NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGƯỜI GIỮ LỬA VĂN HÓA ĐỌC THÀNH PHỐ MANG TÊN BÁC (14/10/2012)

( 07-09-2013 - 06:26 PM ) - Lượt xem: 1301

Nhà văn Trần Thị Nhật Tân, tác giả của \"Dòng xóay\" một tiểu thuyết viết về tiêu cực trong nghành giáo dục Nam Định những năm 1980, đã được cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đọc và khen ngợi. TĐã đến thăm thư viện Phạm Thế Cường, được cùng bạn đọc nhỏ tuổi của thư viện đi dã ngoại cả một ngày Chủ nhật đến Dinh Thống Nhất, Thảo Cầm Viên, Bảo tàng TP.HCM, Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM. Trở về Nam Định, bà gửi cho BBT bài viết về chuyến đi này. được sự đồng ý của nhà văn BBT xin gửi đến các thành viên bài viết này...


 
 Vào lúc 20h ngày 15 tháng 5 năm 2011 tôi nhận được cuộc điện thoại rất lạ, giọng nói y hệt cô em gái thân thiết của tôi:
 
- Chị ơi!... Em vừa bay từ Sài Gòn ra Hà Nội. Sáng mai em về Nam Định thăm chị. Chị có nhà không ạ?
 
Tôi thoáng nghĩ: Cô em Cấn Thị Thêu của tôi ở phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội, nông dân, chẳng đi đâu bao giờ. Sao lại có chuyện “em vừa bay từ Sài Gòn ra?” Tôi hỏi:
 
- Em về mấy người? Để chị liệu cơm nước?
 
- Em đi với thằng bạn. Hai đứa.
 
- Ơ em là ai?
 
- Em là Phạm Thế Cường, ở Sài Gòn, bạn đọc tiểu thuyết “Dòng xoáy” của chị. Ai cũng bảo em giọng nói con gái. Không phải mình chị nhầm đâu.
 
Hôm sau, chưa đến 10h sáng, xe máy bấm còi ngoài cổng. Giọng nói hồ hởi:
 
- Chị ơi! Em về đây!
 
Tôi chạy ra:
 
- Trời ơi! “Hai thằng!” Phạm Thế Cường to đùng mà giọng nói trong máy con gái, đáng yêu!
 
Cùng đi với Cường là Nguyễn Thái Sơn, bạn nối khố từ thuở thiếu thời, người Hà Nội. Ba chúng tôi cùng vào bếp, nhanh chóng xong mấy nồi canh rau, chuyện trò tíu tít. Sau bữa cơm rau muối vườn nhà, chân tình và ấm áp, mới bắt đầu câu chuyện.
 
Thì ra “hai thằng em” chỉ kém tôi một vài tuổi. Hai bạn đều đứng trong hàng người cao tuổi như tôi. Phạm Thế Cường, tôi đã quen tên trong các bài báo phát trên Đài tiếng nói Việt Nam. Phạm Thế Cường là cán bộ Quân đội nghỉ hưu từ năm 2002 và đến 18/5/2008, trong lúc cả nước đang học tập, làm theo đạo đức Bác Hồ, Phạm Thế Cường nghĩ: Trong nhà sẵn có nhiều sách sưu tầm từ nhiều năm nay, sách là tài sản trí tuệ của nhân loại, chẳng nhẽ mình lại thành “cai ngục” sách. Bản thân ông Cường là người ham đọc sách từ nhỏ, thường xuyên mua sách đọc. Lâu nay văn hóa đọc ở mọi lứa tuổi giảm sút do có quá nhiều hình thức giải trí trong đó cũng có hình thức giải trí không tốt nhất là cho thanh thiếu niên. Sách là tinh hoa của nhân loại, cần giữ văn hóa đọc trong cộng đồng. Phạm Thế Cường nghĩ và làm ngay “Thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng”. Chính quyền phường 11 quận Gò Vấp nơi ông Cường cư trú, nhiệt liệt ủng hộ. Ông Cường chú ý lục trong gánh hàng bà đồng nát, nhiều lần mua cân được những cuốn sách văn học trong và ngoài nước có giá trị. Các nhà văn nhà thơ biết chuyện Phạm Thế Cường mở thư viện phục vụ cộng đồng miễn phí, ai cũng tặng sách và bán rẻ. Ngoài việc xây dựng, bồi đắp cho thư viện của mình ngày thêm phong phú, ông Cường còn tham gia thành lập Câu lạc bộ sách Xưa & Nay. Bản tin ra hàng tháng với những bài bình luận giới thiệu tác phẩm thật sâu sắc của các độc giả, nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ, cùng với những bài nói về các danh nhân, danh tướng trong và ngoài nước.
 
Xúc động trước sự nhiệt tình của “Người giữ lửa văn hóa đọc”, tôi lục tìm các tác phẩm đã in, đem tặng thư viện Phạm Thế Cường.
 
Câu chuyện tưởng chừng không bao giờ dứt, nhưng ông Cường xem đồng hồ nói:
 
- Chuyện hoạt động của thư viện em còn nhiều việc lắm. Giờ xin phép chia tay chị, chúng em về Hà Nội. Mai em bay vào Sài Gòn. Em mua vé khứ hồi. Hơn 16h rồi! Chúng em đi vừa phải cho an toàn.
 
Thấy tôi ngơ ngẩn tiếc nuối, ông Cường nói tiếp:
 
- Em mời chị hè sang năm vào thăm thư viện em và nói chuyện văn chương với bạn đọc của thư viện ...
 
Niềm vui cuộc gặp còn phấn chấn tinh thần, thì ngày 18/8/2011 tôi nhận được bản tin số 63 dày 124 trang của Câu lạc bộ sách Xưa & Nay. Tôi mở từng trang xem tên bài và tác giả. Những bài viết giới thiệu sách, bình luận, truyện dịch v.v... phần nhiều là các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong, ngoài nước tôi đã quen tên. Điều làm tôi xúc động nhất là có 2 bài viết về tôi. Một phần thưởng vô giá đối với tôi trong Câu lạc bộ sách Xưa & Nay. Mấy hôm sau, tôi nhận được tác phẩm vừa in xong của tôi: tiểu thuyết Tuổi thơ Dòng xoáy và tập thơ Hồn lá, tôi liền gửi tặng Thư viện Phạm Thế Cường ngay.
 
Niềm vui nối tiếp niềm vui. Ngày 17/10/2011 tôi lại nhận được cuốn Người yêu sách số ra mắt của Câu lạc bộ người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng.
 
Tôi xin trích nguyên văn lời nói đầu của ban biên tập:
 
Câu lạc bộ người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng được thành lập ngày 9/10/2011 nhân kỷ niệm 57 năm ngày giải phóng Thủ đô. Mục đích của câu lạc bộ là tạo một không gian sinh hoạt văn hóa cho những người thích đọc sách, cùng nhau trao đổi chia sẻ về những cuốn sách hay, có giá trị của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng như về các tác giả, tác phẩm khác có tác động đến văn hóa đọc; tổ chức gặp gỡ, giao lưu với các tác giả, các nhà phê bình nhằm tôn vinh, thúc đẩy thói quen đọc sách trong cộng đồng.”
 
Đọc xong những dòng trên, tôi ấp cuốn Người yêu sách vào ngực, nhắm mắt lại cho đỡ hồi hộp do xúc động. Nhưng sự xúc động cứ trào dâng trong miền ký ức của tôi. Cái tủ sách của tôi ngày xưa (những năm 70 của thế kỷ trước). Từng có một ô những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mà tôi mến mộ như An Dương Vương xây thành ốc, Kể chuyện Quang Trung, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Đêm hội Long Trì, Sống mãi với Thủ đô v.v... Những cuốn sách trên, bạn đồng nghiệp giáo viên và các lớp học sinh của tôi cũng mê say mượn đọc nên nát mèm. Ông Phạm Thế Cường và những người bạn của ông có ý tưởng thành lập Câu lạc bộ người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng rất trúng tâm niệm của bạn đọc đối với nhà văn đứng ở hàng đầu nước ta. Xin cám ơn thư viện Phạm Thế Cường.
 
Theo lời mời của ông Phạm Thế Cường, tối ngày 21/7/2012 tôi đến ga Sài Gòn.
 
Sáng 22/7/2012 tôi tham gia cùng các cháu thanh thiếu nhi, bạn đọc của thư viện Phạm Thế Cường đi tham quan một số điểm của thành phố. Ông Cường thuê một xe ô tô chở các cháu thăm quan Thảo Cầm Viên trước tiên. Các cháu vui thích xem các loài thú, nô chơi thỏa thích từ 8h đến 11h giờ trưa vẫn còn muốn chơi tiếp. Nhưng thời gian có hạn, theo chương trình thì còn đi 3 điểm nữa.
 
Đoàn chúng tôi về Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ăn cơm. Ăn xong các cháu chạy ùa vào phòng đọc thiếu nhi như đàn chim bay về tổ. Mỗi cháu một góc bàn, lấy sách, báo đọc theo ý thích. Lúc này tôi mới có dịp trò chuyện với các cháu. Tôi hỏi cháu cùng ngồi bàn sách Kim Đồng:
 
- Con học lớp mấy?
 
- Thưa bà, con học lớp ba.
 
- Con đọc sách ở thư viện ông Cường lâu chưa?
 
- Con đến thư viện ông Cường từ lớp hai.
 
- Ba mẹ con làm gì?
 
- Ba con làm thuê, chở hàng vặt cho các bà ở chợ. Má con bán rau. Nhà con nghèo lắm.
 
- Con đi tham quan thế này mấy lần rồi?
 
- Con đi lần hai. Đi mỏi chân mà vui, con thích đi.
 
- Con có phải góp tiền thuê xe không?
 
- Không. Tiền thuê xe, tiền mua vé vào các nơi tham quan ông Cường bỏ ra hết. Chúng con chỉ phụ hai chục ăn bữa trưa thôi. Một suất ăn hai lăm ngàn. Ông Cường phụ cho mỗi đứa năm ngàn nữa.
 
Các cháu khác nói chen vào:
 
- Bà ơi bà, chúng cháu con nhà lao động nghèo, ham đọc sách, không đi chơi đánh lộn nhau tầm bậy bà ạ.
 
- Các con đọc sách có thấy gì hay không?
 
- Hay lắm chớ bà! Những người hiền, người ngoan gặp may mắn. Kẻ ác bị chết thảm bà à!
 
- Trong cuộc sống bà cũng mong các con luôn gặp những người tốt và biết tránh xa kẻ xấu
 
Một giờ đọc sách thư giãn đã hết. Đoàn chúng tôi lên xe đi tiếp đến Dinh Độc Lập. Các cháu lên xuống bậc thang mấy tầng mệt phờ, vẫn vui cười thích thú. Khi chúng tôi đến Bảo tàng thành phố đã 16h chiều. Các cháu chăm chú lắng nghe lời hướng dẫn về lịch sử thành phố và hỏi thêm những điều chưa thấu đáo. Thấy các cháu nhiệt tình hỏi, cô hướng dẫn viên vui vẻ giải thích. Mọi người quên cả giờ làm việc theo quy định. Đáng lẽ 17h Bảo tàng đóng cửa. Nhưng khi chúng tôi ra đến cổng, đã 18h tối.
 
Một ngày đi chơi của các cháu, do thư viện Phạm Thế Cường tổ chức thật bổ ích. Các cháu được vui chơi mà học hỏi được nhiều kiến thức về thiên nhiên, lịch sử và xã hội v.v...
 
Sáng chủ nhật ngày 29/7/2012 tôi đến thăm thư viện gia đình Phạm Thế Cường. Ngay trên cổng lớn, tấm biển kẻ chữ to, nét đậm với bốn dòng chữ:
           
Thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng
            Thư viện gia đình Phạm Thế Cường
            (Phục vụ không thu phí)
            Đ/c: 130/1B Lê Văn Thọ, phường 11, Gò Vấp - ĐT: 0909210761
 
Ngôi nhà 4 tầng với diện tích hơn 400m2 của gia đình Phạm Thế Cường chỉ thấy tầng tầng giá sách. Phòng đọc ở tầng một rộng rãi với dãy bàn dài, hai hàng ghế chạy hai bên dãy bàn. Những chiếc quạt điện được lắp cân đối, đủ mát mẻ cho bạn đọc. Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đặt trang trọng trên tủ sách, dưới hàng chữ Câu lạc bộ người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng ở giữa phòng đọc, nhìn ra cửa nhà. Trên tường phòng đọc là những câu của các danh nhân: “Sách là bạn tốt nhất của tuổi già, đồng thời là người chỉ dẫn tốt nhất của tuổi trẻ” (X. Xmailôx), “Thư viện là kho tàng chứa tất cả của cải, tinh thần của nhân loại” (G. V. Leibniz), “Đọc một cuốn sách đi muôn dặm đường” (Hồ Chí Minh) v.v...
 
Chủ nhân dẫn tôi lên tầng 4, tôi ngạc nhiên trước những giá sách ngay ngắn, ken chặt sách từ dưới nền lên trần nhà. Lối đi giữa những hàng sách chỉ 40 cm, y như thư viện tỉnh vậy. Hỏi ra mới biết trong thư viện có hơn hai mươi ngàn đầu sách đủ các thể loại từ văn học, văn hoá xã hội đến khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước. Chưa kể đến sách chính trị, kinh tế, tạp chí nghiên cứu chuyên ngành khác. Tôi nghĩ không biết làm thế nào ông Cường đủ thời gian làm được bao nhiêu công đoạn của một thư viện? Đem băn khoăn tôi hỏi, ông Cường bộc bạch:
 
- Ấy, vợ con giúp em nhiều lắm bác ạ. Em chỉ lo những việc hoạt động chính của thư viện như: ra bản tin hàng tháng, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, giới thiệu sách, tổ chức nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong những ngày lễ lớn như ngày 27/7, ngày sinh nhật Bác Hồ, Bác Tôn, ngày Bác Hồ tìm đường cứu nước, còn sắp xếp bàn ghế, đun nước uống, do vợ con em đảm nhiệm. có vợ con nhiệt liệt ủng hộ, em mới thực hiện được mọi hoạt động của thư viện.
 
Lúc đi xuống, đến tầng 2, phần sinh hoạt của gia đình, tôi gặp đông đủ gia đình Phạm Thế Cường: vợ, hai con trai (đã công tác) cùng cô con dâu cả, đang bận rộn làm cơm đãi khách. Tôi kêu lên:
 
- Có một mình tôi, sao làm những một mâm chả bánh đa thì ế, ăn đến mấy ngày sau à?
 
Ông Cường mỉm cười. Hai con trai nhanh nhảu trả lời tôi:
 
- Chúng cháu thanh niên ăn khỏe bác ạ.
 
Tôi lắc đầu không tin. Hình như còn điều gì bất ngờ nữa đây. Quả đúng vậy. Gần 11h, có thêm ba người khách lục tục đến, họ đều đã đọc và yêu thích Dòng xoáy được ông Cường mời đến giao lưu với tôi.
 
14h30 chiều, đông đảo các bạn đọc từ tiểu học, đến sinh viên, cụ già đến thư viện đọc và mượn sách báo. Đến 15h ông Cường nói với tôi:
 
- Chị ơi, em giới thiệu với các cháu chị là tác giả tiểu thuyết Dòng xoáyTuổi thơ Dòng xoáy. Các cháu muốn nghe chị nói chuyện.
 
Thính giả không đồng lứa tuổi, nói thế nào cho phù hợp? Tôi thoáng xếp trong đầu 4 ý chính như sau:
           
1 – Thế nào là một tác phẩm hay? (Thơ, truyện).
            2 – Thế nào là câu thơ hay?
            3 – Thế nào là câu văn hay?
            4 – Muốn trở thành nhà thơ, nhà văn, trước tiên mình phải là người tốt. Mình yêu thương mọi người trong gia đình, ngoài xã hội, giúp đỡ người khó khăn, luôn làm việc thiện và yêu thiên nhiên.
 
Với bốn ý trên, tôi nói trong 15 phút. Một cháu đại diện cho bạn đọc lên cám ơn:
 
- Bà nói ít thời gian, nhưng rất bổ ích, sâu sắc. Chúng cháu thấy rất thiết thực, có thể làm thơ, viết truyện được. Chúng cháu rất cảm động, cảm ơn bà!
 
Khi tôi ngồi tàu Thống Nhất trở về Nam Định, trong đầu vẫn còn nguyên niềm phấn khởi cuộc vui hè với bạn đọc nhỏ thư viện Phạm Thế Cường. Tôi nghĩ phải viết bài về tấm gương một đảng viên, cựu chiến binh luôn giữ bầu nhiệt huyết anh bộ đội Cụ Hồ. Nhưng tôi nghĩ mãi cái tít chưa ra. Về đến nhà, bạn văn nghệ đến chơi, tôi kể chuyện về thư viện Phạm Thế Cường tâm huyết với văn hóa đọc. Tự nhiên tôi bật ra cái tít và nói ngay với bạn bè:
 
- Tôi sẽ viết ký “Người giữ lửa văn hóa đọc thành phố mang tên Bác!”
                                   
Nam Định, ngày 20 – 8 – 2012.

Tác giả bài viết: Nhà văn TRẦN THỊ NHẬT TÂN

Các Bài viết khác