NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TỌA ĐÀM VĂN HỌC “ VĂN HÓA KIỀU TRONG TÂM THỨC NGƯỜI VIỆT”

( 08-08-2018 - 09:17 PM ) - Lượt xem: 847

Sáng chủ nhật ngày 29/7/2018, tại Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (352 đường số 8, phường 11, Gò Vấp, Tp.HCM), Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLBNYS) đã tổ chức thành công buổi giao lưu với thầy giáo Phan Nhật Chiêu về chủ đề “Truyên Kiều mãi là dòng chảy văn hóa nhân văn trong tâm thức người Việt”.

Về tham dự có hơn 50 thành viên CLBNYS cùng  các vị khách mời và 2 nhà giáo trường THPT Nguyễn Du Quận 10….….

Mở đầu buổi tọa đàm,chủ nhiệm Phạm Thế Cường đã giới thiệu đến các thành viên CLB và ngừơi hâm mộ những công trình nghiên cứu của nhà Kiều học Phạm Đan Quế (do bị tai nạn giao thông nên ông không thể đến dự). Ông Phạm Đan Quế “là một nhà nghiên cứu uyên bác rất giàu nghị lực và tinh thần trách nhiệm”. Đến nay công trình nghiên cứu Truyện Kiều của ông đã có 23 cuốn sách được in và ông đang nghiên cứu gần xong một bản Kiều cổ chuẩn bị giới thiệu đến bạn đọc. Ông đã được Việt Nam công nhận 4 kỷ lục: - Tác giả có sách viết về TRUYỆN KIỀU nhiều nhất Việt Nam - Tác giả bài thơ “Kiều nương cửa Phật” có nhiều cách đọc nhất Việt Nam - Tác giả nghiên cứu có sách viết về văn hóa Kiều nhiều nhất Việt Nam với 5 tác phẩm - Tác giả nghiên cứu có sách viết về Truyện Kiều nhiều nhất Việt Nam (phá kỷ lục năm 2005).

Nhà giáo Nhật Chiêu giao lưu với CLB

Hơn 50 thành viên và người hâm mộ đến dự

Tiếp đến phần giao lưu về chủ đề “Truyên Kiều”, thầy Nhật Chiêu với những nhận định sắc sảo đã giới thiệu sơ nét về đại Thi hào Nguyễn Du, chỉ ra những điều khác nhau, giống nhau giữa cuốn “Kim Vân Kiều truyện” bằng văn xuôi của Thanh Tâm Tài Nhân một văn sĩ thời nhà Minh (Trung Quốc) và thi phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Đó là một truyện thơ mới gồm 3.254 câu, ban đầu được viết bằng chữ nôm thể lục bát, một thể thơ thuần túy dân tộc, sau đó mới chuyển sang chữ quốc ngữ như hiện nay.Thời điềm sáng tác Truyện Kiều tuy chưa xác định được nhưng nhiều nhà khoa học phỏng đoán tác phẩm được sáng tác trong quá trình dài, khởi đầu từ thời gian “mười năm gió bụi” của Nguyễn Du ở Thái Bình (1789), hòan thiện tiếp vào thời gian về Nghi Xuân (1796) cho đến khi ông ra làm quan dưới triều Nguyễn (1802).

 Nguyễn Du đã lược bỏ các chi tiết về mưu mẹo, về sự báo oán tàn nhẫn, thay đổi thứ tự kể và sáng tạo thêm một số chi tiết mới để tạo ra một thế giới nhân vật sống động; các sự kiện chính của tác phẩm trở thành đối tượng để bộc lộ cảm xúc, tình cảm của nhân vật và người kể; trọng tâm của truyện từ việc kể sự kiện sang biểu hiện nội tâm nhân vật làm cho tác phẩm trở thành “thiên nhiên tương hợp” của muôn vàn tâm trạng. Nguyễn Du đã đem thuyết "tài mệnh tương đố" (tài và mệnh ghét nhau) làm luận đề cuốn truyện; đó là một khúc ca đau lòng, thương người bạc mệnh, nhất là thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến, gián tiếp phản ánh những sự thật đáng buồn trong giai đoạn lịch sử cuối thời nhà Lê, đầu thời nhà Nguyễn:

Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Theo thầy Nhật Chiêu,“Trăm năm”, không thể hiểu đơn giản đó là một con số.Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã mười lần viết: “Trăm năm” và mỗi lần như vậy, đòi hỏi một cách dịch khác.“Trăm năm” có thể hiểu 4 nghĩa: đời người – tình yêu –thời gian và bể dâu, là thời gian của một đời người nhưng cũng có thể hiểu là một thời gian dài không hạn định, có nghĩa xưa nay trong cõi thế gian chứ không phải trong vòng một trăm năm của một kiếp người.Trong một buổi tảo mộ tiết thanh minh, như một định mệnh, Kiều gặp nấm mồ hoang của Đạm Tiên - một “ca nhi tài sắc”. Tiếng khóc của Kiều cho thân phận Đạm Tiên, không ngờ cũng là tiếng khóc dự báo cho thân phận của chính nàng: “Đau đớn thay phận đàn bà / Lời rằng phận bạc cũng là lời chung”.Nguyễn Du đã xây dựng 3 hình tượng văn học Đạm Tiên – Thúy Kiều và Hoạn Thư để nói về những người con gái sắc tài mà truân chuyên, hồng nhan mà mệnh bạc, trong đó Đạm Tiên và Thúy Kiều là những đại diện tiêu biểu, những nhân vật điển hình.Cách diễn giải của thầy Nhật Chiêu giúp cử tọa không chỉ hiểu Truyện Kiều hơn, mà còn được nhìn nhận những tình tiết của truyện Kiều một cách sâu sắc và mới mẻ.Đó là với số phận của Kiều được định đoạt do chính lối suy nghĩ, hành động của Kiều. Một Hoạn Thư luôn giằng xé, đau đớn vì ghen nhưng vẫn tỉnh táo lý trí chứ không quá ghê gớm, tàn độc như trong Kim Vân Kiều truyện .

Nguyễn Du đã đem thiên nhiên vào tác phẩm, tạo nên một không gian nghệ thuật kỳ thú; lời thơ Nguyễn Du làm cho ngôn từ trần thuật trở nên có nhiều tầng nghĩa, nghĩa siêu hình và nghĩa hiện thực, mặt khác có giá trị gắn kết mọi trạng thái cảm xúc phức hợp trong tâm hồn nhân vật, đưa lại cho người đọc những cảm nhận nhiều chiều nhiều vẻ. nhiều góc cạnh về cuộc sống. Theo thầy Nhật Chiêu, văn chương nghệ thuật không có chân lý, ngôn từ có khả năng mở nghĩa mà chỉ có trong tiếng Việt mới có ký hiệu thiên nhiên: “mây tơ ngắn ngủi có ngần ấy thôi”, “ Buồn trông cửa bể chiều hôm”…

 Trả lời câu hỏi của chủ nhiệm Phạm Thế Cường về số lượng bản dịch truyện Kiều ra tiếng nước ngoài, thầy Nhật Chiêu đã đưa ra con số 70 và nhận định đó là kỷ lục vì không như tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp quốc tế, các nước rất ít người biết tiếng Việt, Nguyễn Du trở nên vĩ đại hơn khi tiếng khóc thương vì số phận con người của ông được cả nhân loại nghe thấy. Kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du được dịch ra hơn 30 thứ tiếng để nhân loại tìm hiểu và chiêm ngưỡng. Nguyễn Du thông qua các tác phẩm của mình đã cho chúng ta thấy chính tình yêu thương, trong đó có tình yêu đôi lứa, đã cảm hóa con người, làm con người trở nên nhân đạo hơn, tốt đẹp hơn.

 Thầy Nguyễn Thiện Chí, nêu thắc mắc về từ ngữ: “nghỉ” và “nét ngài” trong 2 câu tả về gia đình Vương Ông và nhan sắc Thúy Vân; thầy Nhật Chiêu cho rằng đó là “nghĩ” và “nét người”.

 Chủ nhiệm Cường đề nghị nói thêm về mối quan hệ giữa Nguyễn Du với nữ sĩ Hồ Xuân Hương; thầy Nhật Chiêu khẳng định Hồ Xuân Hương luôn kính trọng Nguyễn Du hơn hẳn những người đàn ông khác có quan hệ với bà; đồng thời cho thấy nghệ thuật nói lái của Nguyễn Du trong Truyện Kiều không hề thua kém Hồ Xuân Hương.

 Với câu hỏi của bà Phạm Thị Hoàn về tài mệnh tương đố “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” phải chăng Nguyễn Du đã thể hiện quan điểm “phản mệnh”? Thầy Nhật Chiêu đã minh họa những câu thơ trong Truyện Kiều: “Hoa dù rã cánh lá còn xanh cây”, “Hoa tàn mà lại thêm tươi” để cho thấy tư tưởng tiến bộ của Nguyễn Du về nhân định thắng thiên, để tạo một kết thúc có hậu là Kiều vượt qua 15 năm đoạn trường để trở về đoàn tụ cùng gia đình.

 Với câu hỏi sao có quá nhiều điển tích Trung Hoa trong Truyện Kiều, Thầy Nhật Chiêu giải thích: Truyện Kiều đã được viết cách đây hàng trăm năm, nước ta trong một thời gian dài sử dụng chữ Hán như một thứ văn tự chính thống, nên ngoài Truyện Kiều, các tác phẩm khác như Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc...cũng sử dụng nhiều điển cố Trung Hoa. Trong Truyện Kiều, một lượng lớn điển cố được sử dụng là các từ Hán Việt. Một trong những hiệu quả nổi bật của việc dùng từ ngữ Hán Việt là làm tăng sắc thái trang trọng, tao nhã, tạo một không gian cổ kính. Nếu thay bằng những từ ngữ thông thường ta sẽ không còn thấy cái nét trang trọng, tao nhã ấy nữa.Vì vậy, đánh giá về giá trị của tác phẩm, chúng ta không nên chỉ truy tìm nguồn gốc của nó, mà nên đánh giá nhà thơ đã dùng nó sáng tạo như thế nào để làm nên một câu thơ đẹp.

 Thành viên Hoàng Tùng đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ kiến thức uyên thâm của Thầy Nhật Chiêu về Truyện Kiều và đã diễn ngâm một đoạn thơ Kiều thật biểu cảm.

 Chị Huỳnh Thị Thành - con gái Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ - đã tặng Tập “Thơ Đồng Nai” của cha mình cho thầy Nhật Chiêu để tỏ lòng ngưỡng mộ người thầy cũ của mình. Thầy Nhật Chiêu đã đáp tạ bằng 2 câu thơ: “Từ thuở mang gươm đi giữ nước; Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” của Huỳnh Văn Nghệ.

 Trong dịp này CLBNYS, đã được nhà văn Nguyễn Khoa Đăng tặng một số tác phẩm nổi tiếng của ông vừa được tái bản và cuốn sách “Các nhà văn cổ điển Việt Nam” của Tiến sĩ Mai Quốc Liên do thầy giáo Nguyễn Ngọc Nam trường Phổ thông trung học Nguyễn Du Quận 10 biếu tặng.

Kết thúc buổi tọa đàm, các thành viên CLBNYS đã chụp hình lưu niệm với thầy Nhật Chiêu, chủ nhiệm Phạm Thế Cường đã thông báo chủ đề buổi sinh hoạt tháng 9 năm 2018 của CLBNYS:Nhà Văn hóa Nguyễn Hữu Đang” sẽ được tổ chức vào ngày 09/9/2018.

NGỌC DUNG

Các Bài viết khác