NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TỌA ĐÀM “NHÀ VĂN SVETLANA ALEXIEVICH - GIẢI NOBEL VĂN CHƯƠNG 2015”.

( 01-04-2019 - 11:17 AM ) - Lượt xem: 651

Vào sáng ngày 09-3-2019 tại Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (352 đường số 8, phường 11, Gò Vấp, Tp.HCM), Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLBNYS) đã có buổi giao lưu tọa đàm rất thành công cùng với dịch giả Phan Xuân Loan và giáo viên Nguyễn Thành Luân về tác giả Svetlana Alexievich, nhà văn được giải thưởng Nobel văn chương 2015.”. Đã có 30 thành viên CLB và các vị khách mời về tham dự.

Mở đầu buổi tọa đàm, Chủ nhiệm Phạm Thế Cường giới thiệu một số bài viết khá phong phú của các nhà phê bình nghiên cứu văn học về nhà văn Alexievich và các đề tài khác trong Tập san số 86. Các thành viên CLB đã được nghe chủ nhiệm Phạm Thề Cường và các diễn giả nói rất kỹ cuộc đời, sự nghiệp, văn phong và dư luận xã hội trong và ngoài nước Nga về nhà văn.

Nhà văn Alexievich là một nhà báo điều tra và nhà văn thể loại văn xuôi hiện thực;  sinh ngày 31 tháng 5 năm 1948 ở thị trấn Ivano-Frankivsk của Ukraine trong một gia đình có bố người Belarus và mẹ người Ukraine. Gia đình của bà chuyển đến Belarus ngay sau khi cha của bà hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Sau khi tốt nghiệp khoa Báo chí đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus, bà làm việc cho tờ Báo Nông nghiệp và tạp chí Neman ở Minsk. Từ đầu năm 2000 bà sống ở Ý, Pháp, Đức, Thụy Điển. năm 2012 bà trở về Belarus.

 

Dịch giả Phan Xuân Loan và nhà giáo Nguyễn Thành Luân giao lưu tai buổi tọa đàm.

Trong sự nghiệp làm báo, bà từng phỏng vấn hàng nghìn nhân chứng trải qua những sự kiện chấn động nhất khối Liên Xô gồm Thế chiến II, Chiến tranh Liên Xô - Afghanistan (1979 - 1989), sự sụp đổ của Liên Xô (1991) và thảm họa hạt nhân Chernobyl (1985). Những tác phẩm của bà được coi là biên niên sử bằng văn chương và bằng cảm xúc về lịch sử cũng như con người Xô Viết. Hầu hết tác phẩm văn chương của Alexievich hợp thành tuyển tập có tên Voices of Utopia - khắc họa đầy đủ lối sống con người khối Xô Viết trong chiến tranh và sau khi Liên bang tan rã. Cuốn mới nhất thuộc tuyển tập này là Second-hand Time: The Demisse of the Red (Wo)man – hoàn thành năm 2013.  Tác phẩm của Alexievich đã được xuất bản ở hơn 19 quốc gia như Mỹ, Đức, Anh, Nhật Bản, Thụy Điển, Pháp, Trung Quốc, Bulgary, Ấn Độ. Ngoài viết văn, bà cũng viết kịch và dựng phim, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế.

Năm 1985, bà Alexievich xuất bản cuốn The Unwomanly Face of War, đó là quyển thứ hai trong loạt năm quyển sách Những giọng nói không tưởng cùng với Chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ -1983, Những cậu bé kẽm - 1991, Lời nguyện cầu từ Chernobyl - 1997 và Thời second hand - 2013) đã mang đến cho nhà văn Belarus Svetlana Alexievich giải Nobel văn chương 2015.  Bà là người phụ nữ thứ 14 nhận giải Nobel văn học; là cây bút tiếng Nga thứ sáu được giải Nobel sau Ivan Bunin, Boris Pasternak, Mikhail Sholokhov, Alexander Solzhenitsyn và Joseph Brodsky. Những tác phẩm nổi tiếng khác của bà bao gồm: Zinky Boys: Soviet Voices From a Forgotten War (tạm dịch: Tiếng nói Xô Viết từ một cuộc chiến tranh bị lãng quên) xuất bản năm 1992.  Sau giải Nobel văn chương 2015, loạt sách Những giọng nói không tưởngđã được tái bản, có sửa chữa. Bản dịch này dựa trên quyển sách Những nhân chứng cuối cùng được tác giả hiệu đính và nhà xuất bản Vremya phát hành năm 2016.

Dịch giả Phan Xuân Loan đã chia sẻ về ấn bản tiếng Việt Những nhân chứng cuối cùng” do bà dịch được Nhà XB Phụ nữ xuất bản năm 2018. Theo bà, khi học ở Nga chuyên ngành là tiếng Nga và văn học. Về nước, đi làm báo, là phóng viên ban quốc tế, chuyên trách tình hình Nga và Đông Âu. Xuất phát từ tâm thế của một người làm báo khi chọn dịch những tác phẩm văn học Nga nhất là những tác phẩm có thể chuyển tải được cho độc giả, cả dòng tinh hoa lẫn đại chúng. Diễn giả đã giới thiệu sơ nét đến cử tọa về bản dịch của mình; đó là cả trăm câu chuyện trẻ thơ, được kể lại bởi những người mà khi Chiến tranh Vệ quốc nổ ra, họ mới từ 4, 5 đến 12 tuổi. Hơn một trăm câu chuyện của những đứa bé sống ở Belarus – nằm sát biên giới Ba Lan, là nước đầu tiên trong khối Liên bang Xô viết bị phát xít Đức bất ngờ tấn công ngày 22-6-1941, đã đạt được mục đích mà Alexievich đặt ra: Nước mắt trẻ thơ, dẫu chỉ một giọt thôi, cũng nặng hơn vô vàn lý lẽ chiến tranh nào”. Người ta đã quen nghe nói về chiến tranh từ người lớn, nhưng chỉ những chuyện kể từ miệng trẻ em mới có thể bộc lộ hết sự điên rồ của chiến tranh, sự hung bạo phi nhân tính không gì có thể biện bạch... Alexievich  đã phát hiện: “còn một kho cất giữ nỗi đau còn tinh khôi, hoàn toàn chưa được động tới”: ký ức trẻ thơ.

Qua những câu hỏi của luật sư Nguyễn Anh Tuấn, anh Phùng Văn Vinh, anh Nguyễn Đình Bốn về sự nghiệp, dư luận trái chiều đối với Alexievich, dịch giả Phan Xuân Loan đã giới thiệu thêm vài tác phẩm của Alexievich: - Năm 1987, tiểu thuyết War’s Unwomanly Face được nhà văn Nguyên Ngọc dịch sang tiếng Việt với nhan đề Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ (Nhà XB Đà Nẵng). Tác phẩm kể về câu chuyện khoảng 1 triệu phụ nữ Xô viết đã tham gia  trên chiến trường thế chiến 2 mà phần lớn vô danh trong lịch sử;  là những dòng tự sự của các  nhân vật nữ đã từng đi qua và sống sót sau chiến tranh. - Cuốn "Voices Of Chernobyl: The Oral History of A Nuclear Disaster" được bắt đầu với một người phụ nữ khi cô kể lại những kí ức đau thương khi phải nhìn chồng mình, một người lính cứu hỏa với cơ thể từ từ phân hủy trên giường bệnh trong nhiều ngày. Tác phẩm tập hợp nhiều bài phỏng vấn với những cảm xúc chân thật nhất của con người chịu ảnh hưởng sau sự kiện ngày 26/4/1986, nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Pripyat, Ukraina bị nổ. Đây là vụ tai nạn hạt nhân trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân. Do không có tường chắn, đám mây bụi phóng xạ tung lên từ nhà máy lan rộng ra nhiều vùng phía tây Liên bang Xô viết, Đông và Tây Âu, Scandinavia, Anh quốc, và đông Hoa Kỳ. Nhiều vùng rộng lớn thuộc Ukraina, Belarus và Nga bị ô nhiễm nghiêm trọng, phải sơ tán và tái định cư cho hơn 336.000 người. Khoảng 60-70% bụi phóng xạ đã rơi xuống Belarus – quê hương của nhà văn Alexievich. Theo dịch giả Phan Xuân Loan, Alexievich thường có những rủi ro vì chọn lấy những yếu tố về lịch sử Liên Xô và thách thức các cơ quan ngôn luận chính thống. "Bà đã bị xem như một kẻ phản bội, là một người không yêu nước".

Giáo viên Nguyễn Thành Luân đã chia sẻ đến cử tọa về Essay – một thể loại văn học được nhà văn Alexievich sử dụng trong các tác phẩm của bà. Đó là sự đóng góp của rất nhiều người khác nhau. Một người nói nửa trang, người kia nói vài dòng, người khác nữa có thể chỉ có một câu. Alexievich  gọi đó là “tiểu thuyết của những tiếng nói”được viết bằng cái tai, được bà “khái quát, dàn xếp, hệ thống các câu chuyện với nhau để “lịch sử qua sự tiếp nhận từ bên trong nhân chứng”. Các nhân chứng trong “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”  (CTKCMKMPN) đặt chiến tranh dưới góc nhìn sâu về đạo đức, được nhìn qua lăng kính của các xúc cảm con người. Đó là nổi ám ảnh, hoảng sợ trước cái chết, là những giấc mơ được yêu của những cô gái mà chiến đấu phải đi liền với thương vong, cái suy nghĩ giết người ám ảnh họ khi mà thiên chức cao cả của họ là tạo ra sự sống. Ra trận là họ chấp nhận vượt qua giới tính và thiếu thốn trong vấn đế sinh hoạt phụ nữ. …..    

Dịch giả Lê Sơn đã có những cảm xúc sâu sắc khi nói đến tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh, “Sáng sớm cho đến bình minh” của một nhà văn Nga viết về 5 cô gái hy sinh trong chiến tranh…..để minh chứng chiến tranh đã đưa những người phụ nữ vào cuộc chiến thật khủng khiếp, sự phi nhân của chiến tranh đã được lột tả đến tận cùng.

Nhà giáo Lê Vinh Quốc bày tỏ cảm xúc khi được sự buổi tọa đàm các tác phâm của  Svetlana Alexievich, không thể không liên tưởng đến số phận dân tộc Việt Nam mà nỗi thống khổ dân tộc chúng ta chịu đựng với hàng triệu người chết ở cả hai bên cuộc chiến, để thấy sự tàn phá của chiến tranh. Bên thắng cuộc, bên thua cuộc phải làm thế nào để xây dựng một đất nước phát triển sau chiến tranh. Thầy  Vinh Quốc đã nhắc đến tác phẩm Ngõ tre rì rào của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng và tập thơ Kiếp dương trần đớn đau của Nguyễn Đăng Khải……

Luật sư  Nguyễn Anh Tuấn đã nói lên nổi sợ hãi khi đọc “Những nhân chứng cuối cùng” với những tư liệu thật viết về những người lính trẻ tham gia cuộc chiến, những đứa con đợi bố về trong sự mong chờ vô vọng.

Chủ nhiệm Phạm Thế Cường nhắc lại bút ký “Một ngày chủ nhật” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Nhà văn Võ Xuân Tòng cũng bày tỏ cảm nhận về buổi tọa đàm và những nhận định sâu sắc về tác phẩm Ngõ tre rì rào…..

Chủ nhiệm Phạm Thế Cường thay mặt CLBNYS cảm ơn dịch giả Phan Xuân Loan, giáo viên Nguyễn Thành Luân và các thành viên CLBNYS đã góp phần cho buổi giao lưu được thành công. Đồng thời thông báo nội dung  cuộc tọa đàm tháng 4 “Địa danh Sài Gòn trên tác phẩm văn học sau 1978” được tổ chức vào ngày 07/4/2019.

NGỌC DUNG

Các Bài viết khác