NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU – NGƯỜI ĐẸP VÀ CÔNG DÂN

( 12-03-2014 - 06:06 AM ) - Lượt xem: 2033

Nhóm tác giả Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Như Mai đang biên soạn cuốn sách Những gương mặt không thể nào quên, dự kiến sẽ ra mắt năm nay trong những ngày mùa thu gợi nhiều cảm xúc. Cuốn sách kể về những “nhân vật” có vị trí khá đặc biệt trong lịch sử, nhưng có thể cuộc đời còn chưa được phát lộ hết các góc cạnh, chiều sâu và cả những uẩn khúc của một thời. Nhân dịp ngày Phụ nữ và cũng là chẵn trăm năm sinh của bà Nam Phương, nhũ danh Nguyễn Hữu Thị Lan, vị Hoàng hậu cuối cùng của Nam triều, được phép của nhóm tác giả, chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết đến bạn đọc Người yêu sách.

1. Đưa cô con gái yêu lên tàu thủy sang Pháp du học, cùng hai bà “sơ” một Pháp một Việt để chăm lo cho cô, ông bà Nguyễn Hữu Hào lòng buồn rười rượi. Ra về trên chiếc xe hơi mới tậu, hai người chẳng nói với nhau câu nào. Chỉ có chiếc xe là cứ xóc lên xóc xuống trên con đường đất gồ ghề về tận thị xã của tỉnh Gò Công. Mãi rồi ông Hào mới chịu phá tan bầu không khí trầm lặng bằng cách hỏi vợ:

- Nãy giờ bà nghĩ gì vậy?

- Chỉ về con Marie thôi, chớ gì nữa. Tôi cứ nghĩ nó xinh đẹp thế, ngoan ngoãn thế, nhà mình giàu có thế, giờ lại gởi sang mẫu quốc cho học cao thế... sau này e khó lấy chồng. Không lẽ lại... lấy vua!

Câu nói ví ấy chẳng qua cũng chỉ là lối nói đùa thường tình, có chút ngoa ngôn. Nhưng ông Hào cười lớn:

- Lấy vua thì lấy chớ sao! Tôi cam đoan nó sẽ là hoàng hậu cho bà coi!

Ông Hào là một đại điền chủ ở Gò Công, sở hữu hàng ngàn mẫu ruộng, lại còn những đồn điền bát ngát trồng chè và cà phê ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Còn bà vợ – bà Lê Thị Bình – là con gái ông Lê Phát Đạt, thường gọi là huyện Sỹ, người đứng đầu trong bốn “phú gia địch quốc” được truyền tụng trong câu “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Trạch”. Con ông bà – cô bé vừa lên tàu – có vẻ mặt đẹp dịu hiền, tuy mới 12 nhưng trông phổng phao như đã 14, 15. Cô tên là Nguyễn Hữu Thị Lan, theo công giáo nên có tên thánh là Marie Thérèse. Sang Pháp, cô được gửi vào học nội trú tại Couvent des Oiseaux, một trường nữ danh tiếng ở Paris dành cho các gia đình quý tộc Pháp, chuyên đào tạo những bậc mệnh phụ phu nhân do các nữ tu điều hành.

Sở dĩ câu nói đùa của bà Bình được ông Hào nói mạnh như đinh đóng cột vì ông liên hệ đến một thực tế: trước đấy không lâu, Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy đã lên kế vị ngai vàng (8-1-1926) sau khi vua cha Khải Định băng hà, lấy niên hiệu là Bảo Đại. Hai tháng sau lễ tấn phong, vị tân vương 13 tuổi đã lên đường sang Pháp học lại, hình như ngay chuyến tàu trước chuyến đi của con gái ông bà…

2. Mười năm sau.

Bảo Đại đã học xong trường Khoa học Chính trị bên mẫu quốc, đang trên đường về nước trên con tàu “d'Artagnan”. Cô Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan cũng vừa tốt nghiệp Tú tài, và cũng đang trên tàu trở về nhà. Lần này, hai người không còn cách nhau một chuyến tàu như lúc ra đi nữa, mà cô và đức vua cùng về trên một con tàu…

*

Đã mấy năm nay, bà Hoàng Thái hậu Từ Cung, thân mẫu của Bảo Đại có một mối quan tâm duy nhất là tìm người bạn trăm năm cho nhà vua. Bà đã cho người đi dò xét thân thế, phẩm hạnh, sắc đẹp của hàng chục tiểu thư khuê các con các vị đại thần trong triều. Cân nhắc mãi cuối cùng bà đã chấm tiểu thư Bạch Yến, con Thượng thư Nguyễn Đình Tiên, người có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành mà gia đình cũng sùng mộ đạo Phật như bà. Cô được dạy đàn ca, thơ phú, ăn nói, đi đứng theo đúng cung cách của một vương phi. Bà chỉ đợi con mình trở về, chính thức điều khiển việc nước là làm lễ thành hôn cho đôi lứa. Bà đâu ngờ rằng trong lúc đó có những người đang mưu toan thực hiện một âm mưu vì lợi ích của nước Pháp, âm mưu đó sẽ giết chết giấc mơ của bà.

Theo chính sách bảo hộ lâu dài của người Pháp, không chỉ vua nước Nam mà cả người vợ bản xứ của ông cũng phải theo Tây học, theo công giáo nữa càng tốt. Vì như thế mới khiến ông vua trẻ tuổi sống và suy nghĩ theo phong cách phương Tây; mới tránh được những chuyện không hay từng xảy ra với mấy đời vua trước, như việc chống đối của Thành Thái, Duy Tân, hay sự quá dễ bị sai khiến của Khải Định khiến dân chúng ghét. Cô Nguyễn Hữu Thị Lan quả đã vượt quá sự mong chờ của họ: không những đáp ứng được mấy điều kiện trên, cô còn rất đẹp (mấy năm liền được bầu làm Hoa hậu Đông Dương), rất lịch thiệp và nhất là đã vào “làng Tây” (nhập quốc tịch Pháp).

Bảo Ðại về nước được một thời gian, việc triều đình tạm ổn, thì “nhóm đặc nhiệm” tìm vợ cho vua bắt đầu vào việc. Họ gồm có Toàn quyền Pierre Pasquier, ông bà cựu khâm sứ Charles, người đã nuôi nấng vị vua trẻ tuổi và đưa ông về nước, cùng với viên đốc lí Đà Lạt tên là Darles.

Bởi thế mới có một loạt sự “tình cờ” xảy ra. Khoảng cuối năm 1933, ông bà Charles rủ Bảo Ðại đi nghỉ mát ở Ðà Lạt. Toàn quyền Pháp Pasquier “ngẫu nhiên” cũng vào thành phố cao nguyên này công cán. Hai mẹ con cô Lan cùng anh ruột bà Hào là ông Denis Lê Phát An cũng “vô tình” đến đây đổi gió từ mấy hôm trước. Ông Đốc lí Darles liền tổ chức một buổi tiệc trà với lí do họp mặt giữa những vị tai to mặt lớn người Pháp và một số thân hào nổi tiếng ở miền Nam đang làm ăn tại cao nguyên. Gia đình bà Hào cũng được gửi thiếp mời tới dự buổi tiệc trà tại khách sạn Palace tráng lệ. Nể lời bác mẹ, cô Lan đi dự nhưng không trang điểm cầu kì, cô chỉ mặc chiếc áo dài bằng lụa màu xanh nhạt mua bên Pháp. Trong buổi tiệc ấy, khi ông Darles đưa “ông bác và cô cháu gái” đến giới thiệu với Hoàng đế Bảo Đại trước sự chứng kiến của quan Toàn quyền Pierre Pasquier, ông vua trẻ tuổi sững sờ nhìn cô không chớp mắt.

Cô Lan kể lại: Nhờ các nữ tu ở trường Couvent des Oiseaux từng chỉ dạy nên tôi biết phải làm gì để tỏ lòng tôn kính đối với  bậc Quân vương, vì vậy tôi đã không ngần ngại đến trước mặt Hoàng đế, quỳ một gối và cúi đầu sát nền nhà cho đến khi thấy bàn tay cậu tôi kéo tôi dậy, tôi mới đứng lên. Vua gật đầu chào tôi đúng lúc tiếng nhạc vừa trỗi theo nhịp điệu tango, Ngài ngỏ lời mời và dìu tôi ra sàn nhảy rồi chúng tôi bắt đầu nói chuyện”.

Còn Bảo Đại thì tâm sự trong cuốn hồi kí Con rồng An Nam: “Sau lần hội ngộ đầu tiên ấy, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau để trao đổi tâm tình. Marie Thérèse thường nhắc đến những kỉ niệm ở trường Couvent des Oiseaux một cách thích thú. Cũng như tôi, Marie Thérèse rất thích thể thao và âm nhạc. Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng”.

Sau mấy ngày ở Đà Lạt, Bảo Đại trở về Huế bẩm với bà Từ Cung Thái hậu về chuyện gặp cô Lan và những dự định sẽ làm. Bà choáng người nghĩ đến bao công xây dựng bị đổ vỡ, nhưng nỗi thất vọng còn lớn hơn. Thứ nhất, gia đình cô Lan dù giàu đến mấy đi nữa cũng chỉ là thường dân, không môn đăng hộ đối. Thứ hai, cô Lan theo Thiên chúa giáo, lại lớn lên và học hành ở “bên Tây”, không hiểu khuôn phép lễ giáo Việt Nam. Lại còn chuyện con cái sau này nữa chứ: cháu bà khi lớn lên, được phong Hoàng Thái tử, nhưng là người công giáo thì làm sao làm lễ thờ cúng liệt thánh hay lễ tế đàn Nam Giao? Mối lo ấy không chỉ của bà mà của cả hoàng tộc và đình thần. Tôn Thất Đàn, cựu Thượng thư bộ Hình thảo một kiến nghị có chữ kí của các đại thần đứng đầu các bộ và nha phủ trong triều, đề nghị nhà vua từ hôn với Nam Phương. Bản thân ông (và cả một số bạn đồng liêu) còn nghĩ, nếu nhà vua cứ lấy “cô gái tân thời ấy” thì mình thà chết còn hơn! Song vị quân vương trẻ Tây học và si tình đã bỏ ngoài tai tất cả. Trước Hội đồng gia tộc, cụ thể là Phủ Tôn nhân do Tôn Thất Hân đứng đầu, ông thẳng thắn trả lời: “Trẫm cưới vợ cho trẫm, có phải cưới cho cụ Tôn Thất Hân và Triều đình đâu”.

Hoàng tộc đành nhượng bộ, chỉ vớt vát bằng cách đòi nhà vua không được sống ở khu vực Tử Cấm thành, mà phải làm riêng một phủ đệ mới. “Càng tốt, khỏi phải giữ ý tứ trước các bậc bề trên” – Bảo Đại nghĩ. Ông cho cải tạo ngôi biệt thự mà vua cha chưa hoàn thiện với lối kiến trúc và trang trí theo kiểu mới, thiết kế những tiện nghi như bên Âu châu. Không chỉ có phòng ăn, phòng ngủ, mà còn có phòng tiếp khách, phòng làm việc, đặc biệt là phòng tắm và vệ sinh... khác hẳn các cung điện sơn son thếp vàng trong Tử cấm thành, trông thì lộng lẫy thật nhưng rất bất tiện. Tòa biệt thự ấy gọi là điện Kiến Trung, được mệnh danh là “một chút Paris giữa đế đô” để đôi vợ chồng trẻ ở với nhau.

3. Để đi đến hôn nhân, Bảo Ðại đã cam kết với nhà gái bốn điều: - Giữ luật một vợ, một chồng; - Giải tán tam cung lục viện; - Phong cho vợ làm Hoàng hậu; - và Hoàng hậu được tự do về tôn giáo.         

Như vậy, Bảo Đại đã bất chấp những quy định của riêng triều Nguyễn là các bà vợ vua khi còn sống chỉ là vương phi, sau khi mất mới được tôn phong. Chịu ảnh hưởng của nền văn minh phương Tây (và Thiên chúa giáo), ông xóa bỏ “quyền có nhiều vợ” của vua, cũng như trước đó không lâu, ông cho hết các thái giám về quê và bãi bỏ việc quỳ lạy khúm núm của các đại thần trước mặt vua.

Hôn lễ được cử hành ngày 20-3-1934 tại điện Cần Chánh, trước sự hiện diện của đình thần và đại diện nước Pháp. Triều đình đứng thành hàng dọc theo tấm thảm hai màu vàng, đỏ dành riêng cho hoàng đế. Lần đầu tiên trong lịch sử nhà Nguyễn, có một phụ nữ xuất hiện giữa Triều đình. Nam Phương Hoàng hậu mặc áo thụng màu vàng, đầu đội khăn vành dây vàng, chân đi hài mũi cong, đầu đội vương miện đính chín con phượng bằng vàng thật và nhiều ngọc châu óng ánh. Bà đi giữa tấm thảm, cả Triều đình vái chào. Với một vẻ đẹp cao sang, bà đi thẳng vào phòng lớn, nơi nhà vua đang ngồi chờ trên một chiếc ngai thấp. Bà cúi người chào nhà vua ba lần rồi ngồi xuống chiếc ngai bên cạnh, nhận những lời chúc mừng của mọi người. Hôn lễ ngắn gọn, đơn giản. Hoàng đế và Hoàng hậu sánh vai bước đi trong tiếng nhạc mừng, qua Tử Cấm thành về điện Kiến Trung, nơi ở và làm việc của họ.

4. Thế là lời “cam đoan” của ông Nguyễn Hữu Hào với bà vợ đã thành sự thật.

Làm dâu nhà họ Nguyễn, cô thiếu nữ vừa tròn 20 vốn quen sống ở nước ngoài xiết bao bỡ ngỡ trước những phong tục tập quán khe khắt chốn cung đình. Song bà hoàng hậu trẻ đã “ép mình” để nhập gia tùy tục hòa nhập với nếp sống mới, tôn kính bà nội của chồng và mẹ chồng như một nàng dâu mẫu mực. Bà cũng luôn tỏ ra lễ phép với các vị đại thần già nua, không có những hành động kiêu căng của kẻ bề trên. Bà tham dự các buổi lễ Phật (dù theo Công giáo), đi thăm các lăng tẩm, luôn đứng thẳng người chắp tay ngang ngực với một thái độ kính cẩn, để che giấu tín ngưỡng thật của mình. Nhưng bà cũng kiên quyết đòi thực hiện các biện pháp canh tân do mình tạo ra: Chấm dứt sự có mặt của các cung phi trước đây vẫn xúm xít quanh vua, cũng không còn hoạn quan, thái giám, không còn cung nữ để sai khiến nữa.

Bà quan tâm tổ chức gia đình, dạy dỗ các con theo lễ giáo phương Đông. Mặc dù có thầy dạy riêng, bà vẫn bắt chúng đi học ở trường để hòa đồng với con cái thường dân. Bà thường đi thăm trường nữ Trung học Đồng Khánh ở đường Jules Ferry (tức Lê Lợi sau này), đôi khi còn vào các lớp xin phép dự giảng, đề nghị các giáo sư không ưu tiên ưu đãi các công chúa... Đích thân bà đề nghị bộ Học đưa môn Nữ công, gia chánh vào chương trình dạy cho nữ sinh.

Lần đầu tiên trong hoàng cung có hình ảnh năng động của một người phụ nữ uy nghi, đoan trang, đem lại những nét đổi mới trong sinh hoạt cung đình: giản dị hóa lễ nghi, xóa bỏ những cách biệt trong giao tiếp vua tôi, đề cao tính phóng khoáng, ngay thẳng, đả phá thói xun xoe xu nịnh, những lời sàm tấu. Bà cố gắng bỏ những hủ tục để tạo sự bình đẳng giới: ăn cùng mâm với chồng con. Bà “phân công” cho chồng – vốn được coi như con Trời – làm một số việc nào đấy như những người chồng trong gia đình theo kiểu phương Tây.

Xưa nay ở Việt Nam chưa từng có bà hoàng nào được phép xuất hiện bên cạnh chồng trong các hoạt động ngoại giao. Nay thì Hoàng hậu Nam Phương trong vai trò “đệ nhất phu nhân” đã cùng nhà vua tiếp đón các nguyên thủ như Thống chế Tưởng Giới Thạch của Đài Loan, Quốc vương Soupha Vangvong của Lào hoặc Quốc vương Sihanouk của Campuchia. Vua Bảo Đại trong lần tự mình lái xe hơi đi thăm chính thức Nam Vang (Phnom Penh) cũng có mặt Hoàng hậu tháp tùng.

Với những hoạt động xã hội và từ thiện có hiệu quả, Nam Phương Hoàng hậu đã được nhận bằng khen của Viện Hàn lâm Y học Pháp và của Hội Hồng Thập tự Quốc tế. Toàn quyền Pháp Decoux hết lời khen ngợi bà là người đức hạnh, nề nếp, biết cách tổng hợp hai nền văn hoá đạo đức Đông - Tây.

   Một điều rất đáng kể mà Hoàng hậu Nam Phương đã làm được là đem lại hòa khí giữa các chức sắc đạo Thiên Chúa với Triều đình nhà Nguyễn, vốn mâu thuẫn sâu sắc do chủ trương cấm đạo của Triều đình nhiều năm trước đấy. Bà như một làn gió mát, xoa dịu và hóa giải được sự căng thẳng tưởng như không bao giờ thay đổi giữa đôi bên.

 

4. Tháng 8-1945, phong trào cách mạng trong cả nước dâng cao. Trong những ngày nước sôi lửa bỏng đó, Nam Phương Hoàng hậu đã nhờ ông Phạm Khắc Hoè – Đổng lí văn phòng – liên lạc với các cán bộ Việt Minh để tìm hiểu tình hình.

Rất nhạy cảm trước thời cuộc, bà đã khuyên Bảo Đại thoái vị, tránh chống đối cách mạng để không xảy ra cảnh máu chảy, đầu rơi. Đạo dụ trong đó vua Bảo Đại bày tỏ muốn làm “người dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ” là do Phạm Khắc Hoè soạn thảo, có sự bàn bạc kĩ càng với Nam Phương Hoàng hậu.

Sau khi nộp ấn kiếm, tượng trưng cho việc chấm dứt chế độ phong kiến, “công dân Vĩnh Thụy” được Hồ Chủ tịch mời ra Hà Nội làm cố vấn cao cấp cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bà cựu hoàng hậu ở lại Huế, dọn nhà về cung An Định (vì tự nghĩ chẳng còn tước hiệu gì để sống ở điện Kiến Trung), thay ông chăm sóc bà Thái hậu Từ Cung và con cái. Để thích hợp với không khí cách mạng, bà ăn mặc giản dị như những người dân thường, lặng lẽ theo dõi tình hình.

Nhà văn Trần Thanh Địch cùng nhà thơ Chế Lan Viên, lúc này là phóng viên báo Quyết tiến được cử đến phỏng vấn bà Nam Phương. Hai ông đang ngồi chờ, bàn cách nên xưng hô thế nào thì bà đã bước ra. Cách độ 3 mét, bà dừng lại, rướn người lên, bàn tay phải nắm chặt, giơ lên ngang mang tai để... chào. Nếu được chứng kiến, có thể bạn sẽ bật cười, nhưng đó chính là cách mọi người chào nhau sau khi cách mạng thành công. Bằng một động tác đó, bà đã cố gắng bày tỏ mình theo cách mạng. Trả lời phỏng vấn, bà nói: “Ngày nay, nước nhà đã độc lập, tất cả chị em phụ nữ khắp ba kì đều có bổn phận chung vai gánh vác tùy sự phân công của nhà nước mình. Tui cũng đang sẵn sàng chờ đợi”.

Giành được chính quyền, song ngân sách trống rỗng. Hồ Chủ tịch đã có sáng kiến kêu gọi tấm lòng vàng của mọi tầng lớp nhân dân giúp đỡ tài chính cho nhà nước cộng hòa non trẻ. Tại Huế, Tuần lễ Vàng được khai mạc vào ngày 17-9-1945 bên bờ nam sông Hương. Hôm ấy, bà Nam Phương dậy sớm để chuẩn bị. Bà xuất hiện tại địa điểm quyên góp trong bộ lễ phục, khăn vành dây, áo dài bằng gấm màu vàng tươi. Đúng giờ, dược sĩ Phạm Doan Điềm, Trưởng ban tổ chức mời bà hưởng ứng đầu tiên. Đến trước chiếc bàn phủ tấm nhung đỏ, bà chậm rãi tháo chiếc kiềng vàng nặng trịch, trạm trổ tinh vi đeo quanh cổ đặt xuống, rồi lần lượt cởi bỏ đôi xuyến, đôi hoa tai, cùng bộ nhẫn 10 chiếc tháo từ 10 ngón tay ra – bộ nhẫn bà đã cầu kì tìm mua tại Paris – để xuống bên cạnh. Món đồ trang sức vàng choé lấp lánh trên nền nhung trông đẹp lạ! Người thư kí kiểm kê xong (có tài liệu nói bà còn “cúng” vào Quỹ Độc lập cả một giỏ vàng), viết giấy biên nhận có chữ kí của ông Điềm. Người ta gắn cho bà một chiếc huy hiệu có hình cờ đỏ sao vàng trên ngực. Tiếng vỗ tay vang dội. Ông Trần Hữu Dực, đặc phái viên Chính phủ mời bà Nam Phương làm chủ tọa Tuần lễ Vàng tại Huế từ hôm đó cho đến hôm bế mạc. Được sự hiện diện hằng ngày của bà khích lệ, các bà mệnh phụ và các nhà giàu ở Huế nồng nhiệt hưởng ứng, nhiều người hiến cả chục lạng vàng. Kết quả thu được vượt xa dự kiến: người đóng góp nhiều thứ nhì là ông Nguyễn Duy Quang, cựu Ngự tiền Đổng lí văn phòng của Bảo Đại, hiến 42 lạng. Cả thành phố Huế đã đóng góp 925 lạng vàng cho Nhà nước.

Tết Bính Tuất (1946), Hồ Chủ tịch thấy ông Bảo Đại do được nghỉ quá ít ngày, không về sum họp với vợ con được, đã thông qua Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Huế gửi 10 ngàn đồng đến bà Nam Phương, “để gia đình ông cố vấn ăn Tết”.(Vào lúc đó số tiền này là rất lớn, nhất là khi Chính phủ còn quá nhiều khó khăn phải giải quyết.) Bà Nam Phương rất xúc động, bà cảm ơn Cụ Hồ, cảm ơn chính quyền thành phố và nhân dân Huế. Song bà đã chuyển toàn bộ số tiền đó cho các cô nhi viện để lo Tết cho trẻ mồ côi.

Một tài liệu của sử gia Pháp Jean Renaud do nhà xuất bản Guy Boussac ấn hành năm 1949 cho biết: Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, với ý đồ tái chiếm thuộc địa, quân Pháp đã dựa vào thế lực của quân Anh gây hấn ở miền Nam. Lúc đó vua Bảo Đại đã từ chức, bà Nam Phương đang ở tại An Định cung bên bờ sông An Cựu. Trước thảm cảnh mà đồng bào mình phải gánh chịu, cựu hoàng hậu Nam Phương đã chủ động viết một thông điệp gửi cho các bạn bè ở Á châu, yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lăng của thực dân Pháp. Bức thông điệp có những lời như sau:

“Kể từ tháng 3 năm 1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp, nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mảnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ. Hành động nầy của thực dân Pháp là trái với chủ trương của Đồng minh mà nước Pháp lại là một thành viên. Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước tôi.

Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và bạn bè của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do. Xin các chính phủ của khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền hòa bình công minh và chân chính và xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào của chúng tôi”.

   Ký tên:

Bà Vĩnh Thụy

(tức Hoàng hậu Nam Phương)

5. Năm 1947, chiến tranh nổ ra. Do nhiều sức ép, Nam Phương Hoàng hậu phải rời Việt Nam sang Pháp, trong khi ông Bảo Đại phản bội lời hứa của mình, loay hoay với chính trường hay theo đuổi những người đàn bà khác. Bà sống lặng lẽ cùng các con tại Perche, một làng cổ ở Chabrignac, tỉnh Corrèze, cách thủ đô Paris hơn 400 km. Bà chăm lo con cái, tự tìm niềm vui trong việc đọc sách, chơi dương cầm và trồng hoa tỉa lá. Ngôi nhà của bà có rừng bao quanh và một vườn hồng rất đẹp, quanh năm hoa nở.

Năm 1955, cựu hoàng Bảo Đại trong vai trò Quốc trưởng bù nhìn, lại bị phế truất. Ông buồn chán, thường đi giang hồ, không mấy khi ở nhà. Khuyên can không được, bà âm thầm chịu đựng. Vào những năm 60 của thế kỉ trước, bà nhiều lần ngỏ ý tha thiết muốn về quê hương, để khi mất được an táng bên mộ song thân tại Đà Lạt, nhưng các con phản đối.

Bà Nam Phương từ trần ngày 16-9-1963 sau một trận ốm nhẹ. Khi ấy bà mới 49 tuổi. Ngoài hai người giúp việc trong nhà, không có một người ruột thịt nào có mặt bên bà trong giờ phút lâm chung. Các con bà đều đang đi học hoặc đi làm ở Paris, còn Bảo Đại sống ở miền Nam nước Pháp với người đàn bà khác. Sống với ông chồng có tính trăng hoa, bà nhẫn nhục tự chịu, không than thở với ai cũng không làm điều gì ảnh hưởng đến thanh danh chồng.

Đám tang của bà được tổ chức đơn giản và lặng lẽ theo nghi thức tôn giáo. Ngày tang lễ, ngoài hai hoàng tử và ba công chúa đi bên cạnh quan tài mẹ, không có một người bà con nào khác (kể cả người chồng đa tình!). Về phía quan chức Pháp thì chỉ có hai quận trưởng và một nghị sĩ ở địa phương.

Ngôi mộ đơn sơ với tấm bia đá hai mặt ghi hai hàng chữ bằng hai thứ tiếng: Mặt trước viết chữ Hán: “Đại Nam Nam Phương hoàng hậu chi mộ” (Mộ phần của Hoàng hậu Nam Phương nước Đại Nam); mặt sau viết chữ Pháp: “Ici repose L'impératrice d'Annam née Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan” (Đây là nơi an nghỉ của Hoàng hậu Việt Nam nhũ danh Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan).

Bà Nam Phương tuy thuộc tầng lớp cao nhất trong xã hội phong kiến, nhưng bà đã làm tròn bổn phận của một phụ nữ Việt Nam như nhiều người phụ nữ khác. Đặc biệt, khi đất nước độc lập, bà thiết tha muốn được làm một công dân Việt Nam, cố gắng làm những điều tốt đẹp nhất mà bà có thể làm ở vị trí của mình. Cả cuộc đời bà, ngoài những lời khen, không để lại một điều chê trách nào./.

NYS NHT

Các Bài viết khác