NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGÕ TRE RÌ RÀO (chương 15 và 16)

( 21-04-2017 - 05:29 AM ) - Lượt xem: 814

Bà Thơi không còn trông mong vào những điều đó nữa và sự trông đợi bây giờ lại được chuyển sang hướng khác. Bà bắt đầu kín đáo mong đợi những lá thư từ những vùng đất xa lạ với bà, tức là từ Sài Gòn, từ người cháu gái của bà, cô Trần Thị Liên. Quả nhiên nỗi trông đợi ấy của bà đã không uổng.

Chương 15

Bà Thơi mang cái tâm trạng nửa buồn nửa vui ấy đi dự hội nghị trên tỉnh. Mặc dù bà có đem theo trong túi bài phát biểu ý kiến được Thìn thức đến khuya hôm trước để viết cho bà nhưng bà đã khéo léo từ chối việc ấy. Nhưng đến cái việc phải ngồi trên ghế đoàn chủ tịch thì bà chịu chết không sao chối từ được. Ngồi ở hàng ghé thứ hai trên đoàn chủ tịch, bà Thơi cứ thấy ngường ngượng thế nào ấy. Nhất là mỗi khi bà nhìn xuống hội trường. Ôi, cơ man nào là người và có đến hàng ngàn con mắt cứ nhìn như xoi mói vào lòng bà làm cho bà thấy sờ sợ. Thực ra, đây không phải là lần đầu bà Thơi được ngồi ở vị trí này. Nhưng những lần trước nó khác. Lần trước chưa có cái “chuyện ấy”. Bà nghĩ : “Những người ngồi dưới kia, họ có kém gì so với bà đâu. Sao bà lại có niềm vinh dự hơn họ?”.
Trong những ngày dự hội nghị, các đại biểu được chăm sóc rất chu đáo. Được ăn tiêu chuẩn cao, được nghỉ nhà khách sang trọng vào bậc nhất trong tỉnh.
Khác hẳn mọi lần, lần này bà Thơi rất sợ những gì xa gần bóng gió đến chuyện của Thiệp. “Này, con mẹ của thằng phản bội Tổ quốc kia. Sao lại dám nghiễm nhiên hưởng thụ những đãi ngộ ấy?”. “ Này bà mẹ liệt sĩ giả kia, hãy mau mau vứt bỏ cái vỏ ngoài giả tạo ấy đi. Đừng có cái thói cú mượn lông công!”.
Bên tai bà Thơi lúc nào cũng chờn vờn những câu nói theo kiểu của lão Mân. Bà Thơi ngấm ngầm từ chối tất cả. Bữa ăn bà lẳng lặng ngồi vào một góc bàn, kín đáo gắp những món nào xoàng nhất. Đêm ngủ bà lấy chiếc khăn vuông phủ lên mặt gối, cốt để các cô phục vụ khỏi phải vì bà mà mất công giặt giũ. Hàng ngày hai buổi đi đến hội trường, bà lẻn đi một mình. Bà còn tự tay làm nhiều việc khác như lau sàn, quét nhà, rửa cốc, rửa chén… Những người cùng phòng thấy vậy chỉ cho là bà ở nông thôn lâu ngày không quen để ai phục vụ mình nên có cái tính kỳ khôi ấy. Có người còn khôi hài gọi bà là: “Bà già khốt-ta-bít” lẩm cẩm. Thôi, bà đánh chịu, chứ biết làm sao được.
Đêm ngày cuối ông Thịnh, chủ tịch tỉnh mới đến thăm hội nghị. Trong giờ giải lao, ông đã gặp bà ở phòng uống nước. Ông hỏi bà nhiều chuyện và chuyện nào ông cũng biết cặn kẽ. Bà Thơi nhớ lại những ngày đã xa của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bấy giờ có thời kỳ ông Thịnh ở trong nhà bà. Chính bà đã nhiều đêm bí mật ra bờ ao, đem cơm cho ông khi ông ở dưới hầm bí mật hàng tuần liền để trốn những trận càn liên tục của giặc. Từ những ngày đó quan hệ giữa gia đình bà Thơi và ông Thình đã là quan hệ anh em trong nhà. Ông Thịnh hỏi bà về cây đa chùa Mòi rỗng ruột, ngày trước đã có lúc làm hầm bí mật cho ông và đồng đội. Cây đa ấy gần đây ông nghe tin bị bão giật đổ. Vậy nay có ai trồng bù cây mới vào chưa? Ông hỏi chuyện ngôi mộ ông Lục, một liệt sĩ chống Pháp trước đây chôn mãi ở bên La Uyên đã đem về nghĩa trang xã nhà chưa? Ông còn biết cả chuyện con Hiền, thương yêu thằng Thiệp. Tất cả những điều đó chứng tỏ tuy lâu nay không có điều kiện về thăm xã bà và thăm gia đình bà nhưng ông vẫn quan tâm đến và vẫn gắn bó như một người ruột thịt. Vậy thì tại sao bà không thể giãi bày với ông cái chuyện ấy?
Sau mấy phút giải lao, hội nghị lại làm việc. Suốt trong buổi họp tiếp theo, bà Thơi chỉ mong cho chóng hết để bà có thể gặp được ông Thịnh. Mãi đến lúc tan giờ hiọ buổi sáng, bà Thơi mới nói được với ông khi ông đã lên xe chuẩn bị ra về:
- Tối nay nếu rảnh xin anh cho tôi được gặp anh. Tôi có câu chuyện muốn nói.
Ông Thịnh vui vẻ nhận lời và còn nói bà cứ ở đây, chiều ông cho xe đến đón bà.
Trưa hôm ấy bà Thơi không sao ngủ được. Sợ ảnh hưởng đến mọi người, bà lẻn ra ngoài đi thơ thẩn trên bờ một cái hồ nhỏ trong vườn hoa thị xã cách chổ hội nghị không xa. Bỗng bà nghe có tiếng gọi tên bà. Bà quay lại thì thấy bóng một người đàn bà hớt hơ hớt hải chạy lại. Người đó đến gần, bà Thơi mới nhận ra là vợ lão Mân. Chị ta đi đâu thế này? Bà Thơi đã thấy hoảng. Vợ Mân cầm lấy chiếc nón quạt lấy quạt để. Vừa quạt chị ta vừa sụt sùi, mếu máo:
- Con hỏi thăm mãi mới tìm được chỗ bà họp. Nhà con sắp chết rồi bà ạ.
- Sao? Anh ấy làm sao?
Bà Thơi hốt hoảng. Hai tay bà run lên. Anh ta chết à? Sao thế nhỉ? Hay là vì những lời nguyền rủa độc địa của bà.
Vợ Mân khóc òa lên:
- Nhà con say thuốc lào, ngã chúi đầu vào đống rấm. Rồi bị nhiễm trùng uốn ván. Xe hồng thập tự của tỉnh về chuyển lên đây nhưng không kịp nữa, hai quai hàm nhà con đã bị cứng lại rồi…. Do vội quá con không chuẩn bị được tiền nong… Con tìm bà… muốn bà giúp cho con một ít lúc này.
Chị ta lại khóc. Bà Thơi nghe mà bủn rủn chân tay. Bà bước theo vợ Mân như một cái máy. Hai người đi đến bệnh viện. Mân đã chết trước đây mấy phút. Anh ta nằm hai mắt mở trừng trừng. Bà Thơi nhìn, sợ quá, chân bước lùi lại. Đến gần mấy người hàng xóm, bà hỏi một câu tưởng như bâng quơ:
- Vậy trước khi chết, anh ấy còn kịp nói năng điều gì không?
Bà hồi hộp chờ nghe câu trả lời. Lạy giời, không phải là chuyện của thằng Thiệp!
Cả mấy người đều đồng thanh trả lời: “Không”. Bấy giờ bà Thơi mới yên lòng mở cái kim băng gài túi áo lấy ra mấy tờ 10 đồng đưa cho vợ Mân.
Chiều hôm ấy, bà Thơi có một tâm trạng thật là lạ. Không buồn mà cũng không vui. Như vậy là từ nay bà đỡ phải lo nghĩ đến điều ấy nữa. Bà bổng cảm thấy ân hận là lúc trưa đã trót lỡ miệng nói với ông Thịnh về việc bà sẽ đến gặp ông để trình bày cái chuyện ấy. Vậy bây giờ có cần phải nói ra không nhỉ? “Dù thế nào, bu cũng đừng giở cái chuyện lôi thôi ấy ra, bu nhá”. Bên tai bà cứ văng vẳng lời dặn của Thìn trước khi bà lên họp trên này. May sao xế chiều hôm đó, một người trong ban tổ chức hội nghị đến tìm gặp bà, báo tin: “ Có điện từ Ủy ban sang nói là đồng chí chủ tịch tối nay bận công việc đột xuất. Đồng chí xin khất bà một hôm khác”. Bà Thơi thở phào nhẹ nhõm.
Sau hôm họp hội nghị trên tỉnh về, bà Thiều để ý thấy có một điều hơi khác mọi khi là bà Thơi đã cười và cùng nói chuyện vui với bà…

 

 Chương 16

Mùa đông năm ấy, bà Thơi sống với một tâm trạng khác hẳn với mấy tháng trước. Lòng bà đã yên tĩnh hơn. Thật ra không phải là do “câu chuyện ấy” đã được giải quyết mà là do những nguyên nhân khác.
Đó là chuyện Hiền đã đi lấy chồng cách đây gần một tháng. Chồng của Hiền không phải là anh chàng Hải “hào hoa phong nhã” ấy mà chỉ là một anh bộ đội bình thường như trăm nghìn anh bộ đội khác. Thắng, chồng Hiền là cán bộ kỹ thuật ngành trồng trọt, trước đây công tác ở tỉnh khác, sau khi đi bộ đội bị thương nhẹ đã xin chuyển về công tác cũ tại tỉnh nhà. Anh được phân công về cơ quan Hiền. Tình yêu của Thắng và Hiền không có một quá trình lâu dài như giữa Thiệp và Hiền nhưng không vì thế mà kém đằm thắm.
Việc Thắng và Hiền cưới nhau vừa bớt đi cho bà Thơi một nỗi day dứt lại vừa mang lại cho bà một niềm vui. Như vậy là gia đình bà Thơi lại thêm một người con nữa, một “con rễ” như Hiền thường nói. Bà Thơi còn nhớ, cưới nhau được ba hôm, Hiền dẫn chồng về nhà bà, cũng có con gà mâm xôi hẳn hoi như con gái dẫn chàng rễ về lại mặt bên nhà mẹ đẻ. Hôm ấy, vợ chồng Hiền đã thắp hương đặt lễ lên cả hai bàn thờ của ông Thơi và của Thiệp. Khi hai vợ chồng Hiền cung kính khấn khứa trước vong linh ông Thơi, bà còn thấy bình thường nhưng khi bà thấy Hiền rồi sau đó là Thắng, chắp tay vái mấy lạy trước bức di ảnh của Thiệp thì bà phải quay mặt đi. Hình như bà đã phạm vào tội đánh lừa chúng nó. Đối với Thắng, bà càng day dứt hơn. Chỉ riêng cái chuyện nó vái lạy trước bàn thờ của Thiệp, một người tý nữa là chồng của vợ nó, bà đã thấy là điều quá đáng. Đằng này Thắng lại thờ phụng cái kẻ mà nếu là sự thật thì đáng để cho nó phỉ nhổ. Bà Thơi cứ như chết đi từng khúc gan, khúc ruột.
Những ngày mùa đông qua dần. Vườn chè của bà Thơi lại thêm một lần đâm chồi, nảy lộc. Lớp lá xanh dày cứng được thay thế dần bằng những lớp non tơ, mơn mởn.
Mùa xuân là niềm vui, là hy vọng. Hòa vào niềm vui, niềm hy vọng chung của mọi người, năm nay bà Thơi có những nỗi niềm riêng.
Sau tết năm ấy bà được nghe tin vui là quân ta đã giải phóng Buôn Ma Thuột, một vùng đất bà chưa được đặt chân đến bao giờ. Ít ngày sau đó là tin chiến thắng dồn dập ở khắp nơi. Vừa mới giải phóng xong Huế đã thấy đến Đà Nẵng và hiện giờ quân ta đang tiến tới giải phóng Sài Gòn. Cứ thế, bên cạnh niềm háo hức chung, bà Thơi có nỗi mong đợi riêng: Số phận của Thiệp đã đến lúc được định đoạt!
Rồi đây, bà Thơi sẽ hết nỗi giày vò đeo đẳng. Mọi chuyện sẽ rõ. Cho đến mười giờ ba mươi phút của ngày hôm ấy, khi cả làng xóm bùng lên nỗi reo vui, bà Thơi cũng reo vui như thế nhưng bà còn thấy trong lòng có một cảm giác khác lạ. Từ đấy trở đi làng xóm bắt đầu có những chuyện thay đổi. Những anh bộ đội từ quê hương ra đi nay bắt đầu trở về. Mỗi anh bỗng nhiên trở thành một trung tâm thu hút mọi sự chú ý, một niềm hạnh phúc chung của gia đình và xóm làng. Anh nào cũng dạn dày gió sương, nước da cũng mai mái vì những trận sốt rét rừng nhưng anh nào cũng là hình ảnh đẹp của đồng ruộng. Những con búp bê bằng nhựa lòe loẹt xanh đỏ, đeo toòng ten đằng sau những chiếc ba lô bạc màu là một hình ảnh mới mẻ của nông thôn sau hàng chục năm bom đạn, đói khát, chia ly. Nhìn những hình ảnh ấy, lúc này bà Thơi dấy lên một niềm hy vọng nhưng lúc khác bà lại thất vọng. Ôi! giá trong những đứa con thân yêu kia có con trai bà hoặc trong những phong thư được gửi về trước đang nằm đầy ắp trong đáy các ba lô kia có lời dặn dò của con trai bà: “Thằng bạn con về trước, còn con sẽ về sau”.
Chỉ ít lâu sau, bà Thơi đã hiểu những điều kia sẽ không bao giờ trở thành sự thật, vì trong những người vừa trở về làng, có người đi cùng lượt với con bà, thậm chí có người còn chứng kiến “giây phút hy sinh” của con bà như anh Giải phóng quân, cháu của ông Toàn đã gửi thư về bữa trước.
Bà Thơi không còn trông mong vào những điều đó nữa và sự trông đợi bây giờ lại được chuyển sang hướng khác. Bà bắt đầu kín đáo mong đợi những lá thư từ những vùng đất xa lạ với bà, tức là từ Sài Gòn, từ người cháu gái của bà, cô Trần Thị Liên. Quả nhiên nỗi trông đợi ấy của bà đã không uổng.
Một hôm bà vừa đi làm đồng về thì anh bưu điện của xã đưa đến cho bà một phong thư mà mới xem qua ngoài bì bà cũng biết ở đâu gửi về rồi. Phong thư lòe loẹt những vạch đỏ vạch xanh và những hình vẽ cầu kì xa lạ. Bà Thơi không muốn cho ai xem lá thư này, kể cả Thìn. Bà run run bóc thư ra đánh vần từng chữ trong đó. Liên báo tin cho bà: “Cô ơi, em Thiệp chết rồi. Con đã mai táng em ở nghĩa trang quân đội Biên Hòa”.
Lần này, bà Thơi không thấy choáng váng, mắt không hoa lên như ngày nghe tin Thiệp hy sinh. Lâu nay, sự dằn vặt, giày vò đã khiến lòng bà chai lại. Ồ, thế mà hóa hay, còn may gầp ngàn lần một khi nó còn sống sờ sờ ở nhà con Liên, ở trong thành phố Sài Gòn! Có bà mẹ nào mong cho con mình phải chết, phải thực sự chết, bao giờ nhưng ở trường hợp này, bà Thơi lại mong và lại thấy cần phải có cái chết đó. Bà chỉ bực một điều là bà không hiểu hết những chuyện Liên nói trong thư. Vì sao thằng Thiệp lại chết? Đã lâu rồi, trong cái đêm lão Mân còn sống ấy, chính Liên chả nói rằng Thiệp đang sống trong gia đình cô ta là gì. Thế mà sao nay Liên lại nói như thế này? Và nếu thế thì cái chết của thằng Thiệp bây giờ với cái chết cũng của nó được báo tử ngày trước, có phải là một hay không? Nhưng mà làm sao con Liên lại chôn cất thằng Thiệp? Thế nghĩa là gì? Còn cái gọi là nghĩa trang quân đội Biên Hòa nữa? Quân đội nào nhỉ? Của ta hay của bên kia? Từ bé đến giờ, bà Thơi đã ra khỏi nhà, khỏi lũy tre làng bao giờ đâu để mà bà hình dung được cái xứ Biên Hòa xa xôi ấy!
Từ hôm đó, bà Thơi lén lút giữ lá thư của Liên như một thứ của gian trong túi. Không lúc nào bà rời nó và do đó trong xóm ngoài làng cũng chẳng ai biết vừa qua bà đã nhận được một bức thư từ trong Nam gửi ra. Một hôm Thìn ở trường về, với vẻ thẩn thờ chắc vì nóng ruột, Thìn hỏi bà có nhận thêm một tin gì về Thiệp qua những lá thư mới về không. Cô hỏi đến Liên. Lúc đầu bà Thơi định từ chối nhưng sau thấy không được nên bà đã đưa tất cả cho Thìn xem.
Bà Thơi cũng chẳng còn nhớ sau đấy Thìn phản ứng ra sao nữa. Hình như Thìn không vật vả đau đớn nhưng cô buồn bả ủ ê hàng nửa ngày trời. Cô đã ghi vội vàng cái địa chỉ của Liên vào sổ tay rồi đốt lá thư đi. Cô còn cẩn thận vò nát nắm tro và thả cho nó bay ra vườn, bay vào không gian vô tăm vô tích. Rồi hình như chính Thìn đã bàn với bà rằng, bà phải vào Sài Gòn để xem thực hư câu chuyện ra sao, chứ cứ để u u minh thế này, sống sao cho nổi, và cũng là để “còn có cách giải quyết”. Nói là làm, hôm sau Thìn lên xã xin làm hồ sơ giấy tờ cho bà Thơi vào Nam, với lý do: “Tìm kiếm mộ liệt sĩ”.
Bà Thơi chỉ còn biết nghe theo ý kiến của Thìn. Bà không dám cãi lại nửa lời.
Khoảng nữa tháng sau, bà con xã viên hợp tác xã Quyết Thịnh bỗng xôn xao một tin mà ai nấy cũng đều cho là lạ. Bà Thơi đang rục rịch vào Nam. Đối với một con người, từ nhỏ đến giờ chưa ra khỏi làng thì quả đây là một chuyện lạ, một chuyện khó tin.

NGUYỄN KHOA ĐĂNG

Các Bài viết khác