NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

BA LẦN ĐẾN THĂM CỤ NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU

( 10-04-2017 - 10:03 PM ) - Lượt xem: 1092

Nguyễn Đình Đầu (sinh ngày 12-3-1920 tại Hà Nội) là một tên tuổi lớn được chúng tôi -các thành viên Câu lạc bộ Người Yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLBNYS) rất ngưỡng mộ. Mọi người đều biết đến công trình đồ sộ “Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn” gồm 18 tập cho 13 tỉnh trên toàn quốc đã mang lại Giải thưởng sử học Trần Văn Giàu (năm 2005) cho vị học giả danh tiếng này. Cùng với đó là hàng trăm công trình nghiên cứu và dịch thuật khác đã được đánh giá bằng Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh (2008) ghi nhận công lao của Nguyễn Đình Đầu trong sự nghiệp “Khai dân trí-Chấn dân khí-Hậu dân sinh” theo tinh thần khai sáng của nhà ái quốc vĩ đại đầu thế kỷ XX.

Nhân một sự kiện đặc biệt mà chúng tôi đã có ba lần được đến thăm Nguyễn Đình Đầu tại tư gia của cụ.


1. Trên giá sách của Thư viện Tư nhân Phạm Thế Cường (cũng là của CLBNYS), ngoài bộ Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn nói trên, còn có một loạt các công trình khoa học khác của Nguyễn Đình Đầu: Chế độ công điền công thổ ở Nam Kỳ Lục Tỉnh, Quốc hiệu Cương vực-Hoàng Sa-Trường Sa, Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức, Cố cả Léopold Cadière-từ Việt Nam học đến Việt Nam hóa, Dấu ấn 50 năm hàng giáo phẩm Việt Nam, Tiểu sử Cha Khâm- Đặng Đức Tuấn… 


Đầu xuân năm mới 2017, chúng tôi được đón tin vui: công trình khảo cứu mới nhất của Nguyễn Đình Đầu với tựa đề “Pétrus Ký-nỗi oan thế kỷ” do NXB Tri Thức và Cty Nhã Nam xuất bản sẽ làm lễ ra mắt tại Đường sách Sài Gòn vào ngày Chủ Nhật 8-1. Nhưng rồi buổi lễ này bị hủy vì đã có lệnh đình chỉ phát hành để thu hồi cuốn sách đó. Rất may là, với sự nhạy bén của những người chuyên sưu tầm sách quý, các thành viên của CLBNYS đã kịp mua được sách này ngay trước khi lệnh trên được thực hiện. Để xin được chữ ký của tác giả cho cuốn sách mới mà mình đã sưu tầm được, và cũng để hiểu rõ nguồn cơn nào dẫn tới mệnh lệnh đột xuất này, chúng tôi xin phép được đến thăm học giả Nguyễn Đình Đầu tại nhà riêng của cụ.


Buổi sáng ngày 8-3, chủ nhiệm Phạm Thế Cường (kỹ sư-nhà sưu tầm sách) dẫn đầu đoàn đại biểu CLBNYS với những người cùng đi là Lê Sơn (nhà nghiên cứu văn học-dịch giả), Lê Vinh Quốc (nhà giáo dục - sử gia), Lưu Đình Tuân (nhà giáo - dịch giả), Phạm Vũ Động (nhà giáo), Doanlinh (nữ bác sĩ ), Lâm Phi Hùng (chuyên viên ngân hàng - nhà sưu tầm sách) và Đặng Thanh Trí (luật sư - nhà sưu tầm sách, đi cùng cô thư ký của mình) đã đến ngôi nhà khang trang một trệt ba lầu mang biển số 77 trên đường Thủ Khoa Huân (tại nơi giao cắt với đường Nguyễn Du) thuộc Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Bước lên cầu thang có gắn tấm biển “Tư gia NĐĐ” để lên lầu 1, đi qua một phòng trưng bày các ấn phẩm khoa học, các cổ vật quý hiếm, hệ thống bản đồ cổ về đất nước Việt Nam qua các thời kỳ và bộ ảnh ghi dấu các hoạt động cùng mối quan hệ giao tiếp của chủ nhân, chúng tôi được diện kiến vị học giả lão thành tại phòng khách kiêm phòng làm việc của cụ.
Ngắm nhìn dung mạo và thần thái Nguyễn Đình Đầu, chúng tôi trộm nghĩ rằng không ai có thể sáng suốt tinh anh và mạnh khỏe như cụ ở tuổi đại thọ 97. Có lẽ khả năng trí tuệ xuất chúng cùng nếp sống thanh thản điều độ dựa trên đức tin công giáo và bản ngã vững vàng của nhà khoa học chuyên nghiệp đã đem lại cho cụ sức khỏe lâu bền cả về thể chất lẫn tinh thần. Bằng giọng nói nhỏ nhẹ mà rõ ràng khúc chiết, cụ vui vẻ chào mừng chúng tôi, giới thiệu sơ nét về cuộc sống và những đóng góp cho khoa học của mình, rồi sẵn sàng lắng nghe để trao đổi về những vấn đề mà CLBNYS quan tâm.


Thay mặt đoàn, chủ nhiệm Phạm Thế Cường trình bày về bộ sưu tập sách của Nguyễn Đình Đầu tại CLBNYS, hỏi thêm một số chi tiết về giá trị của “Địa bạ triều Nguyễn” và về kết quả công trình nghiên cứu “Con đường Gốm Sứ trên Biển Đông” của cụ. Theo đó, cụ giải thích về địa bạ, rồi thuật lại quá trình nghiên cứu con đường gốm sứ qua những cổ vật trục vớt được từ những con tàu đắm ở Bình Thuận và các tỉnh miền Trung để hoàn thành bản thảo cuốn sách “Con đường Gốm Sứ trên Biển Đông” gửi tới NXB Trẻ. Tiếc rằng, trong khi sách này của Nguyễn Đình Đầu chưa được xuất bản thì chính phủ Trung Quốc đã đề nghị Liên Hiệp Quốc công nhận “Con đường Gốm Sứ Nam Hải” là “di sản văn hóa phi vật thể” của họ.


Anh Lưu Đình Tuân trao đổi với cụ về bộ máy hành chính của Pháp tại Nam Kỳ và hỏi thêm về ý nghĩa của các thuật ngữ tiếng Pháp chỉ các chức vụ trong đó. Anh Lê Sơn xin cụ bình luận về lệnh cấm phát hành cuốn “Pétrus Ký-nỗi oan thế kỷ”. Nguyễn Đình Đầu đính chính: “tạm đình chỉ phát hành chứ không phải là cấm”; rồi cho biết cụ rất ngạc nhiên nhưng không buồn về lệnh này. Bởi vì “Pétrus Ký-nỗi oan thế kỷ” có số in 2000 bản, dự tính sẽ được tiêu thụ hết trong khoảng 2 năm; nhưng nhờ lệnh đó mà độc giả đổ xô đi mua, nên đến nay (chỉ sau 2 tháng) đã bán hết rồi!


Bỗng cụ quay sang hỏi một người quen cũ: “Anh Quốc có ý kiến gì không?”. Đáp lời cụ, Lê Vinh Quốc chia vui với cụ về cuốn sách vừa mới xuất bản đã trở thành loại “best seller”; rồi kể lại với mọi người về lần đầu tiên mình được gặp học giả Nguyễn Đình Đầu trong cuộc họp mặt năm 2000 của các nhân sĩ-trí thức tại Bảo tàng Cách mạng (tức Dinh Gia Long cũ), do Đồng chí Nguyễn Minh Triết-Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thành Ủy TP. HCM chủ trì, để xin ý kiến đóng góp cho văn kiên Đại hội lần thứ IX của Đảng. Khi ấy Nguyễn Đình Đầu (ở tuổi 80) đã nhẹ nhàng mà thẳng thắn đề nghị Đảng xóa bỏ sự trùng lặp và chồng chéo giữa các cơ quan Đảng với các cơ quan Chính phủ để tinh giản hệ thống tổ chức nhà nước. “Đã có cung Vua thì sao lại phải có thêm phủ Chúa nữa?”- đó là khẩu khí của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu theo trí nhớ của Lê Vinh Quốc. Cụ mỉm cười xác nhận kỷ niệm đó. Tháng 12-2015, học giả Nguyễn Đình Đầu ( ở tuổi 95) đã cùng nhiều trí thức yêu nước khác ( nhà văn Nguyên Ngọc, GS Chu Hảo, GS Tương Lai, GS Nguyễn Đăng Hưng...) gửi " thư ngỏ" tới Bộ Chính trị-BCH TW Đảng với kiến nghị đổi mới chính thể nhà nước.


Cuộc trò chuyện vui vẻ tạm ngưng khi các thành viên trong đoàn chúng tôi rút trong túi xách ra vài cuốn “Pétrus Ký-nỗi oan thế kỷ” cùng cả chục cuốn tác phẩm của cụ như Chế độ công điền công thổ ở Nam Kỳ Lục Tỉnh, Quốc hiệu Cương vực-Hoàng Sa-Trường Sa, Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức, Cố cả Léopold Cadière-từ Việt Nam học đến Việt Nam hóa, Dấu ấn 50 năm hàng giáo phẩm Việt Nam, Tiểu sử Cha Khâm- Đặng Đức Tuấn để xin chữ ký tác giả. Ngồi tại bàn làm việc, cụ cầm bút ký tặng “mỏi tay” cho từng độc giả yêu sách của mình. Xong, cụ gọi chị thư ký mang ra những cuốn sách mà các thành viên CLBNYS còn thiếu trong bộ sưu tập của họ để lại ký tặng chúng tôi. Rồi dựa vào chiếc giá có bánh xe nâng đỡ đôi chân đã yếu của mình-dấu hiệu duy nhất của tuổi tác, cụ bước sang phòng bên để giới thiệu với chúng tôi giá trị của những cổ vật quý hiếm (bao gồm các loại bát đĩa được vớt lên từ những con tàu đắm), các ấn phẩm lưu trữ của mình và nhất là bộ bản đồ cổ vạch rõ cương giới Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử cận đại bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với cả “con đường Gốm Sứ” trên Biển Đông..


Trước lúc chia tay, chúng tôi chụp rất nhiều ảnh kỷ niệm với Nguyễn Đình Đầu, kính chúc cụ “bách niên giai lão” và mong sẽ có ngày tái ngộ.

Thành viên CLB đến thăm nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu lần đầu tiên vào ngày 8/3/2017

2. Không phải đợi lâu, chỉ ít ngày sau chúng tôi đã nhận được điện thoại của Nguyễn Đình Đầu mời CLBNYS đến nhà để cụ tặng thêm một số sách quý. Sáng 23-3, đoàn đi gồm 6 người lại đến “Tư gia NĐĐ”: Phạm Thế Cường, Lưu Đình Tuân, Lê Vinh Quốc, Lâm Phi Hùng, Nguyễn Anh Tuấn (luật sư-nhà sưu tầm sách) và Nguyễn Thị Quỳnh Vân (nhà giáo). Lần này, luật sư Tuấn mang theo các cuốn “Pétrus Ký-nỗi oan thế kỷ” mà anh mua được; còn Phạm Thế Cường cũng mang theo hàng chục cuốn sách đó do các thành viên CLBNYS ở nhiều nơi trong nước gửi để nhờ anh xin giúp chữ ký tác giả. Dĩ nhiên là Nguyễn Đình Đầu lại một lần nữa ký tặng “mệt nghỉ” cho những người yêu sách đã mua được cuốn sách của mình!


Nhưng cuộc họp mặt lần này tập trung vào những sách khác mà cụ đã chuẩn bị sẵn để trao tặng chúng tôi. Trong số đó, cụ đặc biệt giới thiệu cuốn “Diễn tiến câu chuyện Vương Thúy Kiều - Từ sự kiện lịch sử Trung Hoa đến kiệt tác văn chương Việt Nam” của tác giả Hoa Kỳ Charles Benoit (có tên Việt Nam là Lê Vân Nam) - bản dịch từ Anh ngữ sang Việt văn của Nguyễn Nam, Trần Hải Yến, Nguyễn Đào Nguyên, Mai Thu Huyền; do NXB Thế Giới và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học xuất bản tháng 1-2017. Theo lời Nguyễn Đình Đầu, Charles Benoit “nói tiếng Việt còn tốt hơn tôi”, yêu Việt Nam đến mức tự đặt tên Việt cho mình, và lấy kiệt tác văn học “Truyện Kiều” của Nguyễn Du làm đề tài nghiên cứu cho luân án Tiến sĩ Văn chương của mình tại Đại học Harvard lừng danh. Đánh giá luận án tạo nên “Diễn tiến câu chuyện Vương Thúy Kiều…”, Nguyễn Đình Đầu cảm thấy “xấu hổ về các tác phẩm của mình khi so với công trình đó của Benoit!”. Lời khen tặng tột đỉnh của cụ khiến chúng tôi phải lập tức mở sách đó ra xem ngay tại chỗ. Có thể thấy ngay rằng đây là công trình nghiên cứu sâu rộng vào bậc nhất về Truyện Kiều. Hơn nữa, nếu so với các ấn phẩm Kiều học hiện hành ở Việt Nam, công trình của Benoit có phong cách nghiên cứu mới lạ hơn hẳn: tiếp cận tác phẩm văn học từ nguồn dữ liệu lịch sử (phong cách nghiên cứu đặc biệt kiểu Mỹ).
CLBNYS rất đỗi vui mừng khi nhận được cuốn sách quý hiếm của Charles Benoit cùng lời hứa của Nguyễn Đình Đầu: cụ sẽ tổ chức cho CLB họp mặt với người Việt gốc Mỹ ấy khi Lê Vân Nam trở lại Việt Nam. Còn Benoit đã viết về Nguyễn Đình Đầu như thế này (ở trang 16 cuốn sách của ông):


“Tôi muốn dành riêng vài lời cho một người đã giúp đỡ tôi một cách đặc biệt: Nguyễn Đình Đầu-học giả, thương gia, tín đồ Thiên Chúa giáo, và nhà yêu nước chí tình. Ông Đầu là nguồn phấn khích tinh thần và người bạn tốt của tôi ngay từ những ngày mới đến Việt Nam. Mỗi khi tôi thoái chí vì sự tàn phá của chiến tranh, vì những hiểu lầm đã xảy ra, v.v., chỉ cần ghé thăm nhà Ông ở đường Nguyễn Du, trò chuyện một lát là tôi lấy lại được tinh thần và sự cam kết của mình với Việt Nam. Thật may trong đời mình tôi đã gặp một con người vĩ đại”.


Những lời có cánh của Charles Benoit đã khắc họa chính xác nhân cách cao thượng và tầm ảnh hưởng to lớn của học giả Nguyễn Đình Đầu. Hơn nữa, những cảm xúc mà Benoit Lê Vân Nam nhận được mỗi khi được gặp “con người vĩ đại” ở Sài Gòn cũng tương tự như cảm xúc của các thành viên CLBNYS chúng tôi khi được gặp người ấy ở “Tư gia NĐĐ”: chúng tôi cảm thấy được khích lệ để lạc quan với tương lai đất nước. Bởi thế, trong lúc chào tạm biệt người ấy, kẻ viết bài này đã ôm hôn cụ để thốt lên lời tâm sự rằng: “Sứ mệnh khai sáng cho dân tộc ta gắn liền với tên tuổi Nguyễn Đình Đầu!”.

Các thành viên CLB đến thăm nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu lần 3 ngày 30/3/2017. Trên bàn là hơn 100 tư liệu nghiên cứu địa bạ và lịch sử cụ Đầu tặng CLB

3. Tin rằng bộ sưu tập các tác phẩm của Nguyễn Đình Đầu đã được bổ sung đầy đủ nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của chính tác giả, giờ đây CLBNYS yên tâm hoàn chỉnh Thư viện của mình. Nhưng bỗng nhiên lại nhận được điện thoại của cụ mời các bạn đến “Tư gia NĐĐ” để nhận thêm một số sách nữa! (Cụ còn cẩn thận nhắc chúng tôi mang theo bao bố và giây cột, vì túi xách không đủ để đựng số sách này). Thế là CLBNYS lại có lần thứ ba diện kiến học giả Nguyễn Đình Đầu vào buổi sáng 30-3.


Đoàn đi lần này có 5 người đã quen mặt nơi đây là Phạm Thế Cường, Lê Vinh Quốc, Nguyễn Anh Tuấn, Lâm Phi Hùng và Đặng Thanh Trí; nhưng thêm 3 người mới cùng đi là Phạm Kim Dung (biên tập viên của CLBNYS), Đặng Ngọc Dung (nhà hoạt động xã hội) và Nguyễn Khoa Đăng (nhà văn nổi tiếng với tiểu thuyết “Nước mắt một thời”).


Ngồi ở bộ xa lông trong phòng khách quen thuộc quanh chiếc bàn đã chất đầy sách và tạp chí, học giả Nguyễn Đình Đầu cùng chúng tôi đàm đạo. Cụ cho biết số ấn phẩm này bao gồm các công trình khoa học tập thể mà Nguyễn Đình Đầu có tham gia; các sách của nhiều tác giả viết về Nguyễn Đình Đầu hoặc có bài viết của cụ trong đó; các báo và tạp chí đã đăng bài viết của cụ, trong đó có nhiều số tạp chí “Nghiên cứu và Phát triển” và “Tuổi trẻ Cuối tuần”. Gói ghém xong toàn bộ số ấn phẩm này, chúng tôi hiểu rằng cụ đã trao cho CLBNYS cả một nguồn tư liệu phong phú để có thể tìm hiểu và nghiên cứu về con người và sự nghiệp của học giả Nguyễn Đình Đầu. Cụ đề nghị chúng tôi lập một danh mục sách mà cụ tặng cho CLBNYS. Chủ nhiệm Cường hứa rằng: không chỉ lập danh mục, CLB còn dành hẳn một gian thư viện để trưng bày sách Nguyễn Đình Đầu.


Xong chuyện sách báo, cuộc đàm đạo xoay quanh cuộc sống gia đình và quá trình hoạt động xã hội của cụ. Thì ra chàng thanh niên trí thức công giáo Nguyễn Đình Đầu đã tham gia chính phủ Hồ Chí Minh ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) mới thành lập sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Với cương vị Bí thư (tức Trợ lý) của Bộ trưởng Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Đình Đầu đã tham dự cuộc hội đàm Pháp-Việt tại Đà Lạt, việc ký kết Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 và Hội nghị Fontainebleau. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, khi Đảng-Bác tiếp nhận Tư tưởng Mao Trạch Đông làm “kim chỉ nam” của mình để tiến hành Cải cách Ruộng đất và Chỉnh đốn Tổ chức, cựu Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà cùng người Bí thư cũ của mình đã sang Pháp để hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước ở đây. Nguyễn Đình Đầu đã theo học Đại học, lấy bằng Cử nhân khoa học xã hội tại Pháp và tham gia Hội nghị Genève trong vai trò phiên dịch viên của Phái đoàn VNDCCH.


Hòa bình lập lại trên đất nước tạm chia làm hai miền Nam-Bắc, Nguyễn Đình Đầu trở về miền Nam, sống ở Sài Gòn tại chính ngôi nhà này cùng người vợ hoàng tộc và con gái mình, từ 1955 và mãi cho đến nay. Trong những ngày cuối tháng Tư 1975, khi quân đội miền Bắc đã áp sát Sài Gòn, cụ được mời tham gia phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa thương thuyết với phái đoàn VNDCCH tại “Trại David” để dàn xếp việc kết thúc chiến tranh nhanh chóng.


Như vậy, với cuộc đời trăm năm đại thọ của mình, Nguyễn Đình Đầu không chỉ là một nhà sử học, một chứng nhân lịch sử, mà còn là một nhân vật đặc biệt trong lịch sử hiện đại của dân tộc.


Được biết Nguyễn Đình Đầu từng giảng dạy tại Trường Trung học Nguyễn Bá Tòng (nay là THPT Bùi Thị Xuân), chị Ngọc Dung hỏi cụ có biết thầy Bửu Biền cùng dòng họ hoàng tộc với phu nhân của cụ? Nguyễn Đình Đầu đáp rằng đó chính là em vợ cụ; rồi hỏi cô có quan hệ thế nào với ông ấy? Ngọc Dung cho biết đó là người thầy dạy toán của mình ở trường nữ trung học Lê Văn Duyệt trước 1975; rồi cô nói: “ Được gặp bác là một cơ duyên, con mong sẽ có nhiều dịp được gặp lại bác.”.


Chị Kim Dung xin hỏi: “Đã gần đạt ngưỡng 100 tuổi, bác có dự định ngừng việc nghiên cứu để nghỉ ngơi?” Cụ mỉm cười đáp rằng: “Đầu óc còn minh mẫn thì tôi còn nghiên cứu!”. Rồi cụ nói về việc rèn luyện trí nhớ để chống lãng quên cho mình bằng cách luôn luôn nghĩ về công việc, trước lúc ngủ, sau khi thức dậy và ngay cả khi nằm ở bệnh viện!


Sau cùng, Lê Vinh Quốc xin cụ cho biết nguyên nhân của lệnh tạm đình chỉ phát hành cuốn “Pétrus Ký-nỗi oan thế kỷ”. Nguyễn Đình Đầu khẳng định rằng cụ không thể hiểu được nguyên nhân của việc đó; nhưng cho biết: đồng chí Tất Thành Cang-nhà lãnh đạo số 2 của Đảng ta tại thành phố mang tên Bác có thư mời cụ đến ăn trưa tại Thành Ủy để trao đổi về vấn đề này; nhưng cụ xin lỗi vì bị đau chân không thể đến được. NXB Tri Thức và Cty Nhã Nam được nhận văn bản lệnh đó để thực hiện, nên ắt hẳn họ biết nguyên nhân của việc đình chỉ phát hành. Nhưng hình như kèm theo lệnh đó là lệnh “cấm phổ biến”, nên các cơ quan truyền thông báo chí cũng không đươc phép đưa tin và bình luận gì về lệnh này.


Trước tình trạng “tối mật” như vậy, chúng tôi chỉ còn cách đọc kỹ cuốn sách để đoán xem vì sao nó bị đình chỉ phát hành. Nhưng đọc mãi mà không tìm được ý nào có thể quy kết về “dụng ý xấu” của tác giả, nên đành nghĩ rằng lệnh này là một sự nhầm lẫn của cơ quan hữu trách. Đã từng có kẻ lấy ảnh một tên tội phạm giết người để bảo rằng đó là chân dung liệt sĩ thiếu niên Lê Văn Tám huyền thoại, có người còn lấy chân dung Bà Tưởng Giới Thạch nhũ danh Tống Mỹ Linh ở bên Tàu để làm ảnh thờ một “bà Út Trong” nào đó trong phim “Dạ cổ Hoài lang”, và đã có trường hợp cấm ca khúc cách mạng “Màu hoa Đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến để rồi phải xin lỗi tác giả; thì cũng có thể vì sự nhầm lẫn nào đó mà người ta đình chỉ phát hành để thu hồi một công trình nghiên cứu có giá trị phán xét nghiêm cẩn của cụ Nguyễn Đình Đầu. Có lẽ đến một lúc nào đó người ta lại sẽ phải xin lỗi học giả Nguyễn Đình Đầu.


Bước qua phòng trưng bày, một lần nữa cụ lưu ý chúng tôi về bộ bản đồ cổ và các cổ vật quý hiếm bảo quản trong tu kính. Cụ cho biết mình sưu tầm đồ cổ là để làm tư liệu cho công trình nghiên cứu mơ ước đã lâu và giờ đây vẫn đang thực hiện (khác với cụ Vương Hồng Sển có thú chơi đồ cổ theo giá trị văn hóa). Chúng tôi đoán rằng cụ lại nói về “Con đường Gốm Sứ trên Biển Đông”.


Trong lúc chụp ảnh kỷ niệm, anh Nguyễn Khoa Đăng tâm sự: “Tôi thường không thích chụp hình với các quan chức cao cấp, vì không muốn ‘khoe mẽ’ về mối quan hệ của mình với họ; nhưng được chụp hình với những học giả uyên thâm như cụ Nguyễn Đình Đầu thì lại là một niềm vinh hạnh to lớn!”.

***
Ba anh em Đào viên kết nghĩa Lưu-Quan-Trương đã “Tam cố thảo lư” mãi đến lần thứ ba mới được ẩn sĩ Khổng Minh tiếp kiến. Còn CLBNYS chúng tôi ba lần đến thăm “Tư gia NĐĐ” đều được cụ chào mời và tiếp đón vô cùng nồng hậu. Chắc chắn là sẽ còn có nhiều cuộc họp mặt vui vẻ nữa giữa học giả Nguyễn Đình Đầu với CLBNYS mang tên Nguyễn Huy Tưởng; bởi vì chúng tôi đồng hành với cụ trên con đường Khai sáng dân tộc.

Sài Gòn mùa Xuân 2017
LÊ VINH QUỐC

Các Bài viết khác