NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TỌA ĐÀM “CAO HƠN BẦU TRỜI” VỚI NHÀ VĂN NGUYỄN MINH NGỌC

( 26-12-2018 - 11:13 PM ) - Lượt xem: 683

Kỷ niệm 74 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, sáng ngày 09-12-2018 tại Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (352 đường số 8, phường 11, Gò Vấp, Tp.HCM), Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLBNYS) đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Tác phẩm văn học viết về Không quân nhân dân Việt Nam”. Đã có 25 thành viên CLBNYS cùng các vị khách mời về tham dự tọa đàm và giao lưu thân mật với nhà văn Nguyễn Minh Ngọc về các tác phẩm văn học và hồi ký viết về Không quân Việt Nam và kịch bản phim truyện truyền hình “Cao hơn bầu trời" - bộ phim xúc động về người lính không quân và thân phận con người đi qua cuộc chiến tranh.

Mở đầu, Chủ nhiệm Phạm Thế Cường đã phân phát Tập san “Người Yêu Sách số 83” (số đặc biệt dành cho cuộc Tọa đàm này với chủ đề “Cao hơn bầu trời”); tiếp đó, ông giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của Không quân nhân dân Việt Nam. Ngày 24/01/1959 Cục Không quân chính thức được thành lập và ngày 30/5/1963 Trung đoàn không quân tiêm kích 921 với mật danh đoàn Sao Đỏ ra đời. Trong kháng chiến chống Mỹ giai đoạn 1964 – 1972, Không quân Nhân dân Việt Nam dù chỉ được trang bị hai loại tiêm kích chủ lực MIG-17, MIG-21 nhưng đã giành hàng trăm chiến thắng vẻ vang . Trong số các phi công nổi tiếng, có 3 anh hùng phi công trở thành huyền thoại từ bầu trời: Anh hùng Nguyễn Văn Cốc, bắn rơi 11 máy bay (bao gồm máy bay không người lái); anh hùng Nguyễn Văn Bảy (A), đã xuất kích 94 lần, 13 lần nổ súng và hạ 7 máy bay Mỹ mà không bị bắn rơi lần nào; anh hùng Nguyễn Đức Soát, bắn rơi 6 máy bay… Nói về những tác phẩm văn học đầu tiên viết về Không quân Việt Nam, Chủ nhiệm Thế Cường đã điểm qua một số gương mặt nhà văn viết về Không quân: năm 1967 nhà văn Nguyễn Đình Thi là người đầu tiên viết về Không quân với “Mặt trận trên cao” dưới dạng tiểu thuyết, sau đó nhà văn Hữu Mai từ năm 1971 đến 1980 viết liền 3 tập tiểu thuyết “Vùng Trời” (T1 - 1971, T2 - 1975, Tập 3 - 1980). Sau thời gian này, các nhà văn từng công tác ở Không quân viết chủ yếu là  ký, ký sự, truyện ngắn và rất ít tiểu thuyết như Lê Thành Chơn, Hà  Bình Nhưỡng, Nguyễn Công Huy, Nguyễn Minh Ngọc… mà chất liệu chủ yếu là người thật việc thật.

            Đi vào chủ đề chính của buổi tọa đàm, chủ nhiệm Thế Cường đã giới thiệu sơ nét về đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc - tác giả kịch bản phim “Cao hơn bầu trời”. Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc còn có các bút danh Lan Chi và Đức Nguyện. Ông sinh ngày 30/8/1957, quê quán làng Quang Dụ, xã Đức Quang, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tháng 4/1975, đang học phổ thông thì nhập ngũ, cuối năm 1975, về Quân chủng Phòng không - Không quân. Ông được đào tạo thành sĩ quan chính trị tại trường Sĩ quan Không quân (1980 – 1983), từng là Trưởng ban Tuyên huấn Nhà trường. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Huế (1987 – 1991); ông chuyển sang làm biên tập văn xuôi tạp chí Nha Trang thuộc Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Khánh Hòa (1997). Cuối năm 2004, Bộ Quốc phòng điều ông về Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (NXB QĐND) phụ trách Tạp chí Văn hóa Quân sự và chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh. Với quân hàm Đại tá, ông là Phó ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX, Phó ban Kiểm tra Hội nhà văn TP. Hồ Chí Minh khóa VII (2015 - 2010). Là một nhà văn tài năng có sức viết rất khỏe, ông đã xuất bản được nhiều tác phẩm có giá trị cao: Cành mận trắng (tập truyện, NXB Thanh Niên, 1997); Một thời và mãi mãi (tập ký, NXB Hội Nhà văn, 2001); Bay đêm (tập truyện, NXB QĐND, 2002); Trong nắng gió Trường Sa (tập ký, NXB QĐND, 2006); Cao hơn bầu trời (kịch bản phim truyện, 50 tập, Hãng phim Giải phóng, 2012); Một thoáng đất và người (tập ký, NXB QĐND, 2014)... Ông đã giành được các giải thưởng văn học: Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn Cây bút vàng (1996-1998) của Hội Nhà văn VN và Bộ Công an; Giải Nhất cuộc thi ký Khánh Hòa xưa và nay của Hội VHNT Khánh Hòa.

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc giao lưu với CLB ngày 9/12/2018

 

Tiếp theo, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đã chia sẻ cùng các thành viên CLBNYS một số chi tiết trong quá trình viết kịch bản và làm phim Cao hơn bầu trời, bộ phim truyền hình dài tập, hoành tráng nhất về chiến tranh Việt Nam đang được phát sóng trên kênh VTV9. Theo ông, tuy chuyên viết văn xuôi nhưng từ lâu nhà văn đã từng đọc một số kịch bản của các nhà văn đàn anh và mơ viết một bộ tiểu thuyết dài về đề tài Không quân. Cơ duyên đã đến vào năm 2011 khi ông gặp ông Thái Hòa - Giám đốc hãng phim Giải phóng, khuyến khích nhà văn viết kịch bản phim nhiều tập. Nguyễn Minh Ngọc đã tự mày mò, trang bị cho mình những kiến thức để hoàn thành 50 tập với 2.500 trang kịch bản phim Cao hơn bầu trờiđể chào mừng ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12) và chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (18/12). Với tâm niệm phải viết cho hay, cho mới để xây dựng trong phim cuộc sống của người Hà Nội, từng ngôn ngữ vùng miền của hơn 140 nhân vật phim với đầy đủ tính cách và khí phách riêng, những người con miền Nam ra Bắc đánh giặc, các phi công chiến đấu, sĩ quan điều khiển tên lửa... Viết hay và thật tâm sẽ không lệ thuộc người duyệt. Tên phim được “chiết” từ những dòng nhật ký của phi công Hà Vĩnh (nhân vật phim) điều anh “tâm sự” với đứa con tương lai: “Con ơi, cao hơn bầu trời là Tổ quốc Việt Nam!...” Nhưng rồi trong một trận đánh, Hà Vĩnh hy sinh mà chưa kịp nhìn thấy mặt con. Bộ phim đã đưa ra những thông điệp mới về cách nhìn nhận con người: tình yêu mãnh liệt của người lính phi công (nếu không có tình yêu thì người lính chiến đấu về cái gì?); cái tâm cái tầm của người lãnh đạo để nhìn nhận con người cho đúng....

 Cử tọa còn được nghe nhà văn Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ những kỷ niệm xung quanh bộ phim Cao hơn bầu trời. Khi  mới viết được khoảng nửa kịch bản, ông bị tai nạn gãy xương bánh chè đầu gối, phải nhập viện mổ ngay dịp Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mới có quyết định đưa bộ phim đang viết của ông vào sản xuất với hơn 70% kinh phí do ngân sách Nhà nước bảo trợ. Bởi thế, dù chân đang phải bó que chống nạng, ông vẫn phải viết cho xong 25 tập còn lại, đến nỗi đầu gối bị cong gập buộc ông  phải đi tập vật lý trị liệu. Phim vừa quay xong thì máy bay MIG-21 phải xếp kho vì quá cũ; nhà máy Dệt Nam Định cũng bị đập đi để xây mới. Do vậy, nếu chỉ thực hiện chậm vài tháng thì phim chẳng có được những cảnh quay trên hiện trường lý tưởng như ta thấy trên phim. Mới quay xong vài tập, nghệ sĩ Văn Hiệp (vai bảo vệ nhà máy) lại qua đời vì bạo bệnh, phải chỉnh kịch bản, thay diễn viên khác...

 Chủ nhiệm Thế Cường hỏi: tên kịch bản phim Cao hơn bầu trờicủa nhà văn Nguyễn Minh Ngọc trùng với tên tác phẩm “Cao hơn bầu trời” của nhà văn Văn Lê, vậy người nhà của ông Văn Lê có thắc mắc không? Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đáp: đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên của hai người cùng chung ý tưởng mà không phải sao chép của nhau; vậy nên Văn Lê hoàn toàn tôn trọng sự lựa chọn của Nguyễn Minh Ngọc. Tác giả Nguyễn Minh Ngọc cũng bộc bạch thêm: “Nếu hồi viết kịch bản phim Cao hơn bầu trời tôi được đọc “Lính Bay”“Những trận không chiến trên bầu trời BắcViệt” của tướng Phạm Phú Thái thì chắc chắn kịch bản phim sẽ hay hơn, tốt hơn.” Tiếp đó, ông kể thêm: có một “bậc tiền bối” tài đức vẹn toàn đã ảnh hưởng tích cực đến sự nghiệp sáng tác của mình: Đại tá Phạm Quế Dương, cựu tổng biên tập NXB QĐND, sau khi nghỉ hưu vẫn kiên cường đấu tranh đòi dân chủ hóa văn nghệ và chính trị của đất nước.

Nhà văn Phan Đạt Ninh chia sẻ một kỷ niệm khi nhà văn Nguyễn Minh Ngọc biên tập Tập truyện  Hoa Mẫu Đơn” của Xuân Sách. Cuốn sách chưa kịp phát hành thì nhà văn Xuân Sách đã qua đời. Trước tình thế bất ngờ đó, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đã cố gắng hoàn thành việc biên tập ngay trước ngày đưa nhà văn Xuân Sách về nơi an nghỉ cuối cùng, để có thể đốt Tập truyện Hoa Mẫu Đơn mới in xong kính viếng hương hồn nhà văn Xuân Sách.

Độc giả Võ Xuân.Tòng hỏi: kịch bản phim Cao hơn bầu trời có phỏng theo tác phẩm của một nhà văn nào khác? Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đáp rằng ông có tham khảo nhiều tác phẩm của các tác giả khác viết về Không quân Việt Nam; nhưng kịch bản Cao hơn bầu trời là tác phẩm sáng tạo của riêng ông mà không phỏng theo một tác phẩm nào khác. Ông nói thêm rằng: giờ đây tôi đang chuyển thể kịch bản phim này thành tiểu thuyết (một “quy trình ngược” so với cách làm thông thường!).

PGS Lê Sơn đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ của ông đối với nhà văn-phi công Phạm Phú Thái qua cuốn Hồi kư “Lính bay-2” mà ông đã đọc rất kỹ để viết bài “Tưởng mình sống giữa trận tiền” (đăng trong Tập san “Người Yêu Sách” số 83). Tiếp đó, ông đánh giá cao giá trị nghệ thuật của truyện phim “Cao hơn bầu trời” của Nguyễn Minh Ngọc qua những tập phim đã được xem trên các kênh truyền hình. Để chia sẻ với Nguyễn Minh Ngọc, ông kể lại những ấn tượng tốt đẹp của mình đối với Đại tá Phạm Quế Dương mà ông gọi là “một nhà văn hóa tầm cỡ quốc tế”.

Nhà thơ nữ Trần Mai Hường chia sẻ việc chuẩn bị ra mắt cuốn Lính bay-2” của Phạm Phú Thái với rất nhiều gian truân trở ngại khi cô là người trực tiếp biên tập cuốn sách này. Qua đó, cô biểu thị sự đồng cảm với nhà văn Nguyễn Minh Ngọc về giá trị của tác phẩm “Cao hơn bầu trời” của ông.

Nhiếp ảnh gia Trần Quốc Hải ôn lại những thành tích vẻ vang của Không quân Nhân dân Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ; rồi góp vui với cử tọa một ca khúc về tình yêu của anh lính phi công thời chiến.

Kết thúc buổi tọa đàm, Chủ nhiệm Phạm Thế Cường thông báo chủ đề buổi sinh hoạt cho kỳ tháng 01 và tháng 02 năm 2019: CLBNYS sẽ tổ chức giao lưu với dịch giả Phạm Nguyên Trường vào ngày 06/01/2019.  

NGỌC DUNG

Các Bài viết khác