NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NƯƠC CHẢY DƯỚI CHÂN CẦU, Chương14, phần 2

( 04-06-2019 - 10:48 AM ) - Lượt xem: 763

Một ngày hè dưới nắng vàng chói chang đầu tháng 7-1973, tôi đạp xe ra ga Việt Trì để lên tàu đi nhận công tác mới ở thủ đô. Không hẹn mà gặp; các em Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Trọng Bình, Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Đức Mậu cùng nhiều học sinh khác của lớp 10D và cả các lớp khác vừa tốt nghiệp đã có mặt ở sân ga để tiễn thầy giáo của mình. Không lời lẽ nào cho đủ để diễn tả cảm xúc bùi ngùi lưu luyến của thầy trò chúng tôi trong giờ phút chia tay ấy.

2. Từ giã Việt Trì về Hà Nội

 

Đúng vào lúc chia tay khóa học sinh này trong mùa hè nồng nhiệt đầy tiếng ve sầu vang khắp không gian ấy, tôi đã nhận được Quyết định của Bộ Giáo dục điều động mình về nhận công tác tại Trại Chương trình và Sách Giáo khoa B ở Hà Nội. Ngay sau đó, em Nguyễn Thị Thanh (lớp trưởng 10D vừa tốt nghiệp) đến gặp tôi để trao bức thư của bố em gửi thầy:

 

“Kính gửi ông Quốc.

Được tin ông chuyển công tác về Bộ, tôi vô cùng đột ngột, nhưng về Bộ ông được thuận tiện là gần gụi gia đình, hợp với nề-nếp sinh hoạt và cũng là dịp để phát huy hết khả năng của mình.

     Ông Quốc ạ! Riêng tôi luyến tiếc lắm, tôi tin tưởng ở Ông đã dìu dắt hai đứa con tôi từ lớp 8 lên đến 10 và đây tôi lại tiếp tục một đứa con nữa đang học 8 đây. 2 đứa lớn của tôi mừng thầm nhờ Thầy đã kết quả tốt, còn tránh sao khỏi ngậm ngùi của 1 đứa bé đang học 8 kia, mà chính tôi và gia đình cũng ngậm ngùi vậy.

     Nhưng [vì] công tác Cách mạng, ông ra đi nơi khác cũng để nối tiếp sự nghiệp trọng trách hơn, tôi không biết nói gì hơn hết là trước khi ông đi bất cứ lúc nào (ông cho biết trước một hôm) ông đến chơi với gia đình tôi để chúng tôi được gặp ông và thầy trò gặp nhau nói chuyện. Đó là lòng mong muốn của tôi.

     Ông Quốc! Ngay khi ông có lệnh đi B, rồi ông lại được về trường, tôi rất mừng và mong mãi để gặp ông, nhưng  cũng hết bận việc này tới việc khác nên không có dịp gặp ông được. Hôm đi họp Fụ huynh Học sinh cũng định gặp ông, nhưng cuộc họp đó ông lại bận không đến họp được. Lần này ông chuyển công tác, chúng tôi tha thiết kính mời ông đến chơi nhà tôi bất cứ ngày nào (cho tôi biết trước) để được gặp ông.

 

                                                                                                            30-6-1973

                                                                                                              Thân,

                                                                                             [ Đã ký] Nguyễn Long

                                                                       Fụ huynh của 3 cháu: Thanh + Bình + Thu”.

 

 Bức thư này đã khiến tôi xúc động đến tận đáy lòng, bởi trong đó chứa chan tình cảm lưu luyến, sự cảm phục và lòng biết ơn của vị phụ huynh đáng kính dành cho thầy giáo chủ nhiệm của các con mình là chính tôi - ông Quốc. Dĩ nhiên không thể phụ tấm chân tình sâu đậm ấy, tôi đã hẹn đến thăm gia đình bác Nguyễn Long vào một ngày đầu tháng 7.

 Hôm ấy, gia đình đông đúc của bác Long cùng phu nhân và 5 đứa con của hai bác (các em Thanh - mới tốt nghiệp trường PTC3, Trọng Bình - mới tốt nghiệp cùng với chị, Thu - vừa học xong lớp 8, Đường - vừa học xong lớp 1 và Hồng Chiến - sắp vào học vỡ lòng) đã dành cho tôi một cuộc đón tiếp vô cùng thân tình nồng hậu trong một bữa cơm có nhiều món rất ngon do bác gái nấu với sự phụ giúp của cô con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thanh.

 Trước ngày lên đường, tôi còn đến chào gia đình bác Nguyễn Văn Lễ (phụ huynh em Nguyễn Thị Nghi) và gia đình bác Dương Văn Tái (phụ huynh em Dương Thị Tơ); rồi  chào tạm biệt các bạn đồng nghiệp thân thiết với tôi, cảm ơn anh Kiều Khanh đã giúp tôi cắt chuyển hộ khẩu, sổ gạo, phiếu thực phẩm cùng các loại tem phiếu khác từ Việt Trì (Vĩnh Phú) về Hà Nội; và ăn bữa cơm chia tay với gia đình anh Nguyễn Hữu Quỳnh.

Lại còn phải gặp anh Từ Minh Cát để nhận “Giấy Giới thiệu sinh hoạt Đoàn” cho tôi được sinh hoạt Đoàn ở cơ quan mới, cùng với cuốn “Lý lịch Đoàn viên” của tôi (có lời phê do Hoàng Thuận - Bí thư Chi đoàn Giáo viên viết và ký, rồi Bí thư Đoàn trường Từ Minh Cát ký tên đóng dấu) để nộp cho cơ quan mới. Lời phê trong lý lịch nhấn mạnh ưu điểm của tôi:“Có ý thức phấn đấu tu dưỡng tốt về mọi mặt. Giảng dạy tốt, luôn luôn có tinh thần gương mẫu làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, có ý thức tự học để nâng cao trình độ của mình […]. Thường xuyên được Chi đoàn giới thiệu cho Đảng bồi dưỡng”. Nhưng vẫn không quên khuyết điểm: “[Cần] chú ý mở rộng quan hệ với mọi người hơn” (bởi vì tôi chỉ chơi với những ai mình thích, mà không chịu “gần gũi” để lấy lòng những người có quyền quyết định cho mình vào Đảng) - một “khuyết điểm” mà tôi đã “mắc” từ lâu nhưng không bao giờ sửa.

 Trong lúc đóng gói đồ đạc để chuẩn bị lên đường, tôi bỗng nghe bài “Quốc tế ca” hùng tráng từ phòng họp trên nhà “Chuôi vồ” vọng tới:

 

                    “… Chế độ xưa, ta mau phá sạch tan tành!

                     Toàn nô lệ vùng đứng lên đi!

                     Nay mai, cuộc đời của toàn dân khác xưa

                     Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình!...”

 

 Có lẽ ở đó đang cử hành Lễ kết nạp Đảng cho anh Hoàng Thạch Bình - người đã kiên trì “gần gũi” đồng chí Trần Lưu Đạm và các đảng viên khác ở trường trong suốt quá trình  phấn đấu vươn lên Đảng. Từ nay, cuộc đời của anh sẽ “khác xưa”; bởi vì khi đã được đứng trong hàng ngũ đảng viên Cộng sản thì cũng đã đến lúc “bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”- đúng như Quốc tế ca đã khẳng định.

 

 Một ngày hè dưới nắng vàng chói chang đầu tháng 7-1973, tôi đạp xe ra ga Việt Trì để lên tàu đi nhận công tác mới ở thủ đô. Không hẹn mà gặp; các em Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Trọng Bình, Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Đức Mậu cùng nhiều học sinh khác của lớp 10D và cả các lớp khác vừa tốt nghiệp đã có mặt ở sân ga để tiễn thầy giáo của mình. Không lời lẽ nào cho đủ để diễn tả cảm xúc bùi ngùi lưu luyến của thầy trò chúng tôi trong giờ phút chia tay ấy. Tôi đã thấy nhiều giọt nước long lanh trong khóe mắt các em; và chính tôi cũng phải kìm nén hết sức để không bật khóc. Khi tàu chuyển bánh, tôi cố nhoài người ra ngoài cửa sổ để vẫy chào các em; trong khi các em vẫn hướng theo tôi mà vẫy tay mãi mãi.

 Nhiều năm sau tôi sẽ biết rằng đa số các học sinh cũ của mình ở trường PTC3 Việt Trì ngày ấy đều trưởng thành để có những sự nghiệp xứng đáng trong đời. Nguyễn Thị Thanh sẽ tốt nghiệp Đại học Tài chính để trở thành Kế toán trưởng một Công ty Điện ảnh nổi tiếng; Nguyễn Trọng Bình trở thành Đại tá Công an (hưởng lương Thiếu tướng); Nguyễn Thị Kim Ngân tốt nghiệp Kỹ sư Cơ điện để trở thành Giảng viên trường Cao đẳng Cơ khí Thái Nguyên; Trần Đức Mậu tốt nghiệp Học viện Ngoại giao để trở thành Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại CHLB Đức và Vụ trưởng của Bộ Ngoại giao…

 Nhưng tôi sẽ mãi mãi không quên hàng trăm cựu học sinh các khóa của trường PTC3 Việt Trì đã nhập ngũ và hy sinh trong cuộc chiến tranh đẫm máu trên đất nước ta (danh sách thống kê chưa đầy đủ của trường đã dừng lại ở con số 84 liệt sĩ).

 

 Tiếp theo, tôi cũng xin có mấy lời về anh Trần Lưu Đạm - vị hiệu trưởng đầu tiên trong 5 năm đầu sự nghiệp giáo dục của mình.

 Về chuyên môn học thuật, anh là một giáo viên giỏi có sức hút mạnh mẽ đối với học sinh. Là một nhà quản lý giáo dục trên cương vị của mình, anh rất biết người biết việc để phát huy mặt mạnh, khắc phục điểm yếu của giáo viên trong trường. Tôi biết ơn anh về những sự ưu ái mà anh đã dành cho tôi để có thể phát huy hết khả năng của mình. Những ưu điểm trong công tác quản lý với những “thành tích thi đua” nổi bật cộng thêm chỗ dựa vững chắc nơi ông anh Trần Lưu Vị trên Tỉnh Ủy đã giúp anh trở thành vị hiệu trưởng có nhiệm kỳ lâu dài nhất trong lịch sử trường PTC3 Việt Trì (từ 1965 đến 1987).

 Tuy nhiên, cái quyền lực tuyệt đối mà Đảng trao cho các thủ trưởng cơ quan, vốn được dùng để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong phong trào cách mạng, lại được anh tận dụng theo cách riêng để thỏa mãn dục vọng cá nhân mình. Nghe nói anh từng gạ gẫm cô giáo văn Phạm Thị Chi mũm mĩm dễ thương, nhưng đã bị cô dứt khoát cự tuyệt; và cô giáo toán Ngô Thị Thu Nga người Hà Nội đã cho hiệu trưởng Đạm một cái tát nảy lửa khi anh định đưa cô lên giường. Đã có những đơn thư tố cáo các vụ “hủ hóa” của anh, nhưng chúng không đủ bằng cớ nên cấp trên không xem xét.

 Cho đến khi anh chinh phục được một cô kế toán của trường thì đã xảy ra sự cố bất thường vào năm 1987 (khi ấy tôi đi khỏi trường đã lâu, nhưng được nghe các bạn cũ ở đây kể lại). Phát hiện ra cô kế toán mò đến phòng Hiệu trưởng để làm chuyện mờ ám với anh Đạm, chị Vũ Kim Hường lập tức ập đến để bắt quả tang cuộc tình vụng trộm này. Thế là giữa hai người đàn bà tranh nhau một gã đàn ông đã xảy ra một cuộc cãi vã rồi chuyển sang cấu xé nhau dữ dội, khiến hiệu trưởng không sao dàn xếp được. Sự việc trở nên om xòm đã kéo nhiều giáo viên và nhân viên trong trường đến xem. Do sự giằng co giữa chị Hường với cô kế toán, bức tượng Bác Hồ bằng thạch cao đặt uy nghi trên bàn  giấy hiệu trưởng bất ngờ bị kéo rơi xuống đất vỡ tan thành nhiều mảnh trước sự chứng kiến của mọi người.

 Ngay sau đó, một lá đơn tố cáo hiệu trưởng Đạm “quan hệ nam nữ bất chính” gây hậu quả nghiêm trọng về chính trị bằng hành vi “đập vỡ tượng Hồ Chủ tịch” đã  được gửi lên lãnh đạo Tỉnh và Ty Giáo dục. Với đầy đủ chữ ký của các nhân chứng kèm theo vật chứng (là các mảnh tượng vỡ), đơn này đã được cấp trên xem xét và xử lý. Kết quả là đồng chí Trần Lưu Đạm bị cho thôi chức Hiệu trưởng trường PTC3 Việt Trì để chuyển về Ty Giáo dục làm công tác chuyên môn không giữ chức vụ gì. Khi ấy anh Đạm chưa tròn tuổi 50, nhưng vụ mất ghế Hiệu trưởng đã khiến anh suy sụp tinh thần mà không thể phục hồi sự nghiệp của mình; để rồi 10 năm sau anh sẽ từ trần trong tâm trạng u uất.

 Kể lại câu chuyện trên, tôi hoàn toàn không có ý bôi đen hình ảnh nhà giáo Trần Lưu Đạm, mà chỉ muốn nêu lên một dẫn chứng để minh họa cho luận điểm của Lord Acton về mối quan hệ giữa quyền lực với sự tha hóa của con người (đã trích dẫn ở Chương Mười Hai sách này). Trong quan hệ giữa con người với nhau, tôi vẫn ghi nhận những ấn tượng tốt đẹp về anh Đạm, và đặc biệt quý mến chị Vĩnh Nga - người vợ chung thủy suốt đời đã cùng anh sinh thành và dưỡng dục nên người cả một đàn con đông đúc (3 gái 2 trai): Thanh Thanh, Hiền Lương, Hoài Ân, Nhân Ái, Hồng Ngọc.

Dù sao đi nữa, 5 năm dạy học ở Việt Trì đã khiến tôi yêu quý vô cùng xứ sở và con người nơi thành phố ngã ba sông này, để có thể tự hào nhận mình đã là “dân Việt Trì”, cũng như trước kia đã từng là “dân Thanh Hóa” rồi là “dân Hải Phòng”; và lúc này đang trở về làm “dân Hà Nội”.

 

 Trở về Hà Nội, tôi đã nhập tên mình vào Sổ Hộ khẩu Gia đình của ba má để được chính thức trở thành “Người Hà Nội” thường trú tại Phòng số 77 nhà C9 Khu tập thể Kim Liên. Chỗ ở này khá chật chội, nhưng tôi cố gắng thu xếp để có thể sống và làm việc thuận tiện. Tôi dùng chung bàn làm việc với ba (trên đó có chiếc đèn bàn rất đẹp do em Hùng gửi từ Liên Xô về). Lấy những tấm gỗ thông được tháo ra từ kiện hàng đựng chiếc xe Babetta của ba khi mới mua về, tôi đóng một chiếc giá đựng sách có 4 ngăn treo tường, làm nơi xếp các sách chuyên môn của hai cha con. Chỗ ngủ thì đã có chiếc giường xếp Liên Xô khá êm; lại thêm chiếc quạt máy “Pinguin” (một phiên bản mới của quạt “tai voi” do em Hùng gửi về cho ba ). Thế là ổn.

 Dĩ nhiên tôi đã nhập tiêu chuẩn lương thực của mình (13,5kg/tháng) vào sổ gạo của gia đình, giao hết tem phiếu thực phẩm cùng tiền ăn hàng tháng của mình cho má; và chính tôi sẽ thường xuyên xếp hàng mua lương thực - thực phẩm cho cả nhà.

 Cô Lý (vợ nhà toán học Phạm Văn Hoàn) rất vui mừng khi biết tôi đã chuyển công tác để về sống với gia đình ở đây. Cô liền đề nghị tôi tham gia công tác thiếu niên - nhi đồng ngay trong dịp nghỉ hè này. “Bọn trẻ được thả rông trong hè thường hay quậy phá, có đứa còn trộm cắp nữa, nên ta phải thu hút các cháu vào một hoạt động tập thể gì đó!”- cô bảo tôi. Sau khi tìm hiểu khả năng và sở thích của bọn trẻ ở các gia đình láng giềng, tôi quyết định tổ chức “Giải vô địch cờ tướng thiếu niên nhà C9”. Dán bản Thông báo về giải đấu này ở Bảng tin tại cổng cầu thang thứ ba nhà C9, tôi đã tập hợp được 15 “kỳ thủ”, tổ chức bốc thăm chia làm 3 bảng thi đấu vòng loại, chọn ra 3 em đứng đầu 3 bảng vào chung kết tranh ngôi vô địch. Quả nhiên giải đấu này đã thu hút bọn trẻ rất mạnh, khiến chúng không còn nghịch ngợm quậy phá để tập trung vào từng nước cờ nhằm giành thắng lợi trước các đối thủ đồng trang lứa.

 Nhận thấy ở khoảng sân trống giữa các tòa nhà trong khu tập thể có kê những chiếc bàn bóng bàn đúc bằng đá mài cho mọi người đến chơi tự do, tôi liền mang lưới, vợt và bóng đến chiếc bàn ở trước nhà C9 để rủ các bạn trẻ ở đây cùng chơi. Thế là hoạt động hè của thanh thiếu niên nhi đồng ở đây càng thêm sôi nổi.

 Tôi đã trở thành trợ thủ đắc lực của cô Lý bằng cách như vậy. Ngày càng tín nhiệm và quý mến tôi hơn, cô còn nhờ tôi dạy nhạc cho con gái nhỏ của cô là bé Tâm với cây đàn mandoline. Khi ấy, tôi cũng được Thủy - một nữ sinh viên yêu văn học, là con gái bác Thuần ở trên gác 4 cùng cầu thang với nhà tôi, dành cho nhiều thiện cảm. Thủy đã cho tôi mượn cuốn sổ ghi chép nhiều danh ngôn nổi tiếng để làm quen với tôi và giúp tôi trong công tác thiếu nhi. Tôi đã chép được nhiều danh ngôn hay để làm bài học cho mình từ cuốn sổ này của Thủy.

 

  quan mới của tôi - Trại Chương trình và Sách Giáo khoa B (gọi tắt là Trại Sách B) tọa lạc tại Cơ sở 2 của Bộ Giáo dục ở số nhà 197 phố Tây Sơn thuộc khu Đống Đa, Hà Nội. Nơi này vốn thuộc Thái Hà Ấp, đất phong cho cựu đại thần Hoàng Cao Khải của nhà Nguyễn, mà di tích lịch sử còn lại là một chiếc hồ bán nguyệt có thả sen súng với tấm bia đá khắc tên chủ nhân của ấp ở bên bờ. Mặc dù Hoàng đại nhân đã bị Đảng ta coi là “Việt gian bán nước, tay sai đắc lực của thực dân Pháp”, di tích trang ấp của ông vẫn gợi nên xúc cảm lịch sử của cả một thời đã qua.

 Trong không gian thoáng đãng giàu cảm xúc ấy, Trại sách B nỗ lực thực hiện “nhiệm vụ chính trị” của mình: xây dựng Chương trình Giáo dục Phổ thông 12 năm cho vùng Giải phóng miền Nam (ngang với chương trình 12 năm của VNCH ở miền Nam, khác với chương trình 10 năm của Việt Nam DCCH ở miền Bắc); đồng thời biên soạn sách giáo khoa (SGK) từ lớp 1 đến lớp 12 theo chương trình đó. Để công chúng và các quan sát viên quốc tế tin rằng các SGK này là sản phẩm của chính phủ CMLTCHMNVN (đang cai quản vùng Giải phóng miền Nam), tất cả các sách do Trại Sách B biên soạn đều được xuất bản dưới danh nghĩa “Nhà xuất bản Giáo dục Giải phóng” và không ghi tên tác giả, được in ở Trung Quốc rồi bí mật chuyển vào vùng Giải phóng miền Nam.

 Trưởng Ban Phụ trách Trại Sách B là đồng chí Nguyễn Kỳ - Cục trưởng Cục I Bộ Giáo dục; Phó Ban là các đồng chí Lê Văn Nguơn - Phó Cục trưởng Cục I, Lê Khắc Nhãn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông và Hồ Cơ - Phó Chủ nhiệm Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục. Toàn Ban Phụ trách đặt dưới quyền chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Chưởng (nguyên thiếu tướng Quân đội NDVN được điều sang Bộ Giáo dục thay Thứ trưởng Lê Liêm đã bị cách chức).

 Khi ấy, má tôi đã được chuyển công tác từ trường ĐHSP Ngoại ngữ về Trại sách B; thế nên cả ba, má và tôi cùng làm việc tại đây.

 Toàn thể cán bộ nghiên cứu - biên soạn của Trại Sách B đều là các nhà giáo có uy tín được tuyển chọn từ các cơ quan chuyên môn của Bộ, các trường ĐHSP, các viện nghiên cứu và một số trường PTC3. Trong tổng số khoảng ba chục người ở các môn học; tổ bộ môn Văn của Trại có các anh Phạm Khánh Cao, Nguyễn Hiền, Nguyễn Dương Khư, Nguyễn Gia Phương…; tổ Toán có các anh Lê Khắc Bảo, Lê Khắc Hân, Phan Thanh Quang, Nguyễn Thử, Nguyễn Khắc An, anh Toại…; tổ Lịch sử có chú Lê Khắc Nhãn (Phó Ban kiêm nhiệm), chú Nguyễn Kiên (bạn đồng nghiệp cũ của ba tôi ở trường PTC3 Lam Sơn) và tôi (người ít tuổi nhất của tổ và Trại); tổ Địa lý có các anh Vũ Xuân Thảo (từ trường ĐHSP Hà Nội I đến), Lê Văn Ngoãn (cùng trạc tuổi với tôi); tổ Vật lý có anh Lê Khánh Quỳnh, tổ Sinh vật có chị Lê Thị Huệ (PTS tốt nghiệp ở Liên Xô), tổ Ngoại ngữ có chị Đỗ Thị Thanh (bạn đồng nghiệp của ba má tôi ở trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội), tổ Giáo dục Công dân có anh Phan Thanh Diễn ( từ Viện Triết học đến); ngoài ra còn có các anh Nguyễn Có, Âu Thanh Minh, Nguyễn Hữu Trí, Trương Công Thành, anh Hóa, anh Ký, anh Sủng… (tôi không nhớ các anh thuộc tổ bộ môn nào).

 Phục vụ cho Ban Phụ trách và đội ngũ cán bộ chuyên môn đó có một tổ nhân viên 4 người là má tôi (phụ trách hành chính - quản trị), cô Long Giang ( văn thư - thư viện), anh Tính ( hậu cần) và một cô gái tươi trẻ làm thủ quỹ kiêm kế toán mà tôi không nhớ tên.

 

 Theo chương trình đã được soạn thảo từ trước, chú Nhãn và tôi chịu trách nhiệm biên soạn 2 cuốn SGK Lịch sử cho 2 lớp cuối Cấp I theo phương pháp kể chuyện lịch sử. Chú Nhãn trực tiếp biên soạn cuốn Lịch sử lớp 4 (do tôi biên tập), còn tôi sẽ viết cuốn Lịch sử lớp 5 (do chú Nhãn biên tập). Đồng thời, tôi với chú Nguyễn Kiên sẽ phối hợp với nhiều cộng tác viên ở ĐHSP và các cơ quan chuyên môn của Bộ để biên soạn các sách Lịch sử Cấp 2 và Cấp 3 (từ lớp 6 đến lớp 12).

 Với kế hoạch đó, trọng tâm công tác của tôi đặt ở cuốn Lịch sử lớp 5 viết về những câu chuyện lịch sử Việt Nam từ 1858 (thực dân Pháp xâm lược nước ta) cho đến đầu năm 1973 (kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ). Đó chính là 2 giai đoạn của LSVN mà tôi đã giảng dạy nhuần nhuyễn trong chương trình Lịch sử lớp 9 (từ 1858 đến 1918) và lớp 10 (1918-1973) ở trường PTC3 Việt Trì. Nhưng làm thế nào để biến các sự kiện nổi bật trong đó thành những câu chuyện lịch sử cho học sinh lớp 5 có thể học được là cả một vấn đề nan giải. Vì vậy, tôi phải đến Thư viện Quốc gia để khai thác kho lưu trữ tài liệu sách báo ở đây, tìm ra những chuyện lịch sử thích hợp để áp dụng phương pháp sư phạm viết thành từng bài học trong sách; lại còn phải chọn  các bức ảnh lịch sử (hoặc vẽ lại các sự kiện) để bổ sung thông tin hình ảnh cho các bài đó, rồi thiết kế các bài tập và câu hỏi cho học sinh giải đáp. Quả là một khối lượng công việc rất lớn; nhưng trong tâm trạng đầy hứng thú với những ý tưởng sáng tạo của mình được thể hiện trong SGK, tôi đã từng bước hoàn thành mỹ mãn tất cả các công việc ấy.

 

 Trung  tuần tháng 8-1973, ba tôi nhận được bức điện của em Hùng gửi từ Liên Xô về, thông báo chính xác ngày giờ đoàn tàu chở em về nước sẽ đến ga Hàng Cỏ (Hà Nội). Cả nhà rộn ràng vui như tết để chuẩn bị đón cậu con trai thứ của gia đình, sau 6 năm du học  Liên Xô đã tốt nghiệp đại học và trở về tổ ấm của mình.

 Đúng ngày đã hẹn, tôi và em Dũng dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ và kéo nước đổ đầy các chum vại; má đi mậu dịch và ra chợ mua thực phẩm, rồi đến tổ hợp tác đổi bún (1kg gạo mậu dịch đổi được 2,7kg bún) chuẩn bị cho bữa ăn tươi. Tôi còn mua một bó hoa sen rất đẹp cắm vào bình đặt trên bàn để người đi xa mới về được tận hưởng hương vị quê nhà.

 Buổi chiều mát trước giờ tàu đến, tôi đạp xe ra ga Hàng Cỏ đón cậu em.

 Thương tích to lớn do bom Mỹ gây ra cho tòa sảnh chính của Ga Hàng Cỏ vẫn chưa hàn gắn xong, nhưng nhà ga đã hoạt động tấp nập để đón đoàn tàu Liên vận Quốc tế từ Mátxcơva qua Bắc Kinh về Hà Nội.

 Tại sân trước nhà ga, một dãy ô tô các loại, từ Volga đen qua Pobeda màu xi măng và Moskovich màu sữa cho đến các xe commăngca “đít vuông” đứng san sát bên nhau để phô trương tầm cỡ cán bộ của các “cốp” to ra đón công tử hoặc tiểu thư của mình vừa đi du học trở về. Khuất sau dãy ô tô là nơi để xe máy của các “cốp” hạng trung. Ở một góc sân ga có một dãy các xe xích lô và ba gác (được gọi chung là “phương tiện vận tải thô sơ”) đậu đúng chỗ quy định dành cho “nhân dân lao động” tức các “phó thường dân” mang xe đến với hy vọng kiếm được một vài đồng bạc tiền công chuyên chở. Chen lẫn trong đám đông những người ra ga đón thân nhân còn có nhiều “con phe” đến đây với hy vọng mua được món hời do các lưu học sinh mang ở nước ngoài về; lại có cả những chú “lính mổ” trà trộn trong đám đông này để “cải thiện đời sống” bằng ngón nghề của riêng mình.

 Gần tới giờ tàu đến, tôi gửi xe đạp tại nơi quy định rồi mua vé vào ga (giá 2 hào) để đón người thân. Khi nắng chiều tắt và ánh điện soi sáng sân ga thay ánh mặt trời, chiếc đầu máy diesel nổi hồi còi vang kéo đoàn tàu Liên vận từ từ tiến vào, rồi dừng bánh trong tiếng reo hò náo nhiệt với rừng tay vẫy cùng những bó hoa giơ cao của những người ra đón. Không phải chờ lâu, tôi đã thấy cậu em mình bước từ cửa toa tàu xuống sân ga và hai anh em tôi ôm chầm lấy nhau sau 6 năm xa cách. Tôi thấy Hùng mạnh khỏe hơn mình nhiều, rõ ràng cuộc sống sung sướng ở Liên Xô đã giúp em tôi có thân hình như vậy. Nhưng còn có một chàng trai dáng người thấp đậm săn chắc đứng cạnh Hùng: “Đây là Nguyễn Đệ, bạn đồng học của em!”- Hùng giới thiệu. Tôi thân mật bắt tay Đệ và trò chuyện thân mật với cậu này.

 Vừa lúc đó, tôi bỗng thấy một cô gái có dáng vẻ không cao nhưng nổi bật về trang phục vừa bước xuống từ một toa cách chỗ tôi đứng không xa, rồi trò chuyện tíu tít với những người ra đón mình. Dưới ánh đèn sân ga không quá sáng, thốt nhiên tôi nhận ra ngay người ấy chính là “cô láng giềng” yêu quý đã khiến trái tim mình thổn thức suốt một thời. Đã tám năm trôi qua với biết bao vật đổi sao dời để biến người thiếu nữ mới lớn năm xưa thành cô gái thanh tân ngoài tuổi đôi mươi. Giờ đây Thanh Tâm để tóc xõa ngang vai (chứ không tết thành hai dải đuôi sam như trước) và mặc bộ váy áo kiểu Nga (chứ không phải quần đen áo sơ mi cổ lá sen như xưa), nhưng khuôn mặt với ánh mắt và nụ cười ấy vẫn y như ngày nào, khiến tôi muốn lao đến để được hàn huyên cùng nàng. Nhưng rồi sự dụt dè nhút nhát khi xưa cũng lại nổi lên để kìm chân tôi lại: “Mình chưa có dịp nào được gần gũi để giãi bày tâm sự với nàng, mà lúc này bỗng đột ngột đến gặp thì hóa ra là rất vô duyên!”. Nàng đã liếc nhìn về phía tôi, nhưng dường như cũng vì nhiều lẽ mà không tiện đến gặp tôi trò chuyện. Thế là vẫn cứ như xưa, hai chúng tôi chỉ trao cho nhau những ánh mắt đầy cảm xúc mà không đạt đến cuộc hội ngộ để nói nên lời. Đây là lần cuối cùng tôi được ngắm Thanh Tâm tận mắt, để rồi lưu giữ suốt đời hình ảnh tuyệt vời của nàng trong trái tim mình.

 Cùng với Hùng và Đệ đến toa chở hàng nhận hành lý chuyên chở từ Liên Xô, tôi chạy ra ngoài ga gọi 2 chiếc xích lô đến chở hai chàng lưu học sinh về nhà với số hành lý khá cồng kềnh; còn tôi đạp xe theo để dẫn đường về khu tập thể Kim Liên.

LÊ VINH QUỐC

Các Bài viết khác