NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

ĐỌC “MÂY CHIỀU BẢNG LẢNG”

( 11-12-2013 - 06:12 PM ) - Lượt xem: 1802

Chao ôi, gia đình là thiên đường hay địa ngục! Ở gia đình, chuyện bạo hành thường do kẻ phàm tục, kẻ có cơ bắp. Còn ở đây, nghịch lý đã xảy ra.

Cái tên Thổ trì – nhân vật chính – nghe là lạ, ngồ ngộ. Tên lão mang ước vọng của mẹ, cả đời chỉ mơ ước có mảnh đất, miếng ao. Nhưng có người lại suy diễn: Đất ao là đất bùn đất, đất đã  “ra bã”. Lão có “ ra bã ” không nhỉ ?

Là kẻ sĩ hẳn hoi vì lão dạy học, viết báo, làm văn và cả luật sư nữa. Quê lúa của lão những năm 60 của thế kỷ trước đầy biến động. Có những con người còn phong kiến nặng. Lại có cả những thần tượng “hồng” rực rỡ. Và không ít những con người mới, nhìn đời chỉ một hướng thẳng đứng mà thôi. Đến chết lão không quên hình ảnh cô gái bị gọt tóc bôi vôi, bị thả bè trôi sông vì có hoang thai. Thanh niên thì lấy mẫu Lôi Phong (TQ), người đi nhặt xà phòng vụn, trả xà phòng bánh cho nhà kho, dùng lại bàn chải răng ở thùng rác… để tiết kiệm. Lão thì bị roi quắn đít, vì bố thấy con đọc “Ái tình bảo giám” trong tủ sách gia đình. Và hằn lên trong ký ức lão là vụ kỷ luật “hoa xoan”. Ấy là lúc lão đôi mươi, cùng người yêu ngồi tâm sự trên vệ đường có hàng xoan đang mùa hoa, để tâm sự. Chẳng may, ánh đèn pha của xe cán bộ huyện ngang qua, soi tỏ mặt thầy cô. Thế là kiểm điểm lên xuống. lão khẳng định sự trong sáng nhưng ông hiệu trưởng Cấp II (chưa học hết cấp I) đã phủ nhận tất cả, với lý do “Cái không ra sao rồi sẽ thành sao” nếu cứ ngồi như thế. Bạn lão bênh lão bằng câu chuyện hài: Một mụ chuyên nấu rượu lậu, bị lập biên bản đúng lúc không hành nghề, chỉ vì vẫn sờ sờ trong nhà mấy cái nồi. Mụ túm ngay hạ bộ kẻ thi hành công vụ, vừa bóp vừa la “Rồi cái đồ khốn này có lúc hủ hóa” mà xem, có khác gì cái nồi kia sẽ nấu rượu lậu !. Mặc những tràng cười, lão vẫn bị hạ bậc lương, người yêu bị đổi đi trường khác. Ông Tuệ đâu chỉ cứng rắn với lão. Ngay ở nhà, ông Tuệ sống cũng nghiêm túc gương mẫu: Một năm chỉ ngủ với vợ đúng hai lần, để gia đình có tay súng đóng góp cho tổ quốc lúc lâm nguy!

Những chuyện đã kể và thường ngày ấy như những vòng kim cô thắt chặt đầu óc lão thủa trai tơ. Khi có gia đình, tưởng lão yên hàn trong “một mái nhà tranh với hai trái tim vàng” vì vợ lão là một cô giáo đẹp, lại dậy Văn. Hẳn là khúc nhạc đồng điệu sẽ tấu lên trong tâm hồn của những kẻ đã từng cùng được “hoa xoan phủ tím mái đầu”… Vậy mà không! Lão bao năm đã căng lên như sợi dây đàn, luôn nơm nớp trong đối phó và giật mình vì những cú ghen tuông của vợ. Chép thơ tình của Tuốcghênhiép, nàng bảo: “Ốp, Ép” là ai không cần biết. Chỉ biết “ bàn tay dơ bẩn” đã chép lại thơ này. Từ đó, năm lần lão chạm tay vào vợ, đều bị vợ hất ra, kèm những tiếng sắc lạnh “bàn tay dơ bẩn” (trang 8, 12, 36, 53, 134). Hẳn không chỉ năm lần, Hiền cái tên dịu dàng đáng yêu của người vợ đẹp đã làm như thế. Hiền còn nhiều chiêu để “bóc tách” những suy nghĩ của chồng. Nàng yêu cầu lão ngay tức khắc phải làm một bài thơ để chứng minh lão không có tình ý gì với một cô gái nọ. Tức khắc xong thơ và tức khắc nàng bình “không yêu mà từ vật vô hình biến thành cái hữu hình”, khi lão viết về cái mùi nước hoa đặc trưng để dễ nhận ra cô gái ấy. Lần khác, nàng đưa ra dư tiền bảo lão hãy nghỉ qua đêm ở khách sạn nọ, với hai vật chứng trong túi lão, để lão hoàn toàn yên tâm: Tờ cam đoan, tự nguyện có chữ ký của nàng và chiếc chìa khóa, sau khi lão đã khóa nàng ở phòng bên. Ấy vậy mà lão vẫn run lên khi ngồi cạnh cô gái trẻ. Phần vì lão cứ hình dung ra con mắt ai ở ngoài lỗ khóa bé xíu. Phần vì lão thương đứa nhỏ ở bên chỉ bằng tuổi con mình. Lão cho “cháu” hai phần ba tiền. Còn lại, cốt để lão chứng minh…với vợ. Ai dè vợ vẫn phản bác bằng một câu xanh rờn “Biết đâu ma ăn cổ”! Bên cạnh những chiến lược, chiến thuật tinh vi, Hiền còn ra tay hành động. Lần thì dùng roi đánh lão liên hồi, lần thì dùng ngón tay đang chảy máu (do va chạm) vẽ lên tường những hình rắn đỏ lòm, hằn vết căm hờn, ghi dấu nỗi hận lòng khó phai...

Chao ôi, gia đình là thiên đường hay địa ngục! Ở gia đình, chuyện bạo hành thường do kẻ phàm tục, kẻ có cơ bắp. Còn ở đây, nghịch lý đã xảy ra.

Cửa đáng tội, nói đi phải nói lại. Lão lành quá, hiền quá. Trời (và cha mẹ) sinh tính lão hiền. Xã hội cũng vo thêm cho sự ngậm miệng. Bạn lão mắng “Hiền quá hóa ngu”. Người đời bảo: Chiều vợ lắm, vợ hóa hư. Rồi nữa “Dậy con…Dậy vợ từ thủa bơ vơ mới về”. Nhưng đời lão là thế, lão gắn với em Hiền, rồi bà Hiền. Năm tháng đi qua, Hiền ngày càng ghê gớm. Lão cứ nhún, cứ lùi. Ắt đối tượng cứ căng, cứ tiến. Thường trực trong lão là những ý nghĩ nhận lỗi, nhận sai về mình. Chả thế mà trong lần uất nhất, nghi vợ đi chơi với bồ, lão lục khám túi vợ. Nhìn thấy mấy bộ quần áo Siđa mua ở chợ giời để lên đời lên nước của vợ, lão đã ngay lập tức chảy nước mắt, nấc lên vì mình là “người chồng không xứng đáng” nên mới để vợ khổ thế kia(!)… Sau bao nhiêu lần thấy lão nhún như thế, tôi đã đặt cho lão một cái tên khác: Ăng ti AQ. AQ là kẻ lúc nào cũng thấy mình hay, mình đúng, mình thắng mà. Thổ Trì là mẫu ngược lại với AQ.

Trong một môi trường như đã nói, lại thêm nét tính cách của Thổ Trì như vậy, trách chi có chuyện “một nữa đàn ông là đàn bà”. Nhớ lại có hồi đi duyệt văn nghệ, bị đám văn công trêu chọc, áp bộ ngực khủng vào lưng, lão đầm mồ hôi. Rồi 3 đêm nhớ đời: Đêm với người con gái hơ hớ 18 tuổi, nguyện xin “chết” để có được đứa con mang dòng dõi lão; Đêm ở ngôi nhà ven biển, nhìn thấy đường cong quyến rũ và cánh tay xoa nắn gọi mời và một đêm ở khách sạn sang trọng với màn, gối, rèm, đệm trắng tinh…Lão chỉ thấy cứng đơ và cảm nhận rõ rệt về một “ PHÁP TRƯỜNG TRẮNG” trước mặt. Ôi! Cái lão Thổ Trì chết tiệt này.

Nhưng câu chuyện không chỉ có bi, lão không hẳn “ra bã”. Kết lại, chuyện bay bổng và có hậu, như ước mơ của người viết cổ tích ngàn xưa. Lão vẫn vẹn nguyên một gia đình. Lão có hai người đẹp, kẻ là bạn, đứa là con. Ông Tuệ - người một thời đã mất. Lão vẫn cây bút trong tay với tâm hồn của mây – MÂY CHIỀU BẢNG LẢNG  trên cánh đồng văn chương lộng gió.

Đến đây, bài viết của tôi kết thúc. Người bạn đời đọc. Anh ấy bảo: Phải kết bằng câu nói cảnh cáo và thúc giục của Bé Hai mới đúng. Tức là lão Thổ Trì phải nhớ rằng lão đã là “mây chiều” rồi. Lão chưa “ra bã” thì cuộc sống  lão cũng đã bã lắm rồi. Đừng “bảng lảng” nữa…“Mây chiều” ơi, không được “bảng lảng nữa” Nhớ đấy!!

------------------------

* “Mây chiều bảng lảng”, tiểu thuyết của Nguyễn Khoa Đăng, NXB Văn học, 2013

٭ AQ trong “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn

٭ “Một nửa đàn ông là đàn bà” truyện của Trương Hiền Lượng.

 

PHẠM THỊ NHẬT

Các Bài viết khác