NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TỌA ĐÀM VĂN HỌC 1965 -1975: MỘT THỜI HÀO HÙNG - BI TRÁNG

( 25-05-2018 - 09:37 PM ) - Lượt xem: 908

Buổi sáng ngày 06-5-2018 tại Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (352 đường số 8, phường 11, Gò Vấp, Tp.HCM), Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLBNYS) đã có buổi tọa đàm với chủ đề “Văn học 1965 - 1975: một thời hào hùng - bi tráng”. Đã có 30 thành viên CLBNYS cùng các vị khách mời và một đoàn 14 em học sinh trường Trung học Phổ thông Trần Khai Nguyên cùng tham dự.

Trước lúc khai mạc tọa đàm, chủ nhiệm CLBNYS Phạm Thế Cường đã dành ra 15 phút để nói về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nhân kỷ niệm lần thứ 106 ngày sinh của ông (06/5/1912 – 06/5/2018). Qua đó, các em học sinh tham dự đã có dịp hiểu biết thêm về tiểu sử nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mà CLBNYS đã vinh dự mang tên ông.

Buổi tọa đàm về Văn học 1965-1975

Mở đầu cuộc tọa đàm “Văn học 1965-1975: một thời hào hùng - bi tráng”, Phó Giáo sư (PGS) Đoàn Trọng Huy đã phác họa về sự khởi sắc mới trong hoạt động văn học 1965 – 1975. Đó là giai đoạn chính thức của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Chiến tranh hủy diệt lan ra khắp miền Bắc, miền Nam với B 52 rải thảm, với chất độc màu da cam phủ khắp núi đồi, đồng ruộng”. Cao trào sáng tác văn học phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ được phát động. Đây là thời kỳ xuất hiện hàng loạt nhà thơ trẻ: Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Thu Bồn, Bùi Minh Quốc, Xuân Quỳnh, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Đăng Khoa, Lâm Thị Mĩ Dạ…. Về văn xuôi, bên cạnh Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Lê Khâm (Phan Tứ), có Nguyễn Minh Châu, Chu Văn, Ma Văn Kháng (miền Bắc);  Nguyễn Thi, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức (miền Nam). Theo ông, có 3 tính chất đặc điểm của văn học thời này: khuynh hướng sử thi, hiện thực của chiến tranh và áp lực tự do dân chủ hóa trong sáng tạo nghệ thuật. Ở miền Nam, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Giấc mơ ông lão vườn chim, Hòn Đất của Anh Đức, Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng, Mẫn và tôi của Phan Tứ.... đã tạo được sự hấp dẫn người đọc trong những năm chống Mỹ. Ở miền Bắc, truyện, ký cũng phát triển mạnh. Tiêu biểu là ký chống Mỹ của Nguyễn Tuân; truyện ngắn của Nguyễn Thành Long, Đỗ Chu; tiểu thuyết Vùng trời (ba tập) của Hữu Mai,  Bão biển (hai tập) của Chu Văn...

Nhiều tập thơ có tiếng vang như Ra trận, Máu và hoa của Tố Hữu, Dòng sông trong xanh của Nguyễn Đình Thi, Vầng trăng quầng lửaThơ một chặng đường của Phạm Tiến Duật, Gió Lào cát trắng của Xuân Quỳnh, Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa,... Thơ của họ giàu những chi tiết chân thực của đời sống chiến trường, phản ánh được một phần cái ác liệt, những hi sinh, tổn thất trong chiến tranh.

 PGS Đoàn Trọng Huy đã giới thiệu thêm về Chế Lan Viên và Nguyễn Minh Châu là 2 nhà văn có tầm suy nghĩ, nhận thức lại sau chiến tranh. Theo ông, xét theo hoàn cảnh lịch sử, mỗi dân tộc có một số phận và con đường đi riêng. Miền Bắc, miền Nam chiến tranh ra sao đã có bộ sách Sử ghi chép. Chúng ta phát biểu theo quan điểm chính thống nên trong Văn học 1965 - 1975 tổ quốc và chủ nghĩa xã hội là những chủ đề xuyên suốt.    

Nhà thơ Phùng Hải - tác giả tập thơ “Trường Sơn chống Mỹ”, là nhân chứng của cuộc sống và chiến đấu đầy máu lửa trên đường Trường Sơn, đã chia sẻ những vần thơ tình thời chinh chiến để minh họa tinh thần xung phong ra trận của thanh niên, ý chí và bản lĩnh người thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn với sự hy sinh vô bờ bến từ tình yêu cùng nhu cầu bản năng của tuổi trẻ cho đến thân xác con người tan nát vì bom đạn. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ rõ sự bất công trong việc đánh giá công lao của con người trong chiến đấu dựa trên thành phần giai cấp trong lý lịch gia đình, khiến cho những ai trót mang lý lịch “địa chủ” không thể vươn lên Đảng và không được trọng dụng, cho dù đã anh dũng lập công trong chiến đấu.

             Nhà giáo Lê Vinh Quốc nhìn nhận cuộc chiến 1954-1975 theo góc độ lịch sử. Nhân sự kiện cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vừa mở ra một tương lai tươi sáng cho sự hòa giải-hòa hợp hai miền Nam-Bắc Triều Tiên, ông cảm thấy xót xa cho dân tộc mình đã phải trải qua hơn 20 năm chiến tranh đẫm máu giữa hai miền Nam-Bắc, để kết thúc với một “Bên thắng cuộc” và bên kia thua cuộc, để rồi mãi đến nay vết thương dân tộc vẫn chưa lành. Ông nêu rõ sự bi thảm của chiến tranh đã thôi thúc Chế Lan Viên viết nên những câu thơ sám hối “Ai?Tôi”: “Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng / Chỉ một đêm, còn sống có 30 / Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?/ Tôi! Tôi!-người viết những câu thơ cổ võ / Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong…”. Cũng sự tàn khốc bi thảm đó đã thôi thúc Bảo Ninh viết “Nỗi buồn chiến tranh”; trước đó ở miền Nam, Nhã Ca đã viết “Giải khăn sô cho Huế”. Sau chiến tranh nhìn lại, Nguyễn Khải đã phải “Đi tìm cái tôi đã mất”, và Nguyễn Minh Châu kêu gọi: “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”. Tiếp đó, Lê Vinh Quốc đề nghị cử tọa tìm đọc cuốn “Tình yêu và bom đạn” ( tự truyện của Phùng Hải ) để hiểu rõ hơn số phận của thanh niên xung phong-người lính trong mưa bom bão đạn  Trường Sơn.

            Cùng với hình ảnh những người thanh niên ra trận được đưa vào các tác phẩm văn học, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn đã nhắc đến những người ở hậu phương phục vụ chiến trường cũng được thể hiện sinh động qua các tác phẩm văn nghệ; trong đó ông nêu bật những người công nhân trong tác phẩm “Thung lũng Cô tan” của Lê Phương. Nhân đó, chủ nhiệm Phạm Thế Cường cũng giới thiệu thêm một số tác phẩm hay viết về nông thôn và hậu phương miền Bắc trong chiến tranh: tiểu thuyết “Những tầm cao” và tập truyện ký “Phía Tây mặt trận” của Hồ Phương, tiểu thuyết “Cầu Sáng” của Trần Thanh Giao, tiểu thuyết “Chỗ đứng người kỹ sư” của Nguyễn Khắc Phê…

Qua phát biểu của nhà giáo Lê Vinh Quốc, nhà giáo Phan Văn Bảo nhắc đến nông thôn thời chiến tranh hầu như chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em; trong khi Trường Sơn là nơi rất nhiều sinh viên và bạn bè của ông đã hy sinh mạng sống của mình. Về nguyên nhân của cuộc chiến tranh bi tráng này, ông cho rằng mọi người Việt Nam, ở miền Nam cũng như miền Bắc, ai cũng mong nước nhà thống nhất, nhưng vì Việt Nam nghèo phải lệ thuộc vào sự chi phối của các nước lớn, nên phải chịu những sự bất công đối với cả 2 miền.

            Bác sĩ Đinh Tiết Long góp ý: phán xét lịch sử phải dựa trên hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi nước. Theo ông, hai miền Triều Tiên có thể tiến đến hòa giải để chung sống hòa bình vì con đường bạo lực đã thất bại trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953); còn Việt Nam cũng đã có khả năng thống nhất trong hòa bình, nhưng vì chính quyền miền Nam khước từ cuộc Tổng tuyển cử theo Hiệp nghị Geneve, nên miền Bắc phải dùng vũ lực để thống nhất đất nước.

 Nhà giáo-nhà ngoại giao Nguyễn Thiện Chí đã phân tích cuộc chiến Việt Nam 1954-1975 là chiến tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa tư bản. Do bản chất đó, chiến tranh đã diễn ra vô cùng tàn khốc, một mất một còn mà không có chỗ cho sự khoan dung.Trong hoàn cảnh đó, quyền sống của con người đã bị tước đoạt bởi bạo lực và tội ác ở cả hai bên chiến tuyến. Từ đó, ông ca ngợi các văn nghệ sĩ đã cất lên tiếng nói của lương tâm, lương tri và nhân quyền để tố cáo những tội ác mà người ta đã phạm phải trong quá trình đối xử với nhau trong chiến tranh. Theo đó, ông đặc biệt chia sẻ với nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cùng những câu chuyện kể của Nguyễn Minh Châu qua các tác phẩm viết về chiến tranh của họ.

Nhà giáo Phạm Vũ Động phát biểu về nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng với cuốn “Vòng tay học trò” ở miền Nam; tiếp đó ông cung cấp thêm một góc nhìn của giới trí thức miền Nam đối với chiến tranh có sự khác biệt với quan điểm chính thống của miền Bắc. Theo ông, điều quan trọng đối với người Việt Nam hiện nay là: hãy gác lại quá khứ đau thương để nắm tay nhau cùng xây dựng đất nước. Sau cùng, nhà thơ Trương Minh Chính - 92 tuổi đã chia sẻ bộ sưu tập thơ do ông sáng tác và viết tay khá ấn tượng, được toàn thể cử tọa hoan nghênh nhiệt liệt.

             Kết thúc buổi tọa đàm, Chủ nhiệm Phạm Thế Cường thông báo chủ đề buổi sinh hoạt ngày 03/6/2018 của CLBNYS: “Nhà văn-nhà thơ Xuân Sách”.

NGỌC DUNG

Các Bài viết khác