NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

CHIM LẠC VIỆT TRỞ VỀ

( 16-01-2014 - 09:13 PM ) - Lượt xem: 1996

Sau một chuyến bay xa, hôm nay Nó lại bay về chốn cũ, từ xa xa nó đã nhận ra bãi sông mênh mông cổ xưa mà ngày nay có vẻ bé nhỏ lại nhiều lắm. Nó cảm thấy có cả một tấm thảm hoa mầu hồng, mầu vàng, xanh, tím... Ôi mầu tím hoa cà, tím từ ngàn xưa từ thời cậu bé làng Gióng đòi ăn \"bảy nong cơm ba nong cà\", và kìa mầu vàng hoa cải vàng rực rỡ như sắc áo vua Hùng..

( Một truyện tưởng tượng)

Ngày Nó trở về là một ngày mưa. Mưa phùn như bụi bay mờ mịt trước mắt. Nó là con chim bay về tổ, nhưng Nó giống chim gì vậy? Chim én ư? Hay hải âu? Hay bồ câu? Ồ, Nó còn cổ hơn cả những loài chim ấy, nguyên thuỷ hơn, như bay từ cách đây một vạn năm trước công nguyên trở về, đó là chim Lạc Việt? Phải, Nó chính là loài chim đó.

Đã có lúc Nó tưởng sẽ nhập đàn với bày chim hải âu ở Melbourne. Bờ biển ở đó rộng mênh mông, hơi lạnh. Hải âu ở đó trắng nuốt, vẻ mặt và ánh mắt rất thông minh, đôi cánh rộng liệng bay những vũ điệu nhịp nhàng cùng những làn sóng biển tung bọt trắng xoá. Đôi khi chúng bay vào cả vườn Bách thảo hoàng gia. Đi đi lại lại trên những bãi cỏ xanh mượt và trò chuyện với các loài chim khác. Những câu chuyện ấy nếu coi là văn thơ hay khoa học đều được cả. Bởi đó là những chuyện chưa ai biết về biển cả, về những hòn đảo vắng vẻ xa xôi... mà chỉ có loài hải âu mới nhìn thấy và biết được. Bọn hải âu có giọng kể có lúc nhịp nhàng thủ thỉ có lúc gấp gáp rít lên dữ dội ào ạt y như tiếng sóng biển. Chim Lạc Việt cũng đã lắng nghe những câu chuyện đó nhiều lần, thích lắm, khâm phục lắm. Ban đầu nó rất khâm phục hải âu, so với bồ câu bay theo lối vẫy cánh hiền lành và chậm, hải âu dang cánh liệng thật dũng mãnh. Nhưng về sau nó mới biết rằng thật ra giống hải âu chỉ sống ở gần bờ biển, người thủy thủ đi xa khi nhìn thấy bóng hải âu là biết đã sắp đến gần bờ.

 

Rồi do một sự tình cờ, chim Lạc Việt có dịp dạo chơi và trò chuyện cùng những ông bà bồ câu sinh sống và làm tổ ở xung quanh tháp Eiffel (thành phố Paris). Hoá ra bồ câu uyên bác hơn nó tưởng nhiều. Trông thì hiền lành có vẻ dễ bắt nạt, và không ít người đã xâm hại bồ câu, thế nhưng giống bồ câu không hề bị tuyệt chủng, không phải ghi vào sách đỏ, mà ngược lại bồ câu bay lựơn và dạo chơi ở tất cả các thành phố và làng mạc của thế giới văn minh. Trên các quảng trường rộng lớn ở mọi thành phố nổi tiếng nếu không có bóng chim bồ câu thong thả nhẩn nha nghiêng ngó cái đầu nhỏ và “gù gù" vài tiếng như đang bình luận thời sự thì hình như vẻ sang trọng bị kém đi. Dường như bồ câu đã hiểu hết cả ngàn trang luận lý triết học Tây phương và Đông phương và do đó người đã lấy hình bồ câu để tượng trung cho một chuyện quan trọng nhất của thế giới đó là HÒA BÌNH. Thế mới biết giá trị của loài hiền lành .

  Sau một chuyến bay xa, hôm nay Nó lại bay về chốn cũ, từ xa xa nó đã nhận ra bãi sông mênh mông cổ xưa mà ngày nay có vẻ bé nhỏ lại nhiều lắm. Nó cảm thấy có cả một tấm thảm hoa mầu hồng, mầu vàng, xanh, tím... Ôi mầu tím hoa cà, tím từ ngàn xưa từ thời cậu bé làng Gióng đòi ăn "bảy nong cơm ba nong cà", và kìa mầu vàng hoa cải vàng rực rỡ như sắc áo vua Hùng... trên bãi sông còn nhiều mầu sắc nữa nhưng sao có nhiều mầu xam xám có vẻ khô khan cứng đờ như những khối hộp chồng chất lên nhau... Trên mặt đất hình như cũng có những đám mây mầu hoa đào ẩn hiện trong vườn cây trông có vẻ khô héo nhợt nhạt... Không phải hoa đào rừng, không phải rừng hoa ngào ngạt hương xưa nơi Lạc Long Quân và Âu Cơ đã gặp nhau... Không có hương thơm hoa rừng tinh khiết bay trong gió chỉ có mùi khói bụi, một mùi hắc khó chịu khiến nó không dám sà xuống thấp.

Không biết có ai nhận ra nó nữa không? Không biết có ai xua đuổi nó không, không biết nó có bị một hòn đá nhỏ nào hay một phát súng hơi hỏi thăm hay không? Chim Lạc Việt cảm thấy mây mù đã tan, mưa bụi cũng đã thôi bay.

Nó cất cánh bay lên cao hơn và bay thẳng tới một nơi nó luôn nhớ trong trái tim loài chim, một trái tim rất khỏe khiến nó có thể thở và bay trên bầu trời cao tít và bay xa ngàn vạn dặm... Nó nhớ rằng ngày xưa một thủa nơi ấy có cái tổ chim yểnh hình như không hề bị gió bão lung lay đã mấy trăm năm... nơi có một hồ nước xanh mà người ta thường gọi là hồ Lục Thủy. Nơi xưa mấy trăm năm trước, cò vạc còn tụ tập bên bờ hồ thỉnh thoảng trò chuyện với những ông rùa bà rùa đi lại chậm chạp và tính nét rất trầm lặng.

Những cái lá đa vẫy như những bàn tay bé xíu trong nắng hoe vàng. Chà bóng cây đa cổ thụ vẫn còn đấy ư? Nó đáp nhẹ xuống cành cây lớn nhất già nhất và đứng ẩn mình trong bóng lá xanh um tùm. Chim Lạc Việt tìm kiếm lại hình bóng của cái tổ chim xưa, không thấy gì nữa... Có lẽ cả đàn chim yểng, cả con yểng già đầu đàn và cả bày chim non đã bay đi từ lâu rồi... Trái tim loài chim của chim Lạc Việt đập mạnh, cả thân minh đầy lông vũ của nó rung lên buồn thảm... Bóng chim lẫn vào bóng lá nên người thường nhìn vào chỉ thấy lá cây đang rào rạt trong gió... Chắc không ai nhận ra nó đã đến đây...

Nó đứng đó và nhìn ngắm những dấu vết cổ tích còn lại ở nơi này. Bức tuờng của ngôi đền cổ đầy rêu, ẩm ướt trong mấy ngày mưa đang được hong khô trong ánh nắng xuân hiếm hoi vừa mới nhoe lên. Thềm gạch cũ đã mòn... mảnh sân nhỏ trước nơi bái đường đã trũng xuống, đọng một vũng nước mưa trong vắt in bóng hình mảnh dẻ mờ ảo của những làn khói hương tỏa ra từ trong điện thờ .

Nó ngó vào phía sau mấy nếp nhà cũ ở phía bên ngôi đền cổ. Phía bên trong có  người đang lau dọn bàn thờ tổ tiên và sắp cơm cúng nhà.

Chim Lạc Việt ngờ ngợ nhận ra một cảnh quen quen trên chiếc sập giữa nhà, đàn bà con gái  ngồi gói bánh bên những rá gạo trắng tinh, những đĩa đậu vàng óng, những thịt lợn ướp muối trông thật hấp dẫn...và tất cả được gói vào trong những cái lá rong xanh ngắt... Ở giữa sân bên một đống tro tàn còn nóng hừng hực, Nó thấy người ta mở vung một cái nồi lớn khói bốc lên nghi ngút, rồi người ta vớt ra những cái bánh hình vuông sực nức lên một mùi thơm khiến cho ai đã biết cái mùi đó rồi thì chắc thấy thèm và gọi  thì thào cái tên thường dùng ..."mùi bánh chưng"! Nó cảm thấy muốn sà xuống và mổ một cái thật sâu vào giữa cái bánh...híc, thật ngon tuyệt... Nhưng không, nó sợ, nó không dám ló ra khỏi vòm lá đa, nó đã biết sợ con người... nó khẽ vỗ cánh bay lên rất nhẹ và giang rộng đôi cánh liệng một vòng.

Một tiếng reo trầm trầm cất lên:

 - Một con chim lớn, giống chim như từ trống đồng bay ra

Đó là tiếng một ông già, để râu dài mặc một cái áo bông cổ điển dài đến đầu gối. Ông đang dắt tay một cô bé có vẻ như là cháu của ông, cô bé cầm trên tay một cành đào nho nhỏ đầy nụ đang nở he hé. Hai ông cháu đang thong thả bước trên đại lộ Đinh Tiên Hoàng dọc bên hồ Hoàn Kiếm, giữa dòng người đi lại hối hả tưng bừng sắm Tết. Cô bé chợt hỏi :

- Ông ơi, ông nhìn thấy từ đâu thế ?

Ông già chỉ tay lên bầu trời.  Cô bé  nhìn theo bàn tay ông

chỉ. Bầu trời buổi chiều ngày giáp Tết, nền trời đầy mây mỏng mênh mông một mầu trắng đục như sữa. Chỉ thấp thoáng những nét xanh hiện ra chấm phá như ẩn hiện một bóng chim thật lớn, với cái mỏ dài đôi cánh rộng... Ông già chỉ lên trời và nói khe khẽ với cháu:

- Kia kìa... kia là cái mỏ chim, kia là cánh chim...kia là đầu chim... Đẹp quá...kỳ diệu thật...

Cô bé mở to đôi mắt vốn đã hơi to và rất đen rất sáng, đôi mắt ấy biết cười khi nhận ra những điều kỳ diệu... Cô bé cũng nói thật nhỏ để chỉ cho mình ông nghe thấy:

- Ông ơi, cháu nhìn thấy rồi, mỏ chim, đầu chim, cánh chim... thật giống ở hình chim trên trống đồng, ông ạ... Một loài chim cháu chưa nhìn thấy bao giờ...

Cô bé bỗng rùng mình. Ông già khẽ ôm đôi vai cháu:

- Sao, cháu lạnh à?

- Ô, không ạ, cháu chỉ thấy một cảm giác thật lạ lùng khi nhìn thấy điều ông vừa chỉ cho cháu. Có phải vì ông là họa sĩ nên ông đã nhìn ra điều đó à?

Ông già cười tủm tỉm:

- Thì cháu cũng đã nhìn thấy đó thôi, cháu cũng có đôi mắt giống ông đấy.

Hai ông cháu cùng cười to hơn và vui vẻ trở về nhà với cành đào nhỏ trên tay.

Trên cao xanh xa xa chim Lạc Việt cũng rùng mình, nó không hề biết đã có người nhận ra nó. Chim Lạc Việt tự nhủ: "Mong sao đêm nay  ta có thể được ngủ một giấc bình yên”

Đối với nó, một loài chim luôn luôn phải nhìn ngắm các vì sao y như các nhà thiên văn học thì đêm ba mươi tết là một đêm thật sự được nghỉ ngơi. Phải rồi đêm nay ta lại được ngủ trên cành đa trong ngôi đền cổ ở giữa hồ kia. Ta sẽ lặng im  và thở nhẹ, hơi thở của ta có làm những chiếc lá bay lên tí chút, và cành cây có rung rinh tí chút vì sức nặng của ta cũng có làm sao... Buổi tối đã về với mùi khói hương bay trong không khí ẩm lành lạnh, mưa bụi bay lất phất trên mặt hồ nước xanh đang dần dần thẫm lại. Trăng sao đêm nay đều lánh mặt. Những ánh đèn điện sáng bên hồ không thể làm vợi bớt mầu tối sâu thẳm của đêm trừ tịch.

Mặt nước hồ Gươm như một màn nhung đen lay gờn gợn những làn sóng nhẹ như đang tạo ra một bản nhạc ru dịu dàng cho cỏ cây hoa lá đi vào một giấc ngủ êm đềm. Và, bằng mắt thường người ta cũng không biết được cái đầu đen bóng của cụ Rùa đã nhô lên nhìn ngắm mái đền cũ kỹ rêu phong, có lẽ cụ đã nhận ra hình bóng của loài chim cổ đã trở về trong bóng cây đa bên đền, đôi mắt cụ Rùa ngấn lệ như sương khẽ rơi, rồi cụ lại lặn xuống âm thầm như lúc ngoi lên.

Trên đường phố rực rỡ ánh đèn, nhộn nhịp nam thanh nữ tú, quần là áo lượt đi đón giao thừa. Chẳng biết là có phải người ta đi đón cái thời khắc chuyển hóa năm mới đã đến, năm cũ ra đi hay là người ta đi... để ngắm nhau, người nhìn người, bởi những cô gái má như hồng hơn trong mưa xuân nhẹ rơi và các chàng trai bỗng nhiên huýt sáo những bản tình ca duyên dáng.

Và, giờ phút giao thừa đã đến, cả bầu trời nở tung pháo hoa rực rỡ, mặt nước hồ Gươm biết thành một tấm gương hoa mầu sắc chói lọi. Ấy thế mà trong bóng đa xanh um, chim Lạc Việt vẫn say ngủ. Giấc ngủ của loài chim có thể bay cao bay xa hàng ngàn dặm đó thật là sâu thăm thẳm, thật là yên bình vững chắc như núi  mà gió mạnh chẳng hề lay.

Khi ấy có nhiều đôi trai gái đi theo cầu Thê Húc vào trong đền Ngọc Sơn, và cả ông già họa sĩ và cô cháu gái cũng đi trong đoàn người ấy. Người thì đi vào trong Đền thắp hương lễ Đức thánh Trần đầu xuân và cũng có người đi hái lộc.

Vừa ở trong Đền  bước ra, bỗng cô bé dừng chân lại bên cây đa cổ thụ. Cô bé nói với ông già, giọng cô thì thào run run:

- Ông ơi, cháu nhìn thấy con chim lớn đó đang ngủ trên cành cây đa kia.

Người ông dừng chân lại, nhìn sâu vào bóng tôi u uẩn của bóng đa cổ thụ. Cho dù ánh điện sáng lung linh của ngày lễ hội thật là rực rỡ thế mà cũng không thể nào soi thấu đến một khoảng không gian sâu sa lặng chìm khuất trong những cành lá đa đang xao động y như có nhịp thở của một ai đó. Và, có người họa sĩ già đã nhìn thấy bóng hình đó, một bóng chim Lạc Việt. Ông lặng lẽ gật đầu:

- Đúng rồi, đúng là cháu đã nhìn thấy.

Bỗng lúc đó có một đôi trai gái đi hái lộc xuân muốn giơ tay vin cánh lá đa để hái mấy lá đa non tươi. Cháu bé bỗng níu lấy tay người thiếu nữ:

- Chị ơi, đừng động đến lá đa, ở trên cành đa kia có một con chim lớn đang ngủ.

Người thiếu nữ giật mình dừng tay lại, người thanh niên đi cùng ngạc nhiên vặn hỏi. Anh ta chắc rất khó chịu lắm vì tự dưng có người can ngăn mình làm một việc mà mình đang hứng thú lắm :

- Sao vậy, nói gì kỳ quặc thế? Hái lộc đa thì có sao, động gì đến ai?

Ông già nhìn chằm chằm vào anh thanh niên, giọng trầm trầm cương quyết:

- Đừng động đến một cái lá nào của cây đa này, anh bạn trẻ ạ, ở đó có một chim Lạc Việt đang về ngủ đêm giao thừa trên cành đa lớn.

Không biết có phải vì giọng nói của ông già có gì âm vang, hay vẻ mặt của ông có gì uy vũ như một ông tướng canh đền, hay không khí của đêm giao thừa này có gì huyền ảo mà thốt nhiên đôi thanh niên thiếu nữ nọ dừng ngay tay lại, họ rụt rè chào ông già và lui bước đi ra chỗ khác ngay.

Tinh mơ ngày mồng một Tết, không khí như còn ướt đẫm sương,ánh mặt trời từ phía sông Hồng tỏa những tia sáng mong manh qua những vòm lá đa xanh thắm. Chim Lạc Việt bừng mắt dậy, một giọt sương trong vắt rơi trúng đôi mắt nó. Chim Lạc Việt vươn mình. Nó vỗ cánh bay lên trên cao ngắm nhìn cảnh vật phố phường như vẫn còn ngái ngủ, chưa bừng thức. Nếu đêm qua không phải là một đêm bình yên tuyệt đẹp thì chắc nó đã phải ở lại vĩnh viễn trong Viện bảo tàng trên cái trống đồng.

Bây giờ  chim Lạc Việt đã đủ sức bay vút lên cao, bay về nơi đất tổ, nơi rừng già thâm sâu để nòi giống chim  sẽ lại sinh sôi nảy nở khi mùa xuân đến.

Ở một góc phố nhỏ, trong căn gác bình yên , ông già họa sĩ đang ngồi nhấm nháp chén trà và trầm ngâm nhìn màn sương trên mặt hồ nước đang tan dần. Ông cảm thấy như có tiếng động nào đó và ông chợt nhìn lên cao xanh xa xa, kìa bóng con chim lớn đang bay. Cô bé cháu bỗng vùng dậy chạy đến bên ông, ngước mắt nhìn theo ông lên trên trời cao, người ông nói:

- Kìa , chim bay về rừng sâu rồi.

- Có bao giờ chim bay lại về đây không ông?- Cô bé hỏi.

- Không thể biết, có khi đây là lần duy nhất ông cháu mình đã có dịp may.

Và, hai ông cháu cùng mỉm cười thú vị , họ đã có một đêm giao thừa kỳ diệu.

LÊ PHƯƠNG LIÊN

                                 TP Hồ Chí Minh, 28/12/2013

Các Bài viết khác