NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGÕ TRE RÌ RÀO (chương 10)

( 17-02-2017 - 10:01 AM ) - Lượt xem: 808

Toàn vừa móc trong túi áo ra một phong bì đã nhàu nát, nhòe nhoẹt. Bà Thơi hồi hộp nhìn theo mấy ngón tay chuối mắn của ông Toàn, chậm chạp, vụng về lấy lá thư ra. “Lạy giời nó không phải là điều ấy…”.

Ngày hôm sau bà Thơi không đi làm đồng vì thấy người không được khỏe. Sau lần nói chuyện chả đâu ra đâu với lão Mân nát rượu ấy, bà thấy trong người mền mệt cứ y như bị bỏ đói lâu ngày. Còn bà Thiều, từ hôm qua đến nay cũng không lúc nào rời khỏi bà Thơi. Hết nấu nồi nước xông bằng cây cứt lợn, bà lại rang cám nóng, bọc trong chiếc áo cũ rồi xoa khắp mình bà Thơi. “Bác ốm là vì bác cứ nghĩ đến thằng Thiệp quá đấy mà. Thôi, bác nghe lời tôi, đừng nghĩ nữa. Ai mà chả có một lần chết hả bác, nhưng chết vinh chết hạnh, cái chết đó bằng vạn cái sống bình thường”. Bà Thiều cứ ngồi vừa đấm bóp cho bà Thơi vừa an ủi như vậy. Bà Thơi nghe thấy mà đau nhói trong lòng. “Cô ơi, cô đừng nói nữa. Cháu nó không được như cô nghĩ đâu. Nó đang ở Sài Gòn, ở nhà cái con Liên, cháu tôi kia kìa”.

Bà Thơi cứ nói thầm một mình như thế.

- À, cái sào rạ hợp tác cấp thêm cho các gia đình liệt sĩ, bác nhờ ai gánh về nhà cho chưa?

- Chưa cô ạ. Tôi không muốn nhận sào rạ ấy làm gì nữa cô ạ.

Bà Thơi trở mình, miễn cưỡng trả lời.

Nhưng bà Thiều lại hiểu lầm sang ý khác. Bà tưởng bà Thơi chê chỗ rạ ấy không được tốt lắm nên đã thanh minh giúp hợp tác xã:

  - Không, chỗ rạ ấy tốt đấy bác ạ. Rạ vừa dài vừa gần đường, dễ gánh về. Chính tay tôi bốc thăm cho bác chứ có phải người ta phân cho mình đâu mà bác sợ không công bằng.

  - Khổ, tôi có đòi hỏi gì đâu mà cô nói thế. Tôi…Tôi chưa muốn nhận sào rạ ưu tiên ấy cô ạ.

Bà Thiều rút bàn tay đấm bóp ra khỏi lưng bà Thơi:

  - Ây, không chần chừ được đâu. Bác còn yếu chưa gánh được, để mai tôi gánh giùm cho. Trời này không gánh ngay, nay mai mưa phùn gió bấc, rạ ướt sũng còn thiếu ngồi bờ mà khóc. Với lại đội cày, họ cũng đang thúc phải gánh ngay rạ đi để họ cày, kẻo không kịp trồng khoai vụ đông.

   - Thôi, tôi nhờ cô muốn làm gì thì làm. Tôi…

Bỗng có tiếng xe máy rù rì mỗi lúc một gần. Hai người im lặng lắng nghe. Tiếng xe rú lên rồi tắt lịm ở sau nhà. Bà Thơi đưa mắt nhìn bà Thiều. Bà Thiều hiểu ý chạy ra cửa ngó rồi quay lại thì thào với bà Thơi:

-          Ông Toàn đến!

Bà Thơi còn đang hồi hộp chưa hiểu sự tình ra sao , đã thấy có tiếng cười nói bô bô của ông Toàn: “Bà Thơi có nhà không?”

Bà Thiều vội chạy ngoài hè cung kính, đáp:

-          Dạ, chị em tôi có nhà. Xin mời ông vào nhà chơi ạ.

Ông Toàn dắt xe vào sân. Bọn trẻ con nghe thấy tiếng xe, ở đâu chạy lại đầy ngõ, làm bà Thiều đuổi mãi chúng mới chịu tản đi.

Bước vào trong nhà, ông Toàn có vẻ ngạc nhiên trước vẻ mặt mặt ủ rũ của bà Thơi:

-          Kìa, bà bị ốm hay sao vậy?

Bà Thơi khẽ đáp:

- Vâng, tôi bị cảm từ chiều hôm qua. Mời ông ngồi xơi nước.

Ông Toàn đi một vòng quanh nhà, mắt nhìn chăm chú từng bức ảnh nhỏ đặt trong chiếc khung lớn kia. Ngồi vào chiếc ghế kê đối diện với chiếc giường bà Thơi nằm, ông Toàn khẽ hỏi:

- Tôi đến hỏi thăm bà, sau khi có giấy báo tử, bà có biết thêm tin tức gì về cháu Thiệp không?

Bà Thơi lại thấy nhói một cái trong tim, như có con ong vừa chui vào đốt tận trong đó. Câu nói của ông Toàn làm bà nghĩ ngay câu Mân vừa nói với bà chiều hôm qua…

“Thiệp hiện đang ở với cô Liên trong Sài Gòn”. Bà Thơi bàng hoàng. Hay là ông Toàn cũng biết chuyện này?

Hay là… Bà Thơi lại thấy tức tức ở nơi lồng ngực.

-          Thưa ông…có…chiều…hôm qua…anh…

Nhưng bà đã kịp thời dừng câu nói lại ở đó. Sau này bà Thơi cứ mừng thầm trong bụng, không hiểu lúc bấy giờ trời xui đất khiến làm sao bà lại không nói ra cái câu ấy. Bà Thơi thở phào nhẹ nhõm. Rất may là bữa đó ông Toàn còn đang theo đuổi ý nghĩ của mình nên không để tâm đến câu nói dở dang của bà Thơi :

-          Gần đây tôi có nhận thêm được tin về cháu Thiệp..

Vừa nói ông Toàn vừa móc trong túi áo ra một phong bì đã nhàu nát, nhòe nhoẹt. Bà Thơi hồi hộp nhìn theo mấy ngón tay chuối mắn của ông Toàn, chậm chạp, vụng về lấy lá thư ra. “Lạy giời nó không phải là điều ấy…”. Ông Toàn đã đeo mục kỉnh lên nhưng ông chưa đọc ngay. Ông còn giải thích thêm cho hai bà rõ về lai lịch bức thư.

- Lá thư này chính thức từ trong miền Nam gửi ra đấy hai bà ạ.

- Dạ, mãi từ trong Nam. Thế thì chính xác rồi, chính xác trăm phần trăm rồi bác ạ.

Bà Thơi muốn nổi nóng lên với bà Thiều. Một người có lửa đốt trong lòng còn một người thì cứ nhởn nhơ vui vẻ như sắp đi ăn đám cưới.

-          Tức là trường hợp hy sinh của cháu Thiệp.

Quả tim bà Thơi thắt lại rồi lại mở bùng ra. Ồ, có thế chứ. Ông Toàn vừa nói nó hy sinh, tức là nó đã chết, là nó không còn ở với cái con Liên chết tiệt kia. Từ lúc nghe Mân nói đến bây giờ, bà Thơi đâm ra ghét cả cô cháu bà đã từng yêu quý như con đẻ. Thiệp đã chết, trăm phần trăm là Thiệp đã chết! Có bà mẹ nào lại mong con mình chết bao giờ. Ở trường hợp này, nếu nói bà như thế thì không đúng nhưng rõ ràng cái tin ông Toàn báo Thiệp hy sinh, thực sự đã đã làm cho bà vui hơn cái tin Thiệp đang còn sống và đang ở với con Liên. 

Từ lúc này nét mặt bà Thơi sáng sủa hẳn lên. Bà giơ tay đón bức thư từ tay ông Toàn đưa sang với cảm giác hân hoan không khác gì mỗi lần trước đây bà nhận được thư của Thiệp. Bà Thơi mở lá thư ra. Bà đang định đánh vần từng chữ thì bà Thiều ngăn lại:

- Thôi bà, để ông Toàn đọc cho chị em chúng mình nghe, chứ chờ bà lần mò được thì phải đến tối.

Ông Toàn giương cặp kính lão lên rồi chậm rãi đọc: “Thưa chú, cháu viết cho chú từ một miền đất xa xôi”

 ông Toàn ngừng đọc, nói:

- Thôi, những cái nó rề rà, con cà con kê, hỏi thăm hỏi nom, tôi lược bớt đi, chỉ đọc riêng cái đoạn kể về thằng cháu Thiệp thôi, hai bà nhá.

- Dạ, vâng.

Hai người đàn bà cùng cất tiếng một lúc.

Ông Toàn đọc tiếp :

- “Đêm 19-2, đơn vị chúng con đánh vào sân bay Nước Mặn. Chiều hôm trước con và Thiệp còn buộc chung võng vào một thân cây sù sì như cây si ở ngoài ta ấy. Hai chúng con vừa chia nhau điếu thuốc, vừa nói chuyện về quê hương. Con nhớ hôm ấy Thiệp còn nhắc lại với con về những cây chè mà anh trồng trước lúc ra đi, Thiệp đoán mùa này chè đã hái lá được và vườn nhà, hoa chè đang nở trắng các cây. Thiệp còn nói rằng mùa này vườn nhà Thiệp có nhiều chim vành khuyên lắm, những con chim chỉ nhỉnh hơn cái hạt mít một chút, có màu nâu nâu vàng vàng trông rất đáng yêu,đặc biệt hai con mắt nó có hai vòng đen, tròn tròn như hai vệt chỉ kẻ trông đến là ngộ.

- Gớm con cái nhà ai mà viết thư văn vẻ gớm thế!
Bà Thiều không đừng được, nói chen vào liền bị bà Thơi nói ngay :

- Cô để yên cho ông đọc.

Mặc cho hai bà tranh luận với nhau, ông Toàn vẫn tiếp tục đọc:

- “Chúng nó đến hút mật hoa và làm tổ trong vườn….Chú ạ, thế mà sáng hôm sau đã mỗi đứa một ngả. Con bị thương vào đùi nhưng không việc gì, được anh em đưa ra tuyến sau ngay và bây giờ vết thương đã lành, đã đi lại bình thường. Còn Thiệp, mãi mãi nằm lại với núi rừng miền Trung. Mấy hôm sau, anh em trong đơn vị ra sức tìm kiếm mãi nhưng không thấy xác anh ấy…”

Ông Toàn đọc xong, thận trọng gấp lá thứ bỏ vào túi áo ngực rồi tự tay rót nước ra uống. Giá như mọi khi điều đó làm cho bà Thơi áy náy nhưng hôm nay bà không còn bụng dạ nào để ý đến nữa. Lời nói trong thư của người cháu của ông Toàn đã gây cho bà một tia hy vọng mỏng manh. “Anh em trong đơn vị tìm mãi không thấy xác Thiệp đâu”. Như vậy con trai bà có thể lạc đơn vị. Bỗng dưng bà Thơi nhớ đến biết bao chuyện rắc rối đã xảy ra mà bà nghe được. Nào là có anh có giấy báo tử và xã đã làm lễ truy điệu hẳn hoi, thế mà ít lâu sau lại lù lù vác ba lô về. Rồi có những anh, vợ ở nhà chờ đợi bao nhiêu năm trời không sao đến khi có giấy báo tử, cô vợ vừa đi lấy chồng thì anh chồng cũ lại khăn gói trở về. Thật là trăm sự rắc rối phiền hà.

Bà Thơi mong Thiệp của bà cũng sẽ may mắn ở vào trường hợp đặc biệt ấy. Ước gì một hôm nào đó, cái dáng cao to của Thiệp sẽ lừng lững đi vào chỗ ngõ tre kia. Cái giọng ồm ồm của nó từ ngoài ngõ nói vào và khi còn chưa nhìn rõ mặt, bà Thơi đã nhận ra hai chiếc răng bàn cuốc của con.

-  Thằng quỉ, mày chết rồi kia mà?

- Hì hì… chết thế nào được con, cái thằng mẹ vẫn thường rủa là trời đánh thánh vật này.

Cứ thế nó cười, còn bà thì lại khóc, khóc cho thỏa những ngày bà đau đớn như thế này. Ôi, nếu được thế, thì dù nhà chỉ còn một con lợn, bà cũng sẽ giết thịt ăn mừng. Rồi bà sẽ làm nhà và cưới con Hiền ngay. Tội nghiệp con bé chờ đợi mấy năm trời rồi còn gì. Ôi, nếu được như thế nhỉ, không biết đời bà còn cái gì sung sướng cho bằng. Nghĩ gần, nghĩ xa, lại một ý nghĩ khác đến với bà. Hoặc giả nó chưa về được, nó còn bận chiến đấu ở xa tít tắp trong ấy thì đơn vị nó hoặc bạn bè nó hoặc chính bản thân nó viết về cho bà mấy chữ rằng Thiệp không chết, Thiệp hãy còn sống, hiện đang nằm điệu trị ở bệnh xá này, bệnh viện nọ. Thế có phải hơn không?  “ Con bị thương, lạc vào rừng, đơn vị tưởng con hy sinh nên báo về nhà như thế mẹ à”. Ồ, giá như thế. Nhưng đằng này lại chính từ miệng tay Mân vừa nói ra câu đó. “Thiệp đang ở với cô Liên trong Sài Gòn”. Liên là ai? Cả làng này có ai biết đâu, ngoài bà. Như vậy, điều Mân nói là vô lý hay có lý? Vô lý chăng? Dù người dốt đên đâu cũng không thể cho chuyện này là vô lý được. Còn có lý chẳng? Dù người giỏi suy luận thế nào cũng chưa chắc tin đây là điều có lý. Vậy thì thế nào?

-          Kìa bác, ông Toàn chào bác để ông đi về.

Có tiếng bà Thiều nói bên cạnh làm bà Thơi vụt dứt dòng suy nghĩ liên miên từ nãy đến giờ. Bà Thơi hốt hoảng như người vừa bị người khác bắt trúng ý nghĩ sâu kín của mình.

Bà Thơi lập cập đứng lên:

-          Dạ, ông đi ạ…

“Về” lại nói là  “đi”. Cái nhà bà này hôm nay sao lại lú thế. 

Sau khi tiễn chân ông Toàn ra xe trở về nhà, bà Thiều đã trách bà Thơi như thế. Bà Thơi chỉ còn biết cười gượng gạo.

Hôm sau, khi bà Thơi đã vui vẻ trở lại, bà Thiều mới hóm hỉnh nêu câu đó cho bà Thơi giải đáp :

- Tôi đố bác. Ông Toàn đem lá thư của thằng cháu đến đây đọc để làm gì?

- Để cho biết thêm tin về cháu Thiệp chứ sao nữa mà cô phải đố?

Bà Thiều lắc đầu:

- Bác tưởng ai cũng nghĩ tốt như bác cả đấy. Ông ta đọc như thế để ngầm báo với bác rằng: “Con bà đã chết rồi bà đừng để nó liên quan tới con gái tôi nữa”. Đúng chưa nào?

Bỗng bà Thơi nổi giận. Không biết bà giận vì câu nói của bà Thiều hay vì mưu đồ xấu xa của ông Toàn. Bà nói giận dỗi:

- Rõ chán cho nhà cô, nào có ai đeo, có ai bám lấy con gái ông ta?

Các Bài viết khác