NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TỌA ĐÀM VỀ ALEXANDRE DUMAS

( 20-07-2019 - 09:53 AM ) - Lượt xem: 686

Vào sáng chủ nhật ngày 07-7-2019 tại Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (352 đường số 8, phường 11, Gò Vấp, Tp.HCM), Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLBNYS) đã có buổi tọa đàm về đại văn hào pháp ALEXANDRE DUMAS – ÔNG HOÀNG CỦA TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ. Đã có 30 thành viên CLBNYS và anh Vũ Đạm Nhiên - một người ham đọc về tham dự.

Mở đầu buổi tọa đàm là phần giới thiệu khái quát về tiểu sử của nhà văn Alexandre Dumas (A. Dumas). Chủ nhiệm Phạm Thế Cường đã giới thiệu những hình ảnh minh họa về các tác phẩm của A. Dumas bằng tiếng Việt của nhiều nhà văn đã dịch, phóng tác qua các thời kỳ trước năm 1975 ở miền Nam và sau ngày thống nhất đất nước được trình chiếu qua màn hình và trưng bày trên các kệ tủ kính của thư viện.

A. Dumas (24/7/1802 – 5/12/1870), còn được gọi A. Dumas cha để phân biệt với con trai, là một đại văn hào nổi tiếng người Pháp gốc Phi. A. Dumas sinh năm 1802 tại Villers-Cotterêts trong khu Aisne, ở Picardy, là con của một vị tướng, mặc dù không được học tập một cách có hệ thống nhưng A. Dumas đã sớm thể hiện niềm say mê văn học, đặc biệt là các tiểu thuyết viết về đề tài phiêu lưu, khám phá của văn học thế kỷ 16 - 17 và các vở kịch của Shakespeare, hai thể loại ông ưa thích là kịch và tiểu thuyết lịch sử. Ông để lại cho hậu thế tới 250 tác phẩm, trong đó có khoảng 100 tiểu thuyết, còn lại là kịch, bút ký, phóng sự, hồi ký,với những tác phẩm được biết tới nhiều nhất như các tiểu thuyết Ba chàng lính ngựlâm (1844), Bá tước Monte Cristo (1845–1846). Các tác phẩm của A. Dumas đã được dịch sang gần 100 ngôn ngữ, và ông là một trong những nhà văn Pháp được tìm đọc nhiều nhất. Từ đầu thế kỷ 20, tiểu thuyết của A. Dumas đã được chuyển thể sang gần 200 bộ phim. Cuốn tiểu thuyết Ba chàng lính ngự lâm là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất trên thế giới, đã được dựng thành phim nhiều lần, cũng như phim truyền hình, phim hoạt hình Pháp, và hoạt hình Nhật Bản. Ở Việt Nam, vẻ lãng mạn quả cảm của D’Artagnan và bộ ba ngự lâm quân Athos, Porthos, Aramis cùng châm ngôn“Một người vì tất cả, tất cả vì một người” đã làm say mê các độc giả trong nước, nhất là thế hệ người Việt những năm 1970.

A.Dumas mất năm 1870 ở Puys, vùng Dieppe. Sau 132 năm kể từ khi Alexandre Dumas tạ thế, ngày 30/11/2002, nhân dịp sinh nhật lần thứ 200 của ông, Chính phủ Pháp đã tổ chức trọng thể nghi lễ chuyển thi hài của ông vào Điện Panthéon, thánh đường danh dự dành cho các danh nhân nước Pháp nằm bên tả ngạn sông Seine. A.Dumas là nhà văn thứ sáu, sau Voltaire, Rousseau, Hugo, Zola và Malraux, được vào Panthéon. Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Pháp Jacques Chirac nhấn mạnh rằng hành động trên không chỉ thể hiện sự tuyên dương của nước Pháp đối với "thiên tài Dumas" mà còn là một cách "sửa chữa lại một bất công" - tức thái độ miệt thị mà một số công dân Pháp từng nhằm vào Dumas trước đây. Việc làm ấy cũng gửi đi một thông điệp, rằng chính phủ Pháp đương nhiệm không chấp nhận tất cả mọi hành vi cực đoan, phân biệt chủng tộc.

Đánh giá cao giá trị văn nghiệp của Alexandre Dumas, PGS Đoàn Trọng Huy cho rằng, trong số các nhà văn Pháp thành danh hồi thế kỷ XIX, A.Dumas không phải là cây bút lớn nhất, song ông lại là nhà văn có tác phẩm được công chúng tìm đọc nhiều nhất, chỉ với mấy tác phẩm như "Ba người lính ngự lâm", "Hoàng hậu Margot", "Bá tước Monte Cristo" đã đủ để tên tuổi ông mãi mãi ở lại trong ký ức độc giả. A.Dumas là người sớm có tư tưởng cộng hòa, ông gắn bó cả tâm hồn và thể xác với cách mạng. Thái độ chính trị thể hiện rõ trong các tác phẩm của ông được xuất hiện khá sớm ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX: Ba người lính ngự lâm do Trần Chánh Chiếu dịch (Lục tỉnh Tân Văn, 1914), Phan Khôi dịch  Bá tước Monte Cristo, trên Đông Pháp Thời báo, 1928được Lê Hoàng Mưu và Hồ Biểu Chánh phóng tác thành Chúa tàu Kim Quy đăng trên báo.

Năm 2005, tác phẩm cuối cùng của A. Dumas bất ngờ được tìm thấy sau thời gian dài bị quên lãng và nó nhanh chóng tạo nên một cơn sốt khắp nơi trên thế giới. Đó là bộ Hiệp sỹ Hector de Sainte–Hermine1000 trang, 118 chương, mà ông tự làm lấy từ A đến Z, trong tình trạng ốm yếu bệnh tật, có lúc run tay, phải nhờ viết hộ, được in thành sách lần dầu tiên sau 135 năm bị quên hẳn. Câu chuyện về hành trình của cuốn sách cũng thật thú vị: Bốn ngày sau khi ông qua đời, cuộc tấn công của quân Phổ vào thành phố nơi ông ở đã chấm dứt hy vọng xuất bản cuốn sách này. Bản thảo được trao lại cho Louis Charpillon, một công chứng viên ở Saint-Bris. Nó được chôn giấu cùng với những tài sản quý giá khác của công chứng viên mãi đến khi cuộc chiến tranh chấm dứt, bản thảo được chuyển vào Thư viện Quốc gia Pháp và bị lãng quên tại đó suốt gần 130 năm cho đến khi được Claude Schopp, một chuyên gia về Alexandre Dumas, phát hiện.

Không khí của buổi toạ đàm

Tiếp theo, các thành viên CLBNYS đã sôi nổi trao đổi một số mẩu chuyện ly kì, độc đáo xoay quanh cuộc đời đầy "vinh quang và cay đắng" của nhà văn A.Dumas; về công trình đặc biệt -Đại từ điển ẩm thực (Grand Dictionnaire deCuisine - 1872),  mà ông muốn được hậu thế coi là đỉnh cao sự nghiệp văn chương của mình.

Với ý kiến cho rằng A. Dumas có ảnh hưởng nhiều đến nhà văn Lê Văn Trương, nhà thơ Giáng Vân đã cảm xúc và tự hào khi kể về sự nghiệp văn chương và cuộc đời oanh liệt của cha mình. Chia sẻ điều tâm đắc, thú vị về nhân vật D’Artagnan trong “Ba chàng lính ngự lâm”.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Hà nêu lên thông điệp trong “Ba chàng lính ngự lâm” là đả kích sự can thiệp của giáo hội (vương triều Vatican) vào chính trường Pháp quá lâu. Cùng chia sẻ điều này, TS Lê Vinh Quốc khái quát việc chống giáo hội triệt để qua cuộc đại cách mạng Pháp (1789-1794): từ các truyện tiếu lâm chế diễu thói đạo đức giả của các cha cố, qua sự phủ nhận Thiên chúa bằng cách tôn vinh “Đấng Tạo hoá Tối cao” để tạo ra lịch mới của cách mạng (với tên tháng thể hiện quy luật tự nhiên: tháng “Nảy mầm”, tháng “Sương Mù”, tháng “Nóng”…) thay cho Công lịch (với các tên tháng được đặt theo kinh thánh). Từ đó, ông nhận xét rằng tinh thần chống giáo hội của A. Dumas không triệt để bằng cách mạng mà mang tính thoả hiệp, chỉ dừng lại ở việc đả kích thói hư tật xấu của các quan chức giáo hội.

 Kỹ sư HồXuân Điệp đã đưa ra 2 từ Mousquet (súng hỏa mai) và Mousquetair (ngự lâm) để lý giải từ thuật ngữ “ngự lâm pháo thủ” khi được các dịch giả chuyển ngữ sang tiếng Việt. Nhà giáo Phạm Vũ Động chia sẻ thêm về nhân vật D'Artagnan mới gia nhập vào bộ ba có trước để lý giải tại sao  “Ba chàng ngự lâm mà hoá ra lại là bốn”. Nhiếp ảnh gia Trần Quốc Hải kể những mẫu chuyện thú vị trong văn học.

Trước khi kết thúc buổi tọa đàm, CN Phạm Thế Cường đã giới thiệu về nhà văn Trần Thanh Cảnh, về việc CLBNYS kết bạn với nhà sách Phúc Minh chủ in sách trinh thám và sách giáo dục……Đồng thời thông báo chủ đề sinh hoạt ngày 14/8/2019 “Phúc Minh Books và Phạm Cao Củng”.

 

NGỌC DUNG

Các Bài viết khác