NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NƯỚC CHẢY DƯỚI CHÂN CẦU, CHƯƠNG 14, Phần 4

( 10-07-2019 - 07:20 AM ) - Lượt xem: 666

Nhận thấy trên toàn miền Nam quân địch đã mất tinh thần chiến đấu, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội NDVN chỉ thị cho Bộ Tư lệnh QGP trên các chiến trường miền Nam đẩy mạnh tiến công theo tư tưởng chiến lược “thần tốc, thần tốc hơn nữa - táo bạo, táo bạo hơn nữa” để đánh nhanh thắng nhanh khiến cho địch không kịp hồi phục mà nhanh chóng sụp đổ.

4. Tổng tiến công mùa xuân 1975

 

Nỗi buồn của gia đình chúng tôi chỉ được khỏa lấp khi hai anh em Trần Trọng Triệu và Trần Trọng Phương ở Hải Phòng lên Hà Nội đến thăm chúng tôi tại nhà C9 KTT Kim Liên. Trong chuyến đi này, Phương mặc quân phục, chứng tỏ rằng đây là kỳ nghỉ phép để đi thăm bà con họ hàng và bè bạn thân thiết của cậu ấy trước khi cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam. Triệu cũng xin nghỉ phép để cùng đi với em trai. Nhận thấy Triệu đã có cặp kính cận mới để sử dụng trong chuyến đi này, tôi cảm thấy an tâm khi nhớ lại vụ mất kính của Triệu trong lúc xếp hàng mua vé xem phim cho tôi ở Hải Phòng mấy năm về trước.

 Ba má tôi nồng nhiệt đón tiếp Triệu-Phương bằng mấy bữa ăn tươi; còn tôi đưa hai bạn đi thăm những danh lam thắng cảnh và các bảo tàng ở thủ đô Hà Nội. Bằng chiếc máy ảnh “Smena”, tôi đã ghi lại một số hình ảnh để kỷ niệm chuyến đi đáng nhớ của anh em Triệu-Phương ngày ấy.

 Tôi lại có thêm niềm vui khi được gặp lại hai cô học trò cũ ở  trường PTC3 Việt Trì, nay đã trở thành sinh viên đại học là Lê Thị Hồng ( ở khoa Tại chức trường đại học Xây dựng) và Đỗ Thị Lan (tại trường đại học Bách khoa). Cả hai cô sống trong ký túc xá sinh viên gần KTT Kim Liên, nên khi rỗi rãi tôi thường đến thăm họ để gắn bó tình cảm như xưa, nhất là với em Lê Thị Hồng mà mình đã từng đặc biệt cảm mến.

 

Mùa xuân Ất Mão 1975 tràn đầy niềm tin và hy vọng đến rất nhanh.

Chỉ sau tết ít ngày, các SGK đưa sang Trung Quốc in đã hoàn thành tốt đẹp và lần lượt được chở về Trại Sách B để đóng gói chuyển vào vùng Giải phóng miền Nam. Trong số đó, có cuốn “Lịch sử lớp 5”(NXB Giải Phóng, 1975) - ấn phẩm đầu đời của tôi - được in rất đẹp với bìa màu da cam làm nổi bật bức ảnh lịch sử miêu tả cuộc biểu tình của quần chúng cách mạng tiến chiếm Bắc Bộ Phủ trong Cách mạng tháng Tám 1945. Cầm cuốn sách khổ 15cm x 22,5cm dày 136 trang còn thơm mùi mực, tôi đọc thật kỹ từng trang, và cảm thấy tự hài lòng với mình về từng chi tiết được thể hiện trong sách, từ nội dung các câu chuyện lịch sử, qua phương pháp dạy học với những hình ảnh minh họa, cho đến các bài tập nhận thức. Tôi tin rằng đây là cuốn SGK lịch sử tốt, được thể hiện bằng phương pháp mới, nên sẽ có hiệu lực dạy học cao so với các SGK cùng loại hiện có ở miền Bắc.

 Khi bộ SGK của Trại Sách B bắt đầu được chuyển dần từng đợt vào miền Nam, một đoàn cán bộ Bộ Giáo dục do Thứ trưởng Lê Chưởng dẫn đầu đã “đi B” để khảo sát tình hình giáo dục vùng Giải phóng miền Nam theo chương trình và SGK do Trại Sách B biên soạn. Thứ trưởng gặp nạn và từ trần (tháng 10-1973), Cục trưởng Nguyễn Kỳ lên thay làm trưởng đoàn. Dẫn đoàn trở về Hà Nội để báo cáo kết quả khảo sát, Cục trưởng Nguyễn Kỳ đã khen ngợi một số SGK được biên soạn tốt, rồi ông cho biết:“Cuốn Lịch sử lớp 5 đã được các chuyên gia giáo dục của UNESCO đánh giá cao về phương pháp sư phạm”. Tôi cảm thấy rất tự hào về sự đánh giá này.

 Tiếc rằng thời hiệu sử dụng bộ SGK do Trại Sách B biên soạn chỉ kéo dài trong khoảng 5 năm (1975-1980), nên cuốn “Lịch sử lớp 5” của tôi chưa thể phát huy hết hiệu lực của nó.  Nhưng đến khi bộ SGK do Trại Sách B biên soạn đã hoàn thành sứ mệnh và đi vào quên lãng, tôi đã nhận ra những sai lầm nghiêm trọng trong nội dung cuốn “Lịch sử lớp 5” của mình, tập trung ở các câu chuyện lịch sử kể về cách mạng miền Nam và cuộc “kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Chẳng hạn,  một “bài đọc thêm” trong sách nhan đề “Quân Mỹ-Diệm ăn thịt người” có những đoạn tường thuật kinh khủng như thế này: “Tôi có đến T.D. trước đây ba năm, bọn Mỹ-Diệm kéo quân về thôn này lùng bắt tất cả đàn ông từ 17 tuổi trở lên, được 350 người. Sau khi đánh đập tàn nhẫn, người thì bể đầu, người gãy chân tay, chúng đẩy cả đoàn người vô tội ấy xuống những cái hầm cạn trong một đám ruộng lầy. Chúng đem ra hai đôi trâu mắc vào hai cái bừa rồi bừa lên đầu đám người ấy. Máu loang ra lênh láng cả đám lầy. Những tiếng rú ghê hồn. Đến 12 giờ trưa, không một thân người nào còn nguyên vẹn nữa; mà hai con trâu cũng chết. Đám ruộng lầy đã thành một bể máu!” . Mặc dù đoạn văn đó được trích từ một bức thư gửi từ Quảng Nam trong tập “Từ tuyến đầu Tổ quốc”, tôi biết chắc rằng sự việc được miêu tả trong đó là hoàn toàn bịa đặt (cũng như tập “Từ tuyến đầu Tổ quốc” là một tác phẩm do các nhà tuyên huấn của Đảng ta hư cấu để làm “công tác tư tưởng” cho cách mạng miền Nam). Lại nữa, để khắc họa thắng lợi của ta trong việc ký Hiệp định Paris đưa quân Mỹ về nước (29-3-1973), cuốn SGK của tôi đã có  bài “Viên sĩ quan Mỹ da đen với chiếc huy hiệu Hồ Chủ tịch” để kể về một sĩ quan Mỹ da đen, trước lúc lên máy bay về nước, đã hỏi xin một sĩ quan Quân đội NDVN chiếc huy hiệu Hồ Chủ tịch để làm kỷ niệm với lời phát biểu rằng: “Bác Hồ, người bạn thân thiết nhất của tất cả mọi người nghèo khổ, mọi người bị áp bức trên thế giới. Tôi đã đọc nhiều tác phẩm nói về Người…”; và rồi: “Ngày mai về đến nước Mỹ với gia đình, tôi sẽ đặt huy hiệu Bác Hồ ở nơi tôn kính nhất trong nhà”. Mặc dù câu chuyện này được viết theo Hoàng Hạc (Báo “Thống Nhất”), tôi cũng biết chắc rằng đó là sự việc hoàn toàn bịa đặt của một cán bộ tuyên huấn của Đảng ta nhằm ca tụng Đảng-Bác trong cuộc chiến tranh này.

Việc đưa những sự việc bịa đặt như vậy vào SGK lịch sử là điều không thể chấp nhận được, khiến tôi ân hận và day dứt mãi. Có lẽ khi khen ngợi cuốn sách của tôi, các chuyên gia UNESCO chưa có điều kiện đọc kỹ nội dung của nó.

 

 Nền hòa bình mong manh do Hiệp định Paris mang lại chỉ tồn tại chưa đến 2 năm. Giải pháp “hòa hợp - hòa giải” tan nhanh như bong bóng xà phòng; giờ đây chính phủ VNCH phải đơn độc đương đầu với vùng Giải phóng miền Nam (thuộc quyền chính phủ CMLTCHMNVN) cùng Quân đội NDVN đã có sẵn ở miền Nam và từ miền Bắc liên tục kéo vào để trở thàng Quân Giải phóng miền Nam (QGP).

 Tháng 8-1974, Hội đồng An ninh Quốc Gia VNCH dưới sự chủ trì của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã họp tại Sài Gòn để duyệt xét Kế hoạch Quân sự năm 1975 mang tên “Lý Thường Kiệt” nhằm giữ vững lãnh thổ thuộc chính phủ VNCH và xóa bỏ các vùng lấn chiếm của Việt Cộng. Kế hoạch này thành công đến đâu là tùy thuộc vào việc Mỹ sẽ viện trợ cho VNCH nhiều hay ít.

 Tháng 9-1974, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam cùng với Trung ương Cục miền Nam, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Duẩn và sự hiện diện của đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, đã họp tại Hà Nội để thông qua Nghị quyết về Giải phóng miền Nam trong 2 năm (1975-1976). Nghị quyết này sẽ được thực hiện sớm hay muộn cũng tùy thuộc vào việc Hoa Kỳ sẽ quay lại yểm trợ cho VNCH hay là không.

 Việc thực hiện nghị quyết đã khởi sự bằng Chiến dịch Phước Long (được coi là đòn “trinh sát chiến lược”) với lực lượng của Quân đoàn IV Quân đội NDVN do thiếu tướng Hoàng Cầm chỉ huy (gồm các sư đoàn Bộ binh số 3 - sau chuyển thành 302, số 7, số 9 và các đơn vị phối thuộc), kết hợp với các lực lượng của Bộ Tư lệnh QGP mặt trận miền Đông Nam Bộ (B2) tiến hành.

Tỉnh Phước Long (cách Sài Gòn 120km về phía bắc) thuộc phạm vi trấn giữ của Quân đoàn 3 - Quân khu III Quân lực VNCH (gồm các Sư đoàn Bộ binh số 5, 18, 25 và các đơn vị phối thuộc) do trung tướng Dư Quốc Đống làm tư lệnh.

 Chiến sự bùng nổ đêm rạng ngày 13 -12-1974 khi các trung đoàn chủ lực QGP tiến công các tiền đồn phòng thủ bao quanh tỉnh lỵ do Địa phương quân VNCH, gồm 5 tiểu đoàn Bảo an và 46 trung đội Dân vệ phòng giữ. Địa phương quân đã chiến đấu quyết liệt, lại được tăng cường bằng hỏa lực của sư đoàn Không quân số 5 và pháo binh thuộc Quân đoàn 3, nhưng vẫn không cản nổi sức tiến công của QGP có xe tăng và pháo binh yểm trợ. Tướng Dư Quốc Đống liền tung Liên đoàn Biệt kích Dù 81, Chiến đoàn 7 và Chiến đoàn 8 vào trận; nhưng QGP vẫn đẩy lùi và lần lượt đánh bại các đơn vị này. Tướng Đống điện về Sài Gòn, yêu cầu chính phủ và Bộ Tổng tham mưu điều động Sư đoàn Dù (đang trấn đóng tại Quân khu I) vào tăng viện cho chiến trường Phước Long. Nhưng tổng thống Thiệu không cho phép sử dụng sư đoàn thuộc lực lượng tổng trù bị chiến lược này. Thay vào đó, ông khen thưởng các chiến hữu tử thủ để bảo vệ Phước Long, cho báo chí mở chiến dịch tố cáo Cộng sản Bắc Việt trắng trợn xé bỏ Hiệp định Paris, đồng thời cấp báo tình hình để kêu gọi sự yểm trợ của Hoa Kỳ.

 Một Lực lượng Đặc nhiệm Hải quân Hoa Kỳ với tàu Sân bay Enterprise đã tiến vào biển Đông nhưng không hành động; trong khi Đại sứ Martin thông báo với Tổng thống Thiệu rằng: “Yểm trợ của Hoa Kỳ lúc này là chưa được phép!”. Trong tình hình đó, QGP mở đợt tấn công cuối cùng đánh chiếm toàn bộ tỉnh Phước Long (6-1-1975), thu nhiều vũ khí  (quý nhất là 17.000 viên đạn đại bác để bổ sung cho kho quân khí đang thiếu thốn của QGP). Trong tổng số 5.400 sĩ quan và binh lính VNCH tham chiến ở Phước Long, 4.550 người đã bị giết hoặc bắt sống, chỉ có 850 người chạy thoát. Tướng Đống đã từ chức sau thất bại nặng nề này.

 Ngày 10-1, tổng thống Thiệu tuyên bố VNCH dành 3 ngày để truy điệu và cầu nguyện cho sự thất thủ Phước Long; trong khi người phát ngôn Nhà Trắng tuyên bố: “Tổng thống Gerald Ford đã và đang theo dõi cuộc chiến ở VNCH, nhưng không có ý vi phạm sự cấm chỉ sử dụng lực lượng quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam”.

 

 Thắng lợi của chiến dịch “trinh sát chiến lược” Phước Long đã giúp Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội NDVN hiểu rõ thực lực của Quân lực VNCH không đủ mạnh để đối phó với một cuộc tổng tiến công mới trên toàn lãnh thổ miền Nam; đồng thời nhận ra rằng Hoa Kỳ đã dứt khoát từ bỏ mà không quay trở lại yểm trợ cho VNCH khi chiến sự bùng nổ trở lại. Từ đó, Đảng đã điều chỉnh mục tiêu kế hoạch: giải phóng miền Nam trong vòng 1 năm bằng cuộc Tổng tiến công chiến lược trong mùa xuân 1975.

 Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội NDVN do đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng đầu, Bộ Tư lệnh QGP tại chiến trường miền Nam được thành lập với Chính ủy Lê Đức Thọ, Tư lệnh  là đại tướng Văn Tiến Dũng, hai Phó Tư lệnh là thượng tướng Trần Văn Trà và nữ trung tướng Nguyễn Thị Định.

 Khi ấy, theo số liệu thống kê đầu năm 1975 (chưa tính những biến động sau trận Phước Long), Quân lực VNCH có tổng quân số 1.351.000 binh lính và sĩ quan (bao gồm 495.000 quân chủ lực, 475.000 địa phương quân và 381.000 dân vệ). Binh lực được bố phòng trên toàn lãnh thổ như sau:

-          Quân khu I - Quân đoàn 1: bao gồm các sư đoàn bộ binh 1, 2, 3 và 2 sư đoàn tổng trù bị (Dù và TQLC) cùng nhiều binh đoàn phối thuộc và địa phương quân.

-          Quân khu II - Quân đoàn 2: bao gồm các sư đoàn bộ binh 22, 23 cùng nhiều binh đoàn phối thuộc và địa phương quân.

-          Quân khu III - Quân đoàn 3: bao gồm các sư đoàn bộ binh 5, 18, 25 cùng nhiều binh đoàn phối thuộc và địa phương quân.

-          Quân khu IV - Quân đoàn 4 (bao gồm các sư đoàn bộ binh 7, 9, 21 cùng nhiều binh đoàn phối thuộc và địa phương quân.

-          Biệt khu Thủ đô (gồm lữ đoàn an ninh thủ đô và 11 tiểu đoàn bảo an).

 Bên cạnh đó còn có lực lượng hùng hậu của Không quân (với 1.683 máy bay quân sự các loại tại các căn cứ lớn  Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Đà Nẵng) và Hải quân (579 hạm tàu các loại tại các căn cứ Đà nẵng, Cam Ranh, Sài Gòn…).

 Quân lực VNCH được coi là “lực lượng quân sự lớn thứ tư trên thế giới” (chỉ sau Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Cộng); nhưng do viện trợ Mỹ cho VNCH bị cắt giảm quá nhanh (từ 1.614 triệu USD trong tài khóa 1972-1973 xuống 780 triệu USD trong tài khóa 1974-1975) mà không có khả năng bồi đắp, nên tổng thống Thiệu mất niềm tin vào sức mạnh của mình.

 Để đánh bại một địch thủ như vậy, các quân đoàn chủ lực Quân đội NDVN ( trở thành QGP) lần lượt được thành lập và liên tục được bổ sung vào chiến trường miền Nam:

-          Quân đoàn IV: bao gồm các sư đoàn bộ binh số 3, 7, 9 cùng nhiều binh đoàn phối thuộc và các đơn vị QGP trên chiến trường miền Đông Nam Bộ.

-          Quân đoàn III: bao gồm các sư đoàn bộ binh số 2, 10, 316, 320A, 968 cùng nhiều binh đoàn phối thuộc và các đơn vị QGP trên chiến trường Tây Nguyên.

-          Quân đoàn II: bao gồm các sư đoàn bộ binh 304, 324, 325, sư đoàn phòng không 673 cùng nhiều binh đoàn phối thuộc và các đơn vị QGP trên chiến trường Trị Thiên - Huế.

-          Đoàn 232 (tương đương một Quân đoàn): bao gồm sư đoàn 5 với nhiều binh đoàn phối thuộc và các đơn vị QGP trên chiến trường miền Tây Nam Bộ.

-          Quân đoàn I: bao gồm các sư đoàn bộ binh 312, 390 và sư đoàn phòng không 367 cùng các binh đoàn  phối thuộc làm lực lượng trù bị của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội NDVN.

 

 Cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 được bắt đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên do trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh với lực lượng của Quân đoàn III cùng QGP mặt trận Tây Nguyên (B3), nhằm đánh vào Quân khu II - Quân đoàn 2 Quân lực VNCH do trung tướng Phạm Văn Phú làm Tư lệnh.

 Đêm rạng ngày 4-3-1975, các trung đoàn QGP thuộc sư đoàn 968 và sư đoàn 320A đã mở đầu chiến dịch bằng các cuộc pháo kích và tiến công đánh chiếm các cứ điểm trọng yếu ở bắc Tây Nguyên bao quanh hai thị xã Kon Tum và Pleiku do sư đoàn 22 Quân lực VNCH cùng các đơn vị phối thuộc và địa phương quân trấn giữ.

 Cho rằng bắc Tây Nguyên chính là trọng điểm tiến công của quân Bắc Việt, tướng Phạm Văn Phú đã tập trung phần lớn chủ lực của Quân đoàn 2 về đây, kể cả trung đoàn 45 (thuộc sư đoàn 23 trú đóng tại Buôn Ma Thuột) cũng được điều về Pleiku để tăng viện cho sư đoàn 22. Nhưng tướng Phú không ngờ rằng các cuộc tiến công ở bắc Tây Nguyên chỉ là những đòn nghi binh của đối phương để cắt giảm lực lượng của ông tại Buôn Ma Thuột - mục tiêu chủ yếu của quân Bắc Việt.

 Sáng ngày 10-3, pháo binh QGP giội một cơn bão lửa xuống các trung tâm phòng thủ của VNCH tại nam Tây Nguyên. Tiếp đó, trung đoàn xe tăng 273 từ trong rừng húc đổ những hàng cây cưa sẵn gần đứt để ồ ạt tiến lên, dẫn đầu cuộc tấn công của sư đoàn 10, sư đoàn 316 và các lực lượng phối thuộc khác lên tới 12 trung đoàn QGP tiến đánh Buôn Mê Thuột. Sư đoàn 23 VNCH (thiếu một trung đoàn) phòng thủ ở đây cùng các đơn vị địa phương quân, mặc dù được sư đoàn không quân 6 VNCH oanh tạc yểm trợ, vẫn  không đủ sức kháng cự với đối phương chiếm ưu thế vượt trội cả về quân số và vũ khí. Chỉ sau một ngày chiến đấu, toàn bộ Buôn Mê Thuột đã bị QGP chiếm đóng (11-3). Khi ấy, tướng Phú mới hiểu rõ sự tình. Ông liền điều động các liên đoàn biệt động quân, lữ đoàn kỵ binh thiết giáp số 2 cùng sư đoàn 23, với sự yểm trợ của không quân, tiến hành phản công tái chiếm đô thị này (12-3). Nhưng cuộc phản công lập tức sa vào thế trận phòng thủ đã chuẩn bị sẵn của các sư đoàn QGP, nên đã nhanh chóng thất bại (13-3).

 Trước tình hình nghiêm trọng đó, ngày 14-3 tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho tướng Phạm Văn Phú: “Tùy nghi di tản” rút toàn bộ Quân đoàn 2 và các lực lượng phối thuộc rời khỏi Quân khu II (tức là từ bỏ Tây Nguyên), lui về trấn giữ vùng đồng bằng ven biển miền Trung (từ Phú Yên đến Khánh Hòa).

 Thế là, vào lúc 15h chiều 15-3, hơn 60.000 quân thuộc Quân khu II VNCH với toàn bộ vũ khí trang bị và 2.000 quân xa các loại cùng 2.000 xe dân sự chở gia đình quân nhân và các nhân viên hành chính bắt đầu di tản trên đường số 7. Cuộc lui binh khổng lồ này được tiến hành vội vã và thiếu kế hoạch rõ ràng, lại bị lộ bí mật khiến đối phương biết rõ, nên đã nhanh chóng biến thành “thảm họa đường số 7”.

 Đoàn quân kéo dài dằng dặc từ Pleiku đến Cheoreo đã bị các sư đoàn 320, 320A và 968 của QGP chặn đầu, khóa đuôi và liên tục tiến công tiêu diệt. Cho đến ngày 19-3, toàn thể  Quân đoàn 2 Quân lực VNCH đã ngừng kháng cự sau khi bị tổn thất 75% lực lượng với 28.514 sĩ quan và binh lính bị giết, bị thương và bị bắt, hàng nghìn quân nhân khác đào ngũ, rã ngũ hoặc mất tích; chỉ có chưa tới 20.000 tàn binh chạy thoát về đến Tuy Hòa để tái lập sư đoàn 22.

 Với việc xóa sổ hoàn toàn Quân đoàn 2-Quân khu II VNCH, chiến dịch Tây Nguyên của QGP miền Nam đã giành toàn thắng chỉ sau nửa tháng giao tranh (từ 4-3 đến 19-3-1975).

 

 Nhận thấy trên toàn miền Nam quân địch đã mất tinh thần chiến đấu, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội NDVN chỉ thị cho Bộ Tư lệnh QGP trên các chiến trường miền Nam đẩy mạnh  tiến công theo tư tưởng chiến lược “thần tốc, thần tốc hơn nữa - táo bạo, táo bạo hơn nữa” để đánh nhanh thắng nhanh khiến cho địch không kịp hồi phục mà nhanh chóng sụp đổ.

 Theo đó, ngay sau chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế-Đà Nẵng do Bộ Tư lệnh Quân đoàn II Quân đội NDVN phối hợp với Quân khu Trị Thiên và Quân khu 5 QGP đã đồng loạt đánh vào Quân khu I - Quân đoàn 1 VNCH, nơi tập trung lực lượng mạnh nhất của địch có tổng quân số lên tới 140.000 người, do trung tướng Ngô Quang Trưởng làm tư lệnh.

 Quân đông, vũ khí nhiều nhưng khả năng chiến đấu của Quân đoàn 1 VNCH lúc này lại yếu kém vô cùng so với hồi mùa hè đỏ lửa 1972 mà họ đã tái chiếm thành cổ Quảng Trị. Giờ đây, khi đối diện với QGP, họ lo tìm đường rút lui hơn là chiến đấu. Vì thế, chỉ sau một tuần lễ (kể từ ngày 21-3), toàn bộ lực lượng của Quân đoàn 1 VNCH đã biến thành một đám tàn binh ô hợp đổ dồn về Huế và Đà Nẵng để tranh nhau xuống tàu tháo chạy ra biển. Bản thân tướng Ngô Quang Trưởng cũng bỏ quân, lên trực thăng bay ra tàu biển chạy vào Sài Gòn  nằm “trị bệnh” tại Tổng Y viện VNCH. Ngày 29-3, QGP tiến vào giải phóng Đà Nẵng, kết thúc thắng lợi chiến dịch Huế-Đà Nẵng.

 

 Đúng vào lúc tướng Trưởng bỏ chạy vào Sài Gòn thì tôi nhận được giấy gọi nhập ngũ do Khu đội Đống Đa thuộc Thành đội Hà Nội chuyển đến Trại Sách B. Má  không muốn cho tôi đi bộ đội, nên đã khuyên ba can thiệp cho tôi được ở lại với 2 lý do: con đang làm nhiệm vụ quan trọng ở Trại Sách B mà không có người thay; và sức khỏe của con không đủ để phục vụ quân đội (khi ấy, tôi rất gầy yếu với di chứng của bệnh đau dạ dầy nên chỉ đạt sức khỏe loại “B2”). Nhưng cũng như mọi lần khác, ba không muốn can thiệp cho cá nhân con mình; còn tôi cũng nhận thấy nhà mình có ba anh em trai mà chưa có ai đi bộ đội, nên mình cũng nên gánh vác việc đó thay cho các em.

 Trước ngày lên đường nhập ngũ, tôi may mắn được đón hai cựu học sinh PTC3 Việt Trì là Lê Văn Thái (sinh viên ĐHBK) và Nguyễn Quyết Tiến (sinh viên Đại học Y Hà Nội) đến thăm để đưa tiễn thầy giáo cũ của mình đi bộ đội. Ba thầy trò chúng tôi cùng nhau đi thăm các bảo tàng và danh lam thắng cảnh ở Hà Nội, để chụp những bức ảnh kỷ niệm không quên nhân sự kiện này.

 Vào một ngày đầu tháng 4-1975, tôi mang theo một số đồ dùng cá nhân và chiếc kèn harmonica đến nơi tập trung giao quân là Hội trường Nhà in Diên Hồng (thuộc Bộ Giáo dục), có má tôi đi theo đưa tiễn. Thì ra số tân binh này là quân của các cơ quan thuộc Bộ Giáo dục, nên tôi đã gặp ở đây rất đông công nhân nhà in Diên Hồng (trong đó nổi bật là anh Tế cao đến 1,85m) cùng nhiều bạn đồng nghiệp có chức vụ chuyên môn: anh Nguyễn Quang Vinh và anh Vũ Xuân Đĩnh (ở Viện Khoa học Giáo dục), anh Hưng và anh Quyền (ở báo Người Giáo viên Nhân dân); đặc biệt có anh Lã Quang Quỳnh (ở NXB Giáo dục) đeo kính cận nặng với một gót chân đau được băng kín mít, đến cùng  hai người đưa tiễn là cô vợ trẻ đẹp và ông bố vợ là nhà nhiếp ảnh danh tiếng Võ An Ninh với râu tóc bạc phơ như tiên ông trong truyện cổ tích. Mọi người thì thầm rằng anh Quỳnh muốn trốn cuộc nhập ngũ này, nên đã đưa gót chân vào bánh xe đạp đang chạy để gây thương tích làm lý do triển hoãn; rồi lại dùng uy tín của cụ Võ An Ninh để can thiệp giúp mình. Nhưng, mặc dù cụ Võ phát biểu rất hay được mọi người tán thưởng,  rốt cuộc rồi anh vẫn phải chống nạng lên đường cùng tất cả chúng tôi.

 Các tân binh lên ô tô chạy thẳng về tỉnh miền núi biên giới Lạng Sơn, qua Ải Chi Lăng (nơi nghĩa quân Lam Sơn đã chém đầu tướng giặc Liễu Thăng hồi thế kỷ XV) rồi dừng lại ở bản Lùng Tém cách thị trấn Đồng Đăng một quãng đường đi bộ mất hơn nửa giờ. Xuống xe, tất cả mọi người đều được nhận quân phục với cấp hiệu binh nhì (nền đỏ với một ngôi sao trắng trên cổ áo) cùng quân hiệu sao vàng có vành tròn trên mũ cối (và mỗi người sẽ nhận 5 đồng / tháng tiền “sinh hoạt phí” thay cho tiền lương cán bộ trước đây của mình). Khi ấy, tôi mới biết rằng tổng số tân binh đợt này còn bao gồm các cán bộ giảng dạy của các trường đại học và trung cấp sư phạm. Nhờ đó tôi đã được gặp và chung sống trong doanh trại với nhiều bạn bè thân thiết cũ: anh Trịnh Vương Hồng (khoa Sử),  anh Trương Quang Dốc (khoa Địa) và anh Bùi Công Minh (khoa Văn, tác giả bài thơ “Hành khúc Ngày và Đêm” đã được Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc trở thành một ca khúc nổi tiếng) từ ĐHSP Hà Nội 1 đến; anh Mão (một tay guitare cự phách nhưng bị viêm khớp nặng), anh Sâm (có khuyết tật ở mắt nhưng vẫn hăng say văn nghệ-thể thao) và cậu Chới (trẻ khỏe đẹp trai) từ khoa Nga, anh Hiểu (có biệt tài kể chuyện tiếu lâm) từ khoa Trung ĐHSP Ngoại Ngữ Hà Nội. Tôi còn có thêm một số bạn mới đến từ trường Trung cấp Thể dục-Nhạc-Họa của Bộ Giáo dục: họa sĩ Nguyễn Hiệu (mang theo bút lông, giá vẽ và sơn dầu, để có thể vẽ tặng Lã Quang Quỳnh bức chân dung đặc tả anh này đeo ba lô mặc quân phục ngồi giữa cảnh núi đồi hoang vắng); nhạc sĩ Nguyễn Đức (sẽ trổ tài dàn dựng cả một chương trình văn nghệ hấp dẫn cho toàn đơn vị thưởng thức).

 Tất cả chúng tôi được chia thành 3 trung đội, hợp thành một đại đội tân binh (do thiếu úy Lộc làm đại đội trưởng và trung úy Hân làm chính trị viên) trong  Đoàn 372 thuộc Cục Quân khí - Tổng Cục Kỹ thuật Quân đội NDVN. Nhiệm vụ chính của đơn vị này là bảo quản và vận chuyển một khối lượng vũ khí khí tài rất lớn được lưu trữ trong các hang động ở Lùng Tém (Đồng Đăng).

LÊ VINH QUỐC

 

Các Bài viết khác