NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

GIÁ TRỊ THẶNG DƯ TRONG NỀN KINH TẾ NỐI KẾT

( 08-03-2018 - 06:32 AM ) - Lượt xem: 2447

cuốn sách của TS Lê Thanh Hải có tên “Giá trị thặng dư trong nền kinh tế nối kết”. Cuốn sách này là một “Bút ký” rất rõ ràng, mạch lạc đã trình bày một cách dễ hiểu, xâu chuỗi những tư tưởng sâu sắc của nhiều nhà khoa học về những gì đã, đang và sẽ diễn ra trên toàn cầu bằng những câu chuyện và những nhân vật văn học cổ điển, làm nổi bật lên thực chất quan hệ xã hội theo hình tháp (mà không phải phẳng) giữa các giai tầng trong xã hội

GIÁ TRỊ THẶNG DƯ TRONG NỀN KINH TẾ NỐI KẾT

           VÀ SẢN PHẨM VĂN HÓA TRÊN THỊ TRƯỜNG TOÀN CẦU

(Bài giới thiệu sách “Giá trị thặng dư trong nền kinh tế nối kết

của TS Lê Thanh Hải)

       

       Toàn cầu hóa – thế giới phẳng hay không phẳng

       Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập nền kinh tế thế giới như hiện nay, có vô vàn các lý thuyết, các giả thuyết thấm đẫm màu sắc kinh tế - chính trị xuất hiện với đầy rẫy những kịch bản được trình bày theo các cách tiếp cận khác nhau về xu hướng chung của thế giới cũng như về tương lai của các vùng, miền, khu vực, thậm chí là của các quốc gia. Khi các nhà kinh tế, các chính trị gia đại diện cho các quốc gia trong “sân chơi toàn cầu” cố gắng nhận thức lại mình và cố tìm hiểu về các đối thủ của mình trên trường quốc tế thì cô Sô-phia, rô-bôt đầu tiên của trí tuệ nhân tạo đã được cấp quyền công dân tại Ả-rập Xê-út. Năm nay khi cô Sô-phia vừa tuyên bố cần phải lấy chồng và sinh con thì một số quốc gia đã có ý định thuê rô-bốt Eureca tham gia quản lý nhà nước, trong đó có Việt Nam.

        Thành tựu về công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 đang làm thay đổi mọi giá trị ở nhiều thang bậc khác nhau, đặc biệt là ở các mối quan hệ xã hội. Người ta nói về một thực tế “thế giới phẳng, nóng và chật”…Tuy nhiên, những bộ óc tinh túy thường không chấp nhận tư duy lối mòn theo kiểu “ông ấy là một nhà tư tưởng tiên tiến nên cái gì ông ấy nói cũng đúng” mà thường phản biện lại sau khi đặt ra một loạt các câu hỏi tại sao, như thế nào, vì cái gì… Do vậy, với một tư tưởng “thế giới phẳng” thì người ta có thể phản biện lại là “thế giới có thể phẳng ở hệ trục tọa độ truyền thông mà không hề phẳng ở hệ trục tọa độ văn hóa, theo đó là không hề phẳng ở hệ trục tọa độ kinh tế và chính trị…”.                       

       Chúng ta đang có trong tay cuốn sách của TS Lê Thanh Hải có tên “Giá trị thặng dư trong nền kinh tế nối kết”. Cuốn sách này là một “Bút ký” rất rõ ràng, mạch lạc đã trình bày một cách dễ hiểu, xâu chuỗi những tư tưởng sâu sắc của nhiều nhà khoa học về những gì đã, đang và sẽ diễn ra trên toàn cầu bằng những câu chuyện và những nhân vật văn học cổ điển, làm nổi bật lên thực chất quan hệ xã hội theo hình tháp (mà không phải phẳng) giữa các giai tầng trong xã hội. Qua đó, người đọc cũng sẽ thấy mục đích rất rõ của cuốn sách là bấm nút chuông cảnh báo đối với các nhà hoạch định chính sách, các doanh nhân trong việc hoạch định các chiến lược “Vì một Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững”.       

        Tư bản luận thời kết nối toàn cầu        

       Với cấu trúc được chia làm hai phần, bao gồm tất cả 13 mục, tác phẩm đã dành phần I để trình bày tinh thần chung của chủ nghĩa Mác trong Tư bản luận với một hình thức mới rất dễ hiểu. Phần I có tên gọi “Tư bản luận thời kết nối toàn cầu”. Để độc giả dễ dàng theo dõi cuốn sách một cách lôgic, ngay chương 1 tác giả đã dùng hình tượng nhân vật trong tiểu thuyết của tác giả Daniel de Foe để miêu tả cho người đọc dễ hình dung về một xã hội tư bản sơ khai với hai giai cấp cơ bản là giai cấp bóc lột (Robinson đại diện) và giai cấp phụ thuộc (Friday đại diện). Tất cả những câu chuyện sau này đều dựa trên hai nguyên mẫu nhân vật trên và gọi họ là hậu duệ của Robinson và Friday. Chính cái cách làm sống lại hai nhân vật trong truyện là cách nhấn mạnh về bản chất của một xã hội phân chia giai tầng và khẳng định nó sẽ tồn tại lâu dài, mặc dù giai tầng phụ thuộc có được giải phóng ở địa phương của mình, thậm chí có vươn lên địa vị thống trị trong xã hội thuộc địa đó thì nó cũng vẫn luôn bị phụ thuộc bằng chính cái cách nó được giải phóng và được làm giầu đẹp lên.

        Trong các chương tiếp theo của phần I, tác giả đặt tên cho đứa con tinh thần của mình theo cách rất ấn tượng, nói lên được linh hồn của những nội dung mà tác giả muốn nhằm vào, đó là cách gọi tên bằng cách tìm ra từ khóa của nó: Hàng hóa trong thế giới toàn cầu; Định giá cho khẩu vị; Vòng xoáy tiền tệ; Giá trị của thông tin; Nền kinh tế nối kết. Đảm bảo rằng khi ai đó đã có cuốn sách trong tay sẽ đọc một mạch không ngừng để hiểu cái gì là động lực cho toàn bộ nền kinh tế chuyển động, từ đó người lãnh đạo cần tìm ra các quy luật để móc nối cỗ máy kinh doanh của mình vào đó; Đọc để hiểu bí quyết tồn tại của chủ nghĩa tư bản hiện đại là gì và liên hệ với chuyện có nhà đầu tư nước ngoài lại bán nhà xưởng và nhân công cho một nhà tư bản nước ngoài khác và bí mật của cỗ máy làm ra của cải vẫn tiếp tục hoạt động khi chủ đi vắng. Độc giả cũng sẽ đọc được những ví von, so sánh nhẹ nhàng về chuyện người nông dân và người thành thị trao đổi hàng hóa để dẫn đến kết luận về việc tạo ra những kênh mua bán trao đổi.

        Phát triển những luận điểm trong Tư bản luận của C.Mác, tác giả đã dựa trên những nghiên cứu của giáo sư người Mỹ gốc Ấn Độ tên là Arjun Appadurai nêu ra vấn đề mới mà trong xã hội thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 chưa có, đó là sản phẩm phần mềm của Microsoft không cần mất thêm chi phí cho hàng triệu sản phẩm coppy, từ đó sự định giá cho mỗi sản phẩm giống nhau có thể khác nhau đến cả ngàn lần tùy từng khu vực và tùy từng loại khách hàng. Một nhận định nữa mà chúng ta thấy có phần táo bạo tuy không mới, đó là chính trị chi phối tất cả dạng thức mua bán hay chức năng mua bán trên thị trường. Tác giả cũng phân tích cách phân chia của giáo sư Arjun Appadurai về dòng luân chuyển của hàng hóa trên thế giới thành 5 hệ quy chiếu, hay còn gọi là hệ trục tọa độ. Điều này giúp chúng ta nhìn thấy rõ hơn sự trao đổi mua bán của giá trị văn hóa qua việc những giá trị đó được gói ghém vào hàng hóa được mua bán trên thị trường và đã được làm tăng thêm giá trị vật chất của hàng hóa. Từ đó đi đến kết luận rằng “Văn hóa mới thực sự là cái tạo ra phần giá trị trao đổi chiếm tỷ lệ lớn trong hàng hóa trên thị trường”.

        Cũng trong phần I, người đọc sẽ hiểu tại sao từ cuối thế kỷ 20 trở đi, chìa khóa để hệ thống tư bản tự do phát triển không phải là sự tự do vận chuyển hàng hóa vòng quanh thế giới nữa mà là sự tự do cho tiền tệ được lưu thông khắp mọi nơi (nói về nghiên cứu và cuốn sách của George Soros). Nhưng không phải chỉ nhấn mạnh vào vòng xoáy tiền tệ mà tác giả còn nhấn mạnh đến giá trị của thông tin trong nền kinh tế nối kết. Một hình ảnh rất ấn tượng về Google đó là “nơi thu gom chất xám hàng đầu trên thế giới về để tạo ra lợi nhuận khổng lồ cho các nhà tài phiệt hàng đầu trên thế giới” với câu hỏi rất liên quan và thú vị: “Bạn có đủ thông minh để làm việc cho Google hay không?” và một câu khẳng định đã nói hết về giá trị thật của thông tin: “Lao động thông tin chính là lao động trí óc”. Vậy, thông tin có vai trò gì trong nền kinh tế nối kết? chúng ta hãy đọc tiếp ở chương 6 của phần I để hiểu vì sao truyền thông lại là giải pháp tạo ra thêm giá trị thặng dư cho sản phẩm trên thị trường hàng hóa và tại sao truyền thông lại giúp tận dụng được hết những lao động nhàn rỗi, chỗ thừa bù chỗ thiếu (trường hợp của Uber).

 

Tiến sĩ Lê Thanh Hải giới thiệu tác phẩm

Truyền thông văn hóa và phát triển bền vững          

Đó là tiêu đề phần thứ II của cuốn sách, bao gồm các chương: Lý thuyết mạng; Vốn xã hội, Truyền thông phát triển; Ngôn ngữ truyền thông; Hiện tượng và bản chất; Du lịch nối kết; Nội lực văn hóa.

Trong phần này, tác giả bắt đầu từ cuốn sách “Lý thuyết mới trong khoa học lãnh đạo” của tác giả người Trung Quốc tên là Vũ Bình Tân để vận dụng vào những tình huống đã xảy ở Việt Nam và đưa ra những kết luận “Giá mà…” đầy tiếc nuối, nhấn mạnh vào vai trò của lãnh đạo khi định hướng đầu tư vào đâu cho hiệu quả. Tác giả Vũ Bình Tân cũng được nhắc đến là người đã nhấn mạnh các công trình nghiên cứu mang tính chiến lược và trọng điểm và tạo ra nhu cầu tiêu thụ sản phẩm khoa học và nhà nước chính là nơi tiêu thụ đầu tiên.

Nội dung tiếp theo trong phần II là tác giả phân tích sâu và lấy nhiều ví dụ minh họa cho cái gọi là “Vốn xã hội” và “Vốn văn hóa”, trong đó câu chuyện về Robinson được nhắc lại với sự khẳng định lý do vì sao vị thế xã hội của Robinson lại cao hơn Friday. Từ đó nhấn mạnh rằng điều kiện ban đầu để tầng lớp trí thức lãnh đạo cộng đồng được thế giới công nhận là số vốn xã hội và vốn văn hóa của họ được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, sự cảnh báo ở đây là làm thế nào để những trí thức đó quay trở về phụng sự dân tộc sau khi được đào tạo ở nước ngoài là một việc không dễ và không đơn giản. Và một câu hỏi nữa được đặt ra là những trí thức yêu nước đó khi trở về có được đặt vào đúng vị trí trong nhóm 20 theo nguyên lý của Pareto hay không.  

Khi nói về vai trò của truyền thông trong phát triển kinh tế và văn hóa, tác giả đã phân tích những bộ phim nổi tiếng của Nhật Bản, Hàn Quốc đem lại lợi nhuận cho nền kinh tế như thế nào. Đặc biệt nhấn mạnh rằng “Phim hay, trước hết là dẫn dắt về triết học phát triển hay đạo đức kinh doanh cho toàn xã hội, nhưng đồng thời còn tạo ra nhu cầu tiêu thụ trong xã hội” (Câu chuyện xem phim “Bản tình ca Mùa đông” của Hàn Quốc với nhu cầu đi du lịch ra đảo Jeru hưởng tuần trăng mật)             

        Trong nền kinh tế nối kết, khi  nhắc đến ngành du lịch, cuốn sách chú trọng vào ý tưởng đầu tư cho trí thức thay vì chỉ đầu tư vào các lễ hội. Một sự so sánh về việc đầu tư cho một lễ hội hoành tráng với việc đầu tư cho các nhà khoa học làm đề tài nghiên cứu về đặc điểm địa phương diễn ra lễ hội đã cho thấy sự khôn ngoan văn hóa của tác giả và sự khôn ngoan của những nhà tư tưởng khác mà tác giả tán đồng. Sự đúc kết về vai trò của tri thức trong việc sáng tạo ra càng nhiều không gian văn hóa càng đem nhiều lợi nhuận cho địa phương và quốc gia đã chứng minh điều khẳng định ở trên.

        Để hiểu một cách thông suốt toàn bộ tác phẩm, để cảm nhận được ý định của tác giả khi phác thảo ra những yêu cầu cho tương lai xuất phát từ quá khứ và hiện tại của thực tiễn văn hóa Việt Nam mang tính địa phương trong bối cảnh toàn cầu là thế nào thì xin mời quý vị hãy đọc cuốn sách “Giá trị thặng dư trong nền kinh tế nối kết”. Cũng như tác giả, quý độc giả sẽ mong muốn rằng Việt Nam sẽ xây dựng thành công một nền văn hóa phát triển, một nền văn hóa có thể chuyển đổi để đo đếm văn hóa bằng giá trị mua bán trao đổi, bằng cách tạo ra sự kết nối giữa các không gian văn hóa khác nhau.          

Xuân 2018

 TS Vũ Thị Tùng Hoa (Bút danh Tùng Chi) 

Các Bài viết khác