NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

CHÚNG CHƯA BAO GIỜ THẮNG TA NẾU DÂN TA TRÊN DƯỚI MỘT LÒNG

( 20-02-2014 - 04:11 PM ) - Lượt xem: 1177

Con cũng nên nhớ rằng từ ngàn xưa bọn giặc xâm lược phương Bắc bao giờ cũng bị đánh bại bởi dân tộc ta, chúng chưa bao giờ thắng ta nếu nhân dân ta trên dưới một lòng đánh giặc. Hồ Quý Ly thua giặc Minh chỉ vì lòng dân không theo.

Đã 35 năm trôi qua, nhưng cái ngày 17/2/1979 luôn in đậm ký ức trong tôi. Vâng thật vậy, cứ đến ngày này hằng năm, bố tôi, một đại tá trải qua bốn cuộc kháng chiến chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc ở thế kỷ XX lại cùng tôi ngồi ôn lại về cái ngày đau thương ấy mà ông gọi là ngày “Căm Thù”. Nhưng năm nay chỉ còn có mình tôi chìm trong ký ức mà không được chia sẻ cùng ông. Ông đã mãi mãi đi xa.

Năm đó tôi vừa tròn 18 tuổi và đã gia nhập Quân đội được đúng 03 tháng 20 ngày, được Quân đội cho đi đào tạo ngành thiết kế xây dựng phục vụ cho việc xây dựng các công trình của Quốc Phòng. Vào buổi sáng thứ 7, hôm đó cũng như mọi buổi sáng khác, tôi dạy từ 5g30 vừa nấu mì ăn sáng vừa tranh thủ ôn bài trước khi đến trường và cũng ngong ngóng chờ bố tới để lấy xe đi học.

Chả là bố tôi cùng mẹ và 03 đứa em ở trên xóm 2 Vĩnh Phúc, một ngõ của đường Hoàng Hoa Thám, cách dốc Tam Đa gần 01km, hằng sáng bố tôi đạp xe lên khu tập thể Quân đội 20 ĐD, khu Ba Đình để xe đạp lại cho tôi đi học, còn ông thì đi bộ vào Thành Cửa Bắc, nơi các cơ quan đầu não của Bộ Quốc Phòng làm việc. Tôi vừa ăn xong thì ông đẩy cửa bước vào đưa chìa khóa xe đạp cho tôi và nói:

- Ngày mai Chủ nhật con hứa đưa các em đi Bờ Hồ ăn kem à.

- Vâng ạ! tiền phụ cấp tháng này mẹ cho lại con 4đ để chơi Tết con không dùng tới nên tuần trước có hứa đưa các em đi chơi Bờ Hồ.

- Vậy chiều nay bố con mình cùng về. Sáng nay bố đã nói mẹ con nấu cơm tối cho con rồi.

 

Hôm đó chúng tôi chỉ học đến 11g vì hai tiết cuối thầy dạy môn Cơ lý thuyết đổ bệnh và không có thày cô nào dạy thay. Về tới nhà tôi lại bắc nồi chuẩn bị bữa trưa thì bố tôi đẩy cửa vào. Tôi chưa kịp chào thì ông nói ngay:

- Bố định về nấu cơm cho con và bố con mình cùng ăn. Mà sao hôm nay con về sớm thế.

- Thày giáo ốm nên chúng con nghỉ hai tiết cuối, nhưng sao hôm nay bố lại về ăn cơm với con.

Bữa trưa ông thường ăn tại cơ quan có bao giờ về ăn trưa với tôi đâu, thấy lạ nên tôi hỏi vậy.

- Thôi! con nấu mì với cà chua hai bố con mình ăn và bố có chuyện muốn nói với con.

Vậy là có chuyện gì quan trọng rồi, vừa nấu mì tôi vừa nghĩ, chuyện gì mà bố phải về ăn với tôi, hay ông lại sang Campuchia.

Bố cầm bát mỳ sợi còn nóng hổi vội vàng ăn, thấy vậy tôi cũng không dám hỏi ông và cũng ăn cho nhanh còn nghe ông nói.

Một loáng hết bát mỳ, ông đặt xuống nền nhà và nói với giọng rất buồn.

- Sáng sớm hôm nay bè lũ bành trướng Bắc Kinh đã đem quân xâm lược nước ta, chúng tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc

Tôi giật mình và ngơ ngác nhìn ông lắp bắp.

- Vậy ư! chúng con không nghe thấy gì.

Ông gật đầu nói:

- Nhân dân và các cơ quan dân chính chưa được phổ biến, chắc chiều tối nay Đảng mới thông báo.

Ngày 7/1/1979, quân tình nguyện Việt Nam tiến vào thủ đô Phnom Penh của Campuchia giải phóng nhân dân campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot do bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh đỡ đầu và nuôi dưỡng thì tình hình biên giới phía Bắc nước ta nóng lên từng ngày nhưng tôi không bao giờ nghĩ đến việc bọn chúng lại dám đem quân xâm lược nước ta, một nước XHCN như bọn chúng. Lúc này tôi lại nhớ đến câu nói của Mao Trạch Đông khi tiễn đoàn chuyên gia quân sự Trung Quốc sang giúp Việt Nam đánh Pháp: “Tổ tiên ta đã có thời kỳ không phải với người anh em Việt Nam, nay các đồng chí sang giúp bạn cũng là một cách sửa sai cho tổ tiên chúng ta” . Vậy mà hôm nay chúng lại sang cướp nước ta một lần nữa. Đúng là không thể tin “Hảo Hảo” bọn chúng được.

Tôi lắng nghe bố nói tiếp.

- Bố không kịp về trên Hoàng Hoa Thám nói với mẹ con, bố tranh thủ dặn con mấy điều này trước lúc bố phải lên biên giới.

Tôi lại sửng sốt và lo lắng, lúc này bố lại phải đi sao. Như đọc được suy nghĩ của tôi, bố nói:

- Hậu cần phải đi trước một bước con ạ. 01 giờ chiều nay bố đi rồi, con bình tĩnh nghe bố dặn mấy điều:

- Thứ nhất: Từ nay con phải về ở với mẹ và các em

- Thứ hai: Con cùng em H phải đào ngay một hầm trú ẩn tránh bom đạn trong vườn ngay sát đầu hồi để chạy ra cho nhanh.

- Thứ ba: bố đi cũng không biết bao giờ về. Cuộc chiến này gay go lắm vì bọn chúng ở sát nách ta lại cách Hà Nội có gần 200 cây số, sẽ có lệnh Tổng động viên, không khéo con cũng phải ra chiến trường, con chuẩn bị trước tinh thần, có lệnh là đi.

Ông ngừng lời nhìn thẳng vào mắt tôi và nói tiếp:

- Con cũng nên nhớ rằng từ ngàn xưa bọn giặc xâm lược phương Bắc bao giờ cũng bị đánh bại bởi dân tộc ta, chúng chưa bao giờ thắng ta nếu nhân dân ta trên dưới một lòng đánh giặc. Hồ Quý Ly thua giặc Minh chỉ vì lòng dân không theo. Lần này cũng vậy, chúng nhất định thua.

Chúng tôi những thanh niên con các sĩ quan quân đội, thường xuyên phải tiễn bố vào chiến trường miền Nam trong những năm đánh Mỹ. Chúng tôi đã quen, nhưng chưa thể quen cách chia tay bố lên chiến trường phía Bắc đánh lại một kẻ xâm lược mới hôm qua đã từng là bạn, là đồng chí, là anh em với chúng ta.

Tôi thoảng thốt nói:

- Vậy con nói với mẹ thế nào.

- Con cứ nói thật với mẹ, mẹ con đã quen bố đi đột xuất rồi.

Bố nhìn đồng hồ, cái đồng hồ của Đức mạ vàng có kim dạ quang bố được cấp từ đầu năm 1971 khi bố lần đầu tiên vào miền Nam công tác. Bố đứng dạy và nói.

- Thôi đã đến giờ bố phải đi, từ nay mọi việc gia đình con phải thay bố gánh vác.

Nói tới đây bố con tôi ôm chầm lấy nhau, bố vỗ vỗ vào lưng tôi và nói:

- Phải bình tĩnh mới lo được công việc nghe con.

Vì là khu tập thể Quân Đội, hầu hết bố chúng tôi đều làm việc ở trong Thành Cửa Bắc chỉ cách nhà có 200 m, nên mọi thông tin gì chúng tôi đều biết sớm nhất. Vì vậy lúc tiễn bố ra đến sảnh đầu cầu thang thấy mọi người cũng đang tụ tập bàn tán, nhiều người cất tiếng chửi rủa bọn xâm lược Bành trướng Bắc Kinh. Cửa một căn hộ gần sảnh bỗng bật mở, bác Trung, một nữ bác sĩ quân y mới nghỉ hưu một tay đẩy lưng anh Thanh, cậu con trai đầu đã đi bộ đội được gần hai năm về nhà ăn Tết đến nay vẫn chưa về đơn vị, một tay xách balô nói oang oang.

   - Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Con là con trai lại là bộ đội cụ Hồ con phải về đơn vị ngay cùng đồng đội cầm súng bảo vệ Tổ Quốc.

Anh Thanh vùng vằng nói:

   - Nhưng con còn phép đến hết tháng Giêng.

   Bác Trung to tiếng mắng con:

   - Lúc này không có phép tắc gì hết, mày phải về đơn vị ngay.

   Thấy cảnh đó, bố tôi hỏi.

   - Hình như cháu đóng quân ở Xuân Mai phải không?

   Bác Trung trả lời thay cho con.

   - Nó thuộc trung đoàn huấn luyện đặc công ở Xuân Mai, nó còn phép nhưng lúc này Tổ Quốc lâm nguy thì phải về đơn vị ngay lập tức.

Bố tôi nói luôn.

   - Chú cũng đi qua chỗ đơn vị cháu đóng quân, chú sẽ đưa cháu đến tận đơn vị.

   Bác Trung mừng quá nói:

   - Tôi đang không biết nó đi thế nào, anh đi công tác qua đấy cho tôi gửi.

   Bác quay lại nói với anh Thanh.

   - Tình hình này nếu có lệnh Tổng động viên mẹ sẽ ra chiến trường, mẹ con mình sẽ chiến đấu bên nhau. Thôi con đi đi, Tổ Quốc đang chờ con.

Tôi tiễn bố ra đi không khỏi bồi hồi. Lần đi này là bao lâu, bố có trở về nguyên vẹn không. Thế hệ bố khổ quá, hết chiến trường miền Nam lại sang Lào, sang Campuchia nay lại lên biên giới phía Bắc, đến bao giờ dân tộc ta và bố mới được yên ổn sống trong hòa bình. Tôi lại nhớ lại câu nói của Tổng bí thư Lê Duẩn tại buổi mít tinh mừng ngày giải phóng miền Nam ngày 15/5/1975 tại Quảng trường Ba Đình: “ Từ nay đất nước ta vĩnh viễn hòa bình, không một kẻ thù nào dám xâm lược Tổ Quốc chúng ta một lần nữa”. Vậy mà tiếng súng giải phóng miền Nam vừa dứt thì bọn Pol Pot xâm lược biên giới Tây Nam giết hại đồng bào ta và hôm nay người “đồng chí” núi liền núi, sông liền sông đã “dám” không cho chúng tôi được sống trong hòa bình mà còn bắt dân tộc ta một lần nữa phải cầm súng, rồi đây sẽ còn không biết bao nhiêu đồng bào, chiến sĩ còn phải ngã xuống cho độc lập tự do của dân tộc.

Thấy tôi trầm tư bước những bước chân nặng nề lên cầu thang sau khi tiễn bố, bác Trung cũng đang bồi hồi lo lắng cho đứa con vừa về đơn vị vỗ vai tôi.

- Bố cháu đi vì nhiệm vụ, việc nhà có gì thì đã có các bác, các cô, các chú trong khu gia đình. Các cháu cứ yên tâm mà học hành. Nhưng có lẽ cháu nên về ở với mẹ và các em, nhà cửa ở đây bác sẽ trông nom cho.

Sau khi gửi gắm nhà cửa cho bác Trung, ngay chiều hôm đó tôi về xóm 2 Vĩnh Phúc với mẹ và các em.

 

Hôm nay nhớ lại về ngày ấy tôi thấy mình vẫn chưa làm tròn lời hứa đưa các em tôi đi chơi Bờ Hồ và ăn kem Tràng Tiền.

Vâng chỉ một ước muốn nhỏ nhoi ấy thôi mà vì bọn xâm lược Trung Quốc , mà 04 anh em chúng tôi đã không có dịp cùng nhau đi chơi Bờ Hồ ở cái tuổi đầy mơ mộng, trong sáng và đẹp nhất ấy.

PHẠM THẾ

Các Bài viết khác