NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

M.SHOLOKHOV – ĐẠI BÀNG TRÊN THẢO NGUYÊN

( 07-12-2016 - 06:25 AM ) - Lượt xem: 1174

Vào ngày 4/12/2016 vừa qua, CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng tổ chức buổi tọa đàm “M.Sholokhov – Đại bàng trên thảo nguyên” tại Thư viện Phạm Thế Cường (352 Đường số 8, P 11, Q Gò Vấp, Tp. HCM) với sự tham dự của các thành viên CLB và khách mời.

Mở đầu chương trình như thường lệ, chủ nhiệm CLB Phạm Thế Cường giới thiệu đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn M.Sholokhov, đồng thời nhấn mạnh về trường hợp dịch thuật “Đất vỡ hoang” – tác phẩm được in đầu tiên của M.Sholokhov ở Việt Nam và ảnh hưởng của nó với các nhà văn, bạn đọc Việt Nam như thế nào trong những năm trước 1975.
Kế đến là phát biểu của PGS Đoàn Trọng Huy về ba đặc điểm nghệ thuật tiêu biểu của tác phẩm “Sông Đông êm đềm” – tác phẩm tạo nên tiếng vang lớn cho tên tuổi của M.Sholokhov: nghệ thuật sử thi, nghệ thuật điển hình hóa và nghệ thuật tâm lý.
Dịch giả Lê Sơn khiêm tốn phát biểu với “tư cách người đọc”, ông nhấn mạnh và đề cao nhân cách của M.Sholokhov: “Điều nổi bật ở Sholokhov là bản lĩnh của một nhà văn dũng cảm dám đứng ra bảo vệ sự thật trong sáng tác cũng như trong cuộc sống mặc dầu ông biết rõ rằng làm như vậy đôi khi rất mạo hiểm , có thể nguy hại đến tính mạng và sự nghiệp văn chương của mình”.
Trong buổi tọa đàm còn có sự tham dự của PGS. TS Phạm Thị Phương, PGS cũng đã giải đáp thắc mắc của thành viên CLB với các câu hỏi như: “Tình hình giảng dạy văn học Nga trong nhà trường hiện nay như thế nào?” (Chị Huỳnh Thị Thành), “Trước tình trạng học văn học nước ngoài “cưỡi tên lửa xem hoa” như hiện nay thì người giảng dạy có tâm trạng và suy nghĩ gì về trách nhiệm của mình?” (Nhà giáo Phan Văn Bảo). PGS Phạm Thị Phương chia sẻ về việc giảm số tiết dạy văn học nước ngoài, trong đó có văn học Nga so với giai đoạn trước vì sinh viên hiện nay học theo chương trình tín chỉ, và bày tỏ nỗi buồn khi nhìn thấy cảnh “nước chảy bèo trôi” với thực trạng học văn học nước ngoài có phần đi xuống so với thời Tây học, hay Nga học. Là một người giảng dạy, PGS cố gắng làm hết sức mình nhưng cũng lo ngại sẽ là “muối bỏ bể” nếu chỉ vài cá nhân lưu tâm, vì đây là vấn đề dân trí, là của tất cả nên cần mọi người cùng chung tay. Bên cạnh đó, cô cũng chia sẻ góc nhìn của mình về tình hình thiếu đội ngũ dịch thuật văn chương một cách nghiêm cẩn và chất lượng sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp thu văn học nước ngoài, và cần lắm những buổi tọa đàm, thảo luận trên tinh thần cởi mở, phản biện, tất cả các ý kiến đều được nói và được tôn trọng đề hiểu vấn đề ở nhiều góc nhìn, sâu sắc hơn. Với câu hỏi của thành viên Phạm Thế Cường tính nhân văn trong tác phẩm “Số phận con người” trong bối cảnh sau chiến tranh, PGS nói: “tại thời điểm đó đã qua sự hào hứng phấn khởi của men chiến thắng, người ta đã có cái nhìn thực tế hơn đó là cuôc sống của đất nước, con người sau chiến tranh nhất là những người trực tiếp cầm súng, trực tiếp hi sinh. Sholokhov đã dũng cảm nói lên được sự thật đau buồn đó mà nhiều người không dám nói, có thể thấy “Số phận con người” là sự đột phá của Sholokhov. Đây là sự thất bại của con người trong XHCN, nó là phi hiện thực XHCN, ông đã lỡ trớn và chúng ta mới được thưởng thức tác phẩm tuyệt vời đó.
Ở một cách nhìn khác, TS. Bùi Bích Ngọc lại chia sẻ niềm lạc quan vào việc học và đọc với tình yêu văn chương, cô nói: “hãy tin vào lớp trẻ”. Ngoài ra, buổi tọa đàm cũng thảo luận về một số vấn đề liên quan nhằm hiểu rõ hơn về tác phẩm “Sông Đông êm đềm” và nhà văn M.Sholokhov: ý nghĩa ngầm ẩn của tên tác phẩm “Sông Đông êm đềm”, phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa và triết lý sáng tác của M.Sholokhov.
Nhà sử học TS Lê Vinh Quốc đã đọc hai bức thư trao đổi giữa Stalin và Sholokhov, ông đã phân tích câu nói ““Tôi viết theo chỉ thị của trái tim, mà trái tim tôi thì thuộc về Đảng” của Sholokhov, Ts kết luận: ”Sholokhov viết theo ngôn ngữ của trái tim mình thì đảm bảo được giá trị nghệ thuật, nhưng sẽ gặp tai họa; còn viết theo chỉ thị của Đảng thì sẽ được bình an, nhưng lại trái với lương tâm mình. Rất may cho chúng ta là Sholokhov không phải lúc nào cũng viết theo chỉ thị của Stalin mà ông đã viết theo trái tim “nhân dân” của mình và nhờ đó, các tuyệt phẩm văn chương của Sholokhov như “Sông Đông êm đềm” hay “Số phận một con người” đã đưa ông lên đỉnh cao văn học của thế kỷ XX với giải Nobel được trao tặng vào năm 1965.
Buổi tọa đàm đã diễn ra thành công trong không khí thảo luận sôi nổi, góp nhiều góc nhìn vào chủ đề chung và mở ra nhiều vấn đề cần suy tư, quan tâm, hành động cho việc học, đọc, nghiên cứu và dịch thuật văn học nước ngoài hiện nay.

LỆ THƯƠNG

Các Bài viết khác