NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NHỮNG ẨN CHỨA TRONG “SƯƠNG KHÓI MẶT NGƯỜI”

( 11-08-2017 - 07:28 AM ) - Lượt xem: 1399

Không thể trách ai nếu tự nông thôn, sự đổi mới không được hoạch định và hướng dẫn cũng như không có một hỗ trợ cụ thể. Làng Vàng đi lên, đổi mới từ tự phát. Con người chuyển dịch. Đất chuyển dịch. Những kẽ nứt là tất yếu.

Công cuộc đổi mới nói chung đang đem lại cho đất nước ta nhiều biến chuyển tích cực và tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, phương diện: chính trị, kinh tế, xã hội. Nhưng bên cạnh đó cũng có không ít những bất cập xảy ra. Nhiều cái vênh đã xuất hiện: Giữa tập tục, truyền thống với hiện đại. Giữa cũ và mới. Giữa bản sắc và hòa nhập, tiếp đó là phân cấp giàu nghèo, giai tầng xã hội... đặc biệt đối với nông nghiệp và nông thôn điều này càng rõ nét.

Vợ chồng nhà văn Phan Đạt Ninh tại buổi ra mắt tác phẩm ở CLB ngày 6/8/2017

 Nông thôn hiện nay không còn là cái ao tù được bao bọc bằng một lũy tre làng mà ở đó chỉ cần một viên sỏi nhỏ ném xuống cũng đủ gây nên một xáo động. Những bình lặng vốn có vẫn được duy trì trong một tâm thế của sự bình thản, an nhiên, tự tại. Tuy nhiên, vẫn đã có những đổi thay. Nó sẽ không ầm ĩ nếu chả có gì đáng để ầm ĩ. Nó không khép kín mà đang tự xé mình ra trong từng khoảng rộng. Chuyện của làng Vàng cũng vậy. Làng Vàng như một đại diện cho nông thôn của vùng châu thổ sông Hồng. Làng Vàng đang bước vào đổi mới. Và trong cái dòng chảy cuồn cuộn của đổi mới ấy, làng Vàng cũng cựa mình phân nhánh vớí bao trồi sụt, lở bồi. Tấm áo cũ đã trở nên quá chật với một cơ thể đang lớn trông thấy hàng ngày, hàng giờ. Những miếng rách đã vỡ ra trong mỗi đụng cựa hiếu động. Bỏ hay không bỏ. Cái công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, hình dáng nó ra sao? Và câu nói đã trở thành cửa miệng của bao người: Đổi Mới, thực ra là đổi cái gì, đổi như thế nào, đổi bằng cách gì, lấy gì mà đổi. Các khu công nghiệp, xưởng chế biến, các khu vui chơi giải trí lớn đang mọc lên. Thành thị đang bành trướng. Đất ruộng thu hẹp dần. Đất đang biến thành vàng. Làng bên nhiều người đang bán đất lấy tiền tậu xe máy, xây nhà cao tầng, mua loa đài, sắm quần áo... cho bõ những ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho giời. Vậy làng mình sao? Đời người được mấy giấc mơ. Những giấc mơ đổi đời diễn ra muôn hình vạn trạng và kéo theo nó cũng là thiên hình vạn trạng những cách, những kiểu thực hiện. Ngay những tập tục, lề thói cũ cũng không chịu đứng ngoài cuộc. Cái mới và cái cũ chống đối nhau, một bên đòi khẳng định, một bên đòi dỡ bỏ, vươn tới. Níu kéo giằng co với giải phóng. Và trên hết là những con người. Những người nông dân làng Vàng vốn từ xưa hiền lành chăm chỉ, tự hài lòng với quần nâu áo vá, với rơm mùa rặm ruội, với cơm độn, nhà tranh. Họ có thời gian như ngủ quên, nay bỗng bừng tỉnh khi trời bắt đầu mỗi ngày lại sáng. Ánh sáng giúp họ nhận ra tình thế và hoàn cảnh thực tại của mình. Người ở nhà nhìn cái mới đang ùa về, nghi hoặc. Người ta ồn áo bàn tán. Nhưng Đất và Người cùng không thể tìm ra câu trả lời bằng những bàn tán suông. Và những cuộc dấn thân, những nhập cuộc đã xảy ra. Lũ trẻ rủ nhau rời làng ra đi tìm cuộc sống mới nơi đất lạ và trở về với vóc dáng lạ, ý nghĩ lạ, hành động lạ. Có những người ra đi và bước vào chiến tranh rồi trở về từ chiến tranh với vô vàn kỷ niệm và vinh quang như ông Hai Bốn. Ông quen cách sống chuẩn mực, y lệnh như sơn nhất nhất tin và đòi hỏi mọi biến chuyển của xã hội đều phải theo một chuẩn mực. Ông ngần ngại trước những tự phát nhưng bằng lương tâm người lính lại sẵn sàng ủng hộ khi cái mới đến. Có những tính toán âm thầm kiểu ông “Bình cũ rượu mới” với một tầm nhìn xa đầy khôn khéo, mưu lược. Có những cuộc ra đi quyết liệt như vợ chồng Du: Sẵn sàng khăn gói, cơm nắm rời nhà tầm sư học đạo, học kinh nghiệm và để rồi khi trở về kiên quyết phá lối cũ đi theo con đường đã học, đã chọn. Họ sẽ trở thành giàu có bằng chính bàn tay khối óc dám nghĩ dám làm của mình. Có những bám trụ chờ đục nước béo cò, lập bè cánh, tạo dựng một lớp cường hào mới tiếp tục mưu lợi riêng như Hợm. Có những liên doanh ma quỷ từ trên tỉnh xuống tận xã, lợi dụng thân cận, dòng họ để thao túng như Tiến, Hội. Những anh Kết, cô Thủy, cậu Hải và cả cô Hoa, cô Phượng... những thanh niên mới đứng chân trực diện đón luồng gió mới cũng mỗi người có những hành động và suy nghĩ riêng. Nếu Thủy, Hải chọn con đường học xong về lại quê hương để cống hiến và tự khẳng định thì Hoa và Phượng lại chọn con đường ngắn để tới đích bằng sự dấn thân, chấp nhận đánh đổi. Cơ chế thị trường bày ra và biến môi trường quan chức cấp huyện với không ít cán bộ mà nhận thức nửa giăng nửa đèn trở thành nơi mua và bán thay phận sự và nghĩa vụ. Hoa cặp bồ với một đại gia để có một cuộc sống sung túc. Phượng dứt bỏ mối tình “có như không” với Lương và cả mối quan hệ chim chuột với Hội để về làm lại cuộc đời với người tình xưa là một kĩ sư ngoài Hà Nội. Và chuyện hợp tan bao quan hệ láng giềng, làng xóm từ những biến cố lặt vặt.

Không thể trách ai nếu tự nông thôn, sự đổi mới không được hoạch định và hướng dẫn cũng như không có một hỗ trợ cụ thể. Làng Vàng đi lên, đổi mới từ tự phát. Con người chuyển dịch. Đất chuyển dịch. Những kẽ nứt là tất yếu. Sự thất bại của nhóm người do Hội cầm đầu trong cuộc bầu cử Đại hội Đảng bộ xã. Cái chết bất ngờ của Hội sau này như một hiện diện của luật Nhân Quả, gieo gì gặt nấy. Cạnh đó là cái kết có hậu cho cặp bà Hồng, ông Mạnh; cô Mai chú Kết... chỉ mới là một nốt nhấn báo hiệu sự thắng thế của cái đúng, của lẽ phải, của sự Mới. Nhưng chưa đủ. Cuộc vật lộn trước bình minh của người dân làng Vàng để thoát nghèo vẫn diễn ra quyết liệt. Họ sống ở mảnh đất mang tên Vàng mà vẫn cứ khổ. Những bà Hồng, bà Răm, Tư Điếc, Lương Mù... họ là đại diện của lớp nông dân cũ làng Vàng. Trong họ có cái cũ kĩ, cái truyền thống, tấm lòng nhân hậu bao dung cũng như thói ngồi lê đôi mách và cả cái tỉnh lược, láu lỉnh của kẻ quê, kiểu quê. Đối diện với họ vẫn lại chẳng là ai xa lạ, đều là những quen biết, thậm chí dây mơ rễ má. Cuộc chiến không chia phe mà nằm ngay trong mỗi dòng tộc, xóm ấp, mỗi con người, mỗi gia đình. Cái làng Vàng nhỏ bé vì thế vẫn lắm chuyện.

Sinh ra lớn lên có nhiều điều kiện gắn bó với nông thôn. Chính nhờ đó tác giả Phan Đạt Ninh ngay từ lần đầu cầm bút đã tỏ ra rất hiểu về nông thôn. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông. Nhưng những trang viết, những sự kiện, những câu chuyện nhỏ lẻ mới nghe tưởng như vụn vặt và cả cách khái quát, dự cảm của ông đã chứng tỏ năng lực viết cũng như khả năng nắm bắt vấn đề, sự hiểu biết sâu sắc về nông thôn cũng như con người nông thôn của ông.

Tiểu thuyết được viết bằng một lối văn chậm, kết cấu đi theo một trình tự kiểu truyền thống nhưng không vì thế mà kém đi sự lôi cuốn. Không có những cảnh trống rong cờ mở, không có những khẩu hiệu đao to búa lớn. Không có những cải cách, những đổi thay long trời lở đất. Tất cả đều chậm và nhỏ nhẹ như chính những điều đã và đang xảy ra trên một vùng quê nhỏ và nghèo. Đọc Sương khói mặt người, độc giả được sống trong một không gian cũ và yên bình như kỉ niệm. Những trồi sụt, biến động được tác giả Phan Đạt Ninh phơi bày cũng với nhiều người trong chúng ta, nhất là những độc giả sinh ra và lớn lên ở nông thôn thấy gần gũi. Bởi cũng không có gì ghê gớm thật: Nhà nọ mất chó; Nhà kia mê tín; Nhà này hủ hóa, vụng trộm; Nhà khác lấn đất tranh nhau từ cái dậu rào... Toàn những chuyện có vẻ như chả có gì đáng phải ầm ĩ cả. Ngay cả khi cặp Quang - Hoa, Minh - Phượng sau này thành những đại gia về làng, bỏ tiền tỷ ra mua bộ bàn ghế cũ cùng cây lộc vừng xó vườn, có làm cho dân làng Vàng nhiều người mắt tròn mắt dẹt thì điều đó cũng chỉ đủ sức gây nên vài xì xào to nhỏ. Nhưng thoát ra khỏi những mô tả có phần quen thuộc ấy là một đúc kết, một cảnh báo. Không phải chỉ là cảnh báo về những tệ nạn vẫn đang tồn tại như cờ bạc, rượu chè, bè phái. Không phải chỉ tệ bán chức mua quan, tranh giành ghế, tiền. Không phải chỉ về mối quan hệ kiểu thương trường: Ông mất chân giò, bà thò chai rượu. Không phải chỉ riêng những thứ đó, những thứ từ đổi mới đến nay ta vẫn thấy chềnh ềnh đó, vẫn làm nhức nhối, vẫn làm rạn nứt và băng hoại nhiều giá trị xã hội, mà lớn hơn, cuốn sách đang đưa ra một cảnh báo về một trì trệ, về một chậm chạp, một thiếu định hướng, một tự phát vẫn đang diễn ra trên không chỉ làng Vàng, một làng nhỏ thuộc vùng châu thổ sông Hồng, mà hầu như còn ở nhiều vùng nông thôn khác khắp Bắc - Trung - Nam khiến chúng ta không thể yên tâm. Người dân làng Vàng đang phải tự mình lần mò xây chiến lũy cho mình.

Phần cuối cuốn tiểu thuyết là hình ảnh bà Răm cùng mọi người đi tìm mua cuốn Luật đất đai về tìm hiểu, là biểu hiện nóng hổi cho cuộc chiến giữ đất đang diễn ra ở nông thôn. Đó là một cái kết mở, vừa khẳng định, vừa gợi ra và yêu cầu có giải pháp cho những bước tiếp theo. Cát bụi vẫn đang lầm lên cùng những chuyển dịch, những đổi mới ấy liệu có thành sương khói che kín mặt người? Làm sao để những đổi mới hôm nay nhanh chóng đem lại cho mỗi gương mặt người một rạng rỡ? Câu hỏi không nhỏ mà tác giả và tất cả chúng ta đang chờ giải đáp.

Chúc mừng tiểu thuyết Sương khói mặt người đã đến với độc giả, chúc mừng tác giả Phan Đạt Ninh đã thành công trong tác phẩm đầu tay rất tâm huyết của mình.

Nhà văn KAO SƠN

Tp. Hồ Chí Minh, tháng 4 năm 2017

Các Bài viết khác