NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

THÔNG CÁO BÁO CHÍ: Triển lãm “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với Nhà xuất bản Kim Đồng”

( 08-06-2015 - 04:29 PM ) - Lượt xem: 1225

Triển lãm “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và Nhà xuất bản Kim Đồng” giới thiệu nhiều hiện vật, tư liệu, hình ảnh của ông hoặc về ông liên quan đến văn học thiếu nhi nói chung và Nhà xuất bản Kim Đồng nói riêng. Đó là các kỉ vật của nhà văn mà gia đình lưu giữ được, những trang bản thảo, bút tích, thư từ của ông và các cộng sự, những cuốn sách Kim Đồng in lần đầu tiên, trong đó có cả loại sách ra trong kháng chiến, trước khi Nhà xuất bản Kim Đồng được thành lập… Đó còn là những bìa sách, minh họa, các trang truyện tranh thể hiện tác phẩm của ông, được Nhà xuất bản triển khai trong suốt các năm qua. Triển lãm mở từ sáng thứ ba, 16-6 đến hết thứ sáu, 19-6-2015 tại Thư viện Hà Nội, 47 Bà Triệu, Hà Nội.

Trong văn học Việt Nam hiện đại, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được biết đến là tác giả của những tiểu thuyết, vở kịch lịch sử nổi tiếng, đồng thời là một trong những người đặt nền móng cho văn học thiếu nhi.

Riêng với Nhà xuất bản Kim Đồng, ông vừa là một sáng lập viên, vừa là Giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản.

Ngay từ hồi kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Huy Tưởng đã cùng Tô Hoài và một số bạn bè tâm huyết chăm lo viết sách cho thiếu nhi, xuất bản thành loại Sách Kim Đồng ra được nhiều số phục vụ các bạn đọc nhỏ tuổi. Hòa bình lập lại, các ông lại cùng nhau đứng ra vận động thành lập nhà xuất bản dành riêng cho các em, lấy tên là Nhà xuất bản Kim Đồng.

Tuy chỉ làm ở Nhà xuất bản trong một thời gian ngắn (chưa đầy một năm), nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã có những đóng góp hết sức quan trọng. Là Giám đốc một nhà xuất bản mới thành lập, ông vừa phải chăm nom gây dựng cơ quan trong buổi đầu đầy khó khăn thiếu thốn, vừa lo đôn đốc bản thảo thực hiện mục tiêu xuất bản đã đề ra. Với cương vị và uy tín của mình, ông đã mời gọi được nhiều văn nghệ sĩ cùng tham gia viết sách, làm sách cho các em, trong đó có những tên tuổi như Nguyễn Tuân, Văn Cao, Kim Lân, Bùi Hiển, Nguyễn Sỹ Ngọc, Phan Huỳnh Điểu… Bản thân ông đã trực tiếp viết nhiều cuốn, góp phần bồi đắp cho diện mạo sách Kim Đồng những ngày đầu. Nhiều tác phẩm cho thiếu nhi của ông vừa là tâm huyết của người viết, đồng thời cũng nhằm khắc phục tình trạng “đói bản thảo” của Nhà xuất bản khi ấy.

Tự hào về vị Giám đốc đầu tiên của mình, Nhà xuất bản Kim Đồng luôn trân trọng phát huy các giá trị tinh thần mà nhà văn Nguyễn Huy Tưởng để lại. Truyền thống lo toan gánh vác công việc, thương yêu đùm bọc lẫn nhau mà ông cùng các bậc tiền bối tạo dựng nên, đã được duy trì qua các thế hệ và truyền đến hôm nay, trở thành phương châm sống và làm việc của những người làm sách Kim Đồng. Các tác phẩm viết cho các em của ông luôn được coi là mẫu mực của nền văn học thiếu nhi nói chung và của Nhà xuất bản Kim Đồng nói riêng, thường xuyên được xuất bản dưới nhiều hình thức khác nhau. Ở đây đặc biệt phải kể đến hình thức truyện tranh - từ những truyện cổ tích như Con cóc là cậu ông Giời, Tìm mẹ, Thằng Quấy đến truyện lịch sử Lá cờ thêu sáu chữ vàng, tất cả đều được các thế hệ họa sĩ Kim Đồng thể hiện thành truyện tranh theo phong cách truyền thống hoặc hiện đại. Không chỉ quan tâm xuất bản các tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Nhà xuất bản Kim Đồng còn chú trọng giới thiệu đến bạn đọc rộng rãi các tác phẩm “cho người lớn” của ông. Sống mãi với Thủ đô, Đêm hội Long Trì, An Tư, Vũ Như Tô, Bắc Sơn, Lũy hoa, Một ngày chủ nhật… - những tiểu thuyết, kịch bản, truyện ký của ông - đã lần lượt được xuất bản trong Tủ sách Vàng - Tác phẩm văn học chọn lọc hay Tủ sách Tác giả của Nhà xuất bản Kim Đồng.

*

*   *

Triển lãm “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và Nhà xuất bản Kim Đồng” giới thiệu nhiều hiện vật, tư liệu, hình ảnh của ông hoặc về ông liên quan đến văn học thiếu nhi nói chung và Nhà xuất bản Kim Đồng nói riêng. Đó là các kỉ vật của nhà văn mà gia đình lưu giữ được, những trang bản thảo, bút tích, thư từ của ông và các cộng sự, những cuốn sách Kim Đồng in lần đầu tiên, trong đó có cả loại sách ra trong kháng chiến, trước khi Nhà xuất bản Kim Đồng được thành lập… Đó còn là những bìa sách, minh họa, các trang truyện tranh thể hiện tác phẩm của ông, được Nhà xuất bản triển khai trong suốt các năm qua. Tất cả cho thấy vị trí và bề dày của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đối với Nhà xuất bản Kim Đồng, mặc dù ông chỉ làm Giám đốc trong một thời gian ngắn ngủi.

Triển lãm mở từ sáng thứ ba, 16-6 đến hết thứ sáu, 19-6-2015 tại Thư viện Hà Nội, 47 Bà Triệu, Hà Nội.

NHÀ XUẤT BẢN KIM ĐỒNG

Các Bài viết khác