NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGÕ TRE RÌ RÀO (chương 19 và 20)

( 01-05-2017 - 09:36 PM ) - Lượt xem: 990

Chị giết con tôi! Nhưng thôi chuyện đó ta tính sau. Bây giờ tôi muốn nói với chị điều này. Tôi nghi ngờ cái chết của con tôi lắm, đọc những dòng chữ kia và nghe những chuyện chị đã kể, tôi hiểu lòng nó. Nó không thể nào chết nhục nhã như thế được. Không thể nào! Hẳn các người đã giấu tôi điều gì. Đúng là các người giấu tôi. Trời ơi, Thiệp ơi….

Chương 19

 

Suốt mấy ngày còn ở lại Sài Gòn, bà Thơi ra sức tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến cái chết đau thương, nhiểu uẩn khúc của Thiệp. Nếu theo lời Liên kể, thì con bà đã bị chết trận. “Chết trận”, hai tiếng ấy Liên nói bằng một giọng bình thường nhưng với bà Thơi, nó rung lên một dịp điệu ghê rợn. 

“Chết trận” tức là con trai bà, đã tự tay mình cầm súng nã vào đồng đội của nó và đến lượt nó lại bị chính đồng đội của nó trừng trị. Trời ơi, sao lại có sự đảo điên đến như thế được hở trời! Bà Thơi lại nhớ tới câu nói của Liên chiều hôm qua. Con đang ở nhà thì được điện báo về rằng Thiệp đã tử trận. Sau đó mấy hôm lại nhận được giấy báo tin thi hài của em đã được đưa về sân bay Tân Sơn Nhất. Con cùng các cháu vội vã ra sân bay. Con còn nhớ hôm ấy trời nắng lắm, cái nắng dữ dằn của cuối mùa khô. Họ đưa chúng con đến trước một dãy quan tài bằng thiếc, trông cái nào cũng giống cái nào, cũng xám ngoét màu chì và được phủ qua loa bên trên bằng một lá cờ vàng có ba sọc đỏ. Rồi họ chỉ cho chúng con một chiếc hòm được đánh dấu bằng một con số gì dài lắm, con quên mất. Họ nói đó là quan tài của Thiệp. Chúng con đến gần và khi nhìn thấy tên em, cái tên Phạm Văn Thiệp thân yêu, là con bủn rủn cả chân tay, rồi xỉu đi lúc nào không hay…

Liên cứ kể dài dòng con cà con kê, đủ thứ. Bà Thơi không còn thiết để ý đến những lời của Liên nữa. Giờ đây trước mắt bà, chỉ còn là hình ảnh chiếc quan tài bằng thiếc đen sì và lá cờ vàng ba soc đỏ. À, thì ra chúng nó lại phủ lên xác con trai bà, cái miếng vải ngày trước bà và đồng đội của bà cứ gọi là lá cờ ba que. Đó là lá cờ mà thời đánh Pháp, có lần bà cùng anh em du kích trong xã, cả đêm nấp ở những hố cá nhân đào sát chân hàng rào dây thép gai quanh đồn giặc, để hễ nhìn thấy lá cờ ấy là giương súng lên nhắm bắn, bắn sao cho rách nát mới chịu thôi. Thế mà giờ đây mảnh vải ấy lại phủ lên thân thể của con trai bà và người ta lại cho đấy là niềm an ủi nó khi nó giã từ cuộc đời này.

Chiều hôm đó, không hiểu nghĩ như thế nào, Liên lại rủ bà Thơi đi thăm mộ Thiệp. Đang còn trong cơn chán chường, bà Thơi không muốn đi. Bà không muốn nhìn lại con bà một lần nào nữa dù chỉ là một nắm đất. Sau do Liên năn nỉ quá, bà mới nhận lời. Bà bước đi, lòng buồn rười rượi, lặng lẽ như một cái bóng của Liên. Liên làm gì, bà làm nấy. Liên lên xe buýt, bà lên xe buýt, xuống xích lô bà xuống xích lô.

Khoảng  một giờ sau, hai người xuống xe. Liên nắm tay kéo bà Thơi qua một con lộ rộng mênh mông phẳng lỳ rồi đi tắt qua một bãi đất hoang lồi lõm những hố và lác đác thưa thớt những cây hoang dại, đến khu nghĩa địa dành cho binh lính của chế độ cũ, trải rộng một vùng đất. Bà Thơi đứng lại thẫn thờ nhìn những ngôi mộ, cái được xây cất công phu, cái còn trơ trọi một nắm đất thấp lè tè. Những ai nằm ở đưới này và họ chết vì sao bà Thơi cứ lầm bầm tự hỏi.

Thấy bà Thơi chần chừ chưa chịu đi ngay, Liên phải chủ động cầm tay lôi bà đi thêm từng quãng, từng quãng đường nữa. 

Bà Thơi cứ lầm lũi đi. Nắng chiều đã nhuộm vàng ngọn cỏ. Bỗng bà giật mình khi thấy trước mặt bà môt hình ảnh hay nói đúng hơn là một bức tượng tạc một người đàn ông cầm súng, đầu đội mũ sắt. Người lính của “quân đội quốc gia”! Mấy chục năm nay bà chưa  một lần nhìn thấy hình ảnh của người lính này.

 Bà cứ trân trân nhìn vào pho tượng và nhớ lại những người lính mà mọi người ngày ấy cứ gọi là lính ngụy, nện gót giầy đinh cồm cộp xuống sân nhà bà, rồi một người trong bọn, nằm soài ra nền gạch, giương khẩu súng trường nhắm bắn con gà mái tơ đang kiếm mồi ngoài vườn. Sau tiếng nổ chát chúa, rền vang cả xóm, con gà giãy đành đạch và người lính ấy đã cùng đồng bọn cười hô hố, để sau đó đút con gà mái còn chảy máu ròng ròng vào trong chiếc túi may sẵn một bên ống chân mà ngày đó dân làng cứ gọi là “túi bắt gà”. 

Thế mà cái mặt đểu cáng kia lại hiện hình ở đây và thay mặt những người như con trai bà, đứng chào mọi người đến thăm viếng ở cái chốn hoang vu này ư? Còn Liên, cô cũng định đưa bà tới cung kính thắp nhang trước bàn chân những con người ấy nữa hay sao? Lúc hai người ngồi trên xe buýt để đi tới đây, Liên có thì thầm bên tai bà rằng:  “Những người lính chết trận này họ linh thiêng lắm. Ngày trước đêm đêm họ cứ ra đường chặn xe chở khách hoặc những người đi bộ để đòi tiền, đòi quà. Họ bị đói mà! Vì thế chính quyền ngày trước đã phải mời một nhà nặn tượng tới tạc và dựng cho họ bức tượng này để dân chúng có nơi thờ phụng, thăm nom. Từ đó họ mới thôi quấy phá”. Bà Thơi không mê tín để tin vào những chuyện kia là có thật nhưng lời nói của Liên để lại cho bà một sự suy nghĩ về thân phận của những người lính, sau khi chết trận.

Liên tiếp tục dắt bà Thơi đi len lỏi giữa những ngôi mộ trong khu nghĩa địa mênh mông. Sau cùng hai người đến đứng trước một nấm đất thấp lè tè. Nắng chiều vàng vọt trùm lên mộ chí một màu ảm đạm. Liên sụt sùi:

-          Em Thiệp đây cô à.

Bà Thơi đứng lặng chăm chú nhìn nắm đất. Con bà đây ư? Giọt máu thiêng liêng, thân thiết của bà đây hay sao? Bà Thơi rùng mình, nước mắt ở đâu cứ ứa ra. Một tiếng nói tự trong lòng bà: “Con ơi, cũng là cái chết, sao con lại chết thế này? Con ơi, cũng là nấm mộ, sao mộ con lại đặt ở đây? Trong tâm trí của mẹ, của con Hiền, con Thìn và bà con làng xóm thân yêu, con vô cùng tươi đẹp và trong sáng nhưng sao tại đây con lại nhục nhã thế này?”. Bà khóc. Gục đầu xuống nắm đất mà khóc. Vừa khóc, bà vừa nhìn ra chung quanh. Một cơn gió từ đâu thổi tới. Như có người dẫn dắt, cơn gió thổi đến chỗ bà một cái bọc nilong cũ, ai đó vứt lại trong khu nghĩa địa.

Bà Thơi chợt tỉnh ngộ rồi khấn thầm trong miệng: “Thiệp ơi! Có phải đây là ý nguyện của con?”

Bà lượm chiếc bọc nilong lên tay, phủi cho sạch đất cát rồi nhìn trước nhìn sau như không muốn cho ai chứng kiến việc bà sắp làm.

Liên lúc này đang đi thăm những ngôi mộ khác ở đằng xa. 

Nhanh như thực hiện một cử chỉ vụng trộm, bà Thơi cào những ngón tay già nua lên mặt nấm mộ rồi nhúm ra một nắm đất vàng khè, vụn tơi như bột nghệ. Bà thận trọng bỏ nhúm đất vào trong cái bọc nilong rồi nhét vào túi áo bà đang mặc trên người. 

Liên trở lại với bà Thơi. Từ ngôi nhà nhỏ lợp bằng những miếng tôn cũ kỹ, rỉ sét của người quản trang, cô lễ mễ xách lại một xô đựng nước và mấy nùi giẻ. 
Hai người phụ nữ bắt đầu kì cọ lau chùi tấm bia gắn trên đầu ngôi mộ.

Bà Thơi lại khóc nức nở. Tấm bia hiện lên những dòng chữ ghi rõ tên tuổi, quê quán của Thiệp. Tim bà như muốn đứng lại.

Bà kêu rú lên và gào thét. Tiếng thét của một bà mẹ. Tiếng thét của một con người. Của một thần linh.

Nghĩa địa vắng lặng. Những ngọn cỏ cũng đứng im, vắng lặng. Còn gió thì cứ thổi ù ù không ngớt.

“Thiệp ơi! Sao mà con khổ thế. Có ai một mình chiếm 2 ngôi mộ, 2 mộ chí và 2 bài vị như con không? Ai mà, cùng một con người, cùng một cái chết, ngoài quê thì ghi là “hy sinh”, còn trong này ghi là “tử trận”. Ngày chết của con ngoài quê ghi là 20.7.1972, trong khi trong Sài Gòn ghi là 21.4. 1973. Người ta chỉ chết có một lần, còn con 2 lần trong 2 năm liền nhau. Sao mà con khổ thế con ơi”.

Bà Thơi lại gục đầu xuống mộ con mà khóc!

Hai người lặng lẽ ra về. Hai chiếc bóng chạy dài loạng choạng trên màn trời chiều đang tối xám.

 

 

                          

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương 20

 

“Con khổ lắm, mẹ ơi!”

…………………..

“Anh khổ lắm em ơi !”

……………………

“Cháu khổ lắm cô ơi!”

Câu thơ thứ nhất nằm trong khổ thơ thứ nhất là Thiệp nói với bà Thơi, câu thứ hai là với Thìn, câu ba là nói với bà Thiều. Bà Thơi đọc đánh vần từng chữ. Trang giấy cứ nhòe dần trước mặt bà. Nước mắt bà tuôn lã chã xuống trang giấy. 

Sáng nay, bà Thơi bắt Liên phải lục tìm toàn bộ những giấy tờ, thư từ, sổ sách của Thiệp cho bà xem. Bà muốn biết những ngày cuối cùng của con bà, những ngày Thiệp phải sống trong hang hùm nọc rắn. Điệp và Loan, hai đứa con gái lớn của Liên đã đem cho bà một đống giấy tờ lấy từ trong các ngăn tủ ra. Một lớp bụi phủ đen các trang giấy trắng. Trong cái mớ hỗn độn ấy, bà Thơi chọn lấy cuốn sổ được đóng xén công phu. Loan nói với bà đó là cuốn sổ chép những bài thơ do Thiệp sáng tác. Bà Thơi cầm lấy cuốn sổ chép thơ đầu tiên. Cuốn sách được đóng bằng bìa cứng màu đen bọc vải. Giấy bên trong sổ là giấy kẻ ô vuông được đánh số trang rõ ràng. Mới mở trang sách, bà Thơi đã có cảm giác hồi hộp như người mẹ xa con lâu ngày nay được gặp lại con. Trước mặt bà là nét chữ quen thuộc của Thiệp. Vốn quen chữ nên bà Thơi không khó khăn lắm khi đọc các bài thơ của Thiệp. Bà mỉm cười chua xót. Con bà vẫn say mê làm thơ như ngày nào nó còn ở nhà với bà. Thiệp làm thơ thâu đêm suốt sáng. Ngày ấy một mình một ngon đèn dầu, một cái chõng tre, Thiệp đã nằm dài trên đó để làm thơ. Viết hết sổ nọ đến vở kia. Nhưng tuyệt đối nó không cho ai xem. Có một lần nhân lúc Thiệp đi vắng, con Thìn đã lấy trộm cuốn thơ ấy đọc cho bà nghe. Nó mới đọc được một nửa bài thì Thiệp đi chơi đâu bên hàng xóm trở về. Nó giật lấy tập thơ, mặt đỏ lên vì ngượng rồi tát ngay cho Thìn mấy cái. Thìn khóc sưng mắt và bỏ ăn mấy bữa liền. Thiệp cứ ân hận mãi về chuyện ấy. Nhưng sau đó, Thiệp không còn e dè như trước nữa, anh đã ngang nhiên đọc những bài thơ của mình ở những chỗ đông người. Thiệp đọc thơ trong các cuộc họp, đọc thơ trong các đám cưới và đặc biệt đọc thơ… tặng riêng cho Hiền.

Khi Thiệp đi bộ đội rồi, Hiền có kể lại cho bà nghe một chuyện mà kể xong Hiền cứ đỏ mặt lên rồi khúc khích cười. Hôm đó Thiệp chép trộm thơ của mình vào cuốn sổ tay của Hiền. Thơ vỏn vẹn chỉ có mấy chữ:

Sách vở đây, người đi đâu

Chơ vơ dòng chữ tìm màu nhớ nhung

Câu thơ ngắn mà nói rất nhiều với Hiền. Câu thơ nhẹ nhàng mà gieo vào lòng Hiền một ấn tượng thật nặng. Cuốn sổ ấy nay không còn nữa nhưng câu thơ kia vẫn cứ phập phồng, sống mãi với cô. Rồi lúc nhập ngũ, Thiệp cũng làm thơ viết kèm vào lá thư gửi cho bà Thơi. Bà còn nhớ đó là câu thơ giao hẹn:

Nếu sống phải sáng tên vàng

Chết đi phải để xóm làng nhớ thương

Chữ  “sáng tên vàng” bà Thơi không hiểu đúng hay sai nhưng cái câu “phải để xóm làng nhớ thương” thì bà thấy đúng và mừng thầm cho con.

-          Ngoại ơi, cô Hiền là ai hở ngoại?

Con Điệp đang lục tìm giấy tờ sổ sách của Thiệp ở trong một cái tủ lớn đặt trong buồng bỗng lên tiếng hỏi bà. Bà Thơi như người tỉnh giấc mộng. Bà âu yếm trả lời:

-          Là… của cậu Thiệp đấy con ạ.

Bà Thơi ngập ngừng vì bà chưa biết gọi Hiền là gì của Thiệp cho đúng. Đứa cháu không để ý đến điều đó. Nó vẫn liến thoắng:

- Thế ạ. Hèn chi mà những ngày ở đây không lúc nào cậu Thiệp không nhắc đến cô ấy. Cậu còn làm nhiều thơ tặng cô ấy nữa ngoại nè.

Con bé hớn hở chạy lại đưa cho bà cuốn sổ khác. Nó chỉ tay vào mấy dòng chữ được kẻ nắn nót: Hiền. Bà Thơi lại run run tay đỡ lấy cuốn sách và hồi hộp đọc qua mấy dòng đầu: “ Hiền hỡi, bây giờ em đang ở đâu” Rồi lại câu “ Cảnh vật quê ta em nhớ không? Thuận Vi cam ngọt ngát mùi bông/ Hương nồng nhãn Búng khoe nắng hạ/ Mía ngọt đồng ta gợi nhớ mong” 

Thằng này thật có tình. Nó nhớ đến con Hiền của nó nhưng cũng không quên những gì của quê hương nó. Bà Thơi nghĩ. Mắt bà cứ mờ đi. Bà chỉ còn thấy ngón tay con Điệp xoàn xoạt mở sang trang. Điệp đã chỉ cho bà xem hàng loạt bài thơ có chữ “ Hiền” nhưng bà không còn lòng dạ nào để xem cho kỹ được. Bà định bụng khi nào rỗi rãi hoặc lúc về Bắc bà sẽ xem lại kỹ càng hơn. Thằng bé thật có tình, bà lại nghĩ. Vô lý, một người như thế này không thể nào lại chết nhục nhã như thế kia được? Bà lại mở tiếp sang những trang khác. Sau đấy là những bài thơ nói về mẹ, về cha, về quê hương, làng xóm. Bà Thơi dừng mắt lại ở bài thơ có tên giản dị: “Giỗ cha”. Vừa đọc xong câu đầu bà đã nức nở khóc òa lên: “Mẹ còn mà mẹ ở xa…” Thiệp nói với bà đây. Con nhớ mẹ lắm phải không Thiệp? Cái ngày nó làm bài thơ này đúng là ngày giỗ ông Thơi. Thì ra lâu nay có một tấm lòng khóc thầm ở một phương trời xa mà bà đâu có biết. Bà Thơi thấy lòng đau thắt lại, bà không sao đọc cho hết được bài thơ. Nhưng rồi bà vẫn đọc cho đến hết: “Khói trầm thoang thoảng khắp nhà/ Quanh co rồi cũng mình ta ôm sầu”. Ôi, con tôi! Bà Thơi lại nấc lên. Điệp muốn an ủi bà. Nó không muốn cho bà Thơi phải khóc nhiều, nó đem ra khoe với bà một bài thơ khác:

- Ngoại ơi, cậu Thiệp làm cả thơ tặng con nữa nè ngoại. Làm nhiều lắm kìa. Con đọc một bài cho ngoại nghe nhé.

Rồi Điệp đọc. Cái giọng nửa Nam nửa Bắc của nó nghe ngồ ngộ. Bài thơ rất dài. Đại để là cậu Thiệp viết về một giấc mơ của cháu. Cứ đọc được một hai câu, nó lại dừng lại giải thích hoặc bình luận thêm, cứ như không có nó thì bà không hiểu nổi.

“Điệp ơi, giấc ngủ đang say

Có nghe tiếng lá đang bay trước thềm”

Đến câu cuối cùng thì Điệp đọc cho thật to, thật thánh thót. Bà Thơi thì nghe đó là lời cậu căn dặn cháu:

"Tuổi hồng chớ lắm đam mê

Đừng đem tới mẹ tái tê về mình…"

Đọc xong Điệp ríu rít kể chuyện. Nó cứ khoe đi khoe lại rằng, cậu Thiệp rất ghét cuộc sống của Sài Gòn ngày trước lắm . Cậu bảo, hỗn độn, lố lăng và mong các con cháu của cậu đừng đua đòi lối sống đảo điên đó. Nó khoe nào cậu Thiệp không cho chúng con xem phim chưởng, không cho chúng con mặc mi-ni jup ra đường. Điệp càng nói, càng xô thêm những đợt sóng vỗ như cào như cấu vào lòng bà . Bà cứ suy đi nghĩ lại một điều: Chả lẽ con bà sống như thế mà lại chết như thế sao! Chả lẽ và chả lẽ…. 

Con Điệp lại lấy từ đâu ra cho bà một bài thơ khác chép ở một cuốn sổ khác.

-          Con chả hiểu bài thơ này cậu Thiệp nói gì cả. Ngoại coi rồi giảng cho con biết với.

Điệp ngồi chờ bà Thơi đọc bài thơ có cái tên là lạ là HẮN. Toàn bài cứ như một tiếng chửi đổng. Đọc cả bài thơ, bà Thơi biết Thiệp chửi ai rồi.

" Hắn lê gót trên đường phố

Người qua đường nhìn hắn thờ ơ

Không một ai đem lòng thương bố thí

Hắn có linh hồn, liệu có nhuốc nhơ?"

Và câu cuối cùng là:

"Hắn chẳng ăn xin

Hắn là thằng phản bội

Dân tộc và đất nước này

Hãy giết hắn đi, một tên trọng tội

Thương làm gì mà chồng chất đắng cay"

Rõ ràng là Thiệp chửi Thiệp. “Hắn” đây là Thiệp, chứ còn là ai nữa. Hẳn là khi viết những dòng này lương tâm Thiệp bị cắn rứt ghê gớm. Bà Thơi đau đớn hình dung ra nét mặt Thiệp những lúc ấy: giày vò, đau khổ, tự mình sỉ vả mình. Một con người sống như thế này thì không thể nào lại dẫn đến cái chết thế kia! Dứt khoát là thế. Buồn quá, uất ức quá, bà Thơi vứt tung những sổ sách, giấy tờ tung tóe ra nền nhà. Thấy vậy con Điệp hốt hoảng chạy ra thu dọn lại. Bà Thơi cảm thấy ngột ngạt khó chịu. Bà Liền mở tung cửa bước ra ngoài. Cơn gió thổi vào bà lúc này là cơn gió nóng của Miền Nam nên càng làm bà Thơi thấy ngột ngạt khó chịu hơn! Bà Thơi lại vào nhà. Bà muốn kiếm một cái võng để nằm, để đưa cho thật bổng, cho gió thổi bay đi những nỗi buồn phiền như ở ngoài quê bà thường làm. Nhưng ở đây, giữa Sài Gòn này, bà không thể làm được. Không biết làm sao cho tan nỗi buồn bực, bà Thơi liền gọi thật lớn:

-          Điệp, mẹ cháu đâu?

Con Điệp sợ hãi, đáp lí nhí:

-          Dạ, ngoại hỏi gì. Má cháu ở dưới bếp ạ.

Liên lên nhà. Chị bẽn lẽn nhìn mặt bà Thơi đang đỏ bừng bừng. Liên chưa kịp hỏi gì, bà Thơi đã nói ngay, giọng hổn hển:

- Chị Liên, chị thương con tôi, nhưng thực là chị giết nó!

Bà nhắc lại câu bà đã nhiều lần trách Liên trong mấy ngày hôm nay. Liên sợ hãi, mặt mếu xệch đi. Cô chả biết nói gì nữa. Mấy hôm nay cô đã ít nhiều hiểu được tâm trạng bà Thơi nên cô thấy những lúc như thế này chỉ im lặng là hơn cả. Cái đống than hồng ấy chỉ cần thổi vào một ngọn gió nhỏ là làm cháy bùng lên ngay. Thấy Liên không nói gì, bà Thơi lại nói tiếp:

- Chị giết con tôi! Nhưng thôi chuyện đó ta tính sau. Bây giờ tôi muốn nói với chị điều này. Tôi nghi ngờ cái chết của con tôi lắm, đọc những dòng chữ kia và nghe những chuyện chị đã kể, tôi hiểu lòng nó. Nó không thể nào chết nhục nhã như thế được. Không thể nào! Hẳn các người đã giấu tôi điều gì. Đúng là các người giấu tôi. Trời ơi, Thiệp ơi….

Bà lại rũ người xuống như người bị trúng gió.

Liên cuống quít lên:

- Dạ, con đã nói thiệt với cô rồi đó. Em nó không may chết trận và con có muốn thế đâu.

- Chết trận…

Bà Thơi lầm bầm như người nói mê… - Chết trận à? Con tôi lại đánh lại chúng tôi à? Con tôi lại bắn lại bạn bè và đồng đội của nó hay sao? Vô lý, vô lý hết chổ nói. Chị chỉ bịa, chị là đồ phản phúc…

Trong cơn hoảng loạn bà Thơi đã lăng mạ Liên hơi quá đáng nhưng cô không thấy nhục nhã mà chỉ thấy đau đớn, Liên gục đầu xuống ghế khóc nức nở.

 NGUYỄN KHOA ĐĂNG

Các Bài viết khác