NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TÔI ĐẾN VỚI CLB NGƯỜI YÊU SÁCH NGUYỄN HUY TƯỞNG

( 29-10-2015 - 01:34 PM ) - Lượt xem: 1261

Đó cũng là nơi sinh hoạt học thuật có cả bề rộng và chiều sâu về các tác phẩm, tác giả. Mỗi kì sinh hoạt đều mời được những nhà nghiên cứu, những “chứng nhân”, thân nhân của tác giả tham dự. Mỗi tháng một ấn phẩm, một chuyên đề khá công phu, với nhiều bài viết về các khía cạnh khác nhau

Chỉ mới nghe đến tên, mặc dù chưa biết “hình dong” như thế nào, tôi đã “kết” ngay với Câu lạc bộ rồi.

Người yêu sách” - Mình vốn tự nhận là “mọt sách”, tất nhiên là phải yêu sách rồi.

Nguyễn Huy Tưởng” - Đó là tên bậc thầy mình hâm mộ từ khi còn là trẻ con; càng ngày càng cảm nhận về ông thấu đáo hơn qua các tác phẩm nên càng kính trọng ông. Vậy làm sao mà không tham gia kia chứ.

Mấy ông bạn hẩu của tôi cũng vậy, đều cùng “hợp cạ” cái tạng mọt sách cả.

Nguyễn Huy Thắng thì đương nhiên rồi, hắn là “nhà Nguyễn Huy Tưởng học” mà.

Nguyễn Quốc Tín, một nhà hóa học, đọc “thiên kinh vạn quyển”, bách khoa toàn thư cái gì cũng biết và viết cái gì cũng có kiến văn.

Đoàn Đức Thành, kiến trúc sư, nhà báo, ham hố nhiếp ảnh, thơ ca.

Tôi vốn nhà địa chất “thất nghiệp” chuyển sang làm biên tập, làm báo.

Tóm lại, không ai dám tự nhận mình là nhà văn, nhưng yêu văn học là cái chắc.

Ngặt một nỗi, Câu lạc bộ (CLB) không ở Hà Nội, mà ở mãi trong Nam.

Nhưng không sao, thời đại internet, xa cũng hóa gần. Không sinh hoạt trực tiếp được, nhưng vẫn cập nhật thông tin và trao đổi bài vở với CLB.

Đều là thành viên, tức là “người trong nhà”, nhưng tôi có thể tự hào là cho đến nay khắp cả nước, chưa có mô hình câu lạc bộ văn học nào hoạt động có hiệu quả như câu lạc bộ này.

Đó là một dạng “thư viện” sống, dồi dào các loại sách từ phổ cập đến quý hiếm, sách của mọi nhà, dùng cho bạn đọc mọi lứa tuổi. Mà là sách do một “tư nhân” bỏ công sức ra mua sắm, sưu tầm và… nhặt nhạnh.

Đó cũng là nơi sinh hoạt học thuật có cả bề rộng và chiều sâu về các tác phẩm, tác giả. Mỗi kì sinh hoạt đều mời được những nhà nghiên cứu, những “chứng nhân”, thân nhân của tác giả tham dự. Mỗi tháng một ấn phẩm, một chuyên đề khá công phu, với nhiều bài viết về các khía cạnh khác nhau: tác giả và tác phẩm, con người và thời cuộc, chuyện văn chương chữ nghĩa và chuyện cơm áo gạo tiền… In và phân phát miễn phí trong câu lạc bộ.

Thành viên Nguyễn Như Mai tọa đàm tại buổi sinh hoạt kỷ niệm 4 năm ngày thành lập CLB

Người có công xây dựng và vận hành Câu lạc bộ là Chủ nhiệm Phạm Thế Cường. Anh chẳng phải đại gia nhiều tiền lắm của muốn làm việc thiện. Cũng chẳng phải một công tử con nhà giàu muốn chơi sang, chơi ngông. Là một cựu chiến binh bình thường, nhưng anh làm được như thế, chỉ có thể là một người có hiểu biết, có tâm và có tài tổ chức. Và chính vì thế, với tôi, anh thực sự là một người giàu: giàu bạn bè, giàu giao tiếp, giàu niềm vui đem cho và nhận được.

Từ chỗ quan hệ với Câu lạc bộ, giờ đây Phạm Cường với chúng tôi trở thành bạn bè thân thiết. Anh thường xuyên ra Hà Nội, mỗi lần ra, dù bận việc gì, anh cũng đều cùng chúng tôi gặp nhau cái đã. Chẳng có tiệc chiêu đãi nhau, chỉ vài cốc bia thôi cũng đủ “thù tạc” vui vẻ rồi.

   Anh em tôi ra mắt được cuốn sách nào đều không quên gửi tặng Câu lạc bộ.

Chúng tôi cũng tìm kiếm dịp “hành phương Nam” để gặp gỡ, giao lưu với Câu lạc bộ. Trong lần Hội sách 2014, chúng tôi theo Nhà xuất bản Kim Đồng vào Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu bộ sách “Sử ta - chuyện xưa kể lại”, được nhiều thành viên Câu lạc bộ đến dự đông đảo và góp cho nhiều ý kiến xác đáng. Năm nay Phạm Cường lại bố trí để chúng tôi vào dự kỉ niệm “sinh nhật” Câu lạc bộ và bố trí cho chúng tôi một chuyến tham quan sông nước Nam Bộ.

Ngoài lo cho câu lạc bộ, Phạm Cường còn quyên góp sách báo đem tặng nhiều trường học ở các vùng xa xôi. Biết anh quý sách, Nguyễn Quốc Tín lục lọi “kho báu” của mình đem tặng Câu lạc bộ rất nhiều cuốn sách. Tôi cũng “bắt chước” anh, sắp xếp lại tủ sách bộn bề lọc ra những bộ báo Hoa học trò, Kiến thức ngày nay, Thế giới mới, Khoa học và Đời sống và một số sách thiếu nhi dư ra, a lô trên Face Book tặng cho người cần. Hai em Trịnh Thủy và Diệu Trang từ thuở báo Hoa học trò đã giúp tôi chở sách lên Hoàng Su Phì và đem đến cho nhóm các em mồ côi người H’Mông. “Việc làm tử tế” của anh đã lan tỏa như thế.

Còn có những điều tế nhị nho nhỏ, nhưng với tôi, một thành viên, không thể không nhắc đến: Bà thân sinh ra tôi mất, tôi không hề chia sẻ, nhưng đã có lời phân ưu trang trọng trên bản tin của CLB.

Dịp “sinh nhật” CLB lần này, bạn tôi, kiến trúc sư Đoàn Đức Thành không có mặt. Anh là người đánh giá rất cao các ấn phẩm của CLB. Chúng tôi có rủ anh cùng viết bài. Anh bảo, có dịp CLB nên dành đề tài nào đó cho các tác giả kiến trúc. Nếu có ấn phẩm ấy, anh sẽ cung cấp tư liệu và góp bài. Nhưng tiếc quá, anh đã ra đi.

NGUYỄN NHƯ MAI

Các Bài viết khác