NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

HỌP MẶT CLB NGƯỜI YÊU SÁCH MỪNG XUÂN KỶ HỢI - “MÙA XUÂN & TRI THỨC”

( 28-01-2019 - 06:58 PM ) - Lượt xem: 691

Vào sáng ngày 06-01-2019 tại Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (352 đường số 8, phường 11, Gò Vấp, Tp.HCM), Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLBNYS) đã có buổi họp mặt mừng Xuân Kỷ Hợi và giao lưu với dịch giả Phạm Nguyên Trường rất sôi nổi và ấm áp.Về tham dự có hơn 20 thành viên CLB và các vị khách mời.

Mở đầu, chủ nhiệm CLBNYS Phạm Thế Cường đã giới thiệu Tập san Xuân của CLBNYS được trình bày 2 trang bìa rất đẹp với chủ đề “MÙA XUÂN & TRI THỨC”cùng các bài viết khá đặc sắc như: “Truyền thuyết về con lợn trong mười hai con giáp” của Vương Quốc Hoa, trích đoạn “phát hành Kể chuyện Quang Trung” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, “Phim Tết ngày xưa” của Nguyễn Hữu Đang, “Xuân Kỷ Dậu 1969”của Lê Vinh Quốc, “Nhạc sĩ La Hối với ca khúc Xuân và Tuổi trẻ” của Phạm Vũ Động…

Tiếp theo, chủ nhiệm Phạm Thế Cường đã giới thiệu sơ nét về dịch giả Phạm Nguyên Trường. Ông tên thật là Phạm Duy Hiển, sinh năm 1951, quê quán tại huyện Đại Từ, Thái nguyên; tốt nghiệp đại học ở Liên Xô chuyên ngành Vật lý kỹ thuật năm 1975; nhập ngũ năm 1975 và ra quân 1985. Sống và làm việc tại Vũng Tàu từ 1985, thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Nga, Phạm Nguyên Trường đã dịch sang tiếng Việt những tác phẩm chuyên về các lĩnh vực khoa học kinh tế, khoa học xã hội và khoa học chính trị. Ông đã cho xuất bản hơn 20 đầu sách dịch, trong đó nổi bật nhất là các tác phẩm “Đường về nô lệ” ( 2009); “Chế độ dân chủ: Nhà nước và xã hội” - dịch từ nguyên bản tiếng Nga, nhà xuất bản Tri thức (2009); “Về trí thức Nga” - tập tiểu luận, dịch từ nguyên bản tiếng Nga, nhà xuất bản Tri thức (2009); “Tâm lí đám đông và phân tích cái tôi”, in trong tác phẩm Tâm lí học đám đông, Nhà xuất bản Tri thức (2009); “Lược khảo Adam Smith”, dịch từ tiếng Anh, nhà xuất bản Tri thức (2010); “Thị trường và đạo đức”, dịch từ tiếng Anh, nhà xuất bản Tri thức (2012); “Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử 1660-1783”, dịch từ nguyên bản tiếng Anh, nhà xuất bản Tri thức (2012); “Catalonia -Tình yêu của tôi”, NXB Lao Động (2013); “Chủ nghĩa tự do truyền thống”, dịch từ tiếng Anh, NXB Tri thức (2013); “Các mô hình quản lí nhà nước hiện đại”, dịch từ tiếng Anh, NXB Tri thức (2013); “Các nhà vô địch ẩn danh của thế kỉ XXI”, dịch từ tiếng Anh, NXB Tri thức (2013) được tặng giải dịch thuật 2012 của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh (29/03/2013)… Hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của George Orwell đã được Phạm Nguyên Trường dịch là “Trại súc vật”(Animal Farm), NXB Giấy vụn (2010), và “1984” - đăng trên Talawas (2008), NXB Giấy vụn (2012).

Dịch giả Phạm Nguyên Trường đã chia sẻ với cử tọa về chủ nghĩa tự do truyền thống; tiếp đó, ông trao đổi ý kiến và trả lời các câu hỏi của nhà giáo Phan Văn Bảo, độc giả Nguyễn Đình Bốn và bác sĩ Đinh Tiến Long về tác phẩm “Chế độ dân chủ: Nhà nước và xã hội” (CĐDC:NN&XH) do ông dịch từ nguyên bản tiếng Nga. Về ảnh hưởng của tác phẩm này đối với sự nghiệp chuyên môn của chính ông sau khi bản dịch đó được xuất bản, Phạm Nguyên Trường cho biết tác phẩm này được xuất bản ở Nga sau năm 1991, tức là sau khi chế độ Xô Viết đã sụp đổ để thay thế bằng chế độ dân chủ của Liên bang Nga. Ông chỉ tình cờ qua mạng mà biết cuốn CĐDC:NN&XH là sách giáo khoa viết cho học sinh cấp II ở Liên bang Nga. Bản thân ông quan niệm rằng: dịch thuật các tác phẩm là để truyền tải nội dung của chúng đến đông đảo công chúng độc giả, còn việc có in và xuất bản chúng hay không là do các cấp có thẩm quyền quyết định. Tùy mỗi hoàn cảnh mà sự cấm đoán một ấn phẩm nào đó là được cho là đúng hoặc sai. Đối với ông, “dịch thuật là một thú vui, một ‘cuộc chơi’, cũng như những người khác chơi cờ, chơi cá cảnh….”

 Với câu hỏi của nhà văn Võ Xuân Tòng về quan điểm “Không tư tưởng là tư tưởng”,  Phạm Nguyên Trường chia sẻ rằng ông mới nghe cụm từ này. Theo ông, khi ai đó phát biểu tức là người đó đã có suy nghĩ, tức là có tư tưởng. Tư tưởng được xuất phát từ một ai đó, giống như khi có người nói đến công xã và hợp tác xã, chúng ta liền nghĩ đến Lênin. Vấn đề quan trọng là tư tưởng phải nhuần nhuyễn, không suy diễn chủ quan, không như “thầy bói mù sờ voi”. Để trả lời câu hỏi về nhóm các cô gái cởi đồ đạp xe  “cống hiến nhạy cảm” để ủng hộ đội Tuyển Việt Nam có phải là quá tự do không?  Ông giải thích: chủ nghĩa tự do cho rằng không có người thử “kiểu mới” thì mọi sự vật sẽ mãi cũ; theo đó ai làm gì cũng được, miễn là không hại người khác; nhưng ông không thích cách phô diễn của các cô gái bằng những hành động vượt quá giới hạn của phong tục Việt Nam.

 Trả lời câu hỏi của nhiếp ảnh gia Trần Quốc Hải về một bài thơ có 2 người dịch thì dịch giả nào hay hơn, Phạm Nguyên Trường cho rằng căn cứ nguyên tác thì bản dịch ít từ hay hơn, vì nó bám sát thể thơ trong nguyên bản, trong khi bản dịch nhiều từ đã chuyển nguyên bản sang thể “lục bát” của riêng Việt nam.

 Đáp lại lòng ngưỡng mộ của độc giả Nguyễn Văn Điệp và của bác sĩ Đinh Tiến Long đối với những dịch phẩm của mình, đồng thời trả lời câu hỏi của chủ nhiệm Phạm Thế Cường, Phạm Nguyên Trường đã phân tích sâu về quá trình dịch thuật tác phẩm “Đường về nô lệ” của F.A.Hayek.  Tác phẩm này có đến 7 bản dịch của các dịch giả khác nhau, mà tựa đề nguyên tác là “Con đường dẫn đến chế độ nông nô”. Phạm Nguyên Trường đã tham khảo rất kỹ bản tiếng Nga và bản dịch của Tiến sĩ Nguyễn Quang A trên mạng để chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh. Xuất phát từ nước Ý, chủ nghĩa tự do mang lại nhiều ích lợi cho người dân bình thường, sau đó lan rộng đến Đức, Áo và các nước Tây Âu. Nhưng rồi lại hình thành một luồng tư tưởng khác cho rằng để tự do như vậy là không tốt, nên cần hạn chế sự tự do đó bằng những chế định độc đoán. Theo tác phẩm này, những khó khăn vướng mắc mà người Việt Nam chúng ta đã trải nghiệm trong thời kỳ kế hoạch hoá tiến lên Chủ nghĩa Xã hội đã được Hayek nhìn thấy trước từ cách đây hơn 60 năm. Trong tựa đề gốc “Road to Serfdom” của tác phẩm, từ “to” hiểu là “trở về” vì theo ông những kẻ leo cao nhất cũng trở về thân phận  nô lệ.

Dịch giả Phạm Nguyên Trường giao lưu với CLB

 Nhà giáo Lê Vinh Quốc bày tỏ sự ngưỡng mộ dịch giả Phạm Nguyên Trường khi được đọc những dịch phẩm của ông mang tính triết lý rất cao. Mở rộng vấn đề phát sinh từ cuốn “Đường về nô lệ”, thầy Quốc nêu định nghĩa về tự do và lược thuật hành trình của nhân loại để tiến đến tự do. Đầu tiên là thời Nô lệ với chế độ “dân chủ-chủ nô” ở Hy Lạp cổ; rồi đến thời Phong kiến mà người nông nô chỉ là công cụ phục vụ cho lãnh chúa; và dần xã hội bước vào thời đại Phục hưng châu Âu, trong đó người ta nhận ra giá trị chân chính của con người thoát khỏi thần quyền tôn giáo. Sang thế kỷ 18, các nhà tư tưởng Khai sáng đã phát hiện ra Nhân quyền, phát hiện vĩ đại nhất của nhân loại, được bắt đầu áp dụng từ Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ với lời mở đầu “người ta sinh ra đều bình đẳng, tạo hóa cho họ quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc …”. Hệ tư tưởng Nhân quyền đã đánh tan các hệ tư tưởng chuyên chế  phương Tây, đưa nhân loại bước sang thời đại Khai sáng qua cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp (với bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền”) rồi phát triển dần từ Tây Âu sang Đông Âu với 3 nước đi đầu là Anh, Mỹ, Pháp. Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc cũng dựa trên nguyên lý Nhân quyền của hệ tư tưởng Khai sáng, để làm nền tảng xây dựng một nhà nước “của dân, do dân, vì dân”. Tiếc rằng những diễn biến lịch sử sau đó đã buộc nước ta phải từ bỏ hệ tư tưởng này để theo hệ tư tưởng Cộng sản, dẫn đến nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Qua đó thấy rõ cuốn “Đường về nô lệ” có thể soi sáng con đường tiến đến tự do dân chủ của Việt Nam.

Dịch giả Phạm Nguyên Trường cảm ơn CLBNYS đã đón tiếp ông với tấm lòng nồng hậu thắm thiết; ông gửi lời chúc năm mới tốt lành tới toàn thể các thành viên đã tham dự cuộc họp mặt này.

Tiếp đó, nhà giáo Phan Văn Bảo thay mặt tác giả Phạm Thảo Nguyên - con dâu nhà văn, kịch tác gia, nhà thơ Thế Lữ -  trao tặng CLB ấn phẩm "Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay" nói về sự phát triển của áo dài trong bối cảnh xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc.

 Chủ nhiệm Phạm Thế Cường thay mặt CLBNYS cảm ơn dịch giả Phạm Nguyên Trường, gửi lời cảm ơn đến tác giả Phạm Thảo Nguyên, chúc toàn thể mọi người sang năm mới luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Rồi ông thông báo chủ đề buổi sinh hoạt ngày 10/02/2019 của CLBNYS: “A,P.SÊ KHỐP, NGHỆ SĨ CỦA CUỘC SỐNG” và giao lưu cùng PGS-TS Phạm Thị Phương.

Kết thúc buổi tọa đàm, các thành viên CLBNYS cùng dịch giả Phạm Nguyên Trường đã có buổi tiệc Tất niên vui vẻ.

NGỌC DUNG

Các Bài viết khác