NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

LÍNH BAY CHUYỆN THẬT NHƯ CUỘC ĐỜI

( 10-12-2018 - 09:28 PM ) - Lượt xem: 1685

Lính Bay - hồi ký của Trung tướng không quân, Anh hùng quân đội Phạm Phú Thái. Tập I, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2016; tập II, Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018.

“Lính Bay” Là một hồi ký về thời chống Mỹ, bao trùm ở cả hai tập sách là một âm hưởng hào hùng rất đặc trưng của thời kỳ này. 16 tuổi được tuyển vào không quân (đúng hơn là 15 năm 6 tháng 5 ngày tuổi). Vài tháng sau được gửi sang Liên Xô để đào tạo thành phi công chiến đấu. Sau hai năm rưỡi, tốt nghiệp về nước, được điều về đơn vị chiến đấu khi mới 19 tuổi. Tham gia một số trận không chiến trong vòng nửa năm thì bị trúng đạn của máy bay đối phương, phải nhảy dù. Bị chấn thương không phải nhẹ, nhưng nhờ sức trẻ, chỉ ít lâu sau lại được trở về đơn vị. Phần thưởng cho những nỗ lực cá nhân và sự tôi luyện qua chiến đấu, đó là, đến tháng 6 năm 1971, bắn rơi chiếc máy bay địch đầu tiên trong cuộc đời binh nghiệp của mình, khi vừa 21 tuổi! Để rồi sẽ khép lại vào năm 1975, khi ông được vinh dự tham gia bay trong cuộc duyệt binh lịch sử ngày Quốc khánh 2-9, cũng là quãng thời gian mở đầu mối tình với người rồi sẽ gắn bó cuộc đời với ông, và chia sẻ cùng ông những nỗi nhọc nhằn của người cầm bút để viết nên hai tập sách này…

Được gia nhập không quân, binh chủng hiện đại bậc nhất của quân đội ta khi mới học hết lớp 8, chỉ sau vài năm học lái cấp tốc Mig21 để về quần nhau với những phi công lão luyện của Không quân Mỹ, tác giả không nén nổi niềm tự hào của người đã chiến đấu và chiến thắng. Có thể nói, cảm hứng tự hào chính là một âm hưởng thứ hai của bộ sách. Tự hào được tiếp nối thế hệ đàn anh, trước mình chỉ vài ba năm đã trở thành những huyền thoại của Không quân Việt Nam, những Nguyễn Văn Bảy, Phạm Ngọc Lan, Trần Hanh… Tự hào được sự chỉ huy của các thủ trưởng đáng kính,– và cả đáng yêu nữa, – như Trần Mạnh, Chu Duy Kính, Nguyễn Nhật Chiêu… Tự hào được chiến đấu bên cạnh những người đồng đội dày dạn kinh nghiệm và bề dày thành tích, như Nguyễn Văn Cốc, Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị… Tất cả đã làm nên một hào khí xuyên suốt cả ngàn trang sách. Nó mạnh đến mức mặc dù tác giả sớm bị bắn hạ, bị chấn thương, mặc dù ông đã phải tận mắt chứng kiến máy bay ta bị trúng đạn, đồng đội mình bị sinh, mặc dù ông cũng như nhiều đồng đội khác đều nghĩ rồi sẽ đến lượt mình, song không bao giờ các ông lo sợ, không bao giờ các ông lưỡng lự dù chỉ một giây trước khi lao vào kịch chiến với máy bay Mỹ… Và điều tất yếu đã đến: tác giả bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên như một lẽ đương nhiên, một sự khởi đầu cho những chiến công khác nữa!

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở đó thì bộ sách của tác giả Phạm Phú Thái cũng sẽ giống như một số tác phẩm khác về Không quân cho đến lúc này, trong đó không phải không có những cuốn khá nổi tiếng. Những cuốn sách ấy cũng có nói về những hi sinh mất mát của ta, những khó khăn của phi công ta khi đối đầu với những phi công Mỹ dày dạn kinh nghiệm, và đương nhiên, là nói về chiến thắng. Nhưng tựu trung đó vẫn là những gì mà ai cũng hiểu là điều nên nói, cần nói, là những chuyện nhất định sẽ được kể ra như thế chứ không thể khác… Chính vì thế mà tổn thất, mất mát cũng là chuyện bình thường, thắng lợi có được cũng là lẽ tất nhiên! Và cũng chính vì thế mà cùng với thời gian, những cuốn sách ấy ít còn được tìm đọc hay nói đến.

Hồi ký Lính Bay của tác giả Phạm Phú Thái thì không thế. Bộ sách, ngay khi mới ra tập 1 đã gây tiếng vang lớn, được dư luận trong và ngoài quân binh chủng quan tâm tìm đọc. Chỉ sau một thời gian ngắn đã được nối bản, cùng với đó là sự mong chờ của đồng đội, bạn bè, người thân và bạn đọc nói chung đối với tập 2 mà tác giả đã hứa sẽ cố gắng cho ra.

Điều làm nên thành công và sức hấp dẫn của bộ sách, trước hết là ở tính chân thực của tác phẩm. Bản thân tác giả cũng rất ý thức được điều đó, khi nhiều chuyện ông viết ra là những sự thực quá đỗi phũ phàng. Thuật lại những sự việc có thể gây khó chịu cho những ai không quen nghe chuyện nghịch tai, tác giả nói thẳng: “Có thể những người có quan điểm chính thống không dễ gì bỏ qua cho nội dung viết quá trần trụi này của tôi.” Nhưng đúng là ông đã viết thế, ở tập 1, và cũng sẽ viết thế, ở tập tiếp theo. (Và cũng chính vì thế mà giữa hai tập có sự cách quãng về thời gian tới 2 năm, do người ta đã phải “thẩm định” thật kỹ trước khi cho phép tập 2 được xuất bản.)

 

Giao lưu ra mắt Lính bay 2 ở Thành phố Hồ Chí Minh

Với một độc giả như người viết những dòng này, quả thật nhiều điều trong 2 tập sách của tác giả Phạm Phú Thái là rất bất ngờ. Đọc Lính Bay, ta mới biết rằng có khi cả một trung đoàn không quân của ta (E921) “chỉ còn một chiếc máy bay tốt” (ngày 23/2/1968). Ta mới vỡ ra rằng, Không quân ta trong những năm tháng ấy luôn bị thiếu hụt, nếu không muốn nói là khủng hoảng, cả về máy bay và phi công. Ta cũng biết được rằng, máy bay của ta bị rơi không chỉ vì bị phi công Mỹ bắn hạ, mà có khi còn do bị trúng… tên lửa của ta. Cũng vậy, ta mới hiểu phi công của ta nhiều khi phải chiến đấu trong điều kiện khó khăn như thế nào, lâm vào những cảnh huống éo le ra sao. Chẳng hạn ở mặt trận khu Bốn, có trận máy bay ta bị hỏng tăng lực, có trận máy bay bị trục trặc ở hệ thống vũ khí, không bắn được quả tên lửa bên trái khi đã hai lần đưa được máy bay địch vào tầm ngắm! Đặc biệt, ta còn biết về những phi vụ đặc biệt của Không quân Việt Nam khi sẵn sàng bay sang tận đất Lào để tiêu diệt quân Vàng Pao, hay xuất kích cảm tử để ngăn chặn máy bay B52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Đó là những trận đánh mà tác giả gọi một cách trần trụi là đánh “thí quân”. Và ông khẳng định, phải nói như vậy “mới đúng bản chất của sự việc”! Tôi muốn nói thêm, viết về những cái giá phải trả cho chiến thắng như thế mới càng cho thấy sự lớn lao của chiến thắng!

Khó có thể kể hết những khó khăn, vất vả, thử thách mà một phi công chiến đấu như tác giả đã trải qua những năm tháng đó. Chỉ riêng việc trực chiến trên sân bay giữa mùa hè khu Bốn đã đủ một cực hình, khi mà bầu không khí như nung như nấu, sờ vào máy bay như phải bỏng, mà người phi công phải mặc sẵn bộ đồ bay kín mít để chờ có lệnh là cất cánh! (Trong khi các phi công Mỹ dù ở trên tàu sân bay hay một sân bay dã chiến trên đất Thái chắc chắn được trực trong buồng có điều hòa không khí.) Khi lên chiến đấu thì cũng lại cả một sự chênh lệch về tương quan lực lượng. Thường thì chỉ một đội hình hai chiếc hay hai cặp hai chiếc (cũng có khi ba nhưng đó là một thử nghiệm sau xét ra là không phù hợp). Thế nhưng các phi công ta luôn phải chiến đấu với đội hình máy bay đông đảo của địch, được trang bị vũ khí hơn hẳn và phương tiện chỉ huy tối tân, bài bản. Và chính ở đây đã cho thấy không chỉ sự dũng cảm mà cả tài trí của phi công Việt Nam, những người biết tìm cách lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều, để đạt được mục tiêu chiến thuật. Trước hết là để ngăn chặn sự đánh phá của địch, ngăn chặn âm mưu địch dùng B52 vào đánh ban ngày… Và sau nữa là bắn rơi máy bay Mỹ, điều khát khao của tất cả các mọi “lính bay”. Nhưng chắc chắn đó là điều không dễ, và người đọc có thể thấy được sự tôn trọng của tác giả khi viết về các đối thủ của mình – họ thực sự là những phi công thiện chiến, đã có hàng trăm, thậm chí cả ngàn giờ bay. Trong khi phi công ta vào năm tăng cường công tác huấn luyện mới đặt mức phấn đấu bay 60 giờ/năm!...

*

Nếu như tính chân thực của tác phẩm khiến cho người đọc yên tâm khi đọc Lính Bay, sự say sưa của tác giả khi kể lại quá trình được đào tạo thành phi công và các trận không chiến khiến cho cuốn sách đậm chất “chuyên môn”, thì những trang tự sự của ông về cuộc đời mình từ tuổi thiếu niên đến khi tham gia quân ngũ, với những chuyện vui buồn của người lính chiến và cả những xốn xang khi bắt gặp một ánh mắt “hút hồn” của người rồi sẽ là vợ mình, đã khiến cho cuốn sách của tác giả Phạm Phú Thái có nhiều tố chất của một tác phẩm văn học đích thực. Hay nói như một đồng đội đàn anh của ông, Trung tướng Anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc, đó là “những trang viết rất chân thực nhưng cuốn hút như tiểu thuyết!”

Đúng vậy! Cả hai yếu tố này – “chân thực” và “cuốn hút như tiểu thuyết” – có thể thấy ngay từ những dòng mở đầu cuốn sách. Tác giả không bắt đầu “hồi ký” bằng một chiến công hay một vinh dự kiểu như được vào Đảng chẳng hạn, mà bằng một sự việc không lấy gì làm vui vẻ: ông bị bắn rơi, phải nhảy dù xuống một huyện của tỉnh Nghệ An. Bị thương, phải chịu đau đớn, nóng bức, khát đến cháy cổ là những điều ta có thể hình dung, nhưng chắc khó ai chờ đợi một tình huống cười ra nước mắt khi phi công lại… mót đi giải. Để rồi phải nhờ cô dân quân dìu mình ra vườn giải quyết nỗi buồn. Cô gái có thể quay mặt đi, nhưng không thể nén tiếng khúc khích khi đứng đỡ cho anh. Hay khi trả lời các câu hỏi có tính thủ tục của ông Huyện đội phó, dù tác giả nói nghiêm túc thế nào cũng không làm sao để người cán bộ quân sự địa phương tin anh là binh nhất, mà cứ nhất mực anh nói thế là để… giữ bí mật!

Khác với đa phần hồi ký được xuất bản ở ta, người viết (hay kể cho người khác ghi thì cũng thế) khi thuật lại các sự kiện, sự việc chỉ nói chung chung, ít khi đưa ra cảm xúc hay nhận xét của cá nhân mình. Tác giả Phạm Phú Thái hầu như bao giờ cũng đứng ở vị trí của người “trong cuộc”, để rồi kể lại chính những điều mình đã mắt thấy tai nghe. Một sự kiện được tác giả nói rất kỹ là lần ông được vinh dự lên Quân chủng để đón Bác Hồ đến thăm chúc Tết vào dịp Xuân Kỷ Dậu (1969). Với Quân chủng Không quân, đó là một sự kiện lịch sử, để lại ấn tượng sâu sắc cho tất cả những ai được nghe lời Bác “chúc cho Không quân có nhiều Cốc hơn nữa”. Đương nhiên, các đài báo khi đó đều nhắc đến câu nói ấy của Bác, kể cả nhiều hồi ký sau này cũng vậy. Nhưng, như tác giả Lính Bay nhận xét, thường các hồi ký ấy đều chỉ “lướt qua và hơi giống nhau ở kiểu giọng tuyên huấn khi nói về Bác”. (Ông có nêu tác giả cụ thể, có người là Thượng tướng, người Trung tướng.) Về phần mình, trong trường đoạn thuật lại sự kiện nói trên, ông để tâm đến từng lời Bác nói với mỗi người. Với chiến sĩ nuôi quân Tạ Thị Nhung, Bác thật tinh ý khi biết cô gái luống cuống khi nghe Người hỏi “Cháu làm gì?” nên đã trả lời “… cháu làm anh nuôi ạ”. Và với phong cách rất “Bác Hồ”, Người cười, bắt tay người nữ chiến sĩ và dí dỏm nói: “Cô bé hồi hộp quá lại nói là cháu làm anh nuôi”. Theo tác giả, lời của Bác đúng là như thế, làm-anh-nuôi, chứ không phải “là anh nuôi” như các báo về sau viết. Một chi tiết rất cụ thể nhưng cho thấy tác giả đòi hỏi rất cao tính chính xác và độ trung thực của người viết!

*

Dù bài viết đã khá dài, xin phép được nói thêm về một chi tiết mà theo tôi là rất có ý nghĩa! Đó là lần tác giả được về phép thăm gia đình nhân khi chiến sự đã bớt phần gay cấn. Hôm đó, trên chuyến tàu ngược Phú Thọ, anh phi công trẻ bất chợt bắt gặp ánh mắt của một cô gái đi cùng chuyến tàu. “Hai ánh mắt giao nhau trong một phần giây” khiến anh phi công “như bị thôi miên”. Đó là một “đôi mắt mượt mà, ngây thơ” trên “khuôn mặt đẹp đến thẫn thờ của một cô bé giấu trong chiếc nón luôn che nửa mặt dưới vỏ bọc một phụ nữa mặc áo bộ đội”. Và khi chuẩn bị xuống ga Việt Trì, cô gái còn “ý tứ, kín đáo nhìn lại như gửi lời tạm biệt trước khi xoay người đi ra phía cửa toa tàu”, khiến chàng phi công trẻ tuổi “thẫn thờ nhìn theo cho tới khi bóng dáng ấy chìm dần vào dòng người xuống ga”, lòng thầm nghĩ “ước gì gặp lại lần nữa trong đời…”

 

 

Hai gia đình thông gia - tác giả bài viết và tác giả “Lính bay” và cháu

Phần trích có hơi dài, nhưng không thể thay thế bằng lời nào khác bởi tác giả viết quá hay, quá đẹp. Song những lời lẽ, hình ảnh quá hay, quá đẹp ấy rất có thể trở nên phản tác dụng nếu chỉ là một đoạn “làm văn” của người viết có xu hướng tiểu thuyết hóa hồi ký của mình. Ở đây, đó lại là chuyện thật… như cuộc đời! Người phi công và cô gái đó hóa ra lại là con của hai vị cán bộ của tỉnh Phú Thọ quen biết nhau. Khi vị này đưa con trai về nghỉ phép đến chào vị kia, thật tình cờ (hay do duyên số) họ đã gặp lại nhau! Và từ đó cũng bắt đầu mối quan hệ gắn bó giữa hai người. Để rồi giờ đây anh chị là cha mẹ của những người con trai con gái, con dâu con rể; ông bà nội, ngoại của những đứa cháu trai cháu gái mà họ rất mực yêu thương. Vì sao tôi biết ư? Vì anh chị chính là ông bà ngoại của hai đứa cháu nội của vợ chồng chúng tôi…

NGUYỄN HUY THẮNG

Các Bài viết khác