó không khảo mà xưng, ông Toàn bắt đầu có những cử chỉ lúng túng trước mặt bà Thiều.
Vừa lúc này, ông Toàn sực nhớ ra từ nãy đến giờ mải nghĩ những chuyện đâu đâu nên quên cả mời mọi người ra sa-lông uống nước. Ông Toàn vội đứng lên , tự tay dắt bà Thiều ngồi vào chiếc ghế sang trọng của nhà mình. Bà Thiều ngồi thu gọn vào một bên ghế. Chiếc ghế thừa ra một khoảng trống trếnh. Bà Thiều liền vẫy tay gọi bé Út cùng ngồi với bà.
Cuộc nói chuyện mới gò bó làm sao. Bà Thiều thì ưa nói chuyện bông đùa, nhiều lúc hơi tiếu lâm tục tĩu, ấy thế mà trước mặt bà bây giờ lại là một ông chủ tịch huyện, bà thấy mỗi cử chỉ, mỗi lời nói của ông đều có vẻ nghiêm trang, đúng mực. Rồi lại còn bao nhiêu đồ vật chung quanh bà nữa.Thứ nào cung sang trọng, thứ nào cũng sáng loáng đến soi gương được, nó làm bà không mất tự nhiên sao được. Nên ngồi đây mà bà chả biết nói gì. Trong khi đó, ông Toàn lại có nhiều điều muốn nói với bà. Nhưng mà chưa biết nên mở đầu thế nào, thành ra hai người cứ ngồi im chờ người này hỏi để người kia trả lời. Mãi một lúc sau, bà Thiều mới nghĩ ra được một câu:
- Ông ơi! Tôi mới nghe bà Thơi nói cháu Thiệp vẫn còn sống ông à!
- Thế à?
Ông Toàn lạnh lùng đáp lại hai từ cụt lủn như thế. Trong khi bà Toàn vừa từ dưới bếp đi lên, lại thực sự bị xúc động về cái tin bà vừa nghe được. Bà cứ đứng nguyên xách chiếc ấm trên tay mà quên cả rót nước vào phích. Lâu nay, trong thâm tâm, bà Toàn rất quan tâm đến điều này, nhất là thời gian gần đây không hiểu từ đâu lại đưa ra cái tin Thiệp đã hy sinh. Lúc thoạt nghe thấy tin ấy bà đã bàng hoàng, chạy sang hỏi bà Thơi để xem thực hư thế nào. Nhưng hôm đó bà Thơi cứ một mực rằng không có cái tin đó. Bấy giờ bà cứ cho là bà Thơi giấu bà, sợ bà sẽ nói với con Hiền khiến nó đau khổ. Bà Toàn cứ canh cánh bên lòng một nỗi buồn từ đó. Cho nên bây giờ nghe thấy chuyện này bà không vui sao được.
- Sao cô bảo thằng Thiệp nó còn sống hở cô?
Bà Toàn vui mừng hỏi lại, và chính câu hỏi này đã làm cho bà Thiều vui hơn. Ôi, giá có phải nói đi nói lại đến hàng trăm lần câu này, bà Thiều vẫn không ngại.
- Dạ, một thằng bạn của cháu, con bà Ruân ở xóm Đoài báo tin đã gặp cháu Thiệp ở đâu xa lắm, mãi chum chum…hay…lắc lắc…gì đó!
Ông Toàn tủm tỉm cười, còn đám trẻ ở nhà trong vừa nghe thấy thế đã cười ồ lên rồi chạy túa ra:
- Cô ơi, Công Tum, Đắc Lắc chứ ai lại nói như cô bao giờ.
Bà Thiều ngắc ngắc cái đầu:
- Nào ai biết!
Lúc bà Thiều về rồi, ông Toàn liền móc trong túi áo ra chiếc đồng hồ Pôn-giốt mạ vàng ông mua được ở Liên Xô ra xem giờ. Mặc dù vẫn biết nội ngày hôm nay Hiền không thể về đến nhà được nhưng ông cứ thấy thấp thỏm, sợ rằng bất chợt có chuyện gì đó Hiền sẽ về nhà đột xuất thì như thế câu chuyện ông cần bàn với vợ trước khi Hiền về sẽ bị lỡ dở rồi biết đâu lại chẳng một ly nó đi một dặm? Phải cướp thời cơ! Cách mạng còn phải thế huống chi là việc gia đình! Ông cần phải nói với bà ngay bây giờ, ngay tức khắc. Nghĩ vậy ông bèn đuổi khéo mấy đứa con bằng cách cho con Út được bế con búp bê ra lớp mẫu giáo khoe với bạn bè, cho thằng Hùng đem cái ô tô vặn dây cót sang hàng xóm chơi, còn thằng Khả thì được toàn quyền đem cái đài vào trong buồng mà nghe.
Ông Toàn đến bên vợ, hắng giọng mấy tiếng rồi nói rủ rỉ:
- Bà ạ, chuyện này tôi thấy cần phải nói ngay với bà, để chần chừ sợ không kịp.
Ông dừng lại, có ý nghe ngóng thái độ của bà nhưng thấy bà không nói gì nên ông nói luôn:
- Chuyện chồng con của cái Hiền ấy mà! Qua bà Thiều vừa rồi, nói dại mồm dại miệng, tức là chuyện thằng Thiệp hy sinh là không đúng. (Bà Toàn sầm nét mặt, mấy lần mấp máy môi định cãi lại chồng nhưng ông Toàn đã giơ tay ra hiệu không cho bà nói). Ấy, bà để tôi nói hết đã. Đây là tôi nói giả dụ thôi, chứ mấy chục năm công tác tôi đâu lại vô chính trị đến thế. Nhưng bây giờ thằng Thiệp còn sống và đó mới là điều chúng ta cần nghiên cứu cho kỹ. Ờ, thì nó còn sống thật đấy nhưng biết đến bao giờ nó mới về được đến cái làng này?
Trong khi đó con Hiền nhà ta, bà còn lạ gì nó nữa. Năm nay hăm ba, hăm bốn tuổi đầu rồi. Trai ba mươi tuổi đang xoan, gái ba mươi tuổi đã toan về già. Thân con gái có thì. Thế ngộ nhỡ khi thằng Thiệp về, nó chê con mình già, nó đi kiếm đứa khác trẻ hơn thì bà tính sao? Chẳng lẽ mình đi bắt đền nó. Mà bắt đền sao được. “Tôi có đính hôn với con gái các vị bao giờ mà các vị ép buộc tôi?”. Đấy là chưa tính đến cái chuyện ở chiến trường, sống chết thế nào ai định đoạt được. Nay sống mai chết là chuyện thường tình.
Ông Toàn dừng lại để thở. Hình như ông nói đã hơi dài. Cái cổ họng đã thấy ran rát nhưng chết nỗi ý nghĩ trong lòng ông vẫn còn chưa vơi. Ông phải nói nữa mới được. Nhấp một hớp nước chè rồi ông lại nói:
- Tôi còn tính đến chuyện này nữa bà ạ. Giả dụ nó có lành lặn trở về thì cặp vợ chồng này tôi thấy cũng không ổn về địa vị cơ mà. Đâu có cái kiểu vợ là một kỹ sư mà chồng lại là một anh lính quèn, may ra làm được cái chức kế toán hợp tác xã là cùng. Ồ, giá ngược lại thì được đấy, như tôi với bà đây này. Tôi thì như thế mà bà chỉ là xã viên thì lại không sao. Tôi không phong kiến đâu, tôi là người đấu cái thằng phong kiến đến cùng. Bà không nhớ hồi cải cách ruộng đất hay sao, bao nhiêu thằng địa chủ phải sợ tôi nữa là. Tôi không bao giờ chấp nhận cái việc vợ có địa vị và tài năng cao hơn chồng…
Ông Toàn lại dừng lại để thở. Tiếng thở của ông, bà Toàn nghe rõ mồn một. Với mối đồng cảm sẵn có của bà, bà biết thế này là ông xúc động lắm đấy nên bà đã nhanh tay rót nước mời ông, khi thấy ông đã bình tĩnh trở lại, bà mới khẽ khàng thưa:
- Bố con Hiền nói thế tôi cũng biết thế, chứ thực ra có những chỗ tôi nghe nó không thủng lỗ tai. Con Hiền nhà ta nó thương thằng Thiệp lắm. Thằng Thiệp có hy sinh nó cũng không đi lấy chồng nữa đâu. Con nó nói thế thật vừa thương vừa trách. Thương vì nó mới bằng ấy tuổi đầu lại có những ý nghĩ thủy chung. Còn chưa đâu vào đâu mà nó đã mua não chuốc sầu vào thân. Nhưng còn nghĩ như ông, tôi thấy nó làm sao ấy. Tôi không biết nói thế nào. Như vậy chưa chắc con Hiền đã chịu nghe theo ý kiến của ông.
Nghe bà Toàn nói, ông Toàn giãy nảy người lên y như sờ tay vào cục than nóng:
- Bà bảo nó không nghe lời tôi à? Thế là nó láo, nó ngu. Cha mẹ nào chẳng muốn con sung sướng. Cái tư tưởng phong kiến ngày xưa trong trường hợp này tôi thấy lại đúng, rất đúng là khác “Cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đấy”. Bởi vì cha mẹ có kinh nghiệm hơn con. Con cái bây giờ bát nháo chi thiên, chả còn ra cái thể thống gì nữa.
Mấy tiếng vừa rồi ông Toàn nói thật to, lại bị cái nhà mái bằng cộng âm gây tiếng vang sang sảng nên khi thấy ngoài cảnh cửa có tiếng gõ mạnh bạo và đột ngột thì ông lo lắm. Rất có thể là cán bộ cấp trên của ông biết ông về nên đến chơi chăng? Tiếng gõ cửa này nghe chừng đường hoàng, dứt khoát lắm. Có thể như thế!
Mặt hơi tái đi, ông Toàn hồi hộp giơ tay xoay nắm đấm mở cửa. Lạy giời không phải là đồng chí Bí thư huyện ủy nhé. Ông ấy mà nghe thấy mấy cái tiếng ông ca ngợi chế độ phong kiến vừa rồi thì biết bao giờ ông mới được cất nhắc, đề bạt lên nữa. Nhưng khi mở cửa ra ông kêu to lên một tiếng rất buồn cười :
- Cha con đẻ mày, làm tao sợ hết hồn!
Con bé Út nhà ông bế con búp bê đứng ngoài cửa mếu máo:
- Con không chơi ở nhà mẫu giáo nữa đâu. Chúng nó đánh “em bé” đau lắm.
Ông Toàn mở toang cửa. Ông cũng chẳng cần đuổi con Út ra làm gì, cũng chẳng cần kín đáo giữ ý giữ tứ với ai nữa. Bà đã không hiểu hết ý của ông thì ông sẽ phải nói nhiều, nói thật nhiều cho bao giờ bà rõ mới thôi:
- Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống…bà ơi…Ngày nay tông hay giống đều cộng sản cả, đều ghi trong lý lịch là bần nông hay trung nông, việc gì phải điều tra hoặc xác minh cho mệt. Cái cần thiết bây giờ là đằng sau cái lý lịch nghèo đói, vô sản ấy có còn cái gì nữa không chứ! Chẳng lẽ bây giờ thanh niên nó khôn ngoan đã biết đặt ra những tiêu chuẩn, hàng đầu như cái kiểu: “Một yêu hộ khẩu thủ đô, hai yêu còn có pơ-giô cá vàng…” mà con Hiền nhà ta vẫn cứ khư khư ôm cái triết lý dở hơi: “Một mái nhà tranh với hai quả tim vàng” mãi sao. Đã mái nhà tranh thì chóng mục nát mà đã chóng mục nát thì chẳng lấy đâu ra rạ nhiều mà lợp luôn được, nhất là bây giờ lại cấy cái giống lúa nông nghiệp 8 gì đó, rạ ngắn choằn choằn. Như vậy nhà phải dột. Mà nhà đã dột thì dễ sinh ra cãi nhau lắm. Cho nên tôi phản đối kịch liệt cái thứ cho rằng vật chất là phụ…Hề hề - ông Toàn cười vì vui với cái ý nghĩ táo bạo mà ít khi ông dám bộc lộ thực sự và mạnh mẽ như hôm nay. Hề hề…ông lại hào hứng nói tiếp:
- Cái đó lạc hậu lắm rồi. Chẳng lẽ đến bây giờ con Hiền được chúng ta cho ăn học đến nơi đến chốn mà còn ngây thơ mong ước rằng mình sẽ được về cái nhà đó để ăn cháo, đắp chăn đơn và ca hát: “ Cuộc đời vẫn đẹp sao. Tình yêu vẫn đẹp sao” mãi hay sao?
Ông Toàn chợt nhận ra không hiểu sao hôm nay ông lại nói được những câu văn hoa đến thế. Ông lấy làm tự mãn, tủm tỉm cười:
- Nó lú thì có chú nó khôn chứ. Mình là cha mẹ trước bước ngoặt của cuộc đời phải biết lo cho con!
Ông nói thêm.
Bỗng dưng ông đứng lên rót nước cho vợ. Đỡ chén nước chè đặc sánh bốc khói nghi ngút, bà hơi lấy làm lạ trước cử chỉ của ông trong lúc này, ông kéo chiếc ghế lại gần bà:
- Nói thật với bà, vừa rồi tôi ghé lại nhà thằng Hải là có mục đích của tôi đấy chứ. Ai dại gì bỗng dưng lại đi làm chuyện rỗi hơi đó. Người ta “trâu đi tìm cọc” nhưng tôi lại làm ngược lại. Mình là người của thời đại nguyên tử, phải chủ động trong mọi tình huống. (ông cười). Thằng Hải nghe chừng mê con Hiền nhà ta lắm. Ông bố, bà mẹ nó thì có vẻ không mặn mà bằng. Nhưng cần gì, phải không bà. Con Hiền lấy thằng Hải, chứ có lấy ông bà ấy đâu mà phải lo. Con Hiền mà lấy được thằng Hải, gì không biết, chứ ít ra cũng được ba cái. Cái thứ nhất là hộ khẩu Hà Nội…
Bà Toàn cắt ngang lời chồng:
- Ông tưởng cái đó dễ lắm sao? Bao nhiêu người quyền cao chức trọng còn chả xin được hộ khẩu Hà Nội cho con dâu con rể nữa là.
Ông Toàn bĩu môi:
- Đến bây giờ mà bà còn ngây thơ quá. Bà ơi, quyền không bằng…tiền. Đầu tiên là tiền đâu mà…
Mấy tiếng cuối cùng ông Toàn ghé miệng vào tai vợ nói thật nhỏ, sau đó lại cười rất lớn, khằng khặc như bị sặc nước.
- Ấy, tôi nói đến đâu rồi bàn nhỉ? – Ông Toàn lại nói – À nói đến cái lợi thứ nhất, còn cái thứ hai là có nhà cao cửa rộng đàng hoàng ở giữa thủ đô Hà Nội. Cái thứ ba là nhà thằng Hải có quyền thế, ông bố nó là vụ trưởng hay vụ phó gì đó. Con Hiền rồi sẽ được đi nước ngoài…Chứ về làm dâu cái nhà bà Thơi ấy à? Xin lỗi bà, cứ là mục thất, vạn kiếp không ngóc đầu lên được.
Ông Toàn im lặng nhìn vào mặt vợ như muốn chờ ở bà một biểu hiện đồng tình nhưng bà cứ trơ trơ như đá trước mặt ông. Bực quá ông gắt lên:
- Thế ý bà là sao, bà cũng phải cho tôi biết chứ! Cứ ù ù cạc cạc, ngày rằm cũng ư, ngày tư cũng gật như thế kia thì tôi cũng đến phát ốm lên với bà mà chết thôi.
Lúc này bà Toàn mới khẽ khàng:
- Bố Hiền nói gì tôi cũng nghe cả đấy. Tôi cũng như bố Hiền thôi. Làm cha mẹ ai chả muốn con mình sung sướng nhưng tôi nghĩ trong chuyện dựng vợ gả chồng ngày nay nó khác ngày xưa rồi. Ngày xưa, cha mẹ bảo gì con cũng phải nghe, đặt đâu con phải ngồi đấy. Còn ngày nay phải chiều theo ý chúng nó xem có yêu thương nhau hay không đã. Nhưng tôi nghĩ cũng chả cứ gì ngày nay đâu, mà ngay cả ngày xưa cũng tùy trong từng trường hợp thôi. Ví dụ như cái chuyện của tôi của ông cũng thế thôi à. Ngày đó tôi với ông cũng có tuân theo ý kiến của cha mẹ đâu. Ông còn nhớ không, hồi đó bố mẹ tôi có ưng cho tôi lấy ông đâu mà cứ bắt tôi lấy một ông lý ở làng bên, cái ông lý Tỵ ấy mà, đã nói ngọng lại còn lắp nữa, cất tiếng cả ngày không nên một lời. Nếu ngày đó tôi nghe theo cha mẹ thì không biết cuộc đời sẽ ra sao.
Ông Toàn đành ngồi im không biết nói gì thêm. Kể ra vợ ông cũng có lý. Nhưng dù sao bà ấy vẫn là đàn bà, “đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Bà ấy không tính đến chuyện ngày ấy với ngày nay khác nhau một trời một vực. Ngày ấy là ông lý còn bây giờ là con ông vụ trưởng, là thanh niên đẹp trai, có học thức, là quyền cao chức trọng…
Nghĩ thế, ông Toàn nói luôn:
- Bà suy bì thế không được rồi.
Bà Toàn âu yếm nhìn chồng:
- Tôi đâu dám so sánh thế. Nhưng tôi muốn nói là phải để tùy chúng lựa chọn. Chứ một khi đã không thương yêu nhau thực sự thì trẻ cũng hóa già và nói ngọt cũng thành nói ngọng thôi.
Thấy vợ nói phải, ông Toàn im lặng. Sợ chồng giận, bà Toàn vội nói thêm cho rõ ý mình:
- Với lại cũng phải tính đến chuyện này nữa. Thằng Thiệp và con Hiền yêu thương nhau. Tuy hai gia đình chưa chính thức công nhận nhưng dân làng đều biết cả và như vậy thì coi như có một sự công nhận ngầm rồi còn gì. Bây giờ nếu mình làm khác đi họ sẽ cười cho. Họ sẽ bảo là chúng mình tham vàng bỏ ngãi, biết đến bao giờ rửa sạch được tiếng xấu đó.
Bà Toàn dừng lại nhìn chồng. Hai con mắt đờ đẫn như đang muốn nói thêm điều gì vượt ra ngoài ý nghĩ thường ngày:
- Mà ông ạ, giá thằng Thiệp nó hy sinh thì đành đi một nhẽ. Đằng này lại vừa có tin nó còn sống đó thôi.
“Giá nó hy sinh”. Ông Toàn như người bị nghẹt thở giờ có người mở cho một lỗ thông hơi.
Ừ, giá nó hy sinh. Bỗng từ sâu thẳm trong lòng ông lớn lên một mơ ước.
Nhưng điều này nói ra thì bất nhân quá. Nhất là ở cương vị ông càng không được phép nói ra.
Thành ra ông cứ ngồi im như bị thôi miên. Nhưng bà Toàn không hiểu được điều ấy. Bà tưởng ông đã hết chuyện muốn nói nên lẳng lặng đứng dậy đi xuống bếp từ lúc nào ông cũng không biết nữa…

 

Các Bài viết khác