NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGÕ TRE RÌ RÀO (chương 17 và 18)

( 29-04-2017 - 08:52 PM ) - Lượt xem: 797

Nhưng rồi trưa hôm ấy, do nhớ các cháu quá, cậu đã đóng cửa tiệm rồi lội bộ về nhà. Ai ngờ vừa mới đi được vài bước thì xe quân cảnh ập đến. Thế là chúng bắt cậu đi luôn. Hu…hu…

Chương 17

Trong chuyến đi này, đối với bà Thơi cái gì cũng mới mẻ, cũng lạ lẫm. Bắt đầu là chiếc tàu hỏa dài dằng dặc, chở một lúc cả ngàn người. Mà khi nó chạy là nhà cửa, cây cối hai bên xoay tròn như chong chóng. Rồi thì những đồi, những núi, những rừng, những biển, những bãi cát trắng phau …cuồn cuộn chập trùng mà lúc đầu bà Thơi cứ ngỡ đó là những đống phân hóa học, chính phủ mới mua từ nước ngoài về để giúp nông dân bón ruộng, rồi những đường hầm xuyên thủng qua núi, mỗi lần tàu chui qua đó, bà Thơi lại nhắm mắt lại, vì nó vừa dài thăm thẳm vừa tối đen như mực.
Cuối cùng là Sài Gòn. Sau 3 ngày 2 đêm, ngủ gà ngủ gật, gật bà đã đến được nơi này. Cái thành phố mà ngay từ hồi còn nhỏ, bà Thơi đã nghe người lớn ở quê gọi bằng cái tên rất lạ lùng “ Xà Goòng”.
Xuống khỏi tàu hỏa, bà Thơi cảm thấy như mình bắt đầu lạc vào những khu rừng của nhà cửa, người ngợm, xe cộ và đường xá. Đập vào mắt bà đầu tiên là những ngôi nhà, có ngôi chọc trời nhưng cũng có những ngôi thấp lè tè, xiêu vẹo. Rồi xe cộ. Cứ san sát, vun vút chạy, nhìn hoa cả mắt và thấy cái nào cũng như sắp đâm vào người mình. Và nhiều loại. Không biết bao nhiêu mà kể: Nào xe đạp, xe ô tô rồi xe bình bịch. Có cả những loại xe bà Thơi chưa nhìn thấy bao giờ. Họ chạy cứ như đuổi bắt ,cứ như chạy trốn. Còn người. Ối giời ơi, cơ man nào là người. Môi son má phấn, ăn mặc diêm dúa xa hoa cũng lắm, dân nghèo khốn khó, áo quần rách rưới cũng nhiều. Và cái lạ nhất là giữa nơi hoa lệ như thế, bà Thơi vẫn thấy có rất nhiều người ăn mày, lê tấm thân tiều tụy, ốm o mệt mỏi, đi đứng nằm ngồi nhan nhản khắp nơi …
Bà Thơi bước vào Sài Gòn là bước vào một thế giới hoàn toàn khác biệt với cái thế giới bà từng sống từ nhỏ đến giờ nên trong thâm tâm bà vừa có thái độ chán chường lại vừa có tâm trạng lo âu, sợ sệt. Càng nghĩ, bà Thơi càng mong muốn sao sớm gặp được Liên, sớm biết rõ những điều bí mật về Thiệp, để mà sớm được về nhà, về với quê hương Miền Bắc thân yêu.
Theo lời dặn của những người từng đi Sài Gòn, bà Thơi gọi một chiếc xích lô, nói địa chỉ của Liên để họ chở bà tới đó.
Sau khi chạy rồng rắn hàng giờ đồng hồ, chiếc xe xích lô dừng trước một căn hộ nhỏ, lợp tôn, bên ngoài có hàng rào sơ sài, một cây gì như cây roi ở ngoài quê với những chùm quả phơn phớt hồng.
Bà Thơi hồi hộp đứng chờ ngoài cửa khá lâu. Nỗi đợi chờ thấp thỏm bao nhiêu năm trời sắp được định đoạt đây! Chợt có một đứa con gái từ trong nhà ra. Thấy có người trước cửa nhà, nó chạy ra hỏi:
- Thưa bà, bà hỏi ai ạ?
Cái miệng của nó rất giống cái miệng con Liên ngày trước.
- Có phải nhà cô Liên đây không cháu?
Đứa con gái lễ phép và kiểu cách trả lời:
- Dạ, mời bà vào nhà ạ. Má cháu có nhà đó ạ.
Bà theo đứa cháu gái vào nhà. Ba người sững sờ trước nhau trong giây lát.
- Cô!
Liên kêu rú lên, rồi ôm chầm lấy bà Thơi. Hai cô cháu cứ thế ôm nhau mà khóc nức nở. Sau đó cả hai lại đứng xa nhau ra mà nhìn mặt nhau như để tìm ra những thay đổi cơ bản của mỗi người sau hơn hai chục năm trời xa cách. Liên già đi nhanh quá, bà Thơi không còn nhận ra bóng dáng của cô ngày xưa nữa, trừ cái miệng cười. Vẻ mặt này là vẻ mặt của con người lam lũ vất vả, chứ chả sung sướng gì, bà Thơi nghĩ vậy. Thế mà người ta cứ bảo Sài Gòn giàu có sung sướng. Bà Thơi thấy hai mắt cay cay, Liên ngẩn người ra một lúc lâu rồi cô bỗng òa lên khóc. Trong cơn nghẹn ngào bà Thơi nghe thấy những tiếng nức nở:
- Nhà con chết rồi. Thiệp cũng chết rồi, cô ơi!
Liên lại khóc. Hình như nỗi đau đớn mấy năm nay dồn nén lại bây giờ mới có dịp nổ tung ra. Trong khi đó bà Thơi thì ngược lại, bà cứ trơ ra, bình thản như đang nghe nói về người khác vậy. Liên lấy làm lạ trước cử chỉ này. Bà Thơi chợt nhận ra sự im lặng của mình lúc này không đúng một chút nào, bà vội vàng hỏi sang chuyện gia đình Liên. Bà Thơi đoán trong cái chết của người chồng Liên chắc cũng có điều không bình thường như cái chết của Thiệp.
- Anh ấy mất năm nào?
- Dạ, cũng cùng năm một chín bảy bốn với chú Thiệp ạ, nhưng trước Thiệp ít ngày.
Liên định ngồi hỏi chuyện bà Thơi thêm nữa nhưng chợt nhận ra lúc này chưa phải là lúc trò chuyện , tâm sự, vì có bao việc cần làm ngay. Chị vội đứng lên thu dọn hành lý:
- Thôi, cô hãy đi nghỉ đã. Chuyện còn dài cô cháu mình sẽ nói sau. Các con ơi, có ngoại ngoài Bắc vào chơi…
Từ nhà trong mấy đứa con của Liên chạy ùa ra, lốc nhốc một lũ năm bảy đứa, vừa trai vừa gái, đứa nào cũng lớn tồng ngồng, tễu nghễu và tóc cũng dài tới vai, khiến bà chẳng phân biệt được đứa nào là trai, đứa nào là gái cả. Bọn trẻ lễ phép khoanh tay trước ngực rồi cúi gập người xuống cung kính chào bà. Bà Thơi có cảm giác chúng nó như những diễn viên trên sân khấu mà bà đã có lần xem. Bọn trẻ ríu rít chuyển hành lý của bà vào nhà. Bà Thơi ngượng ngùng lẽo đẽo đi theo người cháu gái thăm một vài gian phòng trước khi ra chổ vòi nước để rửa ráy mặt mũi chân tay.
Chiều hôm ấy, trước lúc ăn cơm, Liên lặng lẽ, dẫn bà đến đứng trước một nơi mà cô gọi là bàn thờ Thiệp. Thực ra đó là một mảnh gỗ đơn sơ đặt khiêm tốn trên nóc chiếc tủ đựng quần áo và nằm khuất trong góc căn buồng nhỏ, xưa nay vẫn dùng để đồ lặt vặt… Vài nén hương cháy dở đã tắt ngấm từ bao giờ. Chân nhang đo đỏ đen đen, chiếc thấp chiếc cao, tua tủa chĩa lên trong không gian lúc nào cũng tối mờ mờ, lành lạnh. Giữa tất cả mớ lộn xộn và bụi bặm ấy, bà Thơi nhìn thấy nỗi lên lung linh sống động một bức ảnh Thiệp chụp nửa người. Từ đấy trở đi, bà Thơi hoàn toàn bị bức ảnh thôi miên. Từ trong ảnh, đôi mắt Thiệp như đốt cháy lòng bà. Hai con mắt ấy vẫn như còn sống, vẫn có hồn và sinh lực. Hai con mắt ấy như đang nói với bà điều gì, như đang dỗi hờn với bà như thuở nào. Rồi đôi môi và hai chiếc răng cửa vẫn là hai chiếc răng bàn cuốc. Mẹ cha nó! Thế mà nó bỏ mẹ nó đi mấy năm nay! Bỗng nước mắt ở đâu lại ứa ra. Bà Thơi ráng nuốt nó vào trong . Nhưng Thiệp ơi, sao bây giờ tất cả những thứ tưởng là gần gũi kia lại hóa ra hết sức xa lạ với bu… Bất giác, bà Thơi kêu lên một tiếng: “Thiệp ơi” nhưng tiếng kêu ấy vừa mới thốt ra nửa chừng đã bị dừng lại nghẹn tắt. Trước mặt bà không phải là thằng Thiệp của bà nữa rồi. Nó không phải là máu thịt của bà. Bà Thơi vừa căm tức vừa buồn bã khi nhìn thấy trùm lên khuôn mặt ấy là một mái tóc không phải của bà. Đó là một tổ quạ. Tuy vậy, bà vẫn còn có thể cảm thông được. Song đến cái này thì phải nói bà căm thù, căm thù đến mức muốn nhổ bọt vào tấm ảnh. Đó là bộ quần áo Thiệp đang mặc. Bà không biết quân phục của lính “quốc gia” của Miền Nam, nó rằn ri, đểu cáng thế nào, chứ rõ ràng bộ quần áo của Thiệp mặc trong ảnh kia là của bọn lính Pháp ngày trước mà dân làng bà thường gọi là lính com- măng- đô. Chiếc áo loang lổ với hai miếng giải vải bà vẫn nghe gọi đó là hai “con đỉa cầu vai” to sụ kia, bà Thơi nhận ra nó một cách dễ dàng. Chính những tên lính ăn mặc thế kia đã bắn chết chồng bà những năm còn trẻ đó. Chính những tên lính khoác lên người bộ quần áo rằn ri kia, ngày trước đã tự tay đốt không biết bao nóc nhà và hãm hiếp không biết bao nhiêu cô gái trinh nguyên của làng xóm bà. Thế mà bây giờ, một phần cơ thể của bà, giọt máu của bà lại khoác lên mình thứ áo quần đó. Bà căm thù bộ quần áo ấy. Bà căm thù Thiệp. Không biết từ lúc nào Liên đã mang mấy nén nhang nghi ngút khói đến chờ sẵn bên bà. Liên cầm nhang đưa cho bà. Cô vái trước bức di ảnh mấy vái. Bà Thơi cắm vội mấy nén nhang vào ống. Tim bà đập thình thình cứ như có người đang theo dõi những cử chỉ ấy của bà. Rồi bà quay ngoắt ra ngoài và vùn vụt bước đi. Liên lùi lũi theo sau.

 

 

 

 

Chương 18

- Liên! Chị giết con tôi! Chị giết con tôi!
Bà Thơi nghiến răng rồi gào to lên sau cơn vật vã, khóc lóc. Hai con mắt đỏ hoe đựng trong hai chiếc tròng mắt trũng sâu. Bà Thơi nhìn trừng trừng vào Liên khiến cô sợ hãi co rúm người lại. Ngày xưa, khi còn ở ngoài Bắc, được sự nuôi nấng của bà Thơi, Liên vẫn coi bà như mẹ đẻ của mình. Nhưng hôm nay đối với bà, ngoài cái tình mẫu tử ấy ra cô còn có sự sợ hãi của một kẻ trót làm nên tội.
Liên thì thào thanh minh:
- Xin cô bớt nóng. Con thương em. Con muốn trả ơn cô!
Bà Thơi trợn mắt nhìn Liên trừng trừng, khiến Liên phải quay mặt đi:
- Thương với ơn. Có thật thế không hở Liên? Chị giết con tôi, chị giết con tôi… Liên ơi!
Liên bối rối. Cô cảm thấy khó xử quá. Trước một người mẹ bị tàn phá tâm hồn đến mức này, cô còn biết xử trí làm sao, nhất là một khi cô tự hiểu điều khủng khiếp ấy hoàn toàn do cô gây ra. Liên chỉ còn biết, vuốt vuốt lay lay cánh tay bà Thơi mà van nài:
- Con xin cô, cô lo lắng, suy nghĩ quá rồi cô ốm mất, để rồi thử thả con sẽ nói thêm cho cô rõ.
Bà Thơi bỗng phá lên cười khiến Liên tròn mắt kinh ngạc.
- Hừ, chị bảo chị thương nó, có thật thế không? Vậy chị nói lại cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện ra làm sao để tôi xem nào.
Không còn cách nào khác, Liên phải kể lại câu chuyện, cô tưởng bà Thơi đã có thể thuộc lòng:
- Con đã nói với cô rồi đấy. Ngày ấy chồng con là y sĩ trong bộ tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hòa. Một hôm họ đưa về chỗ nhà con mấy anh chiến sĩ Việt cộng bị thương nặng. Trong số những anh em này, có cậu Thiệp nhà ta. Thiệp bị bị thương giập nát phần xương đùi và bị lạc đơn vị. Nhưng cậu không chết. Rồi cứ thế, hết đêm đến ngày, trong rừng sâu, một thân một mình, lê lết, đói khát, vết thương nhiễm trùng sưng tấy, phát sốt, nhiều lần tưởng chết. Cuối cùng, may sao, một chiếc trực thăng của quân đội Mỹ đã phát hiện ra và đưa cậu lên máy bay rồi đưa thẳng về Sài Gòn. Bà Thơi nghĩ bụng. À, thì ra đây là điểm mấu chốt, để bên ta, quân Giải phóng, tìm không thấy đã báo tin lên cấp trên, rồi báo về địa phương là Thiệp hy sinh. Liên nói tiếp:
- Thiệp được đưa về Sài Gòn và ông Trời sắp đặt thế nào mà lại về đúng nơi cơ sở y tế của quân đội, nơi chồng con làm việc. Kể ra, bình thường thì hai anh em không thể nhận ra nhau. Nhưng vì trong cơn mệ sảng, Thiệp đã nói ra những điều mà chắc chắn lúc tỉnh táo không đời nào cậu ấy lại nói ra. Cậu ấy nhắc đến tên cô, tên xóm ta, làng ta cô ạ. Thế là nhà con đoán được người lính Việt cộng này là ai rồi, không phải là con của cô thì cũng là bà con họ hàng gì đó với cô.
Sau đó vết thương của Thiệp lành dần và khỏi hẳn. Nhân lúc vắng người, nhà con mới đem những điều Thiệp nói ra hỏi và buộc Thiệp phải nhận. Tất nhiên nhà con có nói đến cái ân huệ mà gia đình con chịu ơn cô. Qua lần thủ thỉ tâm tình ấy, hình như Thiệp tin nhà con là có họ hàng với cậu ấy thật nên đã kín đáo công nhận những điều mình đã nói. Rồi sau đấy nhà con đã lo lót bảo lãnh cho Thiệp ra ngoài và đưa về sống với gia đình chúng con.
Bà Thơi xua tay ra hiệu cho Liên dừng lại, Liên chưa hiểu ý định của bà thì bà đã nói ngay:
- Thế là chị giết em chị rồi! Anh chồng của chị tưởng là cứu sống nó nhưng thật ra là giết nó. Thà các người cứ để mặc nó, mặc con tôi, nó có cách sống của nó! Đằng này anh chị đưa nó vào thế kẹt, bắt nó chui đầu vào thòng lọng, nó còn biết giãy giụa làm sao?
Liên cứ chịu chết đứng trước lý lẽ sắc bén của bà Thơi. Cô thẫn thờ lắng nghe như uống lấy từng lời của bà Thơi.
-Thế còn đây? – Bà gắt lên. Tay chỉ vào tấm ảnh trên bàn thờ mà bà đã cầm xuống từ lúc nào – Còn đây nữa ? Bà Thơi chỉ vào bộ quần áo Thiệp đang mặc trong ảnh. – Cái bộ quần áo loang lổ này tại nó hay tại chị thương mà khoác lên người nó?
Liên tái nhợt mặt. Chị ấp úng thưa:
- Dạ thưa, đây hoàn toàn không phải lỗi tại chúng con ạ.
- Thế tại ai? À, tại con tôi rồi, tại nó phản bội Tổ quốc phải không? Hờ, hờ… Con ơi, mẹ đẻ con ra, mẹ đâu có dạy con như thế. Mẹ đâu có ngờ lại có ngày con làm điếm nhục vong hồn cha con, điếm nhục tổ tiên họ Phạm thế này, hả con ơi.
- Dạ, tại chúng con, tại chúng con chứ không phải tại cậu Thiệp đâu ạ.
Liên đã nhận ra điều chị cần nói như vậy mới mong giảm bớt được phần nào cơn khủng hoảng trong tâm hồn bà Thơi lúc này. Nghe thấy thế, hai mắt bà Thơi long lên:
- Ừ, có thế chứ. Con tôi nó phải thế chứ. Nào chị nói tiếp đi!
- Dạ, sau đó chúng con lo cho Thiệp học nghề sửa hon-da. Cậu nó đã sáng dạ lại còn khéo tay nên chỉ sáu tháng sau chúng con đã lập riêng được một tiệm ở cầu Bông cho cậu nó đứng trông nom. Thiệp đã bắt đầu làm được tiền và ngày càng kiếm được nhiều tiền. Nhưng lạ nhất là dù đời sống thị thành ngày ấy có xa hoa, đàng điếm thế nào thì cái chất Việt cộng trong người Thiệp vẫn không sao phai mờ đi được. Nhiều khi cậu nó chẳng cần giấu giếm cứ để những điều ấy lộ ra ngoài.
- Hừ, rồi sao nữa.
Bà Thơi nghiêm nghị hỏi lại.
- Thưa, rồi có những lần nhà con và cậu ấy cãi nhau. Là đàn bà con không để ý nhiều đến chuyện ấy nhưng con thấy cứ về ở với nhau vài ngày là hai anh em lại cãi nhau. Con thấy nguyên nhân của sự bất đồng ấy là do Thiệp không ưa chế độ của ông Thiệu một chút nào cả. Có lần cậu ấy đã nói gay gắt với nhà con thế này: “Tôi vái cho mấy ông Việt cộng vào đây giết sạch cái đồ phản dân hại nước các anh đi”. Mỗi lần như thế con lo lắm, con cứ năn nỉ nhà con đừng chấp nhặt những lời “ nóng nảy” ấy. Nhưng con lo xa thế thôi, chứ nhà con đâu dám “giận”cậu ấy. Vì tình nghĩa anh em đã đành, còn vì nhiều câu cậu ấy nói phải chịu là rất đúng nữa. Con nhớ có lần, khi chỉ có hai chị em trong nhà. Thiệp đã thủ thỉ với con, cậu ấy muốn tìm đường ra vùng giải phóng hoặc bắt mối liên lạc với lực ượng cách mạng trong thành. Nghe cậu ấy nói thế, con đã gàn kịch liệt. Con bảo cậu đi như thế nguy hiểm lắm. Với lại vết thương ở đùi cậu mới lành, cậu chịu sao nổi vất vả. Con cũng đã tính đến chuyện hỏi vợ cho cậu ấy. Có mấy đám gần đây vừa đẹp, nết na lại vừa có của, rất mê cậu ấy nhưng cậu ấy nhất định không chịu. Con biết cậu ấy đang như con chim chờ dịp để vỗ cánh sổ lồng nên không muốn vướng víu vợ con. Còn việc cậu ấy cặm cụi ngồi sửa Hon-da cũng là vì hoàn cảnh bắt buộc và vì để chiều ý con thôi… Con biết lắm chứ…
Liên sụt sịt, hai mắt đỏ hoe. Bà Thơi bực ra mặt. Bà không muốn nghe Liên nỉ non thêm. Rõ ràng cô ta trói chân tay con bà lại mà bây giờ còn thanh minh cái gì. Bà muốn biết rõ thêm cái chuyện kia. Bà dằn giọng hỏi gặng:
- Rồi sao nữa ?
- Thưa rồi sau đó cậu ta bị bắt đi lính ạ!
Liên dừng lại chớp chớp mắt rồi bổng cô òa lên khóc:
- Cô ơi, nghĩ mà khổ thân em con. Việc này hoàn toàn tại các cháu nhà con. Chúng nó mến cậu quá nên lúc nào cậu cũng nhớ đến các cháu. Con đã dặn cậu, hồi này họ bắt lính dữ lắm, những giờ cao điểm nên đóng chặt cửa tiệm lại đừng có ra đường. Thiệp đã nghe con được mấy ngày, trưa cậu ở lại tiệm chứ không về nhà nữa. Nhưng rồi trưa hôm ấy, do nhớ các cháu quá, cậu đã đóng cửa tiệm rồi lội bộ về nhà. Ai ngờ vừa mới đi được vài bước thì xe quân cảnh ập đến. Thế là chúng bắt cậu đi luôn. Hu…hu…
Liên lại khóc nức nở. Hai vai cô lại rung lên. Lúc này bà Thơi đã lấy lại được bình tĩnh. Bà thở hổn hển:
- Tại nó. Nghe xong chuyện là tôi biết tại nó rồi. Còn chị, chị không có lỗi gì cả.
Bà Thơi nín bặt. Liên nhìn bà đau xót. Chị rờ rẫm nắm lấy tay bà, an ủi:
- Thôi, con xin cô, cô đừng trách cứ cậu nó. Tội nghiệp vong linh nó nơi chín suối. Con đã nói là tại vợ chồng con cả. Ngày đó giá con có một ít tiền để lo lót cho tụi nó thì đâu em con phải chịu cảnh đau lòng này. Nhưng cô ơi, ngày ấy nhà con thiếu thốn quá, không kiếm đâu ra được số tiền ấy.
Liên lại gục xuống bàn để khóc. Còn bà Thơi lẳng lặng cầm tấm khung ảnh Thiệp đặt lại vị trí cũ, chỗ bàn thờ khuất sau những chiếc tủ đựng quần áo.

Các Bài viết khác