NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

THÔNG ĐIỆP NGHỆ THUẬT CỦA HAI NHÀ VĂN ĐƯỢC MÃI LAN TRUYỀN RỘNG RÃI (*)

( 23-09-2013 - 08:31 PM ) - Lượt xem: 1672

Tại lễ trao giải Sách Hay 2013 được tổ chức tại rạp Rex sáng ngày 22/9/2013, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, thành viên ban giám khảo hạng mục Văn học đã có bài phát biểu về hai tác phẩm được giải là Biển và chim bói cá (tác giả Bùi Ngọc Tấn)và Nắng tháng tám (tác giả William Faulkner , dịch giả Quế Sơn). Được sự đồng ý của ông, BBT đăng lại bài phát biểu này phục vụ bạn đọc.

Giải thường Sách Hay mùa thứ ba, hạng mục sách Văn Học, hội đồng xét giải được vui mừng và vinh dự trao giải năm 2013 cho hai tác phẩm: tiểu thuyết Biển và chim bói cá của nhà văn Việt Nam Bùi Ngọc Tấn và tiểu thuyết Nắng tháng Tám của nhà văn Mỹ William Faukner qua bản dịch tiếng Việt của dịch giả Quế Sơn.

 

Biển và chim bói cá (Nxb Hội Nhà văn & Nhã Nam, 2009) là cuốn sách thứ năm và là cuốn tiểu thuyết thứ hai của nhà văn Bùi Ngọc Tấn sau một thời gian dài ông bị lâm nạn và bị lặng tiếng. (Cuốn tiểu thuyết thứ nhất thời kỳ “viết lại” này của ông là Chuyện kể năm 2000 đã được dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp). Tác phẩm có bối cảnh là một xí nghiệp đánh cá cuối thời kỳ bao cấp với cả một tập thể nhân vật đủ hạng người phải vật lộn giữa biển khơi và biển đời để sống, để tồn tại. Những con người trên bờ dưới nước giăng lưới đánh bắt cá và cả đánh bắt nhau, họ vùng vẫy tìm cách thoát thân trong một tấm lưới vây bọc mình của cơ chế, của xã hội. Biển mênh mông mà chật hẹp. Biển dữ dội và êm đềm. Biển nuôi sống con người và dạy con người biết sống làm người tự do. Con chim bói cá đã giúp cậu bé lần đầu tiên được cha cho lên tàu ra biển hiểu điều đó. Nhưng rồi cuộc sống đã thay đổi cậu, biến cậu thành một con người khác, mất đi sự trong trẻo của tâm hồn buổi đầu đời. Văn của Bùi Ngọc Tấn trong tiểu thuyết này có sự kỹ lưỡng, chi tiết của ký sự, sự hài hước mỉa mai nhẹ nhàng, và chất thơ của cái nhìn sót thương con người, tất cả được thể hiện trong một lối viết hiện thực nghiêm ngặt. “Cuốn tiểu thuyết cũng là một sự suy tưởng đẹp đẽ và nhạy cảm về phận người” (“Le roman de Bui Ngoc Tan est aussi une belle et sensible méditation sur l’humanité") như nhận xét của nhà báo Pháp Jean-Luc Cochennec khi Biển và chim bói cá trong bản dịch tiếng Pháp của dịch giả Tây Hà (“La Mer et le martin-pêcheur”, Éditions de l’Aube, 2011) được trao giải thưởng (Grand Prix) tại liên hoan Sách và Biển (4/2012) mang tên nhà văn Pháp chuyên viết về Biển Henry Queffélec (1910-1992). Có thể đọc  Biển và chim bói cá như một thiên sử thi. Sử thi về sự tan rã. Đây là lời nhà văn tâm sự: “Sử thi không chỉ là lời nói về chuyện thành lập cái này, cái kia. Trong cái tan rã, có những cái rất bi hùng. Tan rã ở đây là về ý thức hệ, từ chỗ tuyệt đối tin tưởng, rồi đến hoang mang giao động rồi mất lòng tin; tan rã từ chỗ đoàn kết gắn bó với nhau trở nên rời rạc, phân rã, mỗi người một kiểu; tan rã trong tình bè bạn, tan rã trong tình đồng chí, tan rã trong một tổ chức, một lý thuyết tổ chức chỉ đạo sản xuất. Tôi nghĩ rằng, tôi cố gắng phản ánh thực tế của sự tan rã ấy bằng những chi tiết cụ thể, chi tiết sinh động, mà không ai có thể chối cãi được”. Giải thưởng Sách Hay 2013 trao cho tác phẩm này thêm một lần khẳng định giá trị nhân văn sâu sắc của một cuốn sách rất hiện thực mở ra cho người đọc một cách nhìn thẳng vào sự thật, hiểu về một thời đã qua, xót xa cho phẩm cách con người trong cuộc vật lộn chống lại sự tha hoá và tan rã của con người. Để con người lại được hồi sinh cùng biển đời theo từng lớp sóng nhân sinh của các thế hệ kế tiếp nhau.

 

 

*

*     *

 

Sự hoài thai, sinh nở trong đau thương, bi thảm của kiếp nhân sinh cũng là một tư tưởng lớn ở tiểu thuyết Nắng tháng Tám (1932), một tác phẩm được viết trong thời kì sáng tác đỉnh cao của William Faulkner (1897-1962), nhà văn Mỹ được giải Nobel văn chương năm 1949. Ba nhân vật Lena Grove, Joe Christmas và Gail Hightower có ba số phận khác biệt, ba đường đời khác nhau, họ đã trải qua mười một ngày biến động trong tháng Tám ở Jefferson để tìm nhau, tìm mình, và tìm sống. “Câu chuyện của Lena, bước đi trầm tĩnh của nàng, cái bóng thương yêu của nàng làm nổi bật cuộc nổi loạn tuyệt vọng của Christmas và nỗi đớn đau thầm lặng của Hightower.” (Nhật Chiêu, lời giới thiệu Nắng tháng Tám). Khung cảnh cuốn tiểu thuyết của W.Faulkner được đặt định ở vùng miền Nam nước Mỹ, nhưng vấn đề chính, tối hậu, ông đặt ra trong đó là sự xung đột bên trong của cá nhân con người. Ông viết về trái tim con người xung đột với chính nó khi con người phải đối mặt với những bất hạnh, đau khổ. Ông đã phổ quát nỗi đau của con người, đã trình bày niềm hạnh phúc hay tuyệt vọng của con người không giới hạn ở một vùng miền riêng biệt mà chung cho mọi nơi chốn thế giới và cho mọi thời kỳ lịch sử. Đọc Nắng tháng Tám sự chú ý của người đọc tập trung vào nhân vật Lena Grove, người phụ nữ mang thai đi tìm bố của đứa con mình ở đầu truyện và cuối truyện là người mẹ bồng con tiếp tục cuộc tìm kiếm của mình. Đó là nhân vật trung tâm, mang chở nhiều ý nghĩa của tác phẩm. Nhưng ở tác phẩm này nhân vật Joe Christmas cũng đáng quan tâm ở phương diện con người cá nhân bị coi là kẻ khác, bị cô lập vì không bản sắc, không giao tiếp được với cộng đồng. Trao giải cho bản dịch Nắng tháng Tám là để chúng ta cùng hy vọng rồi ra cái bản sắc của mỗi con người sẽ được tìm lại, cái hồn nhiên nguyên thuỷ của con người sẽ được khôi phục, cái tâm hồn bao lâu khép kín với thế giới sẽ được mở lại, nghĩa là con người với con người sẽ không còn cô lập, biệt lập nhau bởi màu da, sắc tộc, chính kiến.

 

*

*     *

 

Chung lại, hai cuốn sách – hai tác phẩm văn học, được trao giải thưởng Sách Hay 2013 đều mang lại sự thương cảm con người, xót cho số phận người. Cám ơn và chúc mừng nhà văn Bùi Ngọc Tần và dịch giả Quế Sơn. Mong rằng từ giải thưởng này, hai cuốn sách sẽ lại tìm được thêm những tấm lòng đồng cảm và chia sẽ, cho thông điệp nghệ thuật của hai nhà văn được mãi lan truyền rộng rãi.

 

Sài Gòn 21.09.2013 

Nhà phê bình văn học PHẠM XUÂN NGUYÊN

(*) Tựa do BBT đặt

Các Bài viết khác