NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TỌA ĐÀM VĂN HỌC “ANH ĐỨC NHÀ VĂN CỦA ĐẤT’ VÀ RA MẮT TÁC PHẨM “VÀNG THAU MỘT THỜI” CỦA PHAN ĐẠT NINH

( 09-07-2018 - 09:40 AM ) - Lượt xem: 918

Sáng chủ nhật ngày 01/7/2018, tại Thư viện Tư nhân Phạm Thế Cường (352 đường số 8, phường 11, Gò Vấp, Tp.HCM), Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLBNYS) đã tổ chức thành công buổi tọa đàm “Anh Đức, nhà văn của Đất " và ra mắt tác phẩm “Vàng thau một thời”của Phan Đạt Ninh.

Về tham dự có Bà quả phụ Anh Đức nhũ danh Trần Phúc Mộng Loan, nhà thơ Hà Phương - phu nhân nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn và là bạn thân của bà Mộng Loan, Tiến sĩ Bùi Trân Phượng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dự án Giáo dục NES EDUCATION, nhà văn Phan Đạt Ninh cùng gia đình, nhà văn Kao Sơn, nhà thơ Trần Mai Hường và hơn 30 thành viên CLBNYS. 

Mở đầu buổi tọa đàm, CLBNYS đã trình chiếu đoạn video ngắn do đài truyền hình Hà Nội thực hiện năm 2012 nhan đề “Nhà văn Anh Đức và những trang viết còn mãi với thời gian” để giới thiệu về tác phẩm và con người Anh Đức. Nhà văn Anh Đức tên thật là Bùi Đức Ái, sinh ngày 5/5/1935 tại xã Bình Hòa, huyện châu Thành, tỉnh An Giang. Quê hương miền sông nước mênh mông với những câu hò điệu lý của những tâm hồn phóng khoáng đậm chất Nam Bộ đã giúp cho văn chương Anh Đức đầy ắp chất trữ tình thơ mộng. Là một nhà văn trưởng thành trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, Anh Đức đã xem cuộc sống là một mặt trận thử thách lòng dũng cảm và dấn thân của người viết. Trong suốt thời gian cống hiến của mình, ông gắn bó với công việc viết văn và làm báo. Nhà văn từng giữ chức vụ Tổng Biên tập báo Văn nghệ Giải phóng, Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhà văn TP.HCM, Tổng Biên tập tạp chí Văn... Ông từng đoạt giải nhất truyện ngắn của tạp chí Văn Nghệ (năm 1958), giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1965). Năm 2000, ông được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học.

Phó Giáo sư Đoàn Trọng Huy đã chia sẻ sâu sắc về cuộc đời văn nghiệp của Anh Đức. Theo ông, Anh Đức là nhà văn mang đúng phẩm chất của người Nam bộ: điềm đạm, sâu sắc, nhẹ nhàng cả trong cách sống lẫn văn chương. Theo cách mạng từ khi 13 tuổi và không qua một trường lớp chuyên văn nào; nhưng với tinh thần cầu tiến học hỏi từ sách và từ các nhà văn đàn anh khi đọc các tác phẩm và sống chung với họ, nên ở tuổi 17, Bùi Đức Ái đã viết tập Biển động gồm 8 truyện ngắn và được giải thưởng văn nghệ Cửu Long. Đọc những truyện ngắn đầu tay của nhà văn tương lai này, nhà văn Đoàn Giỏi từng dự đoán Bùi Đức Ái  sẽ còn tiến xa trong sự nghiệp văn chương. Trong 8 năm công tác ở miền Bắc được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trực tiếp kèm cặp, “cái mà ông học được, trước khi tiếp nhận kinh nghiệm sáng tác, là nhân cách của nhà văn lớn Nguyễn Huy Tưởng”. Nhà văn Anh Đức có hai giai đoạn sáng tác, lấy cột mốc năm 1962, khi ông từ miền Bắc quay vào Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Trước năm 1962, ông sáng tác với tên thật Bùi Đức Ái. Sau năm 1962, ông sáng tác với bút danh Anh Đức. Qua mỗi giai đoạn, ông đã tạo dựng được một hình ảnh phụ nữ Nam bộ kháng chiến tiêu biểu: chị Tư Hậu trong "Một chuyện chép ở bệnh viện" và chị Sứ trong "Hòn Đất". Cả hai tác phẩm của nhà văn Anh Đức đều được chuyển thể thành kịch bản phim là phim “Chị Tư Hậu” và “Hòn Đất”. Do đã từng công tác ở miền Bắc nên ông có một cảm tình đặc biệt dành cho nơi này. Vì vậy trong những tác phẩm của mình, ông luôn nhắc đến miền Bắc với tấm lòng nhớ thương và ngưỡng mộ. Từ sau năm 1985 đến khi qua đời, nhà văn Anh Đức không công bố thêm tác phẩm nào, nhưng dấu ấn ông để lại văn đàn vẫn đậm nét, đó là những câu chuyện cảm động của những mảnh đời, của những người con anh hùng của đất nước trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, mang đậm tính hiện thực lẫn trữ tình, lãng mạn. Ông đã qua đời vào lúc 21h15 ngày 21/8/2014 tại Bệnh viện Thống Nhất -TP HCM.

Chủ nhiệm Phạm Thế Cường chia sẻ cảm xúc về bức ảnh chụp vợ chồng nhà văn Anh Đức và cậu con trai lớn Đức Huy lúc còn nhỏ đang cho gà ăn trong chiến khu Tây Ninh, đã được Ban biên tập CLBNYS chọn làm ảnh bìa của tập san tháng 7. Bức ảnh thể hiện hình ảnh một gia đình thật hạnh phúc ấm êm, bình dị giữa khung cảnh ác liệt của cuộc kháng chiến. “Hòn đất”là tác phẩm mà một thời thế hệ thanh niên của ông đã đón nhận với tấm lòng ngưỡng mộ sâu sắc; tiếc là trong cuốn "Tác giả - tác phẩm" ấn phẩm kỷ niệm 60 năm NXB Kim Đồng, “Hòn Đất” lại không được đưa vào, đây là một sơ xuất đáng tiếc. Đồng thời, chủ nhiệm Cường đã giới thiệu về 6 bản “Hòn đất” và 3 bản “Đứa con của Đất” đã xuất bản đang có ở thư viện của Câu Lạc Bộ với các qui cách về khổ sách khác nhau.

Đến phần giao lưu, các thành viên CLBNYS bày tỏ lòng cảm kích, ngưỡng mộ mối tình đẹp của vợ chồng nhà văn Anh Đức qua một loạt câu hỏi được đặt ra cho người vợ hiền của cố nhà văn. Bằng giọng nói hoài cảm nhẹ nhàng, bà Mộng Loan đã hồi tưởng lại quá khứ sống cùng chồng suốt cuộc đời gian khó trong chiến tranh. Xuất thân là con nhà gia giáo “tư sản” gốc Hà Nội, cô cựu nữ sinh xinh đẹp trường Trưng Vương vẫn còn “ngốc nghếch” trong tình yêu nam nữ đã được duyên số kết đôi với nhà văn trẻ từ miền Nam tập kết ra Bắc. Nhà văn trở lại chiến trường miền Nam, thì 4 năm sau đó cô Mộng Loan trẻ trung xinh đẹp đã tình nguyện vượt Trường Sơn vào Nam với người yêu. Chuyến đi cùng đoàn văn nghệ sĩ vô cùng gian khó, từng bị biệt kích địch phục kích phải quẳng lại hết đồ đạc tư trang chạy thóat thân, nhưng đã đến đích khi hai người gặp nhau ở chiến khu Tây Ninh miền Đông Nam Bộ. Tại Tiểu ban Văn nghệ Giải phóng, Bùi Đức Ái và Mộng Loan được tổ chức tuyên bố thành hôn và cậu con trai đầu Đức Huy đã chào đời không phải như nhà văn Lê Thiếu Nhơn đã viết trên báo khi Anh Đức mất. Bà cũng cho biết bản thảo “Hòn đất” đã được Anh Đức gửi về Ban văn học miền Nam của Hội văn học nghệ thuật, bà đã may mắn biết được và mượn đọc, khi tác phẩm được in bà đã góp ý cho Anh Đức một chi tiết trong tác phẩm: trẻ 3 tháng không thể bò mà phải từ 7 tháng trở lên!

Bà Mộng Loan chia sẻ kỷ niệm tại CLB

Đặc biệt bà cho biết nguồn gốc thú vị của bút danh Anh Đức. Khi vào chiến trường các nhà văn đều phải lấy một bút danh khác, thì anh Đức (cách bà gọi nhà văn Bùi Đức Ái hồi năm 1962) lấy bút danh là Nguyễn Thủy Đức nhưng khi viết “Hòn Đất” và tập “Bức thư Cà Mau” gửi ra Bắc anh lại lấy bút danh Anh Đức nên lúc đó ở Hà Nội không biết Anh Đức là ai và chính bà đã cho mọi người biết Anh Đức chính là bút danh của Bùi Đức Ái. Hóa ra chữ “anh” đại từ nhân xưng (không viết hoa) đã biến thành “Anh” danh từ riêng (viết hoa) để trở thành “Anh Đức”. Thích thú với bút danh đó của bạn đồng nghiệp, nhà thơ Ca Lê Hiến cũng đặt cho mình bút danh “Lê Anh Xuân”.

Nhà thơ Hà Phương - người từng công tác với bà Mộng Loan ở NXB Văn nghệ trên 20 năm - đã kể lại câu chuyện tình yêu của vợ chồng nhà văn Anh Đức với nhiều chi tiết lãng mạn. Một thành viên CLBNYS hỏi rằng :có phải lần đầu tiên nhà văn Bùi Đức Ái gặp cô thủ thư xinh đẹp Mộng Loan đã có “tiếng sét ái tình” bùng nổ? Thay lời “đương sự” Mộng Loan, thi sĩ Hà Phương giải thích: hai người lập tức yêu nhau từ lần gặp đầu tiên và nên nghĩa vợ chồng đã là một kỳ tích; vì thời bấy giờ vẫn còn quan niệm khắt khe phân biệt vùng miền giữa gái Hà Nội với trai Nam Bộ, và phân biệt cả lập trường giai cấp giữa “con nhà tư sản” với “cán bộ cách mạng”; nhưng đôi người yêu Đức Ái - Mộng Loan đã vượt qua mọi định kiến để xây dựng một gia đình hạnh phúc bền lâu. Hà Phương kể thêm về cách chăm sóc và “bồi dưỡng” của Anh Đức cho vợ đang mang thai ở chiến khu gian khổ Tây Ninh: không tìm được nguồn bổ dưỡng cần thiết, Anh Đức đã phải đào các tổ mối để tìm bắt con “mối chúa” béo tròn mà bồi dưỡng cho vợ. Có lẽ nhờ món “đặc sản” đó mà đứa con đầu của hai người khi sinh ra đã nặng trên 4kg!

Nhà giáo-nhà ngoại giao Nguyễn Thiện Chí và nhà văn Phan Đạt Ninh đã bày tỏ lòng cảm phục ngưỡng mộ về mối tình đẹp của vợ chồng nhà văn Anh Đức cùng các tác phẩm của ông. Bà Bùi trân Phượng và đa số thành viên đã băn khoăn vì sao các tác phẩm của Anh Đức không còn được đưa vào chương trình giảng dạy môn Văn ở các trường phổ thông.

 Chuyển sang phần giới thiệu tiểu thuyết “Vàng thau một thời” của Phan Đạt Ninh, chủ nhiệm Phạm Thế Cường nói lời dẫn nhập ngắn gọn. Nhà văn Kao Sơn đã nhận xét sâu sắc về tác phẩm này. Theo ông, thông qua buổi ra mắt tác phẩm đầu tay “Sương khói mặt người” tại CLBNYS năm 2017 mà Phan Đạt Ninh đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Tp.HCM. Đến nay Phan Đạt Ninh đã tiếp tục thành công với tác phẩm thứ hai của mình. Lối viết của Phan Đạt Ninh không cầu kỳ, mà dung dị kể lại câu chuyện của những người thật, việc thật khi đất nước đã thống nhất đang trong giai đoạn xây dựng để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Mỗi số phận, mỗi cuộc đời của từng nhân vật trong “Vàng thau một thời” được dựng lại như để lưu giữ kỷ niệm của một thời đã qua. Trong đó mọi người tìm thấy mình với tâm trạng ngỡ ngàng của buổi giao thời, khi chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu và đất nước ta đang đổi mới theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ cảm nhận của mình khi đã đọc xong tiểu thuyết “Vàng thau một thời”. Theo ông, bối cảnh câu chuyện gồm 3 phần kéo dài 40 năm với hơn 270 trang có thể viết mỗi phần thành một cuốn sách riêng với những lời văn dài hơn. Bản thân ông tâm đắc vì qua đó ông tìm lại được thời sinh viên của những năm sau khi đất nước thống nhất, dù còn “bao cấp” nhưng tình người gần gũi, gắn bó nhau trong vui sâu lắng. Những người lao động trên công trình thủy điện sông Đà thật gian khổ và cũng lắm chuyện vi phạm kỹ thuật, vi phạm an toàn lao động mà vui vì “Cả nước cho sông Đà”, khác hẳn ngày nay có điều kiện đất nước thuận lợi hơn nhưng nhiều công trình hàng ngàn tỷ mà không đạt hiệu quả.

Nhà văn Phan Đạt Ninh đã xúc động nói lời cảm ơn CLBNYS đã quan tâm tạo điều kiện cho ông được có buổi ra mắt giới thiệu tác phẩm lần thứ hai, cảm ơn nhà văn Kao Sơn, luật sư Anh Tuấn đã đọc kỹ và có những chia sẻ rất tinh tế tiểu thuyết “Vàng thau một thuở”. Anh Tuấn đã nhận xét rất đúng về tác phẩm, chính xác đến 95%. Nhân vật Sơn trong tiểu thuyết chính là hình ảnh của tác giả, diễn biến những câu chuyện thời bao cấp đã chiềm 2/3 số trangcủa tác phẩm, ông chỉ dành mấy chương cuối ngắn ngủi để viết về xã hội thời nay. Phan Đạt Ninh băn khoăn là văn hóa đọc hiện nay phải chịu nhiều sự phân hóa. Khi có một tác phẩm có tính thời sự cao nhưng vì nhiều lý do phải chịu nhiều ý kiến trái chiều mà bị cấm xuất bản và bị tịch thu, thì các cơ quan chức năng cần công khai để rộng đường dư luận, đừng vì định kiến mà hành xử thiếu khách quan với các tác phẩm văn học.

Nhà thơ Trần Mai Hường, người đã trực tiêp biên tập 2 tác phẩm của Phan Đạt Ninh, đã tặng hoa và chúc mừng nhà văn sẽ sớm có tác phẩm mới thành công hơn.

Các thành viên CLB đã chụp hình lưu niệm với gia đình nhà văn Anh Đức và gia đình, bạn bè nhà văn Phan Đạt Ninh.

Kết thúc buổi tọa đàm, chủ nhiệm Phạm Thế Cường đã thông báo chủ đề buổi sinh hoạt tháng 8 năm 2018của CLBNYS:Nhà Kiều học Phạm Đan Quế” sẽ được tổ chức sớm hơn 1 tuần vào ngày 29/7/2018.

NGỌC DUNG

Các Bài viết khác