NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

“CÂU CHUYỆN CỦA CÁNH ĐỒNG”: SỢI KÝ ỨC TRONG THỰC TẠI

( 06-05-2016 - 11:40 AM ) - Lượt xem: 1651

Mở đầu “Câu chuyện của cánh đồng” là đặc trưng “Mùi ruộng” cùng với đôi dòng tự sự về thời gian và sự tồn tại hiển nhiên của ký ức trong hiện tại.

Xuyên suốt “Câu chuyện của cánh đồng” của nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà là sợi ký ức trong thực tại, đọng lại trong lòng người đọc không ít những bâng khuâng. Đan xen trong những chuỗi ký ức là quan niệm về thời gian, là tiếng thở dài về cuộc sống nông thôn trước guồng quay hiện đại, là tình yêu với quê hương, đất nước, và với con người, là mẹ, là bà, người thầy người cô hay chỉ đơn giản là người qua đường.

“Giật mình ngộ ra rằng ký ức luôn sống trong hiện tại, làm mờ đi mọi giới hạn và những biến đổi của đời người” (tr7)

Mở đầu “Câu chuyện của cánh đồng” là đặc trưng “Mùi ruộng” cùng với đôi dòng tự sự về thời gian và sự tồn tại hiển nhiên của ký ức trong hiện tại.

Như cái “mùi ruộng” con mình nhắc, dù có đi đâu, cuộc sống có thay đổi thế nào thì vẫn trỗi dậy nhắc mình nhớ...

Đêm, nhớ Vàm Cái Đôi quá lên mạng tìm xem có cái gì mới không? Chỉ đọc được mấy cái tin thầy giáo gạ tình học sinh [...] mà không thấy cái tin mấy cô, mấy chị gánh rau mòn vai bán mỗi buổi sáng mà con cái là thạc sĩ, cử nhân; cũng không thấy cái tin ở xứ ruộng các thầy cô giáo không dạy thêm mà mở các lớp học miễn phí cho con nít xóm ba khía, xóm bãi rác tới học [....] Tự dưng giận quá chừng...”(tr8)

 

Nhà văn trẻ Nguyễn Thị Việt Hà

Không theo chiều tuyến tính thường thấy với: Quá khứ - Hiện tại – Tương lai, mà thời gian ở đây như ngưng đọng, để, ký ức quay về. Và, những ký ức như chưa hề ngủ yên đó, trở thành miền nhớ, trở thành nỗi niềm đau đáu khi đối chiếu trở về thực tại.

“Mới đó mà gần hai mươi năm...Làng Dục Quang bây giờ không còn nghèo nữa. Cánh đồng năm xưa ngô, khoai ít dần đi, khu công nghiệp mọc lên, đường đê đầy bụi, bầu trời ngập khói... Tháng Chạp vẫn còn lạnh buốt. Vẫn còn chợ Phiên với đầy đủ các thức hàng nhưng vội vã lắm, có khi đến câu chào cũng đánh rơi. Chẳng đứa trẻ chăn trâu nào gom gốc rạ chiều đông vừa để sưởi vừa để nướng khoai lang nữa. Chúng lủi thủi ngồi trên bờ cỏ đôi mắt ngơ ngác nhìn cột khói đen ngòm. Trai tráng bỏ làng lên thành phố. Mấy chị, mấy em bỏ ruộng đồng vào khu công nghiệp... Mùi của cánh đồng không còn ngọt thơm chỉ còn mùi hăng hắc lạnh lùng. Tết chẳng ai còn trồng cây nêu để đẩy lùi quỷ dữ, bảo vệ mùa màng ấm no và hạnh phúc gia đình, thôn xóm, lũy tre bao bọc làng cũng lặng lẽ lùi dần vào cổ tích.” (tr159, 160)

Chôn sâu trong lòng những nỗi niềm trước đổi thay của quê hương, người con gái đất Bắc ấy nay trở thành người con miền Tây không khỏi chạnh lòng trước nhịp sống hiện đại:

Đường phẳng lì, xe lăn nhanh không vướng cỏ nhưng lại vướng trong lòng tôi sự trơ trụi như thể ai đó vừa đánh cắp một điều gì quý giá lắm. Cánh đồng đâu chỉ là không gian lao động sinh hoạt của người nông dân mà là không gian của tuổi thơ, nơi cất giữ ký ức đẹp đẽ nhất của đời người.” (tr11)

Tuôn trào những dòng tự sự là biết bao tình yêu để rồi từ đó, như nhận ra tiếng nói, cảm nhận hơi thở cỏ cây, của làng quê, của cánh đồng:

“Nước mặn tràn vào, lúa cô đơn hạt nhẹ bấc chỏng ngọng lên trời. Cánh đồng im lặng, những đôi tay mệt nhoài ôm cả bó lúa lớn chỉ có đôi ba ngọn nặng hạt...

Cánh đồng thở dài, lên thành phố thấy lúa thành cây kiểng...Dù giàu trí tưởng tượng đến mấy chắc những người nông dân rặt như bà, như mẹ tôi cũng chẳng thể biết có một ngày lúa thành cây kiểng và người dùng lúa để trang trí đâu biết được rằng lúa phải mọc trên đồng ruộng, trên đồng mới là lúa, lúa phải đi hết một vòng để cho hạt mới gọi là lúa chứ chẳng như những cụm lúa tội nghiệp, cô đơn đang được trưng làm đẹp mà cả đời không biết trổ đòng đòng.” (tr12,13)

Đất giật mình trong cơn khát, những ô vuông kỳ dị hiện ra choán hết cả cánh đồng, cột khói bạc, bụi đường xô bồ cong cớn phả lên thảm xanh, lúa oằn mình đổ gục, những ngôi nhà nửa quê nửa phố ngạo nghễ mọc lên...Cánh đồng ứa nước mắt bất lực. Đấy là trong giấc mơ đêm qua tôi gặp...”(tr13)

Bàng bạc trên từng trang viết những ký ức về thôn quê, thân thương và dịu hiền, không chỉ của miền Tây Nam Bộ mà còn có cả làng quê Bắc Giang với cây hoa gạo những chiều nào mẹ đứng đợi cha,  có cả đồi Xanh nơi Tây Nguyên thắm lối hoa vàng,..

Ký ức ở đây không chỉ như một niềm nhớ mà còn có giá trị cho những trăn trở về cách sống trong hiện tại: “Ký ức luôn dùng dằng, níu kéo với những yêu thương muôn đời là có thực trong ẩn sâu góc khuất của con người” (tr84).

Và cũng không ít lần phải chông chênh trước thực tại:

“Trong cuộc đời con người hay lâm vào những sự “nhớ, quên” để rồi mái đầu pha sợi bạc, tuổi tác nhuốm màu thời gian thì lại bềnh bồng trong ký ức của lãng đãng nhớ nhớ quên quên. Chẳng biết mình nên nhớ những gì và quên những gì?

Mình đang rất nhớ...

[...]

Ở giữa Cà Mau mà mình nhớ Cà Mau da diết.” (tr139-141)

Trăn trở với thực tại, băn khoăn trước nhịp sống, và  khát khao “trở về” cho thỏa cơn khát “thèm quê”, bởi nhiều khi “phân vân không biết có tội lỗi lắm không khi nhiều lúc mình có cảm giác “lưu vong” ngay trên mảnh đất Tố Quốc mình” rồi giật mình thảng thốt.

“Câu chuyện của cánh đồng” là chuỗi ký ức với những câu chuyện về đất và người trải dọc đất nước thon thả hình chữ S thân yêu. Với lối viết mộc mạc, ngôn ngữ “đặc sệt” chất Nam Bộ, cùng với những hình ảnh làng quê đẹp bình dị, chân quê và văn hóa ẩm thực hai miền Nam Bắc được đưa vào từng trang viết làm ấm lòng những người con xa xứ và cả cho những ai ở giữa quê mà vẫn nhớ quê.

 

Đặng Thị Lệ Thương

Các Bài viết khác