NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TỌA ĐÀM VĂN HỌC “TÔ HOÀI – PHIÊU LƯU KÝ”

( 09-08-2015 - 08:14 PM ) - Lượt xem: 1709

Sáng 9/8/2015 Câu lạc bộ Người Yêu Sách Nguyễn Huy Tưởng đã tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Tô Hoài – Phiêu Lưu Ký” gồm đông đảo các thành viên Câu lạc bộ, cộng tác viên và các giáo sư, nhà văn, nhà nghiên cứu, độc giả yêu thích văn học. Đến với CLB còn có bà Quỳnh Hoa, PGĐ chi nhánh NXB Kim Đồng Tp.HCM và sinh viên Đặng Thị Thanh Hà, trường KHXH&NV Tp.HCM, người đã có bản tham luận độc đáo về nhà văn Tô Hoài tại hội thảo “Tô Hoài – Một đời văn” tổ chức tại Hà Nội ngày 18/7/2015 vừa qua.

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Phạm Thế Cường, chủ nhiệm CLB đã giới thiệu sự nghiệp văn học của nhà Tô Hoài, tiếp ngay sau đó PGS Đoàn Trọng Huy khái quát chân dung Tô Hoài – nhà văn – nghệ sĩ công huân Hà Nội, qua đó Tô Hoài là người đã góp phần viết nên lịch sử Hà Nội, cũng qua ngòi bút ông đã góp phần tạo nên bộ mặt văn hóa Hà Nội xưa và nay. Tác  phẩm của ông gồm nhiều thể loại từ ký, truyện ngắn, tiểu thuyết nhưng đặc sắc nhất là mảng hồi ký mà nổi bật nhất là Cát bụi chân ai Chiều chiều. Ông viết trung thực không chỉ đơn thuần nói tốt mà cả những mặt xấu của ông và bạn văn. Đặc biệt PGS đã giới thiệu 02 cuốn ghi chép của Tô Hoài về chuyến đi thực tế vùng Tây Bắc từ tháng 4-6/1959 và từ tháng 5-8/1965. Đây là những ghi chép tỉ mỉ, chi tiết dọc đường kèm theo minh họa là sơ đồ vùng dân cư nơi Tô Hoài đã đến và làm viêc.

Dịch giả Lê Sơn tiếp lời bằng cách điểm qua một số chi tiết “ĐẮT” trong Cát bụi chân ai, Chiều chiềuBa người khác mà ông tâm đắc, ông thích thú với sự chân thực đến trần trụi của Tô Hoài trong các tác phẩm đó.

Nhà giáo Phan Văn Bảo thì nhấn mạnh tình yêu Hà Nội trong các tác phẩm của Tô Hoài và ông cũng thể hiện tình cảm của mình với Tô Hoài bằng ký họa về Tô Hoài, bức họa thể hiện bằng tên của nhà văn và thông qua CLB ông gửi tặng gia đình nhà văn Tô Hoài bức họa của mình.

Nhà giáo Phan Văn Bảo giới thiệu bức ký họa Tô Hoài do ông vẽ

Sinh viên Đặng Thị Thanh Hà do lần đầu đến CLB tiếp nối chương trình, cô nói: “Tôi chưa được tiếp xúc với Tô Hoài, lần đầu tiên tôi nghe được tiếng ông nói là qua clip tại buổi hội thảo ở Hà Nội, tôi đến với nhà văn chỉ thực sự khi tôi làm việc ở Cty sách Phương Nam tôi đã đọc Tô Hoài ở đấy”. trong bài tham luận của mình Thanh Hà viết: “Phải đọc thôi, những tác phẩm của nhà văn Tô Hoài. Và phải đọc, nhất là người trẻ. Tô Hoài, ông không chỉ là cha đẻ của mỗi chú Dế mèn và cô Mị không thôi. Những người trẻ đương háo hức muốn cầm bút thì càng cần phải đọc. Tô Hoài, ông không chỉ là một nhà văn. Những gì ông để lại cho đời, cho người Việt Nam đã vượt rất xa giới hạn của một người cầm bút. Ông xứng đáng được lịch sử cảm ơn và đáng được xem là người “giải ảo” cho lịch sử của thế hệ trẻ với những gì đã viết suốt đời mình.” Và Thanh Hà cho rằng trong tiểu thuyết Ba người khác “là một tác phẩm có tính chất “giải ảo” mạnh mẽ, đến mức ông phải gọi nó là tiểu thuyết.”

Sinh viên Thanh Hà tại buổi tọa đàm

Ông Phạm Thế Cường thì nói về việc Tô Hoài viết Dế mèn phiêu lưu ký. Khời đầu ông viết Con dế mèn theo sự đặt hàng của ông Vũ Đình Long, chủ báo Tiểu thuyết thứ Bảy, Tô Hoài đã viết truyện Con dế mèn chỉ trong 1,2 tối và được đăng trên Truyền Bá số 3 ngày 10/10/1941, sách ra bán chạy ông được đặt viết tiếp phần hai với tên Dế mèn phiêu lưu ký chỉ trong 3, 4 tối thì hoàn thành và được in trên Truyền Bá số 16,17 ngày 22 và 29/1/1942 và bối cảnh trong truyện chính là bãi Cơm Thi và bờ sông Tô Lịch thuộc phường Nghĩa Đô hồi ấy là nơi gắn với tuổi nhỏ của ông. Ông Cường cũng cho biết đến nay Dế mèn phiêu lưu ký đã in tới 83 lần.

Nhà sử học Lê Vinh Quốc theo thường lệ, ông nói về kỷ niệm của mình lần đầu đọc Dế mèn phiêu lưu ký là bản in lần thứ ba của NXB Thanh Niên năm 1956 và ông đã đặt Dế mèn phiêu lưu ký  vào thời điểm lịch sử để phân tích, ông nói: “Tô Hoài viết truyện này vào năm 1941, khi khói lửa Chiến tranh thế giới thứ Hai đang bao trùm khắp năm châu bốn biển: nước Pháp đã đầu hàng Đức ở châu Âu, quân Nhật đã kéo vào Đông Dương, Đức phát xít tấn công Liên Xô và Nhật quân phiệt khai chiến với Mỹ… Bối cảnh ấy đã khơi gợi cho Tô Hoài những ý tưởng về chiến tranh và hòa bình để thể hiện chúng một cách tinh tế trong câu chuyện đồng thoại của mình. Lòng căm ghét chiến tranh dâng tràn trong xã hội đã biến thành cuộc hòa giải giữa anh em Mèn-Trũi với đàn Châu Chấu Voi hùng mạnh, để cả đoàn kéo đi tuyên truyền cho lý tưởng bảo vệ hòa bình thế giới. Như vậy, giá trị của Dế Mèn phiêu lưu ký còn vượt qua tác dụng giáo dục trẻ thơ mà đạt đến một triết lý nhân sinh của toàn nhân loại.” và ông khẳng định: “Chính giá trị triết lý của nó đã giúp cuốn truyện đặc sắc của Tô Hoài vượt biên giới quốc gia để phát huy ảnh hưởng trên văn đàn quốc tế” cuối cùng ông nhấn mạnh: “Nhưng trong toàn bộ sự nghiệp văn học của ông, Dế Mèn phiêu lưu ký vẫn là tác phẩm tuyệt vời nhất. Nhân ngày giỗ đầu của Tô Hoài, tôi xin viết bài này làm nén tâm nhang cầu chúc cho hương hồn ông mãi mãi yên vui cùng chú Dế Mèn yêu quý trên cõi vĩnh hằng.”

Tọa đàm cũng nghe ý kiến của nhà giáo Xuân Tư, bà Giáng Vân, ông Thanh Hải và các bạn đọc khác về các tác phẩm  của Tô Hoài như Cát bụi chân ai, Ba người khác, Chiều chiều; truyện Tây Bắc, Quê nhà, Xóm Giếng Ngày Xưa, Chuyện cũ Hà Nội… nhưng nổi bật, ấn tượng sâu sắc nhất vẫn là truyện Dế Mèn Phiêu Lưu Ký- cuốn sách  gối đầu giường của nhiều thế hệ độc giả, kể cả trẻ em nước ngoài.

Cũng tại buổi tọa đàm, CLB đã trưng bày 94 tác phẩm của Tô Hoài, trong đó có bộ sưu tầm 23 cuốn Dế mèn phiêu lưu ký do các nhà xuất bản trong nước in từ năm 1994 tới nay.

PHƯƠNG DUNG

 

Các Bài viết khác