NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

CÁI PHÚT BAN ĐẦU LƯU LUYẾN ẤY…

( 20-10-2013 - 02:23 PM ) - Lượt xem: 1928

Thành thật trân quý những gì CLBNYS Nguyễn Huy Tưởng và Thư viên tư nhân Phạm Thế Cường đã mang đến cho người đọc, góp thêm một kênh hỗ trợ cho việc giảng dạy văn học trong nhà trường vốn còn nhiều khó khăn, lúng túng hiện nay

Tôi đến với Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLB) khá muộn màng, tháng 7-2012 nhân ngày giỗ của nhà văn Kim Lân tại Trung tâm văn hóa quận Phú Nhuận. Và cũng rất bất ngờ, qua email của ông chủ nhiệm CLB Phạm Thế Cường. Ngạc nhiên, tôi có hỏi vì sao anh có email của tôi? Hóa ra cũng từ những người bạn của tôi vừa cùng anh thực hiện chuyên đề Vũ Bằng tháng 6-2012 vừa rồi. Hóa ra cũng là một người yêu văn chương, biết trân trọng những cái đẹp của chữ nghĩa… Tôi cũng không phải thành viên chính thức của CLB, bởi tính tôi vốn sợ mọi sự ràng buộc, nội quy, điều lệ mà tôi vừa thoát ra được chưa bao lâu, nên chỉ xin được làm một người bạn của CLB và tham gia một số hoạt động phù hợp khi có thể. Nhìn lại con đường CLB đã đi qua, hai năm, với biết bao tâm huyết, nhiệt tình, cả công cả của…mà anh Phạm Thế Cường và các thành viên của CLB đã chăm chút cho từng buổi sinh hoạt định kì đều đặn, những đợt giao lưu, thăm viếng, tham quan…có chút gì đó thật lãng mạn và dễ thương đến lạ.

Đúng vậy. Lãng mạn vì giữa một thành phố bộn bề như Sài Gòn trong thời buổi xô bồ kinh tế thị trường thực dụng này, việc gia đình anh Phạm Thế Cường tự xây dựng một Thư viện tư nhân ở một khu dân cư lao động vùng ven Gò Vấp, nơi mà ngày xa xưa tôi nghe nói chỉ toàn lau sậy…để giúp cho các cháu nhỏ quanh vùng có cơ hội đến với sách, cũng có nghĩa là đến với tri thức, quả là một điều đáng trân trọng mà không phải ai cũng có thể làm được. Ở đây, không chỉ là tiền bạc mà là cả tấm lòng và đam mê nữa. Bởi lập ra không khó mà duy trì hoạt động đều đặn: mở cửa hằng ngày, tọa đàm hằng tháng…đều đặn suốt 2 năm qua, 24 tháng với 24 ấn phẩm…mới thật là điều không đơn giản.

Và thật dễ thương khi nhìn đối tượng tham dự các buổi sinh hoạt chuyên đề định kì của CLB. Tuổi tác già trẻ không quan trọng; đương chức hay đã nghỉ hưu; người đã thành danh hay vẫn còn thư sinh áo trắng… không phân biệt…Tất cả cùng đến với CLB, trao đổi, thắc mắc, bày tỏ những tâm tình, kỉ niệm với tác giả tác phẩm mà mình yêu mến. Cùng ngồi bên nhau với một khát khao đến với sách, mong muốn sẻ chia những trang viết mà các nhà văn nhà thơ đã trải lòng và trải cả cuộc đời đắng cay vui buồn ấy…để chiêm nghiệm cho chính con đường mình đang đi. Ở đây tôi gặp người thầy quý mến PGS.TS Trần Hữu Tá, nguyên Trưởng khoa Ngữ Văn kiêm PCT Hội nghiên cứu và giảng dạy TP.HCM; PGS.TS Lê Vinh Quốc, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư Phạm TP.HCM. Được gặp các nhà văn Nguyễn Quang Thân, Dạ Ngân, Nguyễn Khoa Đăng, nhà thơ Kiên Giang, nhà văn kiêm dịch giả Trương Văn Dân cùng phu nhân người Ý của anh: TS văn học Pháp Elena Pucillo Trương…. Ở đây còn có các đồng nghiệp là giảng viên trường Đại học KHXH&NV như TS Võ Văn Nhơn, ThS Phan Mạnh Hùng, hay TS Hà Minh Châu, ThS Đặng Kim Thanh, ThS Đinh Xuân Hảo (Trường Đại học Sài Gòn), TS Hà Thanh Vân (Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ)… Đặc biệt, rất có ý nghĩa là sự góp mặt các hậu duệ của những tác giả tên tuổi trong nền Văn học Việt Nam với những kí ức “người thật việc thật” tươi mới đầy xúc động của các anh chị về cha, về ông của mình khiến những buổi tọa đàm chuyên đề trở nên thật thú vị, vừa hàn lâm vừa ấm áp đời thường, lắng đọng nhiều cảm xúc khó tả trong lòng người nghe. Chúng tôi đã nghe nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu xác định những chi tiết còn nhiều tranh cãi, nhầm lẫn trong cuộc đời nhà thơ chân quê Nguyễn Bính, cha chị. Đã nghe con gái nhà văn Lê Văn Trương, chị Giáng Vân kể những kỉ niệm về bố cũng như giọng ngâm thơ truyền cảm quen thuộc của chị trong những lần sinh hoạt thường kì…Rồi sự có mặt của anh Đinh Hoài Ngọc, con trai nhà thơ Mê hồn ca- Đinh Hùng; anh Lưu Trọng Văn, Lưu Trọng Bình, con trai nhà thơ Tiếng thu Lưu Trọng Lư, hay họa sĩ Nguyễn Thị Hiền con gái nhà văn Kim Lân- Vợ nhặt…và còn nhiều vị nữa mà tôi chưa có duyên may gặp gỡ…như anh Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mà CLB vinh dự mang tên. Còn một đối tượng quan trọng nữa là các thầy cô giáo THPT Nguyễn Trãi, Trần Khai Nguyên…, các bạn sinh viên như Hồ Thị Thủy Tiên, Tuệ Lâm, hay nhà báo như Lê Hữu Nam…Thành viên của CLB cũng không dừng ở đây mà còn các anh chị hoạt động ở các Thư viện, Trung tâm thông tin Gò Vấp, Phú Nhuận…Hay cả những khách mời từ ngàn dặm xa xôi như nhà văn Lê Phương Liên, TS văn học Lê Thị Ngân, Phó trưởng khoa Ngữ văn trường Đại học Thái Nguyên…cùng nhiều thành viên, khách mời khác mà tôi không biết hết…góp phần làm nên sự đa dạng, phong phú, sâu sắc cho các hoạt động của CLB. Cái dễ thương ở đây là tất cả các khuôn mặt thân thương đến với CLB ấy đều hoàn toàn tự nguyện tự giác, như đến với một không gian tri thức và giải trí, sẻ chia với cộng đồng…

 

Tác giả đang thuyết trình về Poe

Có lẽ cũng là một duyên gặp gỡ, sau lần gặp nhân ngày giỗ 5 năm nhà văn Kim Lân, anh Phạm Thế Cường đã bày tỏ sự thích thú khi biết tôi nghiên cứu về tác giả văn học Mỹ thế kỉ XIX Edgar Allan Poe, và ngay sau đó ngỏ ý mời tham gia báo cáo cho buổi tọa đàm về tác giả truyện trinh thám thú vị này. Như anh cho biết, các em nhỏ đến với thư viện của anh rất thích mượn truyện trinh thám của E.A.Poe. Do vậy, tôi thống nhất chọn chuyên đề “E.A.Poe ông tổ của truyện trinh thám” để phục vụ đối tượng phổ biến này. Nhìn lịch sinh hoạt CLB, thì đây cũng là lần đầu tiên CLB tổ chức tọa đàm chuyên đề về một tác giả nước ngoài, đặc biệt là một tác giả không hề nằm trong chương trình giảng dạy ở nhà trường phổ thông. Nhắc lại sự kiện này, tôi cũng muốn nói thêm, đây cũng là sự kiện có ý nghĩa mà bản thân tôi rất tha thiết muốn làm cho E.A.Poe, để khẳng định sự hiện diện và ảnh hưởng sâu rộng của Poe đối với người đọc phổ thông và sức hút của thiên tài văn chương Mỹ này trong dòng chảy văn học đương đại. Tính đến tháng 9-2012, Edgar A.Poe chưa hề được giới thiệu như một chuyên đề sinh hoạt văn học ở bất kì CLB nào, kể cả các CLB văn học trong nhà trường. Mãi đến tháng 4-2013, truyện Trái tim thú tội (The Tale Tell-Heart) của Poe lần đầu tiên được giới thiệu trong Book Club của Trung tâm văn hóa Hoa Kỳ (American Center) thuộc Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM. Cả hai sự kiện về Poe ở Việt Nam này đều được thông tin đến các học giả trong Hội nghiên cứu E.A.Poe (Poe Studies Association) ở Hoa Kì, và họ rất quan tâm, thích thú. Sau này nếu có luận văn luận án nào nghiên cứu về quá trình tiếp nhận E.A.Poe ở Việt Nam có thể coi đây cũng là một hoạt động tiếp nhận khá đặc biệt, một trong những hình thức lý thú E.A.Poe đến với người đọc Việt Nam. Xin nói thêm, ấn phẩm chuyên đề về Edgar Allan Poe gồm những bài viết có chất lượng với sự ủng hộ nhiệt tình về bài vở của những nhà nghiên cứu hàng đầu về văn học Mỹ- các nhà “Poe học” (Poe scholar) của cả nước: PGS.TS Lê Huy Bắc (Khoa Ngữ văn-ĐHSP Hà Nội), TS-nhà văn Ngô Tự Lập (Khoa Quốc tế -ĐHQG HN), Nghiên cứu sinh Lê Nguyên Long (University of Missouri – Columbia -Hoa Kỳ), TS Hà Thanh Vân (Viện PTBVVNB)…Tôi cho là đó là một thành công lớn của CLB. Các nhà nghiên cứu đều rất sẵn lòng tham gia bài vở để góp phần cùng CLB phổ biến tri thức trong cộng đồng. Hy vọng CLB sẽ quy tụ được nhiều cây bút hàng đầu như thế trong các ấn phẩm tiếp theo của CLB để mỗi kì sinh hoạt đều có những ấn phẩm hay.

Hai năm, 24 ấn phẩm là cả những công sức miệt mài của CLB. Năm 2012, 2013 lại đánh dấu những dấu mốc quan trọng, 100 năm ngày sinh một loạt các nhà Thơ Mới, Tự lực Văn đoàn và nhiều văn thi sĩ tiền chiến khác: Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử, Vũ Bằng, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Hữu Đang…Hay nhân ngày sinh Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố…những điểm son của Văn học Việt Nam cứ thế, nhẹ nhàng được nhắc nhớ…”Những người muôn năm cũ” không còn phải ngậm ngùi “Hồn ở đâu bây giờ” nữa, mà cứ hiện về rõ nét hơn, được chiêu tuyết, khám phá đầy đủ hơn và chắc chắc sẽ càng được mến yêu hơn trong lòng thế hệ chúng ta và những thế hệ tiếp nối…

Thành thật trân quý những gì CLBNYS Nguyễn Huy Tưởng và Thư viên tư nhân Phạm Thế Cường đã mang đến cho người đọc, góp thêm một kênh hỗ trợ cho việc giảng dạy văn học trong nhà trường vốn còn nhiều khó khăn, lúng túng hiện nay. Tiếng lành đồn xa, CLB Thơ haiku Việt cũng đã đến dự và mở rộng những giao lưu văn học mới. Qua trang mạng xã hội FB của tôi, cô Hà Vân, người phụ trách CLB Văn học trường THPT Trần Khai Nguyên đã thích thú và đã xin lãnh đạo nhà trường đưa CLB Văn học của mình đến tham dự cho các em học sinh học hỏi qua các chuyên đề của CLB. Đó là những tín hiệu đáng mừng, vì hoạt động của CLB thực sự đã có hiệu quả và đã bắt đầu mở ra một hướng trải nghiệm mới. Con đường vẫn còn nhiều khó khăn, công việc của CLB sang tuổi thứ ba bây giờ thiết nghĩ là không ngừng nâng chất các buổi sinh hoạt chuyên đề, mở rộng đề tài, mở rộng mạng lưới hoạt động hướng đến các trường học (nếu có thể), tranh thủ sự ủng hộ của các nhà nghiên cứu, các hậu duệ của các tác giả VHVN nhiều hơn nữa…Trong đó, có một việc cũng quan trọng không kém là nâng chất về nội dung website của CLB mà tôi thấy đã rất công phu về hình thức để phản ánh đầy đủ hơn các hoạt động của CLB, nhằm đến được với các thành viên và công chúng rộng rãi mọi lúc, mọi nơi hơn…

Cảm ơn CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng và Ban chủ nhiệm CLB đã lặng lẽ nhen lại ngọn lửa tình yêu với văn học, giúp thế hệ tương lai biết trân quý những di sản văn hóa bất hủ của ông cha. Qua sách, biết bao kiến thức của nhân loại, biết bao bài học nhân sinh và đạo đức làm người như dòng nước chảy, cứ thế, dào dạt, sinh sôi…

Chúc CLB ngày càng hoạt động mạnh mẽ, phát triển hơn, có hiệu quả hơn, là một sân chơi có ý nghĩa cho mọi lứa tuổi.

 

Sài Gòn, thu 2013

Ts.Hoàng Kim Oanh

Các Bài viết khác