NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TỌA ĐÀM GIAO LƯU VỚI NHÀ XUẤT BẢN PHỤ NỮ VÀ NHÀ VĂN HOÀNG QUỐC HẢI

( 05-01-2019 - 10:02 PM ) - Lượt xem: 718

Sáng ngày 28-12-2018 tại Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (352 đường số 8, phường 11, Gò Vấp, Tp.HCM), Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLBNYS) đã tổ chức buổi giao lưu thân mật với bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc Nhà xuất bản (NXB)Phụ Nữ và nhà văn Hoàng Quốc Hải. Đã có 20 thành viên CLBNYS cùng các vị khách mời, cán bộ nhân viên Chi nhánh NXB Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh về tham dự.

Các thành viên tham dự được nhận Phụ san tháng 12/2018 của CLBNYS dành cho buổi giao lưu này với chủ đề: “ Nhà Xuất bản Phụ nữ - Bạn thân thiết của người yêu sách”, mỗi trang đầu cuốn Phụ san đều có chữ ký lưu niệm của nhà văn Hoàng Quốc Hải và Gíam đốc NXB Phụ nữ.

Mở đầu, chủ nhiệm Phạm Thế Cường giới thiệu về quá trình 61 năm hình thành và phát triển  của NXB Phụ nữ. Từ khởi nghiệp ban đầu vào tháng 10/1957 với định hướng sách dành cho nữ giới, chỉ có duy nhất 01 giám đốc là bà Nguyễn Thị Bích Thủy và 4 cán bộ phụ trách kiêm nhiệm các khâu xuất bản, đánh máy, biên tập, kế toán tài vụ; trải qua nhiều chặng đường phát triển và hội nhập, đến nay NXB Phụ nữ đã trở thành một cơ quan xuất bản bề thế của Trung ương Hội LHPN Việt Nam tại thủ đô Hà Nội có Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh; trong đó bao gồm 13 tủ sách với 13.000 đầu sách cùng hàng triệu bản sách. Đã xây dựng thành công mô hình NXB khép kín, chủ động và hiện đại hóa ba khâu: xuất bản - in - phát hành; giờ đây, NXB Phụ nữ phát triển theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu và xác định rõ đối tượng bạn đọc là phụ nữ, gia đình và trẻ em - những nhân tố quan trọng quyết định nền tảng tri thức, đạo đức con người Việt Nam trong tương lai.

Qua màn hình video clip, ông Phạm Thế Cường giới thiệu một số tác phẩm đã phát hành của NXB Phụ nữ, đặc biệt lưu ý các tiểu thuyết lịch sử. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là một cộng tác viên thân thiết lâu năm của NXB Phụ Nữ. Có nhiều tiểu thuyết lịch sử quan trọng in ở đây, nhờ đó ông giành được những giải thưởng lớn cho các cuốn Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa…NXB Phụ nữ đã tái bản và làm mới các bộ tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều Trần (6 tập – 4.000 trang) và Tám triều vua Lý (6 tập – hơn 4.000 trang) của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Tiếp theo, Phạm Thế Cường đã chia sẻ những kỷ niệm của ông qua bài viết đăng trong Phụ san “Tôi với Nhà xuất bản Phụ nữ”; trong đó ông kể về ấn phẩm đầu tiên mà mình được đọc của NXB Phụ nữ là tiểu thuyết “Nhãn đầu mùa” (xuất bản lần thứ hai, năm 1963) đã để dấu ấn sâu đậm trong tâm trí mình từ thời niên thiếu. Trong buổi ra mắt tác phẩm “Người yêu dấu và những truyện ngắn khác” của nhà văn Dạ Ngân do NXB Phụ nữ tổ chức tại Đường sách Nguyễn Văn Bình mà CLB NYS có 8 thành viện tham dự, Phạm Thế Cường đã may mắn được đến chào hỏi để ra mắt nữ giám đốc kiêm tổng biên tập NXB Phụ nữ Khúc Thị Hoa Phượng. Tháng 3/2018, ông rất ấn tượng với sự ra mắt tủ sách “Phụ nữ Tùng thư” của NXB do giám đốc Hoa Phượng sáng lập.

 Giám đốc Khúc Thị Hoa Phượng phát biểu cảm ơn CLB NYS đã tổ chức buổi giao lưu hôm nay rất ý nghĩa và đầy tình thân thiết. Chị đã chia sẻ về chuyến công tác phương Nam của NXB lần này cùng CLB NYS đi đến một số trường THPT và DH đồng bằng sông Cửu Long để quảng bá văn hóa đọc nhằm kết hợp giữa người đọc với thư viện và NXB, đưa sách về vùng sâu vùng xa, những nơi hiện nay văn hóa đọc đã bị mai một khá nhiều. Giám đốc Hoa Phượng đã giới thiệu “Phụ nữ tùng thư” là tủ sách công bố các công trình về vấn đề phụ nữ, hướng tới các nhận thức và thực hành quyền phụ nữ vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và sự phát triển bền vững của đất nước. Chị cũng nói thêm về những gian truân mà NXB cùng tác giả phải vượt qua khi xuất bản cuốn tiểu thuyết lịch sử “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh.

 Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã ra mắt CLBNYS trong niềm hân hoan chào đón của cử tọa. Là người gắn bó với NXB Phụ Nữ lâu năm nhất, ông kể lại những lần đội ngũ làm sách của NXB Phụ Nữ cùng tác giả kiên trì vượt qua khó khăn để cho ra đời những cuốn sách có giá trị. Chẳng hạn, khi bản thảo bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần gặp khó chưa thể ra mắt, các biên tập viên cùng lãnh đạo NXB đã không buông xuôi. Họ làm đủ cách để tác động đến cơ quan chủ quản, đồng thời nhờ Hội Nhà văn can thiệp trong quá trình thẩm định bản thảo, và nhân nhượng ít nhiều trong giới hạn chừng mực khi biên tập. Nhờ đó, Bão táp triều Trần đã được xuất bản và được tặng giải thưởng Nhà nước.

 Viết tiểu thuyết lịch sử vì lợi ích của tổ quốc và nhân dân, Hoàng Quốc Hải muốn qua tác phẩm của mình làm sống lại những trang sử hào hùng và bi tráng của dân tộc. Ông dựa vào lịch sử để viết tiểu thuyết, nhưng không tin tuyệt đối vào chính sử, vì người chép sử luôn phải chịu áp lực của giới cầm quyền mà uốn cong ngòi bút tạo nên những trang sử không công bằng. Bởi thế, ông chỉ thông qua chính sử để tự mình giải mã mà tìm ra sự thật. Theo ông, đọc chính sử thì phải biết nghi ngờ để từ đó ta có thể tìm đến chân lý lịch sử. Đã là tiểu thuyết lịch sử thì hư cấu là thuộc tính của nó. Nhưng hư cấu một cách chân thưc lại chính là phương pháp tối ưu để giải mã lịch sử. Đối chiếu sự kiện viết trong sách sử với sự vận hành đích thực của thời đại lịch sử đó, ta sẽ giải mã được chân lý lịch sử. Truyền tải sự thật lịch sử qua tiểu thuyết lịch sử là sứ mệnh của mỗi nhà văn. Bởi thế, nhà văn không được đưa tà tâm của mình vào tiểu thuyết để xuyên tạc lịch sử theo dụng ý của mình

 Dịch giả Lưu Đình Tuân nêu lên một tình trạng đáng báo động hiện nay về văn hóa đọc của người Việt Nam nói chung và sinh viên nói riêng: người ta thích thú với thông tin trên mạng xã hội và những trò chơi điện tử hơn là đọc sách in với những ấn bản tốt đẹp cả về nội dung lẫn hình thức. Theo ông, đọc sách phải xuất phát từ ý thức của mỗi cá nhân. Do vậy, việc nâng cao ý thức văn hóa đọc phải được nhen nhóm từ những người yêu sách và thực sự ham mê đọc sách.

  Dịch giả PGS Lê Sơn chia sẻ vài kỷ niệm đáng nhớ khi ông được cộng tác với NXB Phụ nữ để tỏ lòng tri ân. Đó là lần đầu tiên năm 1984, ông nhận viết lại lời giới thiệu cho cuốn truyện “Cánh đồng mẹ” của nhà văn Liên Xô nổi tiếng Chingis Aitmatov với điều kiện phải xong trong vòng 5 ngày. Nhưng rồi chờ mãi chẳng thấy sách ra, cho đến hai năm sau, lời giới thiệu của ông mới được đăng tải trong bản in năm 1986 của tác phẩm này. Lần thứ hai là vào năm 2004, khi  “Truyện con vẹt” do ông dịch đăng trong cuốn“Truyện cổ dân gian Ấn Độ” do NXB Khoa học xã hội xuất bản năm 1982, được NXB Phụ nữ tái bản thành sách riêng dưới tựa đề “Chuyện về loài vẹt”. Ông đã ngỡ ngàng thắc mắc không biết ai ở NXB Phụ nữ đã tự ý thay đổi tên tác phẩm, để con vẹt là chủ thể dẫn chuyện biến thành khách thể, giống như một câu chuyện kể về loài chim vẹt trong sách sinh vật học. Dù chưa biết ai tự động thay đổi tên sách như vậy, nhưng giám đốc NXB lúc bấy giờ đã dũng cảm nhận trách nhiệm để xin lỗi tác giả, và hứa khi tái bản sẽ in đúng tên tác phẩm. Một kỷ niệm đáng nhớ nữa là khi ông được mời dự Lễ Kỷ niệm 45 năm ngày Thành lập NXB Phụ nữ được tổ chức tại Viện Bảo Tàng Hồ Chí Minh vào ngày 21/10/2002. Ông đã rất cảm động khi mình chỉ cộng tác theo kiểu “dây máu ăn phần” với NXB Phụ nữ mà cũng được mời dự và nhận  những món quà quý như các cộng tác viên thâm niên khác. Theo ông, NXB Phụ Nữ đã dành cho các cộng tác viên những tình cảm sâu đậm, lấy sự thân tình, thuyết phục nhau bằng tình cảm để làm sách bằng tâm huyết của mình.

 Luật sư Nguyễn Anh Tuấn góp bàn: để khuyến đọc thì sách hay về nội dung vẫn chưa đủ, mà  hình thức sách còn phải đẹp, lời giới thiệu cũng phải hay. Hiện nay rất nhiều sách được phát hành, địa phương nào cũng có trường đại học nhưng nhiều sinh viên vẫn chưa tiếp cận được sách để tham khảo tài liệu. Các doanh nhân là trí thức nhưng chưa mặn mà với sách vì chê sách in không đẹp. Kinh nghiệm làm sách ở nước ngoài cho biết họ in sách qua 3 giai đoạn: trước tiên in rất đẹp để chào mời, tiếp đó in đại trà và cuối cùng là in kiểu sách mini dễ mua dễ đọc.

 Nhà giáo Lê Vinh Quốc  đã bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao những bộ tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Với tư cách là người chuyên nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, ông coi đó là kho tàng tri thức có giá trị rất lớn đã làm cho lịch sử sống động với bộ mặt thật sự của nó, đó là nguồn tài liệu đáng tin cậy vô cùng quý báu để giúp thế hệ trẻ hiểu hiện thực lịch sử là như thế nào. Với NXB Phụ nữ, ông được giao tiếp với giám đốc Hoa Phượng khi dự buổi ra mắt tác phẩm “Người yêu dấu” của nhà văn Dạ Ngân ở Đường sách Nguyễn Văn Bình. Qua đó, ông nhận ra một nữ giám đốc đầy bản lĩnh có tầm nhìn sâu rộng nên NXB Phụ nữ đã và sẽ cho ra những tác phẩm quý giá, bất chấp những khó khăn do bộ máy kiểm duyệt gây ra.

Tiếp đó, TS Lê Vinh Quốc gợi ý:  Nếu NXB Phụ nữ có thể xuất bản  cuốn “Đổi mới Giáo dục Việt Nam - một bối cảnh và những con đường” của vợ chồng TS Nguyễn Duy Khang-TS Phan Thị Tuyết Vân (ở trường Cao đẳng Cộng đồng Vĩnh Long) thì ông sẵn sàng viết lời giới thiệu. Rồi ông đề xuất việc tái bản cuốn “Những phương pháp giáo dục ở các nước và vấn đề Cải cách Giáo dục” (Thanh Nghị Tùng Thư xuất bản năm 1945) của cụ Vũ Đình Hòe - Cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong tác phẩm này, cụ Hòe đã tiếp cận nền khoa học giáo dục hiện đại trên thế giới và đưa ra đường lối cải cách giáo giáo dục rất sáng suốt cho Việt Nam, có tác dụng soi chiếu cho cuộc đổi mới giáo dục hiện hành ở nước ta.

Nhân dịp này, nhà giáo Lê Vinh Quốc đã ký tặng Giám đốc NXB Phụ nữ cuốn Hồi ký của mình nhan đề “Nước chảy dưới chân cầu - chuyện đời tôi và thời của chúng tôi” như một nguồn tư liệu chuyên khảo giúp độc giả hiểu rõ hơn lịch sử và giáo dục của nước ta trong thời mà chúng ta đang sống.

 Giám đốc Hoa Phượng đã cảm ơn lời phát biểu của thầy Quốc, bà hứa sẽ nghiên cứu những gợi ý đề xuất của ông về việc xuất bản và tái bản 2 cuốn sách trên. Bà cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ Dự án Giáo dục NES EDUCATION của TS Bùi Trân Phượng và TS Lê Vinh Quốc với kỳ vọng rằng NXB sẽ cùng Dự án góp phần vào việc đổi mới giáo dục phổ thông.

Tán thành ý kiến của luật sư Anh Tuấn về hình thức sách in ra phải đẹp, giám đốc Hoa Phượng giải thích việc đó phải tùy thuộc vào thực lực của NXB (họa sĩ minh họa, thiết kế, quy cách máy in, chất liệu giấy....).

Nhà thơ Trần Mai Hường chia sẻ rằng nghề làm sách cũng lắm công phu, làm sách là trả nghĩa văn chương, còn lợi nhuận kinh tế chỉ là hệ quả của giá trị văn hóa-tinh thần. Chị cho rằng các NXB danh tiếng luôn có đội ngũ chuyên gia kỹ thuật cao để tạo nên các ấn phẩm tốt đẹp về cả nội dung lẫn hình thức.

Độc giả Đoàn Hồng Lan Vân, nguyên cán bộ Viện Y học Dân tộc Quân đội, chia sẻ với cử tọa về thú vui đọc sách của mình. Sách trở thành người bạn gần gũi khi chị xa nhà đi học ở Trung Quốc. Rất hào hứng khi được tham dự buổi sinh hoạt này, chị hy vọng mình sẽ đồng hành cùng CLBNYS và NXB Phụ nữ để làm cầu nối trong việc gắn kết công tác khuyến đọc của những người làm sách và yêu sách với các doanh nghiệp.

 Chị Trần Thị Thư, người phụ trách Thư viện Cộng đồng (the Book café Thư Giang), đánh giá cao các tác phẩm về Giáo dục của NXB Phụ nữ. Chị mong nhận được sự hỗ trợ sách từ NXB Phụ nữ và CLBNYS cho thư viện của mình có điều kiện hoạt động tốt hơn.

 Thay mặt NXB Phụ nữ, giám đốc Hoa Phượng hứa sẽ quan tâm trợ giúp thư viện ở các địa phương; đồng thời chị gửi ngay một thùng sách để tặng Thư viện tư nhân ở huyện Củ Chi (nhờ CLBNYS chuyển giúp).

  Sau cùng, chủ nhiệm Phạm Thế Cường cảm ơn NXB Phụ nữ cùng nhà văn Hoàng Quốc Hải đã nhiệt tình tham gia cuộc Tọa đàm hữu ích với CLBNYS nhằm thúc đẩy sự phát triển của văn hóa đọc. Ông thông báo chủ đề cuộc sinh hoạt CLB sắp tới vào ngày 6-1-2019 là Mừng Xuân Kỷ Hợi và trao đổi với dịch giả Phạm Nguyên Trường.

Cuộc Tọa đàm Giao lưu giữa CLBNYS với NXB Phụ nữ và nhà văn Hoàng Quốc Hải đã kết thúc bằng bữa tiệc Tất niên 2018 tràn ngập niềm vui.

NGỌC DUNG

Các Bài viết khác