NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

SỰ HẤP DẪN CỦA DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ

( 26-08-2015 - 07:02 AM ) - Lượt xem: 4578

Dế Mèn không chỉ là chuyện ngụ ngôn về loài vật có những giá trị phổ quát. Dế Mèn là tác phẩm phản ánh xã hội việt Nam đương thời. Từ xóm Dế, Xóm Nhà Trò, Xứ Cỏ May với những lam lũ, nợ nần, cãi vã… là hình ảnh nông thôn Việt Nam trước Cách mạng

Trong bài thơ Đọc lại Dế mèn, nhà thơ Bằng Việt viết:

“Một chút buồn trong vắt và mong manh

Như dĩ vãng xa xưa thức dậy,

Bỗng phấp phỏng yêu đời biết mấy

Trong nỗi bồn chồn ao ước bâng quơ!

…Xứ sở của lòng trẻ thơ dịu ngọt,

Dĩ vãng xa vời, ngan ngát, thanh thanh...

Đứt đã lâu! Lòng bỗng dưng chắp nối

Một chút buồn trong vắt và mong manh!”

Bài thơ này được viết vào năm 1961, sửa lại vào năm 1973, tức 12 năm vẫn nguyên một mạch cảm xúc đó là sự bâng khuâng nguồn cội, là bồn chồn những ao ước xa xôi.

Nhà văn Tô Hoài từng tin rằng, tác phẩm này sẽ đồng hành mãi cùng trẻ nhỏ vì nó thắp lên những khát vọng, thúc giục hành động. Trên thực tế, Dế mèn phiêu lưu ký (sau đây xin gọi tắt tác phẩm là Dế Mèn, nhân vật là Mèn) đã được tái bản hàng trăm lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng và chắc chắn, nó còn được tái bản không ngừng.

Sức hấp dẫn của Dế Mèn phiêu lưu ký, trước hết là Tiếng hát tự do, là khát vọng đổi đời

Câu đầu tiên của tác phẩm là “Tôi sống độc lập từ thuở bé”. Khi mẹ cho ra ở riêng, mặc dù là em út trong ba anh em, Mèn ta không những không thấy buồn mà còn tỏ ra khoan khoái:

Tôi là em út, bé nhất, nên được mẹ tôi, sau khi dắt vào hang lại bỏ theo một ít ngọn cỏ mẫm trước cửa để nếu tôi còn bỡ ngỡ thì đã có thức ăn sẵn trong vài ngày.

Rồi mẹ tôi trở về.

Tôi cũng không buồn. Trái lại, còn lấy làm khoan khoái vì được ở một mình nơi thoáng đãng mát mẻ. Tôi vừa thầm cảm ơn mẹ, vừa sục sạo thăm tất cả cái hang mẹ đưa đến ở. Khi đã xem xét cẩn thận rồi, tôi ra đứng ngoài hang ngẩng mặt nhìn trời. Qua những ngọn cỏ ấu nhọn và sắc, tôi thấy màu trời trong xanh. Tôi dọn giọng, vỗ đôi cánh ngắn đến nách rồi cao hứng gáy lên mấy tiếng rõ to… Cho dù tôi sẽ sung sướng hay tôi khổ sở, cái đó tuỳ ở tính tình tôi khôn ngoan hay đần độn. Song tôi chưa cần biết đến thế, tính đến thế. Mà hãy lấy sự được ung dung độc lập một mình là điều thích lắm rồi… ”.

Mèn chán nhất là cảnh ngày nào đêm nào, sớm nào chiều nào cũng ngần ấy thứ việc, ngần ấy thứ chơi; chỉ cam phận ru rú nơi xó hang chật hẹp. Nhà văn viết những câu văn tràn đầy nhiệt huyết, không chỉ tâm tình mà còn như một lời hịch kêu gọi tuổi trẻ: “Hỡi ôi! Còn chi buồn bằng, tuổi thì trẻ, gân thì cứng, máu thì cuồn cuộn với trái tim và lòng thiết tha mà đành sống theo khuôn khổ bằng phẳng: ngày hí húi đào bới đất làm tổ, đêm thì đi ăn uống và tụ tập chúng bạn nhảy múa dông dài. Tôi không muốn cho đến lúc nhắm mắt vẫn phải ân hận chẳng biết là cuối cánh đồng mênh mông kia còn những gì lạ và cuộc đời ở đấy ra sao”.

Đặt vào những năm đầu của thế kỷ 20, tiếng hát tự do, cái tôi và quyền sống cá nhân là những giá trị mới, giá trị hiện đại trong tư tưởng và văn học. Vào những năm đó, cả dân tộc đã hết sức đau khổ, bức bối dưới ách thống trị ngót trăm năm của thực dân Pháp. Sau nhiều cuộc khởi nghĩa do nhiều lực lượng lãnh đạo khác nhau cầm đầu thất bại, không ít người trở nên cam chịu, nhu nhược. Một bộ phận khác hồ hởi làm tay sai cho giặc, đàn áp lại đồng bào. Dế Mèn phiêu lưu ký có giá trị của một sự thức tỉnh; sự kêu gọi dấn thân theo con đường cách mạng để làm việc đổi đời; tìm ý nghĩa mới cho cuộc sống của mình. Đó cũng chính là sự thức tỉnh, là hành động của tác giả. Chúng ta hiểu được và trân trọng vì sao Tô Hoài lại tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc từ năm 1943; vì sao ngòi bút của ông suốt đời khám phá, phủ định mạnh mẽ những cái phi lý, lỗi thời.

Điều lý thú là, hầu hết mọi người đều không muốn đổi thay. Kể cả ông anh cả của Mèn vốn khỏe mạnh, tỏ ra mình là người khôn ngoan, chuẩn mực. Mèn có vẻ đơn độc trong lý tưởng của mình. Nhưng không, người ủng hộ Mèn chính là bà mẹ. Bà mẹ không chỉ là chiều sâu của tình thương mà là chiều sâu của văn hóa dân tộc, nó là sự tin tưởng, sự khích lệ các thế hệ không ngừng đổi mới, tiến lên: “Con ơi, mẹ mừng cho con đã trải qua nhiều nỗi hiểm nguy mà trở về. Nhưng mẹ mừng nhất là con đã rèn luyện được tấm lòng chín chắn thật đáng làm trai. Bây giờ con muốn ở nhà mấy ngày với mẹ rồi con đi du lịch xa mẹ cũng bằng lòng, mẹ không áy náy gì về con đâu. Thế là con của mẹ đã lớn rồi. Con của mẹ đã khôn lớn rồi. Mẹ chẳng phải lo gì nữa”. 

Lớp trẻ thời Đổi mới, hội nhập này, đọc Dế Mèn, chắc càng có thêm sức nhìn xa, vươn tới.

Dế Mèn, bài ca lao động và sự hiếu học. Những châm ngôn hấp dẫn và không bao giờ cũ

Con người sáng tạo ra chính mình và lịch sử của mình bằng lao động. Dế Mèn làm nên cuộc đời mình bằng lao động, bằng những chuyến đi và những bài học thu thập được trong cuộc sống. Ngay từ nhỏ, Mèn đã lo đào cái hang của mình thật sâu, có nhiều ngách ngang để phòng tai họa và lo cho “chiếc giường ngủ” sang trọng.

Theo Mèn, giá trị đầu tiên  của con người là sức khỏe. Hồi nhỏ, tất cả bọn trẻ chúng tôi đều thuộc lòng câu nói của Mèn: “Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm”.

Sự học của Mèn không nệ cổ, không lý thuyết suông như ông anh cả mà coi trọng sự học khôn từ thực tế, từ những vấp váp trường đời. Với cái đầu bọc sắt, đôi càng mẫm bóng có vuốt nhọn hoắt đạp phanh phách, thoạt đầu Mèn kiêu ngạo, hống hách chẳng coi ai ra gì. “Tôi tợn lắm. Dám cà khịa với tất cả mọi bà con trong xóm. Khi tôi to tiếng thì ai cũng nhịn, không ai đáp lại. Bởi vì quanh quẩn ai cũng quen thuộc mình cả. Không nói, có lẽ họ nể hơn là sợ. Nhưng tôi lại tưởng thế là không ai dám ho he. Ấy vậy, tôi cho là tôi giỏi. Những gã xốc nổi thường lầm cử chỉ ngông cuồng là tài ba. Tôi đã quát mấy chị Cào Cào ngụ ngoài đầu bờ khiến mỗi lần thấy tôi đi qua, các chị phải núp khuôn mặt trái xoan dưới nhánh cỏ, chỉ dám đưa mắt lên nhìn trộm. Thỉnh thoảng, tôi ngứa chân đá một cái ghẹo anh Gọng Vó lấm láp vừa ngơ ngác dưới đầm lên. Tôi càng tưởng tôi là rất ghê gớm, có thể đứng đầu thiên hạ rồi”.

Chao ôi, tôi có biết đâu rằng: hung hăng, hống hách láo chỉ tổ đem thân mà trả nợ những cử chỉ ngu dại của mình thôi. Tôi đã phải trải cảnh như thế. Thoát nạn rồi, mà còn ân hận quá, ân hận mãi. Thế mới biết, nếu đã trót không suy tính, lỡ xảy ra những việc dại dội, dù về sau có hối cũng không thể làm lại được”. Vì kiêu ngạo, dại dột, Mèn đã gây ra cái chết của Dế Choắt. Thế mà trước khi chết Dế Choắt nói một câu thật cảm động, và đây là thủ pháp cao cường của nhà văn, buộc Mèn và chúng ta phải nhớ suốt đời vì đấy là bài học xương máu: “Thôi, tôi ốm yếu quá rồi, chết cũng được. Nhưng trước khi nhắm mắt, tôi khuyên anh: ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ , sớm muộn rồi cũng mang vạ vào cho mình đấy”.

Những bài học của Mèn, bài nào cũng đắt giá. Tiếng vỗ tay ở đời là cần phải hết sức cảnh giác. “Đứa khôn ngoan ở đời thì không nên nói trước”.

Tôi đọc đoạn Mèn và Trũi đi qua Xóm Cù Lao, lại liên tưởng đến AQ chính truyện. Ai cũng muốn đánh hai thằng láo lếu. Nhưng nhìn sự dũng mãnh của hai võ sĩ; bọn Ễnh Ương, Chẫu Chàng nại cớ đau bụng kinh niên; thầy đồ Cóc kiếm cớ là chỗ quen biết, với lại thầy đồ phải nho nhã, đấu lý chứ ai lại thượng cẳng tay, hạ cẳng chân. Và Đại vương Ếch Cốm thì phán một câu xanh rờn: “Như ta đây đường đường một đấng trượng phu, hai nhãi ấy chưa đáng mặt đọ sức với ta”! Thật là phép thắng lợi tinh thần. Tôi tin Tô Hoài chưa đọc Lỗ Tấn, vì năm 1944, Lỗ Tấn mới được Đặng Thai Mai giới thiệu ở Việt Nam. Quả là sự gặp gỡ của những thiên tài!

Sống động làng quê Việt Nam trước Cách mạng

Dế Mèn không chỉ là chuyện ngụ ngôn về loài vật có những giá trị phổ quát. Dế Mèn là tác phẩm phản ánh xã hội việt Nam đương thời. Từ xóm Dế, Xóm Nhà Trò, Xứ Cỏ May với những lam lũ, nợ nần, cãi vã… là hình ảnh nông thôn Việt Nam trước Cách mạng. Nỗi niềm của Mèn, không chỉ là ham mê phiêu lưu, mà còn là nỗi lòng của người dân mất nước. Khi bị Chim trả (Bói cá) nhốt; bài hát Mèn cho là có ý nghĩa nhất là bài hát yêu nước: “Bởi vậy, tôi không hát những câu nhảm nhí nữa. Tôi đặt ra các câu hát có hồn. Tôi hát cho tôi nghe. Những bài hát mới, những bài hát ai oán thân phận, những bài hát tâm sự, những bài hát mang hy vọng xa.

Ai làm chi nổi/ Có dại mới nên khôn/ Nước nước với non non/ Năm canh hồn ngơ ngác”.

Nhưng bởi là ngụ ngôn, và cũng là hiện thực sinh động, Mèn mang trong mình nhiều tính cách. Nó bao gồm được cái tốt, cái xấu ở đời. Hình ảnh Mèn khi ở trong tay bọn trẻ con – thằng Nhớn, thằng Bé là hình ảnh những tên tay sai được ăn cỏ non, được reo hò, cổ vũ mà quên mất tự do, có cơ hội thoát mà không muốn thoát: “Tôi có thể cắn đứt sợi chỉ dễ như chơi nhưng tôi không cắn. Tôi uống từng giọt sương lóng lánh trên lá mồng tơi rồi ung dung ca hát trong cảnh bị trói buộc như thế. Tệ quá nữa, muốn làm đẹp lòng hai cậu bé, tôi chỉ loanh quanh cả ngày cạnh cái hộp diêm buồng ngủ của tôi, không nghĩ đi đâu xa một bước. Thỉnh thoảng, cao hứng, tôi đạp hai càng cất tiếng gáy riii… riiii. Ôi, tôi đã quên cái thân bị đem làm trò chơi. Mẩu lá cỏ non và thói ngông cuồng đã khiến tôi đâm ra ngu tối đến thế”.

Sự tha hóa đã làm cho Mèn  đến mức mất cả nhân tính, đánh giết đồng loại không chút thương xót: ““Em lạy bác, em lạy bác, bác tha cho em. Bác là người lớn, bác đã có răng, có càng to rồi. Còn em, em vừa ra đời có mấy hôm, mới hôm qua mẹ em dắt cho đi ở riêng thôi mà”. Tôi thản nhiên. Tôi xông vào chiến ngay thằng bé. Nó khóc hu hu rồi chạy quanh lồng. Mấy đứa trẻ xem chọi dế cười ha hả. Tôi lại càng nổi hăng”…

Với Dế Mèn, tính cụ thể lịch sử không hề làm phương hại đến cái trừu tượng, phổ quát. Chúng làm cơ sở và sâu sắc lẫn nhau.

Sức hấp dẫn của những đoạn văn đẹp

Hiểu biết loài vật, trân trọng trẻ em, lắng sâu một tình yêu thiên nhiên đất nước, trong Dế Mèn, nhà văn Tô Hoài có những đoạn văn rất đẹp. Nó thuần Việt từ cái được biểu đạt đến cái biểu đạt. Nó cho thấy ông yêu và sành Tiếng Việt đến nhường nào!

Ông tả về mùa thu nước Việt: “Mùa thu, hoa cúc vàng nở lưng giậu. Lối mòn đầy lá đỏ rơi”.

Khi Mèn bị bọn trẻ đúc dế bắt, ông như hóa thân vào Mèn mà nước mắt tuôn rơi: “Nằm tròn trong đáy giỏ, tôi đưa mắt nhìn lần cuối phong cảnh nơi tôi ở. Cỏ non xanh rờn, nước bạc mênh mang. Nắng vàng trải trên lá cây, vàng một màu tươi lạ lùng. Lòng tôi đau như cắt, hai hàng nước mắt tuôn rơi. Dần dần mỗi bước một xa. Ngoảnh đầu lại không trông thấy nữa, thế là khuất hẳn…

Và đây là một cảnh sinh hoạt của thế giới loài ong: “Chẳng còn mấy ngày nữa thì mùa xuân đã hết. Rồi mùa hạ qua đi, bây giờ hoa sen trong đầm nước cũng tàn rồi. Lá xanh bắt đầu úa đỏ. Trời đã ngả sang mùa thu. Buổi sớm ấy, các ả Bướm rủ tôi vào rừng dự cuộc múa hát thi. Tôi lắc đầu từ chối rồi một mình lững thững dạo ra bờ suối, đứng ngẩng trông chờ. Lòng hiu hiu nhớ Trũi và bâng khuâng mong ước xa xôi. Bỗng đằng phương tây tràn đến những tiếng reo à à. Một đàn ong bay ào đến đậu trên những bụi trúc và những cây cối xay nở hoa vàng choé. Đi kiếm ăn về, nghỉ chân đấy, ong nào cũng nặng phấn và đầy những tiếng vo ve chuyện vui, những bài hát hùng tráng thúc giục của ngày đường. Không khí yên tĩnh nơi quạnh vắng, bỗng nhộn nhịp hẳn lên”.

Trên mỗi bước phiêu lưu hay đỗ lại quê nhà, Mèn luôn nhớ mẹ, dành cho mẹ tình cảm đặc biệt nhất. Đây là lần cuối cùng Mèn trở về nhà: “Nhưng buồn nhất, mẹ tôi cũng đã khuất núi. Tôi ra viếng mộ người bên đầm nước. Nhớ đến lời người, khi sinh thời. Mẹ ơi! Lá vàng, thì lá rụng, sự xoay vần tự nhiên, muôn loài chưa ai cưỡng lại được, con vì thế mà buồn, nhưng con vẫn ân hận rằng lần này trở về không còn được quỳ ôm đôi càng gầy yếu của mẹ kính mến mà kể lại những ngày luân lạc và những công việc con đã làm ích lợi cho đời để mẹ nghe”.

Mèn đã không kể được nhiều chuyện hay cho mẹ nghe. Nhưng câu chuyện của Mèn mãi mãi làm say lòng các thế hệ bạn đọc; mãi mãi là liều thuốc bổ nuôi dưỡng tính tình, phẩm hạnh; là tiếng ca vui sống, yêu đời./.

NGUYỄN SĨ ĐẠI

(Nhà thơ – Hội Nhà văn Hà Nội)

Theo kỷ yếu hội thảo "Tô Hoài-một đời văn"

Các Bài viết khác