NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

HAI NĂM NGÂN TIẾNG VỌNG…

( 16-10-2013 - 02:24 PM ) - Lượt xem: 1639

8g30sáng 6-10, thư viện quận Gò Vấp chật ních những gương mặt già trẻ, lạ quen. Có người mới đến đây lần đầu, ngỡ ngàng khi một buổi kỉ niệm 2 năm ra đời của một CLB tự phát lại có những “cây đa cây đề” tham gia đông đảo như vậy: Nhà văn Nguyễn Quang Thân, nhà văn Dạ Ngân, nhà văn Bùi Ngọc Tấn, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, TS Lê Vinh Quốc, bà Giáng Vân – con gái nhà văn Lê Văn Trương, ông Lưu Trọng Bình – con trai nhà thơ Lưu Trọng Lư, nhà giáo Xuân Tư… và các nhà giáo đang đứng trên giảng đường đại học là Ts Hoàng Kim Oanh, Ts Hà Minh Châu, Ths Kim Thanh…

Do số thành viên, khách mời đến dự đông nên ông Phạm Thế Cường - chủ nhiệm CLB người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng đành cáo lỗi vì không thể giới thiệu được hết. Bên cạnh những “cây đa, cây đề” ấy là những cô cậu sinh viên còn non trẻ, đầy háo hức với tình yêu văn chương. Chính họ đem đến cho buổi họp mặt kỷ một không khí tươi trẻ bởi các tiết mục cây nhà lá vườn.

Trước khi vào chương trình kỷ niệm, theo đề nghị của ban tổ chức, mọi người đã giànhmột phút mặc niệm tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vĩ nhân , người anh hùng, vị Tổng tư lệnh của hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc vừa qua đời.

Sang phần kỷ niệm qua trình bày của cô Mỹ Lệ, các thành viên của CLB ôn lại hoạt động của CLB trong suốt hai năm qua. Đó là những buổi giao lưu sinh hoạt chuyên đề hằng tháng về các nhà văn, nhà thơ như: Ngô Tất Tố, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân, Hàn Mặc Tử, Vũ Bằng, Lê Văn Trương… Đáng mừng, nhiều buổi sinh hoạt số thành viên tham gia lên đến 60, 70 người. Ngoài ra còn có các chuyển dã ngoại đến thăm quê hương các nhà văn, sinh hoạt văn hóa, du lịch tham quan các địa danh lịch sử của thành viên trong CLB, ra tập san Người yêu sách hằng tháng… Chỉ trong vòng hai năm nhưng CLB liên tục tạo được tiếng vang khi được mời tham dự các hội thảo, hội nghị cấp thành phố đến trung ương. Số thành viên của CLB ngày càng tăng lên, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Đặc biệt, tại buổi họp mặt, CLB đã ra mắt cuốn sách “Tiếng vọng” do NXB Hội Nhà Văn ấn hành. Cuốn sách tập hợp những bài viết xuất sắc của các thành viên CLB trong vòng hai năm qua và được sắp xếp theo chủ đề riêng biệt với nội dung sinh động, phong phú: Đồng hành cùng Nguyễn Huy Tưởng, Chân dung và kỷ niệm, Thơ người yêu thơ yêu sách, Chuyện văn – chuyện chữ - chuyện người… Trong đó có rất nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu,  các văn sĩ nổi tiếng, uy tín như: nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên, GS Phong Lê, nhà thơ Kiên Giang, nhà văn Lê Phương Liên, TS Lê Vinh Quốc, TS Lê Thị Ngân…  Ông Nguyễn Huy Thắng, người trực tiếp biên soạn cuốn sách cho biết: Cái tên “Tiếng vọng” của cuốn sách được lấy cảm hứng từ bài viết “Tiếng chuông vọng từ một câu lạc bộ” của nhà văn Lê Phương Liên. Đó là tiếng chuông ngân vọng và lan tỏa như tiếng chuông đình chùa do tấm lòng nhân dân lập nên và gìn giữ, trường tồn đến mai sau. Việc lựa chọn các bài viết để làm nên tập sách là điều không đơn giản vì có quá nhiều bài viết hay trong vòng hai năm qua. Các bài lại không bó buộc ở một nội dung mà rất đa dạng về thể loại gồm thơ, văn, ký, khảo cứu…

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, người vừa đoạt giải thưởng Sách Hay 2013 qua tác phẩm Biển và chim bói cá, cũng là người đến dự lễ ra mắt CLB hai năm trước cũng đã đến và chia sẽ kỷ niệm của mình và ông chúc CLB tiếp tục phát triển cũng như hoạt động thật tốt.

Ths Đặng KimThanh, thành viên của CLB thơ Haiku sau lời phát biểu đã tặng CLB một số tập thơ Haiku và sách văn học với mong muốn giới thiệu đến các thành viên một sân chơi, một dòng thơ mới được du nhập từ Nhật Bản.

Đã có nhiều thành viên và bạn bè của của CLB lên chia sẻ những kỷ niệm cùng CLB bằng những câu chuyện và các bài hát, bài thơ. Các ý kiến đều đánh giá cao hoạt động của CLB và mong muốn CLB luôn là điểm hẹn thân thiện của người yêu văn chương.

Tuy đã tạo được hiệu ứng đáng khích lệ, nhưng theo TS Hoàng Kim Oanh, hạn chế của CLB là trang wed riêng chưa được đầu tư kỹ lưỡng về nội dung, các bài viết đăng tải còn ít ỏi. Qua đó, mong muốn các bạn trẻ có thể gom tay, góp sức xây dựng trang wed của CLB không chỉ đẹp về hình thức mà ngày càng hấp dẫn, tạo điều kiện cho các thành viên ở xa có thể tiện theo dõi các hoạt động của CLB.

Đến 11g hơn vẫn còn nhiều người muốn lên chia sẻ, nhưng thời gian có hạn, BTC đã cáo lỗi và xin chuyển sang phần hai.

Phần hai của buổi họp mặt là thời gian dành cho các thành viên nêu cảm nhận, phê bình, nhận định tác phẩm “Hoàng hôn lạnh” của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng. Sinh viên năm nhất Phan Hoàng Lê Uyên khiến mọi người ngạc nhiên trước những cảm nhận rất sâu sắc, tinh tế về tác phẩm “Hoàng hôn lạnh” của em. “Đọc xong tác phẩm điều em nghĩ đến đầu tiên là hai từ NƯỚC MẮT. Nước mắt là biểu hiện sinh lý bình thường để giải tỏa nỗi buồn, nhất là người phụ nữ. Những đoạn đầu lặp của tác phẩm: “Bốn mươi lăm năm qua, đã thành lệ, cứ khoảng bốn giờ chiều, ngày nào cũng như ngày nào, nắng cũng như mưa, hoàng hôn lạnh hay chiều tà nóng, mẹ tôi lại khóc…” rất ám ảnh người đọc. Ảm ảnh bởi nước mắt.  Em chưa trải qua chiến tranh nên không hiểu được những mất mát, đau thương mà thế hệ trước đã trải qua. Nhưng đọc tác phẩm em hiểu rằng nỗi đau của bà mẹ đã trở thành tâm thức để đúng 4 giờ chiều mỗi ngày, nỗi đau đó lại ùa ra, quặn thắt. Giống như bà không được khóc thì bà sẽ chết. Con người với những bộ mặt khác nhau trong tác phẩm khiến em liên tưởng đến xã hội ngày nay, một xã hội đi vào lối mòn, người với người sống không thật với nhau”. Sau phát biểu cảm nhận của các độc giả trẻ khác, nhà báo Trần Quốc Toàn có một gợi ý hết sức xác đáng và quý giá đối với nhà văn Nguyễn Khoa Đăng: Nên thay dấu phẩy sau từ “lệ” thành dấu chấm. Thay vì “Bốn mươi lăm năm qua, đã thành lệ, cứ khoảng bốn giờ chiều…” thì viết thành “Bốn mươi lăm năm qua, đã thành lệ. Cứ khoảng bốn giờ chiều…”. Cấu trúc ngữ pháp không sai mà từ “lệ” ở đây sẽ được nhấn mạnh hơn,“lệ” không chỉ là thói quen mà còn là nước mắt.

Ngoài kia trời đổ mưa tầm tã. Át tiếng mưa rơi, tiếng hát lời ca và câu chuyện văn chương vẫn cứ dài ra, mặn mà chẳng nguôi. Chặng đường hai năm của CLB là bước đi khởi đầu đầy thành công nhưng cũng lắm nhọc nhằn, vất vả trong việc khơi dậy văn hóa đọc. Nhưng dù có thế nào, dù đường còn lắm gian nan, vẫn cứ tin rằng ở nơi ấy những câu chuyện văn chương vẫn luôn mới mẻ, thú vị để những người yêu sách tìm về…

QUỲNH MAI

Các Bài viết khác