NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

HỌP MẶT KỶ NIỆM 7 NĂM THÀNH LẬP CLBNYS, TỌA ĐÀM VỀ NHIẾP ẢNH GIA TRẦN VĂN LƯU VÀ HỌA SĨ NGÔ MẠNH QUỲNH

( 30-10-2018 - 06:49 AM ) - Lượt xem: 663

Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Thư viện Tư nhân Phạm Thế Cường và 7 năm thành lập Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLBNYS), Cuộc Họp mặt và Tọa đàm về “Nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu và Họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh - Truân chuyên và Viên mãn” đã được tổ chức trọng thể vào sáng chủ nhật 07/10/2018 tại Thư viện Tư nhân Phạm Thế Cường (352 đường số 8, phường 11, Gò Vấp, Tp.HCM).

Về tham dự, có ông Nguyễn Huy Thắng - nguyên Phó Giám đốc Tổng Biên tập NXB Kim Đồng, con trai cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cùng các bạn đồng nghiệp Nguyễn Như Mai và Nguyễn Quốc Tín; nhà văn Dạ Ngân - vợ cố nhà văn Nguyễn Quang Thân, Kỹ sư Đỗ Thái Bình - cháu nội của nhà nho yêu nước Đỗ Văn Phong, người khởi xướng thương hiệu Mai Lĩnh, nhà giáo Nguyễn Triệu Căn - con trai Cố nhà văn Nguyễn Triệu Luật, Giảng viên Trần Tấn Lợi (Đại học Bách Khoa Hà Nội); 14 cán bộ nhân viên Trung tâm Văn hóa Quận 6 (TTVH Q.6) cùng đông đảo các thành viên và cộng tác viên CLBNYS.

 Nhân dịp này CLBNYS đã nhận được 2 lẵng hoa chúc mừng của gia đình cố nhà văn Trần Hoài Dương và của TTVH Q.6.

Trong không khí ấm cúng của buổi họp mặt, toàn thể cử tọa đã xem lại Clip do Đài truyền hình HTV9 thực hiện nhân kỷ niệm 1 năm thành lập CLBNYS. Qua đó, Chủ nhiệm  Phạm Thế Cường đã điểm lại quá trình thành lập và hoạt động của CLB NYS, cảm ơn các thành viên đã luôn đồng hành cùng Ban Chủ nhiệm để đạt được những thành tựu đáng khích lệ của ngày hôm nay.

Chuyển sang phần tọa đàm, Chủ nhiệm Phạm Thế Cường đã giới thiệu sơ lược về cuộc đời và sự nghiệp có nhiều nét chung của nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu (1917 - 2003) và họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh (1917 – 1991) - hai nghệ sĩ lão thành danh tiếng của Hà Nội. Hai ông cùng sinh năm Đinh Tỵ 1917, cùng lập thân và thành danh trước năm 1945 ở Hà Nội, cùng tham gia kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc và đóng góp cho kháng chiến bằng nghề nghiệp của mình. Cùng trở về Hà Nôi để tiếp tục sự nghiệp chuyên môn và cùng “âm thầm lưu giữ gia tài nghệ thuật của mình”; đặc biệt hai ông còn là thông gia, để rồi 1 thế kỷ sau, con cháu của hai ông lần lượt cho ra mắt những tác phẩm vô cùng quý hiếm của cha ông mình, do NXB Kim Đồng xuất bản.

Nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu được biết đến như là “Người khắc ghi lịch sử văn nghệ kháng chiến”. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp ngay từ buổi đầu và bắt đầu chụp các văn nghệ sĩ từ khi Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời. Trần Văn Lưu đã lưu lại qua ống kính những chân dung văn nhân một thời dấn mình vào cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Đó là những bức ảnh tư liệu nghệ thuật nổi tiếng mà ít ai biết tác giả chính là Trần Văn Lưu: bảy văn nghệ sĩ chụp trước trụ sở Hội Văn nghệ ở Xóm Chòi (Thái Nguyên), các văn nghệ sĩ chia tay nhau lên đường ra mặt trận, hay hình ảnh kịch sĩ Thế Lữ hóa trang vào vai diễn, nhạc sĩ Văn Cao với cây đàn ghi ta, nhà văn Nguyễn Tuân ngậm tẩu…  Nhiều gương mặt mà CLBNYS đã tổ chức tọa đàm đã từng là nguồn  cảm hứng mà nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu ghi lại bằng ống kính của mình. Chủ nhiệm Thế Cường đã chia sẻ thêm với cử tọa qua màn hình những hình ảnh ấn tượng qua ống kính của Trần văn Lưu: sinh hoạt đời thường trong kháng chiến, bệnh viện giữa rừng, một buổi chào cờ của Thiếu sinh quân, hình ảnh thiếu sinh quân rất ngây thơ, trong sáng. Theo thống kê chưa đầy đủ, Trần Văn Lưu đã để lại cho đời khoảng ba trăm bức ảnh in đậm dấu ấn thời gian, trải dài từ 1945 qua những năm kháng chiến ở Việt Bắc đến nhiều năm sau đó.

Nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu qua đời năm 2003; một năm sau ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến Chống Pháp hạng Ba. Một sự tôn vinh công trạng muộn màng: phải đợi đến 50 năm mới được công nhận!

Họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh tài hoa thuộc thế hệ tiên phong trong lĩnh vực sáng tác truyện tranh nổi tiếng cùa Việt Nam. Với lòng nhân ái sâu sắc, ông truyền cảm hứng cho trẻ em yêu thích hội họa, đồng thời đã đào tạo được nhiều thế hệ học trò trở thành các họa sĩ nổi tiếng hiện nay.

 Ngô Mạnh Quỳnh tốt nghiệp khoa sơn mài, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1942; tác phẩm thi tốt nghiệp của ông là một bức tranh sơn mài khổ lớn. Ông là họa sĩ sáng tác truyện tranh đầu tiên ở nước ta, tạo dấu ấn một thời với những nhân vật như Kaico, Vá, Vếu... Ông cũng từng minh họa rất thành công những cuốn sách do học giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch hay viết lời Việt (Truyện ngụ ngôn La Fontaine, Gulliver du ký …). Nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam đã được Mạnh Quỳnh truyền thụ kĩ thuật vẽ, tinh thần làm việc bền bỉ và niềm say mê khám phá cái đẹp mang bản sắc Việt.

 Ông Nguyễn Huy Thắng - nguyên Phó Giám đốc NXB Kim Đồng đã ghi nhận những đóng góp to lớn của CLB NYS trong việc nâng tầm văn hóa đọc và tích cực tham gia xuất bản và phát hành nhiều cuốn sách mới có giá trị cao. Tiếp đó, Nguyễn Huy Thắng đã chia sẻ cơ duyên dẫn ông đến với 2 gia đình của hai nhà nghệ sĩ lão thành của Hà Nội, để ông có thể biên soạn và xuất bản các sách giới thiệu 2 tên tuổi lớn ấy cho đông đảo công chúng hâm mộ. Ông cho biết cuốn“Mạnh Quỳnh họa sĩ - Cuộc đời và sự nghiệp mỹ thuật” do các con của họa sĩ Mạnh Quỳnh tập họp từ các tranh, ảnh, tư liệu liên quan đến cuộc đời cha mình; rồi ông giới thiệu 4 cuốn sách do họa sĩ Mạnh Quỳnh minh họa mới được NXB Kim Đồng tái bản.

Nguyễn Huy Thắng kể tiếp, khi ông tìm đến tư gia nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu ở phố Hàng Bông (Hà Nội) để hỏi các con của cụ về những bức ảnh chụp nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nhằm minh họa cho một cuốn sách sắp in, thì tình cờ, ông được Trần Chí Nghĩa mang ra “khoe” toàn bộ ảnh di sản của cha mình. Từ khối lượng di sản quý báu đó, Nguyễn Huy Thắng đã biên soạn và xuất bản  cuốn “Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu”. Cuốn sách này hội tụ gần 200 bức ảnh nghệ thuật và tư liệu quan trọng nhất của Trần Văn Lưu về các gương mặt văn nghệ sĩ kháng chiến cũng như đời sống văn nghệ trong kháng chiến chống Pháp.

 Nhà giáo Phan Văn Bảo chúc mừng sinh nhật lần thứ 7 CLBNYS, tỏ lòng ngưỡng mộ bạn đồng nghiệp Nguyễn Huy Thắng đã biên soạn và tái bản những di sản quý của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu và họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh. Tiếp đó, ông chia sẻ với cử tọa bài viết ngắn của mình về những kỷ niệm xưa với họa sĩ Mạnh Quỳnh khi ông hân hạnh được làm học trò của người thầy đáng kính ấy. Cũng dịp này, thầy Phan Văn Bảo đã tặng dịch giả Lê Sơn bức chân dung do ông ký họa để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của bạn đồng nghiệp Lê Sơn.

 Để mừng Lễ kỷ niệm của CLBNYS và Thư viện Tư nhân Phạm Thế Cường, nhà văn Dạ Ngân đã dành những lời tốt đẹp để ngợi khen sự nghiệp cao cả của cơ sở văn hóa này; đồng thời bày tỏ tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của bà cùng phu quân là cố nhà văn Nguyễn Quang Thân đối với Thư viện và CLB này. Những kỷ niệm của cặp nhà văn Quang Thân-Dạ Ngân gắn với hoạt động của CLBNYS và Thư viện Phạm Thế Cường được ôn lại với những hình ảnh được trình bày sinh động đã gây xúc động sâu sắc cho cử tọa.

 Kỹ sư Hàng hải Đỗ Thái Bình bày tỏ sự ngưỡng mộ của ông đối với hoạt động của thư viện tư nhân cùng CLBNYS đã có tác dụng rất tích cực trong sự nghiệp nâng cao dân trí. Ông gửi tặng CLBNYS 2 ấn phẩm quý hiếm mới xuất bản: quyển sách “Bè Tre Việt Nam du ký: 5.500 dặm vượt Thái Bình Dương” của Tim Severin (Đỗ Thái Bình và Vũ Diệu Linh dịch) và cuốn “Voiliers d’Indochine (Thuyền buồm ở Đông Dương)” của J.B. Piétri (bản dịch của Đỗ Thái Bình).

 Tiếp đó, tác giả Nguyễn Quốc Tín chia sẻ về bộ sách Địa lý mà ông cùng viết với Nguyễn Như Mai (do Kim Đồng xuất bản), trong đó có nhắc đến chàng ngư dân Sầm Sơn Lương Viết Lợi - người Việt Nam duy nhất tham gia hải trình trong cuốn “Bè Tre…” nói trên.

 Dịch giả Lê Sơn chia sẻ những kỷ niệm thời niên thiếu của mình khi được gặp nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu và họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh. Đánh giá rất cao sự nghiệp văn hóa của hai vị tiền bối này, ông cho rằng phần thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba chưa tương xứng với những cống hiến của Trần Văn Lưu cho đất nước. Tiếp lời dịch giả Lê Sơn, nhà biên tập Nguyễn Huy Thắng đã góp vui về cách tính nhuận bút cho các văn nghệ sĩ thời trước có thể quy thành giá trị của các món ẩm thực hấp dẫn đương thời!

 Nhà giáo Nguyễn Triệu Căn một lần nữa bày tỏ lòng cảm kích của ông về việc CLBNYS đã tổ chức thành công buổi Tọa đàm về Cuộc đời và Sự nghiệp Văn chương của thân phụ ông - cố nhà văn Nguyễn Triệu Luật; đồng thời, ông cũng công bố thêm một số chi tiết về sự nghiệp chính trị của thân phụ ông trước khi qua đời. Nhân đây, ông gửi tặng CLBNYS 2 bộ ba tiểu thuyết lịch sử đặc sắc của Nguyễn Triệu Luật mới được NXB Kim Đồng tái bản: “Bà Chúa Ch蔓Ngược đường trường thi”.

Nhà giáo Lê Vinh Quốc đã bày tỏ cảm xúc của mình khi được dự buổi họp mặt kỷ niệm 7 năm thành lập CLBNYS và tọa đàm về nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu và họa sĩ Mạnh Quỳnh. Theo ông, bảy năm qua CLBNYS đã làm được nhiều việc để góp phần nâng cao nét đẹp văn hóa đọc; và các thành viên đã được thụ hưởng nhiều lợi ích do CLBNYS mang lại. Riêng ông đã được  CLB hỗ trợ để xuất bản một số sách, trong đó có cuốn “Chiến tranh Thái Bình Dương” do Lê Vinh Quốc và Huỳnh Văn Tòng biên soạn, vừa được NXB Kim Đồng tái bản. Để ghi nhớ công lao của NXB và CLBNYS đối với mình, ông đã ký tặng cuốn sách trên cho nguyên Tổng biên tập Nguyễn Huy Thắng và Chủ nhiệm Phạm Thế Cường.    

Tác giả Lê Vinh Quốc tặng ẩn phảm "Chiến tranh Thái Bình Dương" cho ông Nguyễn Huy Thắng

Nhờ đọc cuốn sách ảnh “Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu” do NXB Kim Đồng xuất bản, nhà giáo Lê Vinh Quốc mới biết và hiểu thêm cuộc đời và sự nghiệp của nhà nhiếp ảnh danh tiếng này. Còn với Mạnh Quỳnh, ngay từ thuở thiếu thời Lê Vinh Quốc đã rất mê những truyện tranh vẽ vui nhộn của họa sĩ nổi tiếng ấy. Ấn tượng nhất đối với ông là chữ ký của Mạnh Quỳnh trên tranh với 2 chữ ghép M Q thành hình con mèo ngộ nghĩnh.

 Nhà văn Võ Xuân Tòng đã bày tỏ cảm xúc khi dự buổi họp mặt kỷ niệm 7 năm thành lập CLB NYS và tỏ lòng ngưỡng mộ 2 văn nghệ sĩ Hà Nội. Câu hỏi của ông về “họa sĩ Mạnh Quỳnh có  vẽ ảnh phụ nữ đẹp hay không?” đã được các thành viên Phan Văn Bảo, Nguyễn Anh Tuấn,     Nguyễn Huy Thắng và chủ nhiệm Phạm thế Cường giải đáp qua các tác phẩm của Mạnh Quỳnh trước năm 1945 minh họa cho Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm… Ngày nay những minh họa rất đẹp của Mạnh Quỳnh về nàng Kiều vẫn được các nhà làm sách sử dụng.

Kết thúc buổi tọa đàm, chủ nhiệm Phạm Thế Cường đã thông báo: tháng 11 CLB NYS sẽ tổ chức giao lưu với nhà văn Hoàng Minh Tường vào ngày 18/11/2018.

NGỌC DUNG

Các Bài viết khác