NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TRẦN HOÀI DƯƠNG, GIẤC MƠ TUỔI THẦN TIÊN

( 09-05-2016 - 10:31 PM ) - Lượt xem: 1635

Nhắc về tuổi thơ qua những trang viết, không thể không nhắc đến nhà văn Trần Hoài Dương, một người đã dành cả đời mình để viết cho thiếu nhi.

Ngày 08.05.2016, nhân kỉ niệm 5 năm ngày mất của ông, CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng đã tổ chức buổi toạ đàm “Trần Hoài Dương – giấc mơ tuổi thần tiên”  tại Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường.

Đến tham dự buổi toạ đàm ngoài các thành viên CLB còn có nhà thơ, nhà văn Trần Mạnh Hảo, một người bạn thân của nhà văn Trần Hoài Dương, nhà thơ Trần Quốc Toàn, một bạn vong niên của nhà văn và nhà văn Vũ Hùng người viết nhiều tác phẩm về thiên nhiên hoang dã dành cho thiếu nhi. Bên cạnh đó còn có đông đảo các bạn thanh thiếu niên, thiếu nhi đến tham dự.

Mở đầu chương trình, thành viên Hồng Minh giới thiệu đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Trần Hoài Dương. Ông là một người sống lặng lẽ với bao trăn trở về xã hội, đến giây phút cuối của cuộc đời ông cũng lặng lẽ ra đi trong ngôi nhà đơn độc. Tuy nhiên những gì nhà văn để lại là bao câu chuyện nhẹ nhàng về thực vật, về con ngừơi,… những tác phẩm cho bao thế hệ nhớ mãi. Ông giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác, về sách và kịch dành cho thiếu nhi.

PGS TS Đoàn Trọng Huy cũng đề cập về Trần Hoài Dương như người yêu thương trẻ em vô cùng. Ông từ bỏ công việc mà bao người mơ ước ở tạp chí Học Tập để lên vùng núi Bắc Giang dạy trẻ em phạm pháp. Thầy Huy cũng so sánh các tác phẩm của ông với tác phẩm của Tô Hoài đặc biệt với Dế mèn phiêu lưu kí -  một tác phẩm quen thuộc với các bạn nhỏ, so sánh để thấy mỗi người một văn phong, một cách viết, để thấy không chỉ “Dế Mèn” mà còn nhiều rất nhiều câu chuyện khác, tác phẩm khác cho tuổi thơ. Như nhà văn Tô Hoài cũng từng nói về các tác phẩm của Trần Hoài Dương như ông đang đọc những tác phẩm không có tuổi.

Đặc biệt hơn với nhà báo Trần Mạnh Hảo, với ông tác phẩm của Trần Hoài Dương còn hay hơn tác giả “Dế Mèn”. Mỗi người đọc đều có cảm nhận, có đánh giá khác nhau về một tác phẩm. Là người bạn thân, Trần Mạnh Hảo như hiểu nhiều hơn về người bạn văn của mình. Theo ông, nhà văn Trần Hoài Dương là một người của sự suy tư, ông mải nghĩ cho mọi người, bất cứ điều gì ông cũng sợ làm phiền đến người khác, ảnh hưởng đến người khác, có chăng vì vậy mà ông chọn cách sống một mình. Những chuyện của xã hội ông cũng nghĩ, những chuyện phía bên ngoài ông cũng trăn trở mãi khôn nguôi. Nhiều nhiều lắm về một cái tình người cầm bút, người chỉ lo cho mọi người.

Nếu đối với nhà văn Trần Mạnh Hảo ông là người bạn thân, thì có lẽ với nhà thơ Trần Quốc Toàn, ông vừa là người bạn vừa là người thầy đáng kính, người yêu người khác hơn cả yêu mình. Nhà thơ kể về người thầy bằng sự xúc động hơn bao giờ hết, ông ghi chép từng chút một, thậm chí là ghi tay mỗi khi đọc được câu văn nào, đoạn văn nào hay. Một con người, một nhân cách đáng kính nể như vậy càng khiến người ta thêm kính trọng, yêu quý ông.

Nhà văn Trần Mạnh Hảo tại buổi tọa đàm

Cũng trong buổi toạ đàm, nhà thơ Trần Quốc Toàn thay mặt cho gia đình nhà văn tặng các cháu thanh thiếu nhi, thành viên nhỏ tuổi của CLB một số tác phẩm của ông như “Miền xanh thẳm”, “Huyền thoại loài chim cánh cụt”,” Nàng công chúa biển”, “Truyện ngắn hay Trần Hoài Dương” và ông Phạm Thế Cường cũng thay mặt gia đình nhà văn trao tặng một số thành viên cao tuổi cuốn “Trần Hoài Dương, Con người-tác phẩm” vừa được Hội nhà văn ra mắt tháng 3 vừa qua và trao tặng Thư viện Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ ở Bình Dương một số tác phẩm của nhà văn…

Với PGS Lê Sơn thì Trần Hoài Dương là một con người sống rất tình cảm, tuy ông bỏ biên chế sống bằng nghề viết văn tự do, kinh tế eo hẹp nhưng khi bạn bè ốm đau ông đều đến thăm, chia sẻ. Ông sẵn sàng bỏ tiền riêng ra đưa bạn đi khám bệnh, thuốc thang. Bạn bè có khuyết điểm ông thẳng thắn góp ý nên ông cũng có nhiều người giận, không ưa. Về văn của Trần Hoài Dương, PGS cho rằng: văn ông trong sáng, tình cảm hợp với tâm lý hầu hết thiếu nhi đối tượng mà Trần Hoài Dương dành cả đời để viết.

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng kể về một kỷ niệm không vui của ông với Trần Hoài Dương, ông nói: Trần Hoài Dương một con người quá trong sáng nên ông có ý khắt khe với mọi người, mong mọi người cũng trong sáng như mình. Chuyện thế này, có lần tôi đưa cho Trần Hoài Dương một tác phẩm của tôi và nói vui như bao người khác hồi đó “Ông xem có in được không, nếu in được thì có tiền chúng mình đi nhậu”, nghe vậy Trần Hoài Dương nổi nóng lên nói “Tôi không thèm quan hệ với ông, ông xấu lắm” và một thời gian rất lâu tôi giận Trần Hoài Dương và Trần Hoài Dương cũng giận tôi nhưng sau đó chúng tôi cũng hiểu nhau và bỏ qua cho nhau. Chính sự trong sáng của Trần Hoại Dương cũng làm cho nhiều người mặc cảm không muốn gần gũi nhất là nhờ vả gì đó.

Chị Ngọc Dung thì chia sẻ: Tháng 4 CLB thông báo chủ đề tháng 5 về nhà văn Trần Hoài Dương tôi liền tìm đọc văn của ông và các bài viết về ông của các nhà phê bình, bạn bè ông, Tôi thích văn ông, văn của ông rất Thiện, nhưng ông biết điều thiện cảm hóa được cái ác mãi mãi chỉ là mơ ước; nhưng nếu không mơ ước thì con người sống chẳng để làm gì, nên nếu không thể triệt tiêu được cái ác thì vẫn phải phát huy cái thiện, cái đẹp để hạn chế cái xấu.  Chị Ngọc Dung chia sẻ cũng tại đây có đựợc câu trả lời cho thắc mắc của mình, vì sao nhà văn tên thật là Trần Bắc Quỳ lại lấy bút danh là Trần Hoài Dương.

Đông đảo thành viên từ trẻ đến già tham dự buổi tọa đàm

Với bác Đỗ Phả một người sống cùng đường Thích Quảng Đức lại cùng quê Hải Dương, cũng lên chia sẻ tình cảm và sự nể phục của mình với nhà văn và con trai nhà văn, nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh.

Kết thúc buổi tọa đàm nhiều thành viên nán lại trò chuyện thêm với nhau về Trần Hoài Dương và về văn của ông, nhiều người còn đưa tập san CLB số 53 về nhà văn Trần Hoài Dương đề nghị nhà văn Trần Mạnh Hảo kỷ lưu niệm vào bài viết của ông. Và cũng nhiều thành viên mượn tác phẩm của Trần Hoài Dương về đọc như Miền xanh thẳm, Truyện ngắn hay, Áng mây, Bên ngoài mái trường..

Nhà văn Trần Hoài Dương tuy đã ra đi, nhưng có lẽ ông vẫn còn đó trong lòng người thân, bạn bè và cả những độc giả yêu sách. Những trang sách ông để lại, những câu chuyện sẽ còn lưu giữ truyền tay nhau nâng niu qua từng bạn đọc, đặc biệt là các em thiếu nhi.

HỒNG MINH

 

Các Bài viết khác