NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TỌA ĐÀM “ANTON PAVLOVICH CHEKHOV- NGHỆ SĨ CỦA CUỘC SỐNG”.

( 23-02-2019 - 11:40 AM ) - Lượt xem: 719

Buổi sáng ngày 10-02-2019 tại Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (352 đường số 8, phường 11, Gò Vấp, Tp.HCM), Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLBNYS) đã có buổi Tọa đàm đầu năm rất sôi nổi và đầm ấm cùng với PGS.TS Phạm Thị Phương trường ĐHSP TP.HCM về chủ đề “A.P Chekhov - nghệ sĩ của cuộc sống”. Đã có 25 thành viên CLB và các vị khách mời: doanh nhân Nguyễn Chí Cư, dịch giả Phạm Nguyên Trường và nhà thơ Hoàng Hưng đã từ Vũng Tàu, từ Huế về dự sinh hoạt đầu năm của CLB; cô giáo Nhị dạy ở trường phổ thông cấp 3 Nguyễn Thông, Tp Vĩnh Long; độc giả Phạm Quốc Tâm và độc giả Hồng Sơn lần đầu tiên đến sinh hoạt với CLBNYS.

Mở đầu buổi tọa đàm, Chủ nhiệm Phạm Thế Cường giới thiệu số bài viết phong phú về Chekhov của các nhà phê bình nghiên cứu văn học trong Tập san số 85 của CLBNYS; rồi ông giới thiệu nhà thơ Hoàng Hưng, tác giả Tập thơ song ngữ “Ác mộng/Nightmares” - bản dịch Anh ngữ của Trịnh Y Thư & Nguyễn Đức Tùng. Nhà thơ Hoàng Hưng đã trình bày tóm tắt về nguồn cảm hứng của ông và quá trình xuất bản tập thơ đặc sắc này.

Tiếp theo, Chủ nhiệm Phạm Thế Cường đã giới thiệu sơ nét về Chekhov. Anton Pavlovich Chekhov, bác sĩ y khoa, nhà văn, nhà soạn kịch nổi tiếng, sinh ngày 29 tháng 1 năm 1860, tại Taganrog, miền Nam nước Nga trong một gia đình lao động buôn bán nhỏ, đông con. Bố mẹ ông làm việc vất vả để nuôi bảy người con, ông là con thứ ba trong gia đình. Năm 16 tuổi ông đã phải chống chọi với đám nợ của gia đình sau khi cha ông phá sản. Ông phải cật lực đi làm để nuôi bản thân và cố gắng học trung học. Gia đình ông rơi vào cảnh lầm than từ khi sụp đổ cơ nghiệp, anh em phân tán, cũng chính hoàn cảnh đó đã ảnh hưởng ít nhiều đên việc học, việc yêu đương và những sáng tác của ông.

Năm 1879 Chekhov vào học khoa y, Đại học tổng hợp Moskva và từ 1880 ông liên tục viết các truyện ngắn cho đến cuối đời. Năm 1884 tốt nghiệp đại học, ra làm nghề bác sĩ và viết văn. Đây là dịp ông có thể hiểu sâu hơn về đời sống nhân dân. Ông tham gia chữa bệnh về thể xác lẫn tinh thần cho nhân dân bằng con đường viết báo và văn chương do chứng kiến nhiều cảnh sống cơ cực của nhân dân để nói lên một xã hội tha hóa, đày ải người dân, từ đó ông đặt nặng cảm nghĩ về đất nước và con người. Ông là người đại diện cho trào lưu văn học hiện thực của Nga với nhiều sáng tác trên nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch.Ở thời kỳ đầu ông viết truyện cho nhiều tờ báo châm biếm, ký nhiều bút danh khác nhau. Giai đoạn này có nhiều truyện đặc sắc như: “Con kỳ nhông”, “Anh béo và anh gầy”, “Mặt nạ”… Giai đoạn chín muồi của tài năng, Chekhov viết những truyện có độ dài hàng chục trang và có giá trị lớn: “Thảo nguyên”, “Câu chuyện buồn tẻ”, “Phòng số 6”, “Người trong bao”… Trong khoảng thời gian từ năm 1886 – 1888 là thời kì Chekhov chuyển từ truyện ngắn khôi hài sang truyện ngắn dài hơn và chủ đề nghiêm túc rõ ràng hơn trước. Ngoài truyện ngắn Chekhov còn là một nhà viết kịch tài ba có nhiều đóng góp vào việc cách tân thể loại kịch nghệ. Năm 1890, Chekhov đi Sakhalin, hòn đảo tận cùng ngoài khơi Sibir mà Nga hoàng dùng làm nơi đày ải tù nhân. Thực tiễn nghiệt ngã  ở chốn địa ngục trần gian này đã làm cho Chekhov có cái nhìn nghiêm khắc hơn, thái độ phê phán quyết liệt hơn đối với thực tại và càng nặng trĩu tấm lòng thương yêu nhân dân, thương yêu những nạn nhân của chế độ Nga hoàng.

PGS.TS Phạm Thị Phương trả lời câu hỏi của thành viên CLB

Chekhov đã để lại một di sản văn học đồ sộ gồm gần 600 truyện ngắn và hơn một chục vở kịch lớn nhỏ. Ông được xem là nhà văn hiện thực tiêu biểu của Nga vào thế kỉ XIX với những tác phẩm bất hủ như Người trong bao”, “Anh béo và anh gầy”, “Con kì nhông”, “Chim hải âu”, “Ba chị em”, “Vườn anh đào”…Ông được xem là nhà văn có nhiều bút danh nhất với tổng cộng hơn 50 bút danh và nổi tiếng nhất là bút danh “Antosha Chekhonte”. Chekhov bị bệnh lao, vào năm 1897 phải dời đến sinh ống tại vùng ấm áp Yalta, nằm kề biển Đen. Năm 1901, ông kết hôn với nữ diễn viên Olga Leonardovna Knipper. Hai vợ chồng yêu nhau thắm thiết, nhưng tiếc rằng họ không có con trong khi sức khỏe của Chekhov giảm sút dần. Nhà văn qua đời tại khách sạn ngày 2/7/1904 (theo lịch cũ) ở khu nghỉ mát Badenweiler tại Đức, vợ ông đã tìm được một số người quen giúp đưa thi hài của chồng lên toa tầu lạnh về nước.

Buổi tọa đàm về sáng tác của Chekhov khá phong phú qua những phân tích sâu sắc của PGS.TS Phạm Thị Phương. Bà đã chia sẻ mọi vấn đề dựa trên cảm nhận cá nhân của mình, cung cấp những thông tin bổ ích, cái nhìn tổng quan mà bà đã dày công nghiên cứu trong quá trình giảng dạy cho sinh viên về cuộc đời và văn nghiệp của Chekhov. Theo bà, ở Việt Nam, tác phẩm của Chekhov được giới trí thức Tây học đọc qua tiếng Pháp từ trước năm 1945 mà không gặp một ý kiến trái chiều nào. Sau Cách mạng tháng Tám, tập truyện ngắn A.P Chekhov được dịch ra tiếng Việt và tác phẩm của ông tiếp tục được dịch trong những năm 50, 70 và nhà văn đã có vị trí trong giáo trình khoa Ngữ Văn các trường đại học từ những năm 80-90 của thế kỷ XX. Chekhov là nhà nghệ sĩ lớn cuối cùng của dòng văn học hiện thực Nga thế kỉ XIX, nghệ sĩ lớn của hai thế kỉ, nhà văn của kết thúc và nhà văn của bắt đầu: kết thúc cái cũ và bắt đầu cái mới”. Ông là cây cầu nối văn học cổ điển và hiện đại, văn phong giản dị dễ đánh lừa chúng ta tùy thành phần độc giả, cách đọc và cảm nhận sẽ trái chiều.

Trước các câu hỏi của nhà thơ Hoàng Hưng, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, chủ nhiệm Phạm Thế Cường về “ Những tác phẩm của Chekhov liên quan đến các quan chức chính quyền như thế nào? Ẩn ý đằng sau mặt nổi các câu chuyện của ông? Cái gì cho ta cái nhìn sâu sắc nhất qua các tác phẩm của ông?...”, PGS Phạm Thị Phương đã sử dụng giáo trình do bà biên soạn với những câu hỏi được đặt ra cho sinh viên khoa Ngữ văn để giải đáp: - Vai trò của Chekhov trong việc mở đường cho cách tân truyện ngắn? - Trong truyện ngắn của Chekhov, hiểu thế nào là “viết cái gì không quan trọng bằng viết như thế nào”? - Tại sao sự hấp dẫn chìm trong tác phẩm của Chekhov lại liên quan đến tính dân chủ của người sáng tác?...

Theo bà, giá trị của một tác phẩm văn học thể hiện trong mối quan hệ tam giác giữa tính dân chủ của người sáng tác, sự hấp dẫn lắng đọng trong văn bản truyện và đồng sáng tạo của người đọc tiếp nhận. Trong số các đại văn hào Nga, Chekhov là nhà văn viết về đại chúng, xuất thân từ tầng lớp bình dân nhưng mang tinh thần quý tộc - biết tôn trọng, lắng nghe người khác và nghiêm khắc với bản thân. Đây chính là là quan điểm sống và viết của Chekhov. Ông là người có cách viết chân thật, gần gũi với người đọc. Ông chú trọng đến việc miêu tả nội tâm nhân vật một cách gián tiếp thay vì miêu tả trực tiếp. Những truyện ngắn của ông thường có kết thúc mở để người đọc tự chiêm nghiệm và rút ra những bài học cho bản thân mình.“Ông được coi là một trong những nhà cách tân vĩ đại nhất của văn học thế giới, dự đoán thiên tài nhiều vấn đề phức tạp và mâu thuẫn của thế kỉ XX, XXI.” Sáng tác của nhà văn Nga A.P. Chekhov vẫn giữ được sức hấp dẫn của mình đối với các đạo diễn và các tập thể nhà hát trên khắp thế giới. Ở Nga có riêng một nhà Hát nhỏ (Malyi Theatre) dành để diễn kịch Chekhov, một đội ngũ diễn viên chuyên diễn kịch Chekhov, thường xuyên thu hút rất đông các khán giả quốc tế…..  Theo PGS Phạm Thị Phương, chúng ta không nên quá rạch ròi đặt mục tiêu quá lớn cho các tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới khi tiếp cận. Nếu muốn biết tư tưởng tác phẩm nào đó hay toàn bộ sáng tác của Chekhov thì phải chăm chú đọc và chăm chú suy ngẫm những gì bạn đã đọc. Các sinh viên khoa Ngữ văn chỉ có thể diễn kịch Chekhov để phục vụ việc nghiên cứu, học tập, việc kỳ vọng thị hiếu thẩm mỹ của khán giả Việt Nam cảm nhận được những tư tưởng chủ đề của những vở kịch mang tính hàn lâm nói chung và kịch Chekhov nói riêng cần phải có thời gian dài. 

  Dịch giả PGS Lê Sơn chia sẻ nhận định của ông về Chekhov qua bài viết “Một nhà văn - thầy thuốc thiên tài” đăng trong Tập san 85. Ông ví nền văn học Nga như một bà mẹ mắn đẻ vì trong vòng trên dưới 60 năm nước Nga đã xuất hiện hầu như tất cả các nhà văn, nhà thơ lỗi lạc. Khởi đầu là  Pushkin (sinh năm 1799) người đặt nền móng vững chắc cho văn xuôi hiện thực Nga, đã mở đường cho nhà văn hậu sinh Chekhov đạt tới đỉnh cao của truyện ngắn và kịch nghệ vào cuối thế kỷ XIX, được Tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc quyết định chọn năm 2004 – năm kỷ niệm100 năm ngày mất của Chekhov làm năm CHEKHOV. Dịch giả Lê Sơn đã có một nhận định thú vị về truyện “Con kỳ nhông” khi nói đến các quan chức trong xã hội Việt Nam…..

           Nhà giáo Lê Vinh Quốc tâm sự rằng ông không đọc được nhiều tác phẩm Chekhov, nhưng may mắn có người cậu ruột là họa sĩ thiết kế mỹ thuật của Nhà hát Kịch Việt Nam, nên thuở nhỏ đã được đọc kỹ Tuyển tập Kịch Sê Khốp (với các vở “Vườn Anh đào”, “cậu Vania”, “Ba chị em”…) cùng một số truyện ngắn của ông trong tủ sách của cậu; và thường được hóng chuyện khi các kịch sĩ nổi tiếng thời ấy (như Thế Lữ, Nguyễn Đình Nghi, Mạnh Linh…) họp bàn về việc dựng kịch Chekhov tại nhà cậu. Kết quả là họp bàn rất nhiều, nhưng không thấy có vở kịch nào của Chekhov được dựng trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt nam! Hóa ra là dựng kịch Chekhov rất khó. Trong số các truyện ngắn của Chekhov, thầy Quốc ấn tượng nhất với truyện “Con kỳ nhông”; và kể từ lúc được đọc truyện này, mỗi khi nhìn vào giới quan chức Việt Nam, ông “luôn thấy cả một đàn những con kỳ nhông đủ mọi màu sắc!”.

 

Nhà thơ Hoàng Hưng tham gia tọa đàm

Cùng tham gia phát biểu, độc giả Phạm Quốc Tâm đã chia sẻ cảm nhận ý thức về tự do - nền tảng của dân chủ trong tác phẩm văn học; nhà văn Nguyễn Xuân Tòng và bà Huỳnh Thị Thành (con gái thi tướng Huỳnh Văn Nghệ) đã chia sẻ những cảm nhận khi đọc truyện của Chekhov: thấy hay, dễ hiểu là đọc để cảm nhận được phần nổi của tác phẩm. Những truyện, kịch nổi tiếng thế giới mang tính hàn lâm khó tìm được sự cảm nhận của số đông khán giả Việt Nam…

Dịch giả Phạm Nguyên Trường cho rằng không cần phải phân loại tác phẩm văn học một cách máy móc, mà nên đọc và cảm nhận truyện, kịch của Chekhov theo nhận thức của mỗi người, không nên quá kỳ vọng vào việc hiểu thâm sâu tác phẩm.

 

Chủ nhiệm Phạm Thế Cường thay mặt CLBNYS cảm ơn PGS.TS Phạm Thị Phương đã dành cho CLB những tình thân sâu đậm trong tất cả các buổi sinh hoạt về những tác giả văn học Nga của CLB; cảm ơn doanh nhân Nguyễn Chí Cư và nhà thơ Hoàng Hưng đến từ Vũng Tàu và Huế, đặc biệt chúc mừng sinh nhật của dịch giả Phạm Nguyên Trường đúng ngày hôm nay. Ông cảm ơn sự hiện diện của các thành viên trong buổi sinh hoạt đầu năm mới, coi đó là niềm khích lệ để CLBNYS ngày càng phát triển.

Sau cùng, ông thông báo kỳ sinh hoạt CLBNYS tháng 3/2019 sẽ được tổ chức vào ngày 10/3/2019 về chủ đề “Nhà văn Svetlana Alexievich- Giải Nobel Văn chương 2015”.

 

NGỌC DUNG 

 

Các Bài viết khác