NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

HOA VÀ PHỤ NỮ

( 14-02-2015 - 07:28 AM ) - Lượt xem: 1780

Hoa nào có đủ sắc và hương là toàn vẹn. Hoa hồng có vẻ đẹp lý tưởng, trong khi hoa dâm bụt “có đỏ mà chẳng có thơm” được xếp ở hàng dưới. Thi sắc đẹp ngày nay, ngoài thi sắc đẹp hình thể, các thí sinh còn phải thi ứng xử, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn. Với Vương miện, Hoa hậu thể hiện được vẻ đẹp hoàn mỹ đáng ngưỡng mộ!

-1-

Hoa là sản phẩm mỹ lệ, kỳ diệu của tự nhiên. Đất trời sinh ra hoa để làm đẹp cho đời.

Hoa đẹp vì sắc, hoa nở để khoe sắc. Thế giới hoa đa dạng sắc màu – muôn hồng nghìn tía. Có hoa hồng, lại có hoa đỏ. Gam màu chuyển đổi thật uyển chuyển: từ hồng bạch đến hồng nhung đỏ tía. Hoa đào cũng có mấy màu: đào thắm, đào phai. Tím có tím hoa súng đến tím hoa sim. Sen tím Huế phân biệt với màu tím hoa mua. Màu trắng cũng đâu chỉ một: huệ, lan khác mai, mơ...

Hoa trong thơ phong phú vì là hình ảnh muôn hoa trong đời, được thi vị hóa và tình cảm hóa.

Chế Lan Viên tìm người sẻ chia qua Hoa súng tím với ám ảnh màu “xao xuyến” còn Hữu Loan, đau xót với kỷ niệm tình yêu với Màu tím hoa sim. Ấn tượng vui mênh mang: “Mùa xuân mơ nở trắng rừng” của Tố Hữu khác với cảm giác chơi vơi trắng Hoa laucủa Nguyễn Duy. Và, lại  rất khác với Sen Huế: “Trắng muốt mùa sen trắng cổ thành” (Chế Lan Viên).

Hoa quý vì có hương. Xuân Diệu xưa có hẳn một tập Gửi hương cho gió. Còn Phan Thị Thanh Nhàn có tập Hương thầm gửi người ra trận như mối tình e ấp. Sen Huế từng được bao tâm hồn trẻ vu vơ muốn mượn tà áo lụa ai đó  bọc lấy “để dành” cả một “mùa hương”.

Hoa có hương tức có hồn. Vì vậy, hoa trở thành nhân vật: thành bè bạn, thành tri âm, tri kỷ của người để chia vui, sẻ buồn. Người ta ngắm hoa cả trong đời và trong thơ là vì vậy.

Thêm một chức năng trời phú khác làm tăng giá trị cho hoa. Đó là nhiệm vụ sinh sản kỳ diệu. Có hoa là có trái: trái thơm quả ngọt dâng đời. Hoa sinh ra không chỉ để làm ‘mát mắt” cho người mà chính là để sinh lợi, nuôi dưỡng, bồi bổ con người: làm thực phẩm, lương thực, mỹ phẩm, thuốc men...

-2-

“Người ta là hoa của đất”. Dân gian lưu truyền danh ngôn này từ nghìn xưa. Bởi vì thứ nhất là hoa giống như người. Thứ hai là người cũng giống như hoa. Người cũng là một sản phẩm tuyệt vời của tạo hóa.

Tuy nhiên, hoa chủ yếu được gán cho phái nữ. Vì phụ nữ như bông hoa là cách nói ví von thường tình, xưa như Trái đất.

Trước hết, sự so sánh này là để nói về nhan sắc.

“Mặt hoa da phấn” chỉ người phụ nữ có gương mặt xinh đẹp và làn da trắng hồng. “Má em như thể bông  sen/ Ngón tay hoa huệ, miệng em hoa hồng”, rồi “Miệng cười như thể hoa ngâu/ Chiếc khăn đội đầu, như thể hoa sen” là lối nói của thơ phương Đông. Nguyễn Du khi xưa đã đúc kết vẻ đẹp có tính cổ điển về tài đức của chị em Kiều trong những vần thơ miêu tả thật sinh động: “Hoa cười, ngọc thốt đoan trang”.

Phụ nữ càng đẹp thêm khi được gắn với hoa.

Cũng ngòi bút của Đại thi hào đã miêu tả cuộc kỳ ngộ của mối lương duyên giữa Kiều với Kim Trọng là: “Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”. Trong hội họa hiện đại, có bức danh họa “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân được đưa lên hàng cổ điển. Thiếu nữ mặc quần áo dài trắng, ngồi ngả đầu bên bông hoa huệ thể hiện cái đẹp trong trắng, thuần khiết. Lấy hoa để tôn người cũng chính là ngòi bút của thiên tài Nguyễn Du: “Làn thu thủy, nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”.

Nhưng vẻ đẹp hài hòa với tinh thần được coi trọng hơn. Hoa nào có đủ sắc và hương là toàn vẹn. Hoa hồng có vẻ đẹp lý tưởng, trong khi hoa dâm bụt “có đỏ mà chẳng có thơm” được xếp ở hàng dưới. Thi sắc đẹp ngày nay, ngoài thi sắc đẹp hình thể, các thí sinh còn phải thi ứng xử, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn. Với Vương miện, Hoa hậu thể hiện được vẻ đẹp hoàn mỹ đáng ngưỡng mộ!

Tuy nhiên, trên đời có nhiều người đẹp, nhưng không phải ai cũng đi thi Hoa hậu. Có câu thơ chí lý, chí tình nói về Hoa Người: Phụ nữ nào cũng đẹp. Chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp mà thôi. Đó là châm ngôn phổ biến thời nay.

Trăm hoa anh dẫn em xem

Nhưng hoa nào đẹp bằng em – Hoa Người

Hoa Người đẹp nhất em ơi!

Hoa Người không chỉ đẹp nhất mà còn cực kỳ quý báu vì sinh ra Con Người, kể cả anh hùng, vĩ nhân!

-3-

Xưa nay, hoa trong thơ nhiều vô kể. Bởi lẽ, con người có nhu cầu gắn bó, thưởng ngoạn tự nhiên. “Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp” (Hồ Chí Minh), trong đó có “mây gió, trăng, hoa”. Tuy nhiên, phần nhiều nói hoa là để nói người như thơ trữ tình. Ở đây là nói đến Người Hoa – tức Phụ nữ.

Rất tự nhiên, người phụ nữ được thỏa sức “trăm hoa đua nở” giữa nhân gian. Là hoa trong đời, họ cũng là hoa trong văn thơ, nghệ thuật.

Người bình dân ướm hỏi và tỏ tình qua hoa: “Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?”. Tâm sự nhân duyên lỡ làng cũng mượn hoa bưởi, nụ tầm xuân: “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/ Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!”.

Truyện Kiều thể hiện một khát vọng yêu thương mạnh mẽ: “Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa”, nhưng đó cũng là lời than cho một bi kịch tình yêu: “Hoa trôi bèo dạt đã đành... Cũng đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”.

Mỹ cảm ngày nay vẫn mang đậm cảm hứng truyền thống. Tiếng nói tình yêu vẫn thường được gửi qua hoa với trăm nghìn sắc thái phong phú không kể xiết.

Tâm tư hoài niệm của chàng trai thật da diết khi nhớ tới giàn thiên lý: "Giàn hoa với dáng một người/ Theo tôi suốt cả quãng đời thanh xuân". Có khi lại là một tình yêu thấp thoáng đóa anh đào lung linh: "Rưng rưng cánh lá rơi vào giấc mơ". Bảng lảng trắng hồng, tím nhạt tường vi lại như thực, như mơ với một thời trẻ dại Xuân Quỳnh. Nhà thơ Nguyễn Bính đã mượn hương hoa quê mùa để diễn tả mọi cung bậc trong tình yêu: "Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê" (Chân quê).

Đường đi của tình yêu nhiều khi phải vòng vèo để đến được trái tim bằng con đường ngắn nhất: "Lối này lắm bưởi, nhiều hoa/ Đi vòng để được qua nhà đấy thôi". Cô gái hoan hỉ, lòng giăng tơ một mối tình mùa xuân đẹp như hoa xoan phủ đầy hồn trinh trắng (Mưa xuân). Rồi sau đó, cô lại nhớ nhung, mong đợi ngày "Hội chèo làng Đặng".

Thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu đều theo motip trăng, gió, hoa hương, mà nổi bật là hoa.

Một thống kê nhỏ mà nhiều ý nghĩa: Trong Thơ thơ có 34 câu về hoa, 13 câu về hương. Trong Gửi hương cho gió có 52 câu về hoa, 30 câu về hương.

Hoa trong thơ  “Ông hoàng thơ tình” - Xuân Diệu khó phân biệt được đâu là hoa trời, đâu là thiếu nữ đa tình: "Vàng tươi thược dược cánh hơi xòa/ Ửng rạng phù dung nghiêng mặt hoa". Hoa đêm gợi cảm tưởng đến các nhân vật trong vở kịch trữ tình: hoa kỹ nữ, gió phong lưu, trăng mối lái.

Nói chung, hoa và người có sự giao hòa với nhau. Hoa đẹp và tình cảm như người, người cũng giống như hoa.

Thời xưa, thơ tình thường buồn, hay nói đến chia ly, tan vỡ. Hai sắc hoa ti gôn (T.T.Kh) nói về một mối tình duyên lỡ làng và niềm nuối tiếc ân hận: "Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu" và cảm thương "loài hoa... vỡ/ Tựa trái tim phai, tựa máu hồng".

Thời thế đổi thay, hoa - đất - trời, hoa - người cũng mang sắc thái và hương vị mới, nhưng vẫn tượng trưng cho cái đẹp trên đời - cuộc đời chiến đấu và xây dựng mới.

Thông thường, hoa mọc nơi vườn tược, trên đồng bãi, chốn núi rừng: Mùa hoa cải ven sông, Hoa cúc vàng, Hoa dại Hoàng Liên sơn... của bao nhà thơ trẻ tràn ngập tình yêu. Tuy nhiên, đã có thời "hoa trên đầu súng". Người phụ nữ trở thành "bông hoa thép". Chế Lan Viên đã có câu thơ nói về sự biến hóa kỳ diệu ấy qua Hoa những ngày thường:

Em đây, hoa những ngày thường

Yêu quá thành hoa chiến đấu

Có những cuộc chia tay được mệnh danh là Cuộc chia ly màu đỏ(Nguyễn Mỹ), trong đó có hòa sắc tuyệt đẹp: hoa nhạn lai hồng, chiếc áo đỏ rực, tình yêu rực cháy, rạng đông màu hồng ngọc. Đó là đôi nam, nữ: “Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau…”. Có mất mát, đau đớn, nhưng sáng mãi tình yêu lý tưởng chiến sĩ – liệt sĩ: “Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm” (Núi Đôi – Vũ Cao).

“Máu và hoa” (Tố Hữu). Chiến tranh qua đi, con người, trong đó có “người – hoa” – phụ nữ xây dựng, sáng tạo trong cuộc sống mới hòa bình, đổi mới, hội nhập. Và bao giờ họ cũng tượng trưng cho những con người cần mẫn đem hạnh phúc đến cho đời: “Gánh hàng hoa/ Xuống chợ/ Hoa Ngọc Hà/ trên đồng rực rỡ/ Hương bay xa/ Thơm ngát/ Đường ta” như tôn vinh của nhà thơ lớn Tố Hữu.

Và, lời dặn ân cần “Nhớ nghe hoa”, “Giữ sạch lề”, “Đẹp lối” cho cuộc đời nở hoa để đi vào “thời Đồng Xuân” thế giới:

Chợ mình đẹp lắm hàng hoa

Hoa thơm, hoa tỏa hướng ra xa gần

 

Em ơi, vui thế Đồng Xuân…

Chợ Đồng Xuân

Mùa xuân 2015.

PGS – TS ĐOÀN TRỌNG HUY Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Các Bài viết khác