NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

THÁNG 10 VỀ THẮP MỘT NGỌN NẾN MỪNG CÂU LẠC BỘ TRÒN 02 TUỔI

( 19-10-2013 - 05:26 PM ) - Lượt xem: 1558

CLB không phải chỉ là một chỗ vui vui đơn thuần mà là sân chơi học thuật văn chương hẳn hoi, có đầu tư và dụng công xây dựng đàng hoàng. Số lượng thành viên CLB lên đến hơn 60 người từ Bắc đến Nam, bên cạnh đó tham gia CLB là những nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà văn tên tuổi. Con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là Nguyễn Huy Thắng cũng tham gia CLB

Một ngày đầu tháng 3, tôi nhận được đường link bài báo (báo Sài Gòn giải phóng) do nhà báo Phan Tùng Sơn, báo Quân đội nhân dân gửi trên yahoo. Anh bảo tôi đọc bài viết đó đi, đọc xong thì viết một bài cho báo Văn nghệ công an, một bài cho báo Quân đội nhân dân bởi nhân vật trong bài là cựu chiến binh. Tôi mở ra đọc. Bài báo nói về thư viện tư nhân của cựu chiến binh Phạm Thế Cường ở Gò Vấp. Tuần sau tôi liên hệ và lên đường đi phỏng vấn liền. Nhớ hôm đó, chú Cường bận nên chú tiếp tôi vào buổi tối. Khi tôi đến thì bắt gặp các bạn trẻ đang quây quần xem bộ phim tài liệu về Trường Sa. Tôi ngạc nhiên quá thể vì hôm đó là thứ 5, bình thường thư viện chỉ mở của vào thứ 2, thứ 4. Nhưng chú Cường bảo mỗi tối những đứa trẻ vẫn sang đây đọc sách, sinh hoạt chuyên đề. Và từ đó tôi biết đến CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng. Thật vui khi biết cơ duyên cái tên của nhà văn nổi tiếng đặt cho CLB bắt nguồn từ tình yêu, niềm trăn trở về thế hệ trẻ của người cựu chiến binh xin được nghỉ hưu non để … đọc sách.

Tôi nghĩ đơn giản chắc chú Cường cùng những người yêu sách và đồng chí hướng lập ra CLB để vui vui thôi. Coi như là có thêm chỗ hoạt động sôi nổi bên lề trang sách để người đọc sách, đặc biệt là các bạn trẻ tham gia. Nhưng dự buổi giao lưu về nhà văn Ngô Tất Tố, buổi giao lưu định kỳ của CLB mà lần đầu tiên tôi tham gia, tôi mới biết đây không phải chỉ là một chỗ vui vui đơn thuần mà là sân chơi học thuật văn chương hẳn hoi, có đầu tư và dụng công xây dựng đàng hoàng. Số lượng thành viên CLB lên đến hơn 60 người từ Bắc đến Nam, bên cạnh đó tham gia CLB là những nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà văn tên tuổi. Con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là Nguyễn Huy Thắng cũng tham gia CLB.  Điều khiến tôi ngạc nhiên là ở các buổi sinh hoạt, nếu có điều kiện ban chủ nhiệm sẽ mời những người thân hay người quen biết với tác giả mà buổi sinh hoạt chuyên đề nhắc đến để cùng giao lưu. Đây thực sự là điểm nhấn tăng sức thuyết phục cho chủ đề đang bàn luận và góp phần khẳng định uy tín của CLB.

Thú thật từ những buổi giao lưu này mà tôi có thêm nguồn tư liệu cho các bài báo về tác gia, tác phẩm. Buổi sinh hoạt về nhà văn Nguyễn Tuân là một trường hợp như thế. Từ những nguồn tư liệu mới mẻ, ngồn ngộn của các thành viên CLB đã làm nên bài viết: Tháng bảy về, nhớ Nguyễn Tuân của tôi trên báo Văn nghệ công an. Những tư liệu mới, những vấn đề văn chương còn khúc mắc là những tư liệu quý cho nghề làm báo văn nghệ của tôi. Điều đó tôi phải cảm ơn chú Phạm Thế Cường – chủ nhiệm CLB và các thành viên CLB rất nhiều.

Mỗi lần gọi điện cho chú Cường, khi thì nghe chú bảo đang ở Đà Lạt, hôm sau lại nghe ở Hà Nội, hôm sau nữa lại nghe chú đang ở Đà Nẵng… Thắc mắc, chú đi đâu mà đi dữ vậy thì hôm sau xem hình trên facebook mới biết là chú đến thăm những miền quê của nhà văn, nhà thơ mà chú sắp làm chuyên đề tháng tới. Như dạo làm về Hàn Mặc Tử, chú cũng lặn lội ra tận Quy  Nhơn, thăm mộ Hàn, thăm chòi lá bút lửa Dzũ Kha, thăm trại phong Tuy Hòa… Điều đó chứng tỏ sự nghiêm túc, trách nhiệm của người chủ nhiệm CLB. Nhờ đó mà các buổi sinh hoạt thêm sinh động và mang màu sắc thực tế chứ không chỉ là nói suông. Thú thật, hiếm có CLB văn chương tự phát nào lại có sức sống và duy trì bền bỉ như CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng.

Các hoạt động không chỉ là giao lưu chuyên đề về một tác giả, tác phẩm mà còn có những buổi dã ngoại, vui chơi, tham quan tìm hiểu về các thư viện, các điểm sinh hoạt văn hóa trong thành phố lẫn ngoại tỉnh… Điều đặc biệt là tham gia CLB luôn có nhiều gương mặt trẻ. Họ là học sinh, sinh viên trong thành phố và cả ở những nơi xa xôi. Dịp ra Quy Nhơn với chú Cường, tôi được gặp cô giáo trẻ dạy Văn tên Phượng và anh thạc sĩ Đoàn Chiến. Nghe hai người kể, mới hay cả hai biết chú Cường và CLB chỉ đơn giản là trên mạng mà thôi. Quý nhau cũng từ đó. Duy nhất có một sợi dây nối kết những con người xa lạ ấy lại, đó là tình yêu với sách – tình yêu văn chương.

Kỷ niệm 01 năm thành lập (6/10/2012)

Tôi không phải là thành viên chính thức mà chỉ là cộng tác viên CLB, cũng không năng nổ hay tích cực gì cho cam. Nhưng mỗi lần đến dự các hoạt động của CLB lại thấy mình thu  lượm được quá nhiều điều. Có lắm lần tôi đến dự mà chẳng mảy may ghi chép gì như hôm giao lưu về nhà văn Vũ Bằng ở Thư viện quận Phú Nhuận. Hôm sau chú Cường gọi điện bảo viết bài tường thuật, tôi mới tá hỏa. Ngồi gõ gõ từng con chữ, nhớ lại các diễn biến hôm đó để tường thuật, tôi phục sự chu đáo của chú Cường lắm lắm. Y như lần nào chú cũng không cho tôi thoát!

Bây giờ, vào trang web của CLB,  vui mừng quá đỗi khi giao diện trang web đã khang trang hơn, chuyên nghiệp hơn và sung túc hơn trước rất nhiều. Giờ đây, tôi đã quen với việc vào trang web này hằng ngày để đọc các bài viết cũng như tin tức. Tôi đã quen với cảnh ghé thư viện chú Phạm Thế Cường vào mỗi sáng chủ nhật đầu tháng. Quen với cảnh những mái đầu già trẻ quây quần bên đĩa trái cây, ấm trà nóng trao đổi chuyện văn chương. Quen với cảnh các bạn trẻ người lăng xăng chọn góc bấm máy ảnh tách tách, người chỉnh loa đài, người thuyết trình giới thiệu tác giả, tác phầm…

Tháng 10 về, thắp một ngọn nến mừng CLB tròn 2 tuổi.

 

MAI QUỲNH NGA

Các Bài viết khác