NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

VỀ THĂM BÌNH PHƯỚC NGHĨA TÌNH

( 23-09-2016 - 03:47 PM ) - Lượt xem: 1106

Các em học sinh đã reo hò mừng rỡ khi biết chính nhà văn Nguyễn Khoa Đăng - tác giả bài thơ “Mùa lúa chín” được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc thành bài hát “Em đi giữa biển vàng” đang có mặt để lắng nghe các thầy cô cùng các em trình diễn tác phẩm của mình.

Sau buổi sinh hoạt định kỳ sáng chủ nhật 04/9/2016 của Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLB NYS NHT) về tác phẩm  và sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng cùng với tiệc mừng Sinh nhật lần thứ 75 của  ông, nhóm thành viên CLB gồm 7 người là nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, nhà nghiên cứu văn học-dịch giả Lê Sơn, nhà giáo Lê Vinh Quốc, nhà báo Vũ Đức Vinh, nhà báo Đào Quốc Toàn và nhà hoạt động xã hội Đặng Ngọc Dung do chủ nhiệm CLB - nhà sưu tầm sách Phạm Thế Cường  làm trưởng đoàn, đã lên đường đi Bình Phước để đáp lời mời của nhà giáo - nhà thơ Bùi Thị Biên Linh, học trò cũ của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng. Theo chương trình, chuyến đi sẽ kéo dài từ trưa ngày 04/9 đến trưa ngày 06/9/2016.

14 giờ chiều chủ nhật ngày 04/9, từ CLB NYS NHT, xe chúng tôi xuất phát  để thẳng tiến về tỉnh Bình Phước, vùng đất ở nơi cuối cùng của cao nguyên Trung bộ đổ xuống miền Đông Nam bộ, có chung đường biên giới với Campuchia, có các quốc lộ 13 và 14 là hành lang Bắc - Nam và Đông - Tây của miền Đông Nam bộ. Đây chính là nơi đã hình thành và phát triển các đồn điền cao su dưới thời cai trị của thực dân Pháp, cũng chính là nơi gắn liền với các địa danh, di tích và chứng tích lịch sử về Phú Riềng Đỏ (thuộc huyện Bù Gia Mập).

Trên xe, chúng tôi quên cả đường xa bởi những cuộc chuyện trò, trao đổi thật lý thú về sự thành công của buổi sinh hoạt CLB và buổi tiệc mừng sinh nhật vừa qua. Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng chia sẻ những kỷ niệm buồn vui trong cuộc đời và sự nghiệp văn thơ của mình; bày tỏ cảm nhận của ông về bài viết của nhà giáo Lê Vinh Quốc  Nguyễn Khoa Đăng - Nước mắt một thời”, về bài thơ Vô đề” của dịch giả Lê Sơn và bài viết đầy tình nghĩa thầy trò của cô giáo Bùi Thị Biên Linh “Gặp lại thầy sau 40 năm” (đã đăng trong Tập san số 57 của CLB).

Sau gần 3 tiếng đồng hồ vượt hơn 150 km đường xuyên qua những rừng cao su bát ngát thuộc địa phận huyện Phú Riềng, đoàn đã tới thị xã Phước Long -tỉnh lỵ Bình Phước. Dĩ nhiên, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là nhà cô giáo Bùi Thị Biên Linh. Sau 40 năm xa cách, nhà giáo - nhà thơ Biên Linh đã liên lạc được với người thầy cũ mà mình hằng quý mến, đã về thăm thầy tại Tp. Hồ Chí Minh vào tháng 7-2016. Giờ đây, cô và gia đình lại được đón thầy (mà cô vẫn gọi bằng “chú”) cùng nhóm bạn văn chương của ông đến thăm mình tại thị xã Phước Long. Trong ngôi nhà lầu xinh xắn ẩn mình dưới tán lá cây bàng xum xuê, cả đoàn được thả mình trong vẻ đẹp bình yên, tận hưởng cảm giác thư giãn hòa mình với thiên nhiên, cây cảnh sân vườn; nhất là được hưởng  tình nghĩa thầy trò sâu nặng cùng tình bạn văn chương nồng ấm mà cô và gia đình dành cho khách quý. Chúng tôi được chiêu đãi bữa cơm chiều chan hòa hương vị dân tộc Bắc-Nam  với các món gà luộc - lá chanh, thịt quay, canh cua rau đay - cà pháo, canh chua rau rừng, cá kho tộ.... do chính tay cô Biên Linh chế biến.

Đoàn qua đêm tại khách sạn nhỏ Quỳnh Anh với cây cảnh sân vườn xinh xắn và phòng nghỉ tiện nghi.

Sáng thứ hai ngày 05/9, sau buổi điểm tâm thật nhanh món bún bò Huế, chúng tôi lên xe cùng cô Biên Linh đến trường Trung học Phổ thông Phước Long, nơi cô đang giảng dạy, để tặng sách cho thư viện trường. 20 đầu sách gồm nhiều ấn bản được Chủ nhiệm CLB trao tặng cùng 3 tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Khoa Đăng. Trong sân trường, các thầy cô giáo và học sinh đang chuẩn bị lễ khai giảng năm học mới. Nhìn các nữ sinh trong những tà áo dài trắng thướt tha, người viết bài này đã bồi hồi nhớ lại thời nữ sinh áo trắng Sài Gòn xưa hồn nhiên vô tư; để rồi phải tự hỏi: tại sao ngày nay nhiều nữ sinh TP. Hồ Chí Minh nói không thích mặc áo dài? Có lẽ các em ấy cảm thấy mặc áo dài là mất tự do và không hợp thời trang bằng những bộ đồ  kiểu cách!

Tạm biệt ngôi trường khang trang đạt chuẩn quốc gia của thị xã Phước Long, chúng tôi lại vội vã lên xe đi Phú Riềng để kịp dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THCS Long Hưng. Nơi đây, cô Biên Linh đã từng giảng dạy rất nhiều năm để trở thành người thầy cũ của nhiều thế hệ học trò. Chúng tôi như được trở về với tuổi học trò trước cảnh tượng sân trường tràn ngập cờ hoa và bong bóng bay, học sinh các khối lớp ngồi ngay ngắn trên các dãy ghế chuẩn bị cho lễ khai giảng.

Được nghe ca khúc mở đầu chương trình văn nghệ chào mừng năm học mới: “Mùa thu ơi mùa thu! Mùa thơm trang sách mới. Tiếng hát ngày khai trường trong sáng như trời thu” cùng tiếng trống rộn rã khai trường, chắc rằng nhiều người sẽ  nhớ lạituổi học trò của mình với truyện ngắn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh: “Hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc là lòng tôi lại náo nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường(…). Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”. Học sinh ngày nay tựu trường một ngày và dự lễ khai giảng vào một ngày khác, nên có lẽ tâm trạng náo nức và cảm giác trong sáng như nhà văn Thanh Tịnh miêu tả chắc hẳn chỉ còn trong ký ức những thế hệ học sinh thời trước.

Trao tặng trường 55 đầu sách gồm nhiều ấn bản cùng Tập san số 57 với chủ đề về Nguyễn Khoa Đăng kèm theo các tác phẩm của ông, chúng tôi được hòa mình vào hoạt đông giao lưu cùng thầy cô giáo trường THCS Long Hưng trong ngày khai trường. Màn hơp ca múa minh họa “Em đi giữa biển vàng” do cô Biên Linh cùng các thầy cô giáo và học sinh trình diễn đã gây xúc động tâm hồn thầy trò toàn trường cùng đoàn đại biểu về thăm trường. Đây quả là một món quà tinh thần vô giá đối với thầy Nguyễn Khoa Đăng.

 Các em học sinh đã reo hò mừng rỡ khi biết chínhnhà văn Nguyễn Khoa Đăng -tác giả bài thơ Mùa lúa chín” được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc thành bài hát “Em đi giữa biển vàng” đang có mặt để lắng nghe các thầy cô cùng các em trình diễn tác phẩm của mình. Lên tặng hoa để cảm ơn các diễn viên, nhà văn nêu dự kiến về một buổi hội thảovới những câu hỏi có giải thưởng dành cho các em học sinh xoay quanh truyện thiếu nhi “Chim mặt người”của ông trong thời gian tới.Những lời  phát biểu trong sáng của học sinh khi được nhận những món quà quý ngày khai trườngcùng tiếng reo hò của các em trong trò chơi kéo co sôi động đã ghi dấu ấn sâu sắc của ngày khai trường vui tươi đầy màu sắc.  

           Cùng với sự tiếp đón chân tình nồng nhiệt của các thầy cô trường THCS Long Hưng, một số thành viên trong đoàn đã nhận được những kỷ niệm riêng thú vị trong buổi lễ khai giảng này. Nhà giáo Lê Vinh Quốc bất ngờ được gặp lại cô giáo trẻ Trần Kim Dung là học trò cũ của mình ở trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh. Nhà báo Vũ Đức Vinh có một cuộc phỏng vấn chuẩn bị cho bài viết về một cô giáo nghèo vượt khó để gắn bó với nghề. Nhà báo Đào Quốc Toàn đã kịp kết thân với một cô giáo trẻ ở trường sở tại.

Trong buổi giao lưu ấm cúng giữa thầy cô giáo trường THCS Long Hưng với các thành viên CLB NYS, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đã xúc động nói về niềm hạnh phúc nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của mình, về cuộc hội ngộ cùng cô học trò cũ sau 4 thập niên xa cách. Nhà giáo Lê Vinh Quốc chia sẻ về thực trạng nền giáo dục Việt nam và hệ quả sau nhiều lần đổi mới chưa thành, về bài viết của thầy trong tập san CLB NYS “Nguyễn Khoa Đăng – nước mắt một thời”. Theo ông, sự hợp thành “bộ ba” tiểu thuyết Nước mắt một thời -Hoàng hôn lạnh- Mây chiều bảng lảng đã phản ánh một mô hình xã hội và thân phận con người của một thời đã qua. Nhà báo Vũ Đức Vinh và dịch giả Lê Sơn cũng bày tỏ tình cảm chân thành của mình với các thầy cô cùng các em học sinh ở trường sở tại. Chủ nhiệm Phạm Thế Cường chia sẻ về hoạt động của CLB NYS NHT và chủ đề sinh hoạt nhân kỷ niệm sinh nhật nhà văn Nguyễn Khoa Đăng. Ông  cảm ơn sâu sắc tấm lòng hiếu khách chân thành của thầy cô giáo dành cho CLB.

Sau buổi cơm trưa thân mật, ấm cúng cùng Ban Giám hiệu, các vị giáo viên và lãnh đạo địa phương, chúng tôi lại tiếp tục lên xe để ghé thăm nhà riêng của cụ bà thân sinh cô Biên Linh nay đã 86 tuổi mà vẫn mạnh khỏe minh mẫn.

Khi trời ngả về chiều, chúng tôi được bà cụ chiêu đãi những đặc sản nhà vườn: khoai lang, nho, hạt điều và những trái bắp luộc nóng dẽo ngọt. Cụ tự hào kể  với chúng tôi về hành trình từ quê hương Thái Bình vào Nam lập nghiệp, về sự đoàn kết của dòng họ để gây dựng cơ ngơi vững chắc ở Phước Long đất lành chim đậu, về cô con gái gắn bó với sự nghiệp trồng người. Nhìn cách cụ trưng bày bàn thờ tổ, tiếp đón khách, bảo ban cô Biên Linh,  chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ. Cụ đúng là hình ảnh bà mẹ quê đảm đang, chân chất nghĩ sao nói vậy, để được hạnh phúc khi chứng kiến chồng con, em cháu thành nhân và hữu ích với đời.

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng giao lưu với thầy cô trường Trung học CS Long Hưng

Buổi chiều, đoàn đến tham quan Bảo tàng về Chiến thắng Phước Long.Trong  thời tiết mát mẻ dễ chịu sau cơn mưa, chúng tôi đã chụp hình dưới Tượng đài Phước Long chiến thắng 6/1/75và quan sát xác chiếc máy bay Mỹ trưng bày ở đây. Dù đã hết giờ làm việc, chúng tôi vẫn được nghe nhân viên bảo tàng thuyết minh và trình chiếu video tường thuật chiến dịch đường 14 giải phóng Phước Long. Những hiện vật được trưng bày tại đây đã minh họa cho cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số trên đất Phước Long những năm tháng chiến tranh. Cả đoàn được tận mắt chứng kiến các loại quân trang, vũ khí, bản đồ tác chiến và máy móc quân dụng dùng trong chiến dịch.

Sau bữa cơm chiều thân mật với món đặc sản “Đậu hũ nướng trộn nấm”, chúng tôi lại lên xe để đến thị xã Đồng Xoài cách Phước Long khoảng 40 km. Tại  nhà riêng của nhà giáo - nhà thơ Tống Trung, cũng là một học trò cũ của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng cách đây hơn 40 năm, chúng tôi được nghe ông trình bày về hoạt động của giới văn nghệ sĩ Bình Phước và những thành tựu sáng tác đáng ngưỡng mộ của ông. Tiếp đó, cô giáo-nhà thơ Hồng Lý, một văn nghệ sĩ đa tài đã có nhiều sáng tác được in thành sách, chia sẻ với chúng tôi về những tác phẩm của mình. Dù không phải nhạc sĩ chuyên nghiệp, cô đã tặng chúng tôi những ca khúc do chính mình sáng tác và trình diễn bằng giọng ca mượt mà, trong sáng.

Đoàn chúng tôi đã nghỉ qua đêm tại thị xã Đồng Xoài sau một ngày thật vui, đầy ấn tượng, quên cả mệt sau suốt 15 tiếng đồng hồ hầu như không nghỉ ngơi.

 Buổi sáng ngày 06/9, trước giờ phút chia tay, chúng tôi được nhà giáo-nghệ sĩ Hồng Lý chiêu đãi điểm tâm tại nhà hàng với món đặc sản bún cá rô thật đậm đà hương vị. Một điều đáng ngạc nhiên là, ngay tại trung tâm thị xã Đồng Xoài cũng có một con đường mang tên Huỳnh Văn Nghệ, vị thi tướng tài ba của đất Đồng Nai mà CLB chúng tôi đã từng kỷ niệm vào tháng 2-2014. Cùng với cô Hồng Lý, cả đoàn đã chụp hình lưu niệm dưới bảng tên đường phố ấy trước khi lên xe thẳng tiến về lại Sài Gòn.  Trời đẹp, đường tốt, xe chạy rất nhanh. Vào khoảng 10 giờ sáng, chúng tôi đã về đến nơi xuất phát: CLB NYS NHT. Mọi người chia tay trở về nhà với món quà đặc sản của gia đình cô Biên Linh và doanh nghiệp bạn bè của cô ở Bình Phước.

Chuyến đi đã đem đến cho chúng  tôi nhiều cung bậc cảm xúc về quê hương và con người Bình Phước đầy tình nghĩa, về tình cảm thắm thiết của tập thể thầy cô giáo và học sinh trường THCS Long Hưng, trong đó nổi bật tình nghĩa thầy trò giữa cô Biên Linh với thầy Nguyễn Khoa Đăng. Chắc rằng trong mỗi chúng tôi đều có những khoảnh khắc cảm xúc chung hoặc riêng đáng nhớ về những vẻ đẹp tinh thần không thể ghi vào máy ảnh.

                                                                                            NGỌC DUNG 

Các Bài viết khác